Được tạo bởi Blogger.

[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐẦU TIÊN ĐI HỌC VÀ TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


TỔNG HỢP TÌNH HÌNH ĐI HỌC TUẦN ĐẦU TIÊN CỦA BẠN XỐP 
& TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN CỦA BẠN
Tuần đầu tiên đi học nửa ngày và có người kèm, con sinh ra hai tật xấu: một là hay cho tay vào mồm - việc mà từ trước đến nay con rất ít khi làm, đặc biệt không chỉ cho một ngón tay mà nhiều khi con còn cho 3 ngón hoặc cả bàn tay vào mồm; hai là con bắt đầu hiểu chuyện và mặc cả rằng "con đi học với bà Quyên" (bà Quyên là tên bác giúp việc nhà mình).

Bên cạnh đó, khi con đi học được 4 ngày, mẹ có lên gặp trực tiếp các cô đứng lớp và tham khảo ý kiến thì các cô nói rằng: so với các bạn 2,5 tuổi về trí tuệ con trộm vía phát triển tốt, nhanh nhẹn, tiếp thu được nhiều thứ. Đặc biệt trong hai vấn đề là ăn uống và ngôn ngữ con phát triển rất tốt, tự lập và không phụ thuộc. Điều này mẹ không hề ngỡ ngàng.

Đúng là so với các bạn đồng trang lứa, có thể con không mập mạp hoặc nặng cân bằng, nhưng con ăn tốt, mức ăn con ở ngưỡng trung bình chứ không phải là ít, không bao giờ có chuyện mẹ ép con ăn bằng được (trừ khi con ốm) và kĩ năng tự cầm thìa và bát xúc ăn mẹ đã luyện cho con từ khi được hơn 1 tuổi nên con làm rất thuần thục.

Mẹ đã áp dụng việc cho con đi Viện Dinh Dưỡng để thay đổi chế độ ăn cũng như cách thức nấu thức ăn, nhưng nhìn chung 90% những gì mẹ làm bác sĩ đều đồng tình cho rằng mẹ đã làm đúng, và con chỉ nhẹ cân so với các bạn cùng trang lứa chứ không hề bị suy dinh dưỡng! Tuy nhiên khoảng 1 tháng trước khi cho con chính thức đi học, mẹ rút dần các loại thuốc bổ sung chất, và sau đó là cắt hẳn để con không phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuốc đấy, mục đích của mẹ là muốn cơ thể con tự điều tiết và thay đổi sao cho phù hợp chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào thuốc thang. Thì chỉ sau độ 2 tuần, con lại hơi gầy đi một tẹo, và tình trạng cân nặng của con thì cũng không tăng lên nhiều như khi con uống thuốc dinh dưỡng.

Mẹ hiểu rằng, không phải do cách mẹ chăm con sai, mà là do cơ thể con không hấp thụ được nhiều chất vì vậy việc con không bụ bẫm, không béo tốt là điều không tránh khỏi. Và mẹ cũng không cần con bụ bẫm, béo tốt!

Về mặt ngôn ngữ, con cũng có sự phát triển tốt mà mẹ rất hài lòng. Cách diễn đạt câu cú của con nhiều khi vẫn còn ngọng và hơi bị ngược. Ví dụ, khi mẹ hỏi con có đi tè không, ý con muốn nói rằng: "không, sáng nay bà đã xi tè cho con rồi", thì con lại nói ngược thành "không, bà xi sáng nay, con tè rồi". Hoặc nhiều ví dụ khác nữa mà trong dòng suy nghĩ khi type những dòng này mẹ không thể nhớ được. Nói chung là, ở thời điểm hiện tại người lớn nói gì con đều hiểu hết, và đều có thể biểu hiện ra quan điểm cá nhân của mình hết.

Các cô cho rằng đó là điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm cần lưu ý khi mẹ muốn cho con đi học cả ngày ở trường và không có người đi cùng. Phần vì sự nhận thức của con rất tốt, nên các cô sẽ không dễ "lừa" con để con quên mẹ và nhanh nín khóc so với các bạn bé hơn hoặc bằng tuổi nhưng nhận thức không phát triển bằng. Tuy nhiên, các cô cũng bày cách cho mẹ là hãy nói chuyện để cho con hiểu, đại loại: "bây giờ con đã lớn, bà Quyên còn bận nhiều việc nhà, bố mẹ bận đi làm, con phải tự lập trong việc đi học. Nhiều bạn ở lớp cũng như thế, con phải chấp hành đúng nội quy v.v.."

Mẹ về áp dụng triệt để cách cô hướng dẫn, xem chừng con có vẻ cũng hợp tác, nhưng nói chung mẹ cũng không tin lắm vào việc con sẽ chấp nhận sự thật phải đi học một mình trong những ngày đầu, và sẽ liên tục quấy khóc, bướng bỉnh.

Một trong những "sự kiện" của tuần đầu tiên đi học, đó là con bị ốm.

Mọi biểu hiện của con đều bình thường, cho đến chiều thứ 7 khi mẹ đi học về, thấy có cuộc gọi nhỡ của bác giúp việc. Bác nói rằng bác thấy con ăn nuốt hơi khó khăn, co rúm người lại mỗi lần nuốt, và hơi ậm ọa buồn nôn. Trong khi con không có biểu hiện sổ mũi, ho hay nôn ọe gì trong nhiều ngày trước. Mẹ đã cầm đèn pin lên soi vào họng, và thấy hai bên thành họng con hơi ửng đỏ lên. Mẹ cho con đi khám bác sĩ, được chuẩn đoán là viêm loét họng.

Con bắt đầu hâm hấp sốt từ chiều Thứ Bảy, và sốt liên tục trong đêm ngày Thứ Bảy vừa rồi. Cứ 4 tiếng cơn sốt lại lên, mẹ phải cho con uống thay phiên Efferalgan và Sotstop. Sáng Chủ Nhật con vẫn sốt, nhưng "cữ" sốt kéo dài ra khoảng 6-7 tiếng đồng hồ, đến đêm Chủ Nhật con ra nhiều mồ hôi và hạ sốt nhanh. Ngày Thứ Hai con vẫn hâm hấp, mẹ phải xin nghỉ làm ở cơ quan vì lo lắng con sẽ quấy khóc và sốt lại. Trộm vía con chỉ hâm hấp đến 37,8-37,9 độ sau đó con tự hạ, và đến chiều tối thì con hạ sốt hẳn chỉ còn 37,1-37,2 độ. Sang ngày Thứ Ba thì con hoàn toàn trở về với nhiệt độ bình thường.

Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, mặc dù sốt nhưng chỉ cần hạ là con ăn chơi tốt và ngoan, không có biểu hiện nôn ọe, biếng ăn. Điều này khiến mẹ rất mừng. Hồi xưa khi con bé, chỉ cần con lên đến nhiệt độ 37,8 độ thôi là con sẽ rất quấy, bỏ ăn và chỉ có bú mẹ thì mới dỗ được con nín khóc. Chính vì vậy mỗi lần chăm con ốm khi con còn bé mẹ rất mệt mỏi, áp lực và căng thẳng. Trộm vía mỗi tuổi một khác, giờ lớn hơn mặc dù ốm nhưng con vẫn chịu chơi, vẫn chịu ăn. Chỉ khi bắt đầu chạm ngưỡng 38,5 độ thì con mới khóc vì mệt và đòi mẹ bế.

Kể từ chiều ngày Chủ Nhật đến ngày Thứ Hai, con có biểu hiện đau mồm và khóc vì đau mồm mỗi khi ăn. Mẹ lo lắng cho con đi khám lại bác sĩ, bác soi và thấy họng con bắt đầu xuất hiện những nốt nhiệt - đây là biểu hiện hết sức bình thường của bệnh viêm loét họng, quan trọng là con đã hết sốt thì bệnh cũng sẽ dần dần suy giảm. Quan trọng hơn, từ hôm Thứ Bảy đến giờ con không mọc nốt ban ở tay chân, vết loét chỉ ở trong cuống họng chứ không lan ra lưỡi và hai bên thành miệng, vì vậy bác sĩ loại trừ khả năng con bị Tay-Chân-Miệng và cho rằng con vi-rút gây ra việc loét họng lần này ở con là loại vi-rút lành tính, bệnh sẽ thuyên giảm trong một vài ngày tới.

Đến hôm nay là Thứ Tư, trộm vía con đã khỏe mạnh trở lại, mức ăn cũng đã quay lại với quỹ đạo bình thường. Duy chỉ có một vấn đề là con hơi táo một tẹo, và mẹ cũng mới quyết định cho con ăn lại cơm từ hôm nay còn lại mấy hôm trước mẹ chủ yếu nấu cháo loãng cho con ăn để dễ nuốt và đỡ đau họng hơn.

Mẹ quyết định ngày mai sẽ cho con đi học lại. Cô giáo hôm qua đã gọi điện hỏi thăm tình hình, và cũng mong mẹ cho con đi học lại vì cuối tuần này là Trung Thu, và lớp con sẽ có một tiết mục biểu diễn trong chương trình Khai giảng - Tết Trung Thu và triển lãm mỹ thuật thường niên của trường.

Hy vọng ngày mai con đi học sẽ không có vấn đề gì. Cũng chỉ là hy vọng thôi, vì nhiều khi con hay làm trái lại với những hy vọng của mẹ lắm :D

KINH NGHIỆM NHẬN BIẾT VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM LOÉT HỌNG CHO TRẺ

Bạn Xốp nhà mình bị Chân-Tay-Miệng một lần rồi, và lần này là bị viêm loét họng. Về cơ bản thì hai bệnh này na ná như nhau, có điều Chân-Tay-Miệng nguy hiểm hơn. Cũng dựa trên hai lần chăm con ốm, mình cũng gọi là có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ với mọi người.

Bệnh thường "ủ" từ 3,4 ngày đến 1 tuần. Nên nhiều khả năng bạn Xốp bị lấy ở lớp, và nguyên nhân chính là do hay cho tay vào mồm (như mình đã nói ở đầu bài).

Chân-Tay-Miệng sẽ phát ra những nốt ban ở kẽ tay, kẽ chân, bàn chân, mông... khiến trẻ bị ngứa ngáy, họng sưng đỏ và loét, khiến trẻ không ăn uống được hoặc ăn uống rất khó khăn. Ứng phó với bệnh này, hồi mình vào Đà Nẵng và chữa bệnh tại đấy (chi tiết thì mình có ghi ở trong post trước đây, mọi người quan tâm có thể đọc tại đây), các bác sĩ cho bé nhà mình uống thuốc an thần để bé ngủ - tránh việc gãi ngứa gây lở loét, họng thì bôi thuốc để bé không đau khi ăn, và sau khi ăn thì rửa họng bằng nước muối sinh lý, sốt thì uống hạ sốt, uống kháng sinh để trị viêm loét bên trọng họng. Vậy thôi. Bệnh này quan trọng nhất là theo dõi xem có biểu hiện gì bất thường không để kịp thời xử lý.

Với viêm loét họng - cũng có thể nói là một dạng Chân-Tay-Miệng nhưng nhẹ hơn. Tùy vào cơ địa từng bé và tùy vào thời gian bạn phát hiện bệnh sớm hay muộn để kịp thời điều trị. Bệnh không hề có biểu hiện gì lạ lẫm, với bé nhà mình chỉ đơn giản là nuốt khó, có vẻ đau khi nuốt, mỗi lần nuốt cơ thể co dúm lại vì đau... với các bé khác thì có thể kèm thêm nôn chớ, sốt nhẹ v.v.. Cũng tùy thuộc vào mỗi bé mà có bé sốt lâu có bé sốt nhanh, như bạn Xốp nhà mình lần này trộm vía là hạ sốt nhanh và không sốt quá cao.

Khi thấy có biểu hiện đáng nghi, bạn có thể dùng đèn soi họng và miệng của con. Bệnh mới chớm thì chỉ bị ở hai bên thành cuống họng, ửng đỏ nhẹ nhè... Nhưng khi đã nặng hơn thì sẽ xuất hiện các vết như kiểu bị nhiệt miệng, nặng hơn nữa thì lan ra hai bên thành miệng và lưỡi. Đặc điểm chung khi bị nặng là sốt cao (do loét gây viêm, và viêm thì sẽ gây sốt), và trẻ khó ăn uống (không ăn được, ăn bị nôn) vì đau họng. Ngoài ra bệnh này là vi-rút thuộc về đường tiêu hóa, vì vậy bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian bị bệnh.

Để chữa bệnh viêm loét họng thì chỉ có cách duy nhất là đưa trẻ đi bác sĩ - bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bé uống. Uống kháng sinh là bắt buộc, vì bệnh này bị ở bên trong vòm họng, mà họng thì lại thường xuyên ẩm ướt do nước bọt tiết ra - rồi thức ăn đi vào qua đường họng... vì vậy không thể tránh được việc họng đã loét càng loẹt nặng hơn, rất lâu lành. Kháng sinh là cách duy nhất giúp bệnh thuyên giảm và hạn chế tình trạng loét nặng hơn.

Ngoài ra bạn cần chuẩn bị:

- Thuốc hạ sốt: Efferalgan và thêm một loại thuốc siro nữa - lúc nào trong tủ thuốc của nhà cũng phải có sẵn thuốc hạ sốt cho con.

Ttrong những ngày đầu tiên khi phát bệnh, trẻ sẽ sốt cao, sốt liên tục, cách 3-4 tiếng lại sốt một lần. Efferalgan có đặc điểm là sử dụng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, vì vậy khi mua cần nói rõ cân nặng của bé để người bán thuốc đưa đúng loại. Tuy nhiên Efferalgan chỉ được uống cách 4 tiếng/lần, trong khi những ngày đầu trẻ sẽ sốt liên tục có khi chưa đến 2 tiếng đã sốt lại.

Có nhiều loại Efferalgan trên thị trường, các bé sẽ bắt đầu với loại 80mg, sau đó là 150mg và hơn nữa - PHỤ THUỘC VÀO CÂN NẶNG
Siro hạ sốt phải sử dụng đúng theo hướng dẫn, cách 6 tiếng uống 1 lần

Ngoài việc tích cực chườm nước ấm (ở trán, nách, bẹn và quấn vào bàn chân thì càng tốt, tháo bỉm và mặc quần áo thoáng, ở trong phòng thoáng khi và trách gió), bạn nên chuẩn bị sẵn một loại thuốc hạ sốt dạng siro bên cạnh Efferalgan. Trong trường hợp 2 tiếng bé lại sốt cao lại, hãy cho bé uống  thuốc hạ sốt dạng siro, và sau 6 tiếng mới được uống thuốc hạ sốt siro lần nữa (chỉ tính việc uống thuốc siro, uống xen kẽ với Efferalgan).

Nếu bé sốt 4 tiếng/lần chỉ nên cho uống với Efferalgan, đừng nên lạm dùng thuốc hạ sốt siro.

- Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%: mình thường xuyên mua loại như trong hình vì đầu được vát tròn tránh gây tổn thương khi nhỏ vào mũi, mắt và miệng trẻ. Sử dụng sau mỗi lần ăn xong, nhỏ nước muỗi vào trong họng để vệ sinh và sát khuẩn. Để tránh việc trẻ bị sặc, nghiêng lọ nước muối để nước chảy xuôi theo thành miệng của trẻ, đừng nhỏ thẳng và bóp mạnh trực tiếp vào họng.


- Thuốc rơ miệng Kamistad Gel: chắc chắn phải có, nếu không trẻ sẽ không thể ăn được. Đây là một loại thuốc có tác dụng làm tê miệng tạm thời, khiến cho trẻ giảm thiểu đau đớn khi ăn - nuốt. Sử dụng 30 phút trước khi cho trẻ ăn, rửa tay sạch, đeo gạc ra lưỡi vào ngón tay, lấy một lượng thuốc vừa đủ bôi nhẹ nhàng xung quanh miệng và trên lưỡi của trẻ. Đừng chọc sâu vào họng trẻ, nước bọt tiết ra sẽ giúp trẻ tự nuốt thuốc vào họng và thuốc sẽ tự phát huy tác dụng. Việc thọc sâu vào họng bôi thuốc khiến trẻ sợ bôi thuốc, đau họng (vì bị ọe) và có thể trong quá trình bôi khiến các vết loét bị xước gây nhiễm trùng nặng hơn.


- Men tiêu hóa: vì đây là loại vi-rút thuộc hệ tiêu hóa và phải sử dụng kháng sinh trong điều trị nên nhất thiết trẻ phải được sử dụng men tiêu hóa trong suốt quá trình điều trị bệnh.

- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước Oresol trong những ngày đầu để tránh mất nước.

- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nguội. Tránh thức ăn cay, nóng, cứng.

- Sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là một số chia sẻ của mình với các mẹ. Mình sẽ tiếp tục update tình hình đi học của bạn Xốp trong những post sắp tới.

Thân,


Không có nhận xét nào