Được tạo bởi Blogger.

NHỮNG THÓI QUEN CỦA MÌNH MỖI KHI TẾT ĐẾN

Xin chào mọi người, chúc mừng năm mới!



Năm nay đã là cái Tết thứ 12 đi làm dâu, cái Tết thứ 10 kể từ khi làm mẹ và là cái Tết thứ 36 trong cuộc đời rồi. Có nhiều những thay đổi trong thói quen đón Tết của mình kể từ khi có ý thức Tết là gì cho tới bây giờ.


Tết hồi con son rỗi là giúp bố mẹ dọn nhà cửa đón Tết, đi chợ hoa Quảng Bá với mẹ đêm 29, sắm bánh mứt kẹo để bày, lựa quần áo mới để mặc ngày Mồng Một, đón Giao Thừa ở nhà bà ngoại sau khi đã ăn bữa cơm Tất Niên với ông bà nội ở nhà, là đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ, nhận lì xì, buôn dưa lê bán dưa chuột với các anh chị em họ hàng cả năm chắc chỉ có dịp gặp nhau 2-3 lần mỗi khi giỗ chạp hoặc về quê chơi. Rồi có khi Mồng Ba gặp bạn bè cà phê chém gió, Mồng Bốn thì về quê hoặc du xuân với cả đại gia đình. Tết hồi đó là sự thảnh thơi, vô lo vô nghĩ, đúng nghỉ Nghỉ Tết - Ăn Tết - Chơi Tết mà không phải bận tâm chút gì.


Tết hồi con son rỗi, thảnh thơi lôi máy ảnh ra chụp mứt kẹo :D

Năm nào bố cũng dành thời gian đi chọn mua đào, mua quất để trưng trong nhà. Đào bố mua bao giờ cũng đẹp, có năm đào phai, có năm đào thắm... cành nào cũng chi chít lộc và hoa.

Tất Niên xong là sắp mâm cỗ cúng Giao Thừa cho bà nội. Rồi xúng xính quần là áo lượt lên đồ xuống nhà bà ngoại xem pháo hoa.

Chọn trước đến cả tháng để mua đồ mới. Sắm sửa đồ mới diện vào sáng Mồng Một đi chúc Tết họ hàng, lúc nào cũng phải là đồ mới và có tí đỏ cho may mắn :D

Tết khi đã đi lấy chồng và có con nhỏ là tất bật. Năm nào gần Tết mà con chỉ cần sổ mũi, hắt hơi, húng hắng ho là lại lo cuống quýt cả lên vì sợ con ốm đúng vào Tết. Con mà ốm đúng dịp đấy thì mất Tết (mà thực sự là có 1 năm con ốm vào đúng ngày Mồng Một rồi!). Tết xa bố mẹ, xa những thói quen đã hình thành nhiều năm, cũng có đôi khi cảm thấy cô đơn, tủi thân và lạc lõng trong gia đình mới. Nhưng rồi mọi sự khó khăn, bỡ ngỡ, ngượng nghịu ban đầu cũng mờ dần đi để hình thành nên thói quen đón Tết mới.


Những năm đầu đón Tết ở nhà chồng, trong một không gian mới còn tương đối lạ lẫm, cảm thấy rất bối rối không biết nên mua gì, sắm gì, sắp xếp như thế nào.

Xong rồi cũng mày mò học dần. Học từ thói quen của gia đình chống đón Tết, từ mẹ chồng, các cô các bác. Rồi cũng tự bày biện sắm sửa, tự sắp xếp ban thờ gia tiên.

Cũng mua mứt kẹo, cũng chuẩn bị sẵn sàng để đón khách tới chơi. Xong nghiệm ra Tết toàn về quê, chả cần mua bánh kẹo làm gì. Từ đấy tiết kiệm được một ít tiền không phải chi thừa thãi cho Tết =))

Tết khi đã lấy chồng nhiều năm và con lớn, sẽ là hình thành nên nhiều những thói quen mới trong đón Tết. Là chủ động sắp xếp, thu vén, vì biết Tết sẽ cần phải làm gì vào những ngày nào, nên không còn bối rối như lúc đầu nữa, con cái cũng lớn - ốm đau giờ đã là chuyện nhỏ, nên lịch trình đón Tết của gia đình cũng chẳng ảnh hưởng mấy, thậm chí còn thoải mái hơn. Quan trọng hơn, là có thể thu xếp thời gian để dành cho mình những "khoảng lặng", những phút giây nghỉ ngơi giữa những tháng ngày hối hả vội vã chuẩn bị cho Tết... và không bị cuốn vào những vòng xoáy khiến mình quay cuồng vì cỗ bàn...


Thói quen 1: Lên lịch dọn nhà


Từng có thói quen dọn nhà trước Tết từ khi còn ở nhà mẹ đẻ, và được giáo dục rằng kể từ giờ phút đêm Giao Thừa trở đi mà nhà vẫn bừa bãi, rác vẫn chưa đổ, quần áo vẫn chưa phơi, việc năm cũ vẫn chưa làm xong... là kém may mắn trong năm mới... Do đó, mình luôn chú trọng việc dọn dẹp, sắp xếp, phân loại và cho/tặng/vứt những món đồ không cần thiết, đồng thời bố trí thời gian để dọn dẹp nhà cửa từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới từ đầu Tháng Chạp Âm lịch, và thường sẽ kết thức trước Rằm Tháng Chạp (Mình đã từng làm clip chia sẻ quá trình dọn nhà đón Tết của mình, từ việc sắp xếp thu dọn ra sao, mẹo dọn và các món đồ dọn nhà hữu ích, cách phân loại và địa chỉ nhận đồ tái sử dụng... mọi người có thể xem ở clip dưới hoặc trên Youtube Mrs.Méo, danh sách phát "Tết" nhé!)


Vlog dọn nhà đón Tết năm 2020

Vlog phân loại đồ để đem đi cho/tặng và dọn nhà đón Tết năm 2021

Mọi năm khi con còn bé, mình có cô giúp việc hỗ trợ việc dọn nhà hằng ngày, hoặc nấu cơm và dọn dẹp để mình tự tay dọn nhà sau giờ làm, nên cũng được nghỉ ngơi một chút, không quá cập rập và gắng sức. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây mình không có giúp việc 24/7 ở tại nhà nữa, mà chỉ thuê một chị đến dọn nhà hàng tuần 1 buổi, 200k/buổi dọn trong vòng 1-1,5 tiếng là xong. Do đó mình tận dụng thuê chị tổng vệ sinh cho nhà mình luôn.

Việc tổng vệ sinh mất nhiều thời gian hơn, dọn kĩ hơn và cũng phải leo trèo nhiều hơn (để dọn những nơi trên cao như nóc tủ, đèn chùm, quạt trần...) nên chị dọn nhà sẽ gọi thêm một chị khác tới phụ giúp cùng. Phí sẽ là 300k/người cho tổng vệ sinh, làm trong khoảng 2 giờ đồng hồ là xong tất tần tật. Thường mình sẽ làm trước Rằm Tháng Chạp, và book lịch trước với chị độ 10 ngày là ok.

Nếu không có điều kiện có người đến dọn nhà hàng tuần để nhờ họ tổng vệ sinh, các bạn có thể tìm cách khác như thuê dịch vụ tổng vệ sinh trên các app dọn dẹp như Btaskee (mình tìm được chị dọn nhà của mình trên app này đây), Jupviec... hoặc nhờ các cô lao công, chị đồng nát trong khu họ cũng nhận dọn nhà (nhưng không phải ai cũng chuyên nghiệp đâu, và giá dịp cận Tết khá đắt nên phải hỏi trước).

Thói quen 2: Thắp hương Ông Công Ông Táo trước ngày 23 Âm lịch

Từ nhiều năm nay, mình không giữ thói quen thắp hương Ông Công Ông Táo đúng ngày 23 Âm lịch, sau đó vội vội vàng vàng đi thả cá trước 12h nữa.

Một phần vì mình thấy nếu làm sớm hơn (khoảng 1-2 ngày) thì mình sẽ thong thả, không bị thời gian hối thức và cũng có thể chậm rãi nấu một mâm cỗ chỉn chu. Về phần thả cá, mình thực sự thấy không cần thiết, nếu không muốn nói là rất thừa thãi - nên mình cũng bỏ luôn thói quen mua cá thả ngày này.

Trước đây mình hay làm mâm cơm cúng thắp hương tại gian bếp, nhưng sau khi tìm hiểu về được biết gian bếp phải có ban thờ Ông Công Ông Táo thì mới nên thắp hương tại đấy, và bản thân bếp cũng là nơi nhiều dầu mỡ, nấu nướng thường xuyên nên có mùi, không phải là chỗ sạch sẽ để thắp hương... nên mình chuyển ra thắp hương ở khu vực thờ cúng của gia đình, để được sạch sẽ và thanh tịnh hơn.

Một vài năm mình có thói quen làm cơm chay thắp hương Ông Công Ông Táo (cỡ độ 2-3 năm gì đấy), sau đó mình lại thấy hơi vô lý vì Ông Công Ông Táo là "thực thần", mà lại cúng cơm chay thì có vẻ không hợp lý lắm, nên mình lại đổi sang cúng mặn. 

Có năm mình làm 2-3 món, năm làm 5 món. 2 năm trở lại đây mình mua bộ bát đĩa hoa mặt trời, nên thường làm 6 món + 1 món canh. Nói là làm 6 món nhưng thực ra 2/6 món là đặt mua rồi (giò/chả và xôi), nên chỉ cần nấu 5 món với số lượng rất ít thôi, vì vậy mình thấy không quá vất vả. Ví dụ như năm nay, mâm cơm thắp hương Ông Công Ông Táo mình làm ngày 21 Âm lịch với xôi, gà ủ muối (đặt), nem tự cuốn, giò bê (đặt), tôm sốt bơ tỏi, bò xào và một bát canh sườn khoai tây cà rốt - từng đấy món mình bắt đầu nấu từ 9h, đến 10h hơn là xong và 11h là đã thắp hương xong để đi hóa vàng và bao sái ban thờ rồi.

Mâm cúng Ông Công Ông Táo năm nay. Thú thực là mình không ưng ý lắm, vì các món vẫn chưa được hài hòa. Đặc biệt làm món gà ủ muối, mình thấy không ngon như tưởng tượng.

Mâm cúng năm ngoái, vì là năm Mão nên mình mua thịt về luộc để thắp hương. Mâm cúng năm ngoái cũng là lần đầu tiên mình mua bộ bát đĩa Hoa Mặt Trời nên rất hào hứng làm, và mâm cúng cũng hài hòa, đẹp hơn năm nay.

Thói quen 3: Chuẩn bị mọi thứ cho đêm 30 từ ngày 29 Âm lịch

Từ mấy năm nay, mình không còn đón Giao Thừa ở Đông Anh quê chồng nữa mà ra nhà riêng của hai vợ chồng để thắp hương và đón Giao Thừa tại đây. Một phần vì con cái cũng lớn, có thể gửi ông bà trông hộ hoặc ra cùng bố mẹ, đường sá cũng thuận tiện hơn, đi từ quê về nhà mất có chừng 30 phút. Phần nữa là do mình thấy đón Giao Thừa ở nơi thân quen sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Năm nào cũng vậy, sáng 30 Âm lịch mình và mẹ chồng sẽ sắp mâm cơm cúng để thắp hương Tất Niên, rồi buổi trưa là cả nhà sẽ ăn Tất Niên luôn chứ không để đến chiều, rất vội vàng cập rập... vì vậy thường ngày nghỉ lễ đầu tiên (29 Âm lịch) là cả nhà khăn gói quả mướp về với ông bà nội kèm theo quần áo, bánh trái, quà cáp... ngủ lại đêm 29 và đến tối 30 mới trở ra.

Do đó, sáng ngày 29 Âm lịch sẽ là ngày mình dậy sớm đi chợ, mua hoa quả, sắp lễ, bày biện, dọn dẹp lần cuối để tối 30 trở ra là mọi thứ đã sẵn sàng.

Những thứ mình mua thường rất đơn giản, không quá cầu kì gồm:

* Mâm lễ Giao Thừa trong nhà, gồm:
- 2 bình hoa, trong đó sẽ có 1 bình hoa đào
- Mâm ngũ quả (thường 3/5 loại quả sẽ được ông bà nội ngoại cho thí dụ như bưởi, chuối nên đi chợ nhàn lắm :D)
- Bánh kẹo, rượu vang... (cái này hay được người ta biếu theo lẵng đẹp để bày bàn thờ, nên không cần mua :D)
- Vàng mã, trầu cau, rượu thuốc
- Bánh chứng, khoanh giò ( đến ngày 30 sẽ được ông bà nội cho để đem ra :D)

*Mâm lễ Giao Thừa ngoài trời, gồm:
- Gà luộc ngậm bông hoa hồng (lại mẹ nội luộc cho, tối 30 đem ra, mình chỉ cần nhớ mua 1 bông hồng đỏ)
- Khoanh giò (mẹ nội cũng cho nốt) - đúng ra phải là xôi gấc, nhưng vì thời gian và điều kiện không đủ để đồ một đĩa xôi gấc ngon nóng hổi, và hoa tay cũng có hạn nên mình đổi thành giò :D
- Vàng mã, trầu cau, rượu thuốc
- Gạo, muối
- Cặp nến
- Bình hoa nhỏ

Mâm thắp hương Giao Thừa ngoài trời năm nay, view đã rộng thoáng hơn (đầu năm 2023 mình đã sửa nhà và tháo lưới bảo vệ ban công cũ để làm cái mới, đồng thời mua thêm cây cối về để trong ban công nên trông đẹp và hợp lý hơn).

Thói quen 4: Tắm nước lá mùi già và đi đền cầu may mắn trước Giao Thừa

Hồi còn bé, mình không thích tắm lá mùi già vào đêm Tất Niên tí nào. Mình thấy mùi của nó không thơm, không hấp dẫn! Nhưng kì lạ thay, càng lớn tuổi mình lại mê mẩn cái mùi của lá mùi già mỗi khi Tết đến.

Sáng 29 Âm, bên cạnh việc đi chợ và chuẩn bị đồ thắp hương cho đêm Giao Thừa, mình luôn mua sẵn một bó lá mùi già, kèm ít bồ kết ở chợ. Chưa kể, mình còn "tích trữ" vỏ của 2-3 quả bưởi bổ trước Tết để ăn và treo khô, chờ đến đêm 30 sẽ đun cùng. Mùi lá mùi già quyện với vỏ bưởi, bồ kết thực sự quyến rũ. Đun sôi ùng ục rồi mở nắp, bật bếp bé để hương thơm lan tỏa mọi ngõ ngách trong căn nhà, thấy như một hình thức "xông" nhà trước thềm năm mới. Rồi cũng với nồi là mùi già đấy, mình sẽ dùng để tắm gội thơm tho sạch sẽ, để thanh tẩy mọi điều không may và sẵn sàng đón chào một năm mới với nhiều may mắn!

Sau khi thu xếp mâm cúng xong xuôi, tắm rửa sạch sẽ, năm nào mình cũng thu xếp đi đền, chùa gần nhà trước Giao Thừa. Vì ở gần nhà nên mình chỉ đi bộ một tí là đến. Lễ xong, xin ít lộc rồi lại thong dong đi bộ về, tầm khoảng 10h là mình đã xong xuôi mọi việc rồi - khoảng thời gian này thực sự là những giây phút dành cho bản thân, được lắng đọng lại với những thanh âm yên tĩnh sát Giao Thừa, khi mọi người đều đã về nhà, hương trầm quyện cùng hương lá mùi già thoang thoảng trong không khí, đường phố yên ắng tĩnh mịch... như một khoảng lặng giữa giây phút chuyển giao năm cũ và năm mới.


Một bức ảnh toát ra mùi hương. Mùi của Tết!


Mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng, xinh tươi... để chào đón phút giây Giao Thừa.

Thói quen 5: Thức dậy sớm vào sáng Mồng Một Tết

Đây là thói quen mình mới duy trì 2 năm gần đây thôi, và nó thực sự rất "phê" các bạn ạ!

Trái với không khí ồn ào tấp nập hằng ngày, trái với giây phút thiêng liêng khi đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, và chắc chắn 1 năm chỉ có đúng vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi để Hà Nội - nơi mình sinh ra và lớn lên, được trở về với vẻ đẹp nguyên sơ: cổ kính, thơ mộng, bình yên và dịu dàng... đến như thế, vào sáng Mồng Một Tết!

Năm đầu tiên khi thức dậy sớm, mình chỉ dám lái xe máy đi dọc ngang phố phường. Nhưng từ năm nay, mình quyết tâm sẽ dậy sớm đi đạp xe, và thực tế là trong mấy ngày đầu năm, ngày nào mình cũng đạp xe từ 30 phút đến 1 tiếng để thăm thú Hà Nội buổi sáng sớm. Thậm chí, năm nay còn hoan hỉ hơn khi Mồng Ba mình dậy sớm và lái xe đi lễ chùa quanh Hồ Tây (không đạp xe nhé, vì trang phục khi đạp xe không phù hợp vào nơi chùa chiền, và khi tập thể dục người ra mồ hôi cũng hôi hám, không thanh tịnh để đi vào những chốn này!). 

Thực sự đi chùa buổi sáng sớm đầu năm thích lắm mọi người ạ! Trời trong lành, không khí mát mẻ, không gian yên tĩnh... đúng thực là đi vãn cảnh chùa, đi lễ thành tâm, chứ không xô bồ đông đúc chen chúc chật chội. Năm sau nhất tâm, mình lại tiếp tục đi lễ sớm như vậy!

Có một thói quen nữa mà mình cũng muốn hình thành nhân dịp năm mới nhưng năm có năm không đấy là mặc áo dài. Vài năm nay mình không có thói quen mua áo dài mặc nữa, mà chỉ mua cho bọn trẻ con nhà mình mặc thôi :D Nhưng năm nay thấy mọi người mặc áo dài vào dịp Tết nhiều quá, nên mình thấy đây đúng là một nét truyền thống cần gìn giữ, vì thế từ năm sau mình lại mặc áo dài Mồng Một hoặc mua một bộ đồ pháp phục để mặc đi lễ chùa đầu năm. 

Cảm giác được lưu giữ một nét gì đó rất truyền thống mà cũng rất riêng của bản thân mình và gia đình vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc rất thú vị. Nó khiến cho mình mong ngóng hơn mỗi dịp Tết đến Xuân về, giữ cho nếp sinh hoạt gia đình có trật tự, thú vị và cũng nhiều những niềm vui nho nhỏ. Mà những niềm vui nho nhỏ, những kỷ niệm mỗi dịp Tết như vậy... là những hành trang vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con cái gìn giữ truyền thống và xây dựng nếp sống gia đình. Rất là yêu <3

Năm nay mình đã quay được 02 vlog đón Tết để chia sẻ với mọi người rồi, còn 01 chiếc vlog nữa sẽ ra mắt sau ngày Rằm Tháng Giêng, có ai đoán được nội dung là gì không nào? :)