Được tạo bởi Blogger.

DAY IN THE LIFE #2 | MID AUTUMN FESTIVAL SEP.2016


Những ngày giữa tháng 9 - Hà Nội đang vào độ đẹp nhất trong năm, Mùa Thu. Bố bạn Xốp đi công tác hai tuần ở Nhật, và đã đến dịp Tết Trung Thu truyền thống hằng năm. Mình ghi lại nhật kí những ngày Tết Trung Thu năm nay, năm đầu tiên bạn Xốp đón Tết Trung Thu tại trường mẫu giáo :)

Kế hoạch đi chơi Phố Hàng Mã hằng năm đành phải hủy bỏ vì bố đi công tác - không có "vệ sĩ" đi cùng hai mẹ con để chen lấn. Mặc dù vậy, mẹ Méo vẫn kịp "lượn" phố Hàng Mã một buổi trưa đầu tuần để mua cho bạn Xốp một chiếc đèn lồng xinh xắn và hiển nhiên không thể thiếu được chiếc đèn ông sao truyền thống rồi!

Tối ngày hôm sau (Ngày 13), hai mẹ con lên chơi nhà ông bà ngoại và thăm cụ. Tối ngày 14, bạn Xốp đón Trung Thu ở trường với cô và các bạn, rồi buổi tối lại đón Trung Thu với các anh chị và các bạn trong khu chung cư.

Tối 15, ngày Trăng sáng tròn vành vạnh nhất trong năm, hai mẹ con bạn Xốp lại "lượn" lên nhà cụ ngoại để phá cỗ Trung Thu. Mâm cỗ chỉ có vài loại hoa quả theo mùa, không bày vẽ gì nhiều, bánh Trung Thu truyền thống. Nhưng mà không khí ấm cúng quây quần ấm áp lắm.

Đi chơi chán chê mấy ngày liền, ngày 16 bạn Xốp hơi hâm hấp rồi ốm sốt vi-rút mấy ngày liên tục liền làm mẹ vô cùng lo lắng. Bỏ cả buổi event của Kiehl's vào Thứ Bảy để ở nhà chăm sóc bạn. Trộm vía sau 1 tuần, bạn đã lại người, vui vẻ cười nói, ăn ngon ngủ kĩ và lại đi học như bình thường.

Tết Trung Thu cả năm mới có một lần - không nên phí phạm ở trong nhà làm gì. Đi chơi cho đã đi, về ốm tí thì có làm sao, nhỉ? :)



Các mẹ và các bạn bé năm nay đón Trung Thu như thế nào thế?



BAM SERIES #32 | SỐT VI-RÚT CÓ ĐÁNG NGẠI KHÔNG?!?

Bạn Xốp vừa mới trải qua một đời sốt vi-rút. Thấy bảo hiện nay đang có "dịch" sốt vi-rút, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa từ nóng ẩm sang hanh thu. 

Trước đây, các mẹ có quan niệm "sốt" là do trong cơ thể đang bị viêm nhiễm ở một bộ phận nào đấy. Và vì viêm nhiễm nên tất lẽ dĩ ngẫu sẽ đưa con đi khám bác sĩ để kê thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, sốt vi-rút thì hoàn toàn không cần kháng sinh! Cơ thể con sẽ tự đào thải vi-rút chỉ trong khoảng 5-7 ngày. Vấn đề các mẹ cần lưu ý hơn cả ở đây đấy là chăm sóc trẻ như thế nào trong những ngày bé bị ốm sốt để tránh bội nhiễm dẫn đến những bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng hơn (và một khi đã bị bội nhiễm thì dùng kháng sinh là điều đương nhiên).

Sau gần 1 tuần chăm bạn Xốp bị sốt vi-rút (trộm vía) đã lại người và trở lại đi học đều như bình thường, không dùng một giọt kháng sinh nào (bạn nào theo dõi blog và Instagram của mình lâu thì có thể đã biết việc bạn Xốp hồi nhỏ rất hay bị ốm và sai lầm lớn nhất của mẹ là quá tin tưởng bác sĩ cho con uống kháng sinh quá sớm, do vậy gần như trong 2 năm đầu bạn Xốp rất bị "lệ thuộc" vào kháng sinh!) Ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm ít ỏi của mình.

1. Quan sát sự thay đổi nhiệt độ cũng như hiện tượng của bệnh

Cơ thể mỗi bạn nhỏ có sự khác biệt, không bạn nào giống bạn nào. Ví dụ như bạn Xốp, từ nhỏ chỉ cần nhiệt độ không ở mức bình thường (khoảng từ 37,2 độ trở lên) là mẹ biết rằng cơ thể bạn đang có vấn đề. Tuy thuộc vào độ nặng - nhẹ của bệnh mà nhiệt độ cơ thể bạn sẽ thay đổi.

Lúc còn bé, có lần bạn Xốp bị viêm phế quản. Bạn sốt rất cao, toàn 38,5 độ trở lên - hạ sốt đến khoảng 38,3 độ thì lại sốt lại, cơn sốt diễn biến nhanh chỉ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi uống hạ sốt. Chưa kể, khi sốt bạn mê man, li bì, không ăn không bú, chỉ nằm im thin thít ngủ hoặc cùng lắm thì quấy khóc. Với những tình trạng sốt như vậy, việc cho trẻ vào bệnh viện để nhận được sự theo dõi của bác sĩ và truyền nước là bắt buộc.

Tuy nhiên, càng lớn thì việc ốm sốt của bạn Xốp trộm vía nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi bạn sốt đến ngưỡng 38,5 độ và cơ thể bắt đầu khó chịu, bạn mới quấy khóc mè nheo. Còn lại, nếu nhiệt độ chỉ hâm hấp, bạn vẫn chơi như bình thường, có chăng thì lười ăn hơn một chút.

Chính bởi đặc điểm cơ thể cứ hơi hâm hấp một chút là mẹ biết bạn đang "có vấn đề", trong khi đó biểu hiện bệnh của bạn không hề rõ ràng (không ho, chỉ hơi ngạt mũi, không bị đi ngoài), bạn lại có "tiền sử" bị viêm tai giữa chỉ sốt chứ không có biểu hiện gì đặc biệt, vì vậy mẹ đưa bạn đến bác sĩ quen để kiểm tra tổng thể.

Trẻ nhỏ phát triển bình thường, không có bệnh hiểm nghèo hoặc nan y, thường gặp hai vấn đề chính dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe: một là hệ tiêu hóa, hai là hệ tai-mui-họng và/hoặc hệ hô hấp. Biết địa chỉ khám của những bác sĩ uy tín về lĩnh vực này, thì bạn có thể yên tâm đưa con đến khám và chắc chắn 50-60% con sẽ khỏi bệnh khi trở về (bác sĩ hiểu rõ bệnh và không cho thuốc linh tinh!)

Vì đặc điểm của bạn Xốp là hệ Tai - Mũi - Họng (TMH) kém (do đã từng bị viêm phế quản, viêm tai giữa và VA thường hay bị sưng khi thay đổi thời tiết) nên mình chú trọng đến việc tìm bác sĩ chuyên khoa TMH hơn. 

Trước đây mình có khám bác sĩ X. ở bệnh viện Nhi có địa chỉ phòng khám ngay gần nhà và khá đông. Tuy nhiên, bác sĩ khám tương đối qua quít, và đặc biệt là rất thích cho thuốc kháng sinh! Mình không tin tưởng lắm nên tìm kiếm một vị bác sĩ mới.

Cô bạn mình giới thiệu BS Nguyễn Hoàng Huy, Bệnh viện TMH TW, PK ở 210 Hoàng Ngân khám rất tốt nên mình đã đưa con đến khám và thấy rất ổn. PK sạch sẽ, không quá đông, bác sĩ khám kĩ, dặn dò kĩ và đặc biệt là không cho thuốc kháng sinh tùy tiện.

Trước đây nếu đến khám ở chỗ bác X., nếu bị ghi là VA thì chắc chắn bạn Xốp sẽ bị kê 3 loại thuốc: kháng sinh - kháng viêm - thuốc bổ kèm theo một chai xịt rửa mũi. Nhưng từ khi đi khám BS Huy, bác chỉ kê cho con mình đúng siro ho (nếu có ho) và thuốc kháng viêm, đồng thời ghi rõ là về rửa mũi ngày bao nhiêu lần (không lạm dụng rửa nhiều nhé). Trộm vía bạn Xốp từ hồi khám BS Huy mình thấy sức khỏe tăng lên rõ rệt, đặc biệt là không phụ thuộc vào kháng sinh như trước nữa.

Bạn nào nhà không ở trên mạn Cầu Giấy, Tây Hồ mà ở mạn Thanh Xuân, Đống Đa... có thể tìm đến khám BS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trường Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhé. Mình không biết địa chỉ PK của bác, chỉ biết ở mạn Thanh Xuân thôi, bạn nào có nhu cầu nhắn hỏi chị Mây bên blog Mamaholic nhé, chị ý giới thiệu cho mình biết BS này nhưng nhà mình ở xa quá đi lại không tiện.

2. Hạ sốt đúng cách

Quy luật của sốt vi-rút là sốt liên tục trong vài ngày, các cơn sốt đến dồn dập sau đó từ từ hạ dần và hết. Trong 3 ngày đầu tiên, bạn Xốp sốt liên tục 38,5-39 độ, cứ 4-5 tiếng lại sốt một lần.

Việc đầu tiên để giúp con hạ sốt đấy là mặc cho con quần áo thoáng mát, thoải mái bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi. Đặt con nằm nghỉ hoặc chơi trong phòng thoáng khí chứ không phải phòng bí đóng kín. Nếu như con sốt cao liên tục và có hiện tượng mệt mỏi, có thể hỗ trợ việc hạ sốt bằng chườm ấm trán - hốc nách - bẹn - gan bàn chân. Đặc biệt, cho con uống nhiều nước để bù điện giải (Ozerol/ở độ tuổi bạn Xốp là 200ml/ngày, nước cam - chanh -quýt)


Để hạ sốt cho con bằng thuốc có hai cách: thuốc uống và thuốc đút hậu môn. Mình không thích dùng thuốc đút hậu môn, nên chỉ dùng thuốc uống cho bạn Xốp từ bé đến giờ. Trước bạn hay uống Efferagal tuy nhiên khá khó uống, sau mình chuyển sang cho con uống Sotstop thì thấy dễ uống và có hiệu quả hơn. Sotstop có cách sử dụng là lấy cân nặng của con chia cho 2 thì sẽ ra lượng ml thuốc cần uống trong một lần hạ sốt, và phải sau 4-6 tiếng mới cho con uống lần tiếp theo để cơ thể có đủ thời gian "đào thải" thuốc ra ngoài, tránh tình trạng nhiễm độc gan rất nguy hiểm.

Nếu như con vẫn sốt cao và có hiện tượng mệt mỏi, li bì, mất nước quá nhiều... Có thể cho con đến bệnh viện để truyền nước hỗ trợ hạ sốt.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này nên chú ý chăm sóc trẻ. Để ý đến các hiện tượng ho, sổ mũi... để có cách khắc phục. Không nên để các tình trạng trên quá nặng dẫn đến bội nhiễm và sẽ chuyển biến theo hướng xấu hơn,

3. Chế độ ăn uống nhẹ, chia làm nhiều bữa, bổ dưỡng và dễ tiêu hóa

Khi bị sốt, gì thì gì các bé thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn. Do ảnh hưởng của sốt vi-rút, họng của con có thể hơi sưng đỏ dẫn đến việc ăn uống khó khăn hơn và dễ nôn chớ.

Để giảm thiểu tình trạng nôn chớ, biếng ăn ở trẻ. Có thể nấu cháo bổ dưỡng cho con, chia làm nhiều bữa trong ngày, ăn cháo kết hợp với uống sữa.

Sau khi con hết ốm sốt, có thể nhờ bác sĩ kê cho một đợt thuốc bổ giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, kích thích ăn ngon. Vì dù gì trẻ bị sốt vài ngày người sẽ "tọp" đi khá nhanh và phải mất thời gian mới lấy lại được "phong độ" như cũ.

4. KHÔNG DÙNG KHÁNG SINH!

Sốt vi-rút không cần dùng kháng sinh. Đây là một điểm các bố mẹ cần lưu ý. Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp trẻ đã sốt lâu ngày và không được chăm sóc cẩn thận dẫn đến bội nhiễm bị bệnh nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai v.v..

Tuy nhiên, do đặc điểm của sốt vi-rút, sau khi hết sốt trẻ vẫn sẽ sổ mũi/hắt hơi hoặc ho hắng trong nhiều ngày. Bố mẹ chỉ cần cho trẻ uống thuốc bổ, xịt rửa mũi đúng cách và cho uống siro ho là được.

Hiện mình vẫn tiếp tục cho bạn Xốp uống thuốc bổ kèm theo siro ho Prospan của Đức.


Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ của mình trong việc chăm sóc trẻ nhỏ khi bị sốt vi-rút. Hy vọng giúp ích được cho các mẹ.

Thân,


REVIEW | ANDALOU NATURALS PUMPKIN HONEY GLYCOLIC MASK

Sản phẩm trong bài được tặng bởi Andalou Naturals Việt Nam. Mọi cảm nhận trong bài là chân thật không bị chi phối bởi bất kì điều khoản nào. Xin cám ơn Andalou Naturals Việt Nam đã tạo điều kiện cho Mrs.Méo được trải nghiệm sản phẩm này và reivew tới cho bạn đọc.

Xin chào!

Sau một thời gian sử dụng, cuối cùng mình cũng có thời gian để viết một bài review hoàn chỉnh về sản phẩm mặt nạ rất đình đám của Andalou Naturals: mặt nạ bí đỏ Pumpkin Honey Glycolic Mask.


* Đôi điều về hãng Andalou Naturals:

" Andalou [an.da.lu]:  có nguồn gốc La Mã al-Andalus, nghĩa là đảo Atlantis và 'Path of Light' - Con đường anh sáng. Naturals: có nghĩa xuất xứ 100% thiên nhiên, các thành phần được chứng nhận hữu cơ, BioActive và thuộc chương trình Thương mại công bằng. Cũng giống như đảo Atlantis là cửa ngõ địa lý và văn hóa giữa châu Âu và châu Phi, nối giữa Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, Andalou Naturals là cầu nối những gì tốt nhất giữa thiên nhiên và khoa học, giữa các trang trại đến các thực vật để làm đẹp. Chúng tôi biết rõ nguồn gốc các thành phần đến từ đâu, những người nông dân trồng chúng, và kết nối các bước từ nông trại tới khi đóng hộp, từ đất tới da và từ thảo dược đến vẻ đẹp hoàn chỉnh." (Nguồn: andalou.vn)

Mình rất muốn tìm nhiều nguồn thông tin về xuất xứ - hình thành cũng như tiêu chí của Andalou tuy nhiên ngay trên trang chủ cũng rất ít thông tin về việc hình thành - phát triển của hãng. Một nội dung chủ yếu về hãng đấy là các sản phẩm được hình thành từ các chiết xuất thiên nhiên mà cụ thể ở đây là các loại hoa quả, không thí nghiệm trên động vật cũng như không sử dụng những chất tạo màu, hóa chất công nghiệp và cam đoan hoàn toàn từ thiên nhiên.

PACKAGING

Mặt nạ bí đỏ của Andalou thuộc dòng làm sáng da. Màu sắc chủ đạo của dòng là màu xanh lá cây đậm (màu xanh cổ vịt), bao bì được trang trí bằng màu cam sáng. Hộp là hộp nhựa nắp bạc, nhưng tương đối chắc chắn. Đây là thiết kế mang tính phổ thông, không quá đặc sắc nhưng dễ sử dụng và cũng dễ lưu trữ. Khi mới mở nắp ra, phần phía trên có một nắp nhựa trong mỏng để bảo vệ sản phẩm. 


TEXTURE

Sản phẩm có màu cam sậm, mùi mang hơi hưởng hoa quả không quá nồng cũng không quá nhạt nhòa. Nói chung về mùi, mình thấy đây là một mùi dễ chịu, chấp nhận được.

Điểm đặc biệt trong kết cấu là các hạt tẩy da chết màu đen rất nhỏ nằm lẫn trong lớp mask, bôi lên da có sự chà sát nhẹ với dạ giúp đồng thời tẩy da chết và hỗ trợ cho việc làm sáng da.


Mặc dù texture chụp ảnh lên trông có vẻ khá dày, nhưng rất dễ blend trên da.

INGREDIENTS


KEY INGREDIENTS: Vitamin C, Pumpkin Puree, Manuka Honey, Glycolic Acid
Cucurbita Pepo (Pumpkin) Puree*, Aloe Barbadensis Juice*, Helianthus Annuus (Sunflower) Oil*, Vegetable Glycerin, Manuka Honey, Ananas Sativus (Pineapple) Juice*, Pectin, Glycolic Acid, Sodium Hyaluronate, Cyamopsis Tetragonolobus (Guar) Gum*, Fruit Stem Cells (Malus Domestica, Solar Vitis) and BioActive 8 Berry Complex*, Lecithin, Saccharum Officinarum (Sugar Cane) Extract*, Calophyllum Tacamahaca (Tamanu) and Limnanthes Alba (Meadowfoam) Oils, Magnesium Ascorbyl Phosphate (Vitamin C), Tocopherol (Vitamin E), Aspalathus Linearis (Rooibos) Extract*^, Phenethyl Alcohol, Ethylhexylglycerin, Cinnamomum Cassia (Cinnamon), Myristica Fragrans (Nutmeg) and Eugenia Caryophyllus (Clove) Powders*
Non-GMO verified   *Organic   ^Fair Trade

Thành phần chính của mặt nạ gồm Vitamin C có tác dụng làm sáng da, chống lão hóa và giảm thiểu nám sạm do tác động của ánh sáng mặt trời, Bí ngô nghiền với tác dụng tự nhiên là loại bỏ các tế bào bị mất nước để làm da căng và sáng mịn hơn, Mật ong Manuka với tác dụng làm mịn và dưỡng ẩm cho da, cuối cùng là Glycolic Acid - một dạng AHA dạng nhẹ giúp tẩy tế bào chết và đem lại cho da vẻ căng sáng hơn.

PRICE

Giá của bạn này trên trang chủ là 14,95$, được bán rất rộng rãi bên Mỹ tại các quầy skincare có giá thành bình dân. Ở Việt Nam hiện nay đã có cửa hàng chính thức của Andalou tại Aeon Mall, ngoài ra các bạn có thể đặt mua online ở trang chủ http://andalou.vn với giá 465k.

MY REVIEW

Mình được Andalou Việt Nam tặng một set hai mặt nạ đã từ lâu lắm rồi. Mình tặng mặt nạ còn lại (dòng Rosewater) cho bạn mình có làn da nhạy cảm dùng, còn mình thì giữ lại mặt nạ bí đỏ này dùng vì đã nghe "tiếng lành đồn xa" từ lâu lắm rồi. Và quan trọng hơn cả, đây là một loại mặt nạ an toàn để sử dụng khi mang thai và nuôi con bú.


Nguyên nhân thì có thể kể đến một vài gạch đầu dòng như sau:

Thứ nhất, thành phần của mặt nạ bí đỏ Pumpkin Honey Glycolic Mask chứa rất nhiều chất có tác dụng làm trắng - trị thâm nám nhưng hoàn toàn an toàn để sử dụng khi mang thai, nuôi con bú.

Như mình đã nói ở trên, mặt nạ bí đỏ Pumpkin Honey Glycolic Mask của Andalou thuộc dòng làm trắng của hãng với chiết xuất chủ yếu là Vitamin C, Nghệ, cây Hắc mai biển (một loại cây thuộc chi Nhót - cũng là một loại quả chứa nhiều Vitamin C) và đặc biệt là công nghệ Tế bào gốc thực vật (Fruit Stem Cells).

Trong bài viết về các thành phần cần tránh trong mỹ phẩm khi mang thai và phương án thay thế, mọi người ai quan tâm có thể đọc lại tại đây, mình có nhấn mạnh rằng Vitamin C có thể thay thế cho Retinoids và Hydroquinon (hai chất có tác dụng chống lão hóa và trị thâm nám cho da khá mạnh), AHA (trong đấy Glycolic Acid là một thể AHA) có thể dùng để thay thế cho BHA nếu muốn sử dụng ở nông độ cao (BHA chỉ nên sử dụng với nồng độ dưới 2% khi mang thai). Chưa kể đến, trong thành phần của mặt nạ  Pumpkin Honey Glycolic Mask còn chứa thành phần Nghệ - vốn dĩ cũng là một nguyên liệu có tác dụng làm sáng và trị thâm nám da rất an toàn.

Thứ hai, trong thành phần của Pumpkin Honey Glycolic Mask có chứa công nghệ Tế bào gốc và đây là một trong những sản phẩm an toàn lành tính hiếm có chứa thành phần này vì vậy rất đáng lưu ý.

Tế bào gốc là một lĩnh vực nghiên cứu rộng, tuy nhiên có thể tóm gọn lại với hai thuộc tính cơ bản: chúng có thể tự làm mới bản thântái tạo những loại tế bào chuyên dụng khác. Những tính năng này biến chúng thành phương tiện tái tạo, tạo ra tế bào mới để thay thế những cơ quan và mô bị mất. Những hiện tượng này thẩy rất rõ ở thực vật, chúng có thể tự mọc lại cành và rễ. 

Công nghệ Tế báo gốc thực vật được áp dụng trong các sản phẩm của Andalou có tác dụng chính đấy là tự tìm kiếm những "khiếm khuyết" trên làn da của chúng ta, sau đấy vận dụng những chất có sẵn trong sản phẩm đề "bù đắp" và "tái tạo" những khiếm khuyết đấy. Công nghệ Tế bào gốc thức vật của Andalou chiết xuất chủ yếu từ trái cây, tương đối an toàn.

Thứ ba, một yếu tố cũng quan trọng không kém về sản phẩm  Pumpkin Honey Glycolic Mask chính là chứng nhận Non-GMO.



Chứng nhận Non-GMO trong mặt nạ bí đỏ Pumpkin Honey Glycolic Mask là một chứng nhận chứng minh rằng sản phẩm này không chứa thành phần có tác dụng biến đổi gen. Bên cạnh đấy, sản phẩm này cũng được xác thực là có chiết xuất thiên nhiên, hữu cơ, không chứa chất tạo màu, không thử nghiệm trên động vật và thân thiện với môi trường.

Và cuối cùng, đó là một đặc điểm mà làn da khi mang thai rất dễ xuất hiện thâm nám. Vì vậy, việc tìm kiếm một sản phẩm an toàn, chứng nhận đầy đủ với giá thành phù hợp và dễ tìm mua ở Việt Nam như thế này thực sự là một điểm đáng lưu ý! :)

Khi sử dụng sản phẩm này trên mặt, mình cảm nhận thấy là da nóng lên sau khoảng tầm 1p apply sản phẩm, đặc biệt là phần da quanh môi và quanh mắt. Chính vì vậy chúng ta nên tránh để sản phẩm tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm này. Cảm giác sau khi sử dụng khoảng tầm 30 phút và rửa sạch là da mềm mịn, sảng khoái và rất dễ chịu.

Nhìn chung đây là một sản phẩm tốt. Và thật là tuyệt vời khi sản phẩm này đã có mặt và bán trực tiếp ở Việt Nam chứ không phải mất công order hoặc mua qua trung gian thứ ba nữa :)

RATE: 4/5
REPURCHASE? - YES

Thân,


BAM SERIES #31 | LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ VIÊM DA DỊ ỨNG/VIÊM DA CƠ ĐỊA?

BAM Series dừng lại ở số 30 nhường chỗ cho những tâm sự của mẹ Méo về quá trình "đi bộ đội" của bạn Xốp. Nay việc đi học đã ổn ổn hơn rồi nên mẹ Méo lại tiếp tục với BAM Series - chia sẻ về cách chăm sóc, nuôi dạy con cái chẳng-giống-ai của mẹ Méo :D


Từ nhỏ đến giờ, trộm vía bạn Xốp là một đứa "mát da, mát thịt", tức là mặt mũi da dẻ ít khi bị lên mụn nhọt rôm sẩy các kiểu... Nhưng không hiểu vì sao trong tháng 8 vừa rồi, mặt - chân tay- người ngợm con bắt đầu nổi mẩn. Ban đầu chỉ là một chút ít ở tay, sau đó là ở mồm, rồi lan sang đùi, lưng, gáy. Vết lan ửng đỏ, mẩn lên nếu gãi nhiều, khiến con rất khó chịu và ngứa ngáy.

Sau gần 1 tháng "chinh chiến" với căn bệnh này, đến nay trộm vía bạn Xốp đã đỡ tương đối nhiều, mình xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm chăm con trong giai đoạn bị viêm da dị ứng/viêm da cơ địa này.

1. Khám bác sĩ da liễu

Các bệnh ngoài da nhìn thì tưởng không có vấn đề gì quan trọng, nhưng lại rất cần chú trọng vì nó ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Ngoài ra, do điều kiện môi trường hiện nay không được trong lành, các con đi học tiếp xúc với đồ vật ở lớp và các bạn... nên bệnh rất dễ lây lan/tái phát nhiều lần.

Điều quan trọng nhất khi con bị bệnh đấy là phải xác định nguyên nhân tại sao. Thường thì sẽ có hai nguyên nhân là nguyên nhân từ bên trong cơ thể con và nguyên nhân từ bên ngoài tác động vào.

- Nguyên nhân bên trong: có thể là con ăn đồ nóng, chiên xào dầu mỡ nhiều quá hoặc cơ địa con dị ứng với một món ăn nào đó (hải sản chẳng hạn). Đi kèm với triệu chứng nổi mề đay do nóng trong thì con còn bị nhiệt miệng, táo bón... Mẹ cần kiểm soát lại chế độ ăn uống, check lại thực đơn con từng ăn, nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến... để tìm ra nguyên nhân.

- Nguyên nhân bên ngoài: do môi trường tác động vào ví dụ như dị ứng với khói bụi, dị ứng với một loại mỹ phẩm nào đấy, dị ứng với một đồ vật hoặc một chất liệu nào đấy trên đồ chơi. Lâu ngày không tắm hoặc chăn ga gối đệm lâu không thay, giường chiếu nhiều bụi bẩn không được làm sạch kĩ... cũng có thể là những nguyên nhân khiến con bị bệnh.

Sau khi đã sàng lọc xong những nguyên nhân cả bên trong cả bên ngoài thì mới có thể xác định nên đi khám bác sĩ nào. Nếu là nguyên nhân bên trong thì phải đi bác sĩ nội tiết, còn nếu là nguyên nhân bên ngoài thì bác sĩ da liễu là lựa chọn.

Bạn Xốp sau khi có hiện tượng xuất hiện khoảng 1 tuần theo dõi tại nhà, kiểm soát chế độ ăn và cách tiêu hóa thức ăn... Thì cuối cùng mẹ xác định là bạn bị dị ứng do nguyên nhân bên ngoài. Trong đó chủ yếu có thể là do bạn nghịch đồ mỹ phẩm của mẹ (=.=) hoặc bạn dị ứng với sữa tắm mới có khá nhiều xà phòng.

2. Vệ sinh sạch sẽ giường chiếu, nhà cửa, đồ chơi của con

Cứ độ 1 tháng/lần là phải vệ sinh đồ chơi của con. Cọ rửa sạch sẽ, phơi phóng ra nắng để khô ráo. Tránh cho con chơi những đồ chơi ẩm mốc, lâu ngày không được vệ sinh hoặc vệ sinh xong nhưng không phơi nắng cho khô.


Chăn ga gối đệm nên thay từ 1 - 2 tuần/lần. Đặc biệt, không chỉ chú trọng thay chăn ga gối đệm mà còn thường xuyên lau chùi, cọ rửa gầm giường vốn nhiều bụi bẩn - địa chỉ lý tưởng để các con vi trùng làm tổ ở đây.


Quần áo của con nên được giặt giũ sạch sẽ, với các bạn cơ địa nhạy cảm tránh dùng xà phòng người lớn mà nên dùng xà phòng giặt dành cho trẻ em. Đồ giặt xong phơi phóng nắng ráo cho khô và cất gọn gàng vào trong ngăn tủ.

3. Thuôc bôi và thuốc uống

Trong tủ thuốc ở nhà dành cho bạn Xốp, bao giờ mình cũng trữ một lọ Claritin dạng siro. Đây là loại thuốc trị dị ứng, nổi mề đay khá nổi tiếng và phổ thông, nhưng chỉ dành cho các bạn 2 tuổi trở lên. Thuốc siro này có tác dụng trong 24h sau khi uống, giúp làm giảm thiểu triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn trên cơ thể. Vị của siro rất dễ uống và thơm, các bạn nhỏ hầu như ai cũng thích.


Một lưu ý khi dùng thuốc này là không lạm dụng uống thuốc quá 7 ngày, dễ gây ra hiện tượng khô môi - khô lưỡi ở trẻ.

Khi bị nổi mẩn, nổi mề đay, nhiều bạn bé gãi nhiều gây nên hiện tượng da bị xây sát, nhiều á sừng, lớp da bị tổn thưởng trở nên xù xì, sần lên và dầy hơn. Vì vậy việc dưỡng ẩm cho da là tương đối quan trọng. Giúp da trẻ giữ được độ ẩm cũng như giảm thiểu việc da bị nứt nẻ, ngứa ngáy.

Một điểm đáng lưu ý khác khi chọn sản phẩm bôi dưỡng ẩm cho trẻ trong giai đoạn ngứa ngáy, nổi nhiêu mề đay như vậy là nên tìm các loại kem dưỡng có chứa Calamine. Calamine là hỗn hợp của Oxia Kẽm (ZnO) 0,5% Oxid Sắt (Fe2O3) dùng để chống ngứa nhẹ tại chỗ trong các trường hợp nổi mề đay, phát ban. Trong các sản phẩm của Johnson n' Johnson, Aveeno... cho trẻ nhỏ thương chứa chất này. Tuy nhiên do tình trạng ngứa của bạn Xốp và nổi khá nhiều nên bác sĩ kê cho mình bôi một tuýp Uriage Pruriced Creme có chứa đến 8% Calamine giúp da con nhanh chóng dịu đi hơn. Với bạn nào chưa biết thì đây là một hãng Dược Mỹ phẩm của Pháp do các bác sĩ da liễu thành lập và phát triển nên rất lành tính với da. Hiện tại ở Việt Nam mình biết có Fleur De Sel ở Tràng Tiền là nhập và bán các sản phẩm của hãng.



Trong trường hợp trẻ ngứa nhiều và bôi kem dưỡng có chứa Clamine vẫn không giảm ngứa, đặc biệt là trong nhưng ngày đầu khi các nốt ban, mẩn nổi lên nhiều và gần như ở trên toàn thân... chúng ta phải bôi thêm thuốc có chứa Kẽm cho da bé. Ngoài loại kem trên, bác sĩ cũng kê cho mình một tuýp Phenergan Promethazine 2% - có tác dụng làm dịu gia, giảm ngứa ngáy tức thì nhưng không nên quá lạm dụng.

* Mình phải lưu ý với mọi người là những danh mục thuốc mình đưa ra trong bài dựa trên kinh nghiệm khi mình dùng cho con và dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì vậy mọi người chỉ nên xem như là tham khảo thôi nhé, không phải bé nào cũng có bệnh giống bé nào và hiện tượng dị ứng da ở các bé đều giống nhau đâu ạ.

Cuối cùng, sau khi hết liệu trình chăm sóc, bác sĩ cũng khuyên mình nên cho con uống một liều để mát gan, giải độc giúp cơ thể bé cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu và thải những chất độc không có trong cơ thể ra. Loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng là Tiêu độc PV, loại tuýp dùng để uống cho bé.


Sản phẩm được sản xuất và đóng gói tại Việt Nam, dựa trên công thức Thuốc Nam gia truyền từ thảo dược nên rất an toàn cho trẻ nhỏ, không hề chứa một chút kháng sinh nào. Các mẹ có con hay bị rôm sẩy, nổi mề đay nếu thấy cần 1 năm cho uống 1 liều trước mùa hè nóng nực cũng rất ok.

4. Những chú ý trong việc chăm sóc trẻ

- Không được tắm bằng các loại sữa tắm có chứa nhiều xà phòng/xút. Nên tích cực tắm cho các bé bằng các loại nước lá ví dụ nước lá sài đất, nước mướp đắng, nước chanh pha loãng. Thi thoảng nên tắm một lần nước trà xanh cũng rất tốt nhưng không nên quá lạm dụng.

Nếu như các mẹ vẫn muốn tắm cho con bằng sữa tắm thì có thể tìm mua sữa tắm Penaten của Đức hoặc Mustela của Pháp, giá thành rẻ hơn thì có Lactacyd - đây là những loại sữa tắm lành tính, không chứa xà phòng.




- Không tắm bằng nước nóng, chỉ tắm bằng nước mát hoặc nước hơi ấm một chút thôi. Tắm bằng nước nóng hoặc ấm già khiến da trẻ dễ bị khô,gây ngứa ngáy.

- Tăng cường dưỡng ẩm, dặc biệt là vào mùa đông. Trước khi sử dụng một sản phẩm nào mới trên da trẻ, phải test thử trên một vùng da nhất định và theo dõi trong vòng 24h, nếu không có phản ứng hẵng bôi toàn thân và vẫn tiếp tục theo dõi đến hết 5-7 ngày xem có phản ứng gì không.

- Ăn, uống nhiều các sản phẩm có chứa Vitamin C

- Trao đổi với giáo viên ở lớp về tình trạng của con và cân nhắc việc cho con tham gia vào một số hoạt động đòi hỏi phải nhúng toàn bộ tay chân vào một chất lạ (ví dụ như ở lớp bạn Xốp hay được vẽ tranh bằng tay). Quan điểm của mình là vẫn cho con tham gia các trò chơi ở lớp nhưng cần trao đổi để giáo viên lưu ý nếu con có hiện tượng lạ và theo dõi con sát sao hơn.

Trên đây là một số kinh nghiệm mình có được qua lần chăm sóc bạn Xốp gần một tháng qua với bệnh viêm da dị ứng. Bạn nào có kinh nghiệm gì hay thì nhớ chia sẻ nhé.

Thân,


[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | MÌNH ĐÃ LỚN RỒI

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


Tháng 9 đến rồi. Tháng 9 mùa tựu trường. Tháng 9 này bạn Xốp sẽ không còn bé nữa, bạn đã "tốt nghiệp" lớp Nhà Trẻ để lên lớp "Mẫu giáo bé" - Lớp Mầm. Cảm giác thật là vui!


Mẹ Méo vẫn nhớ như in lần đầu tiên dẫn bạn Xốp đến thăm trường mới, lớp mới. Đó là một buổi sáng trời cũng nắng hanh hanh vàng và mát dìu dịu giống như tiết trời mùa tựu trường này.

Số là bạn Xốp đi học trường cũ, dù gần nhà, học phí hợp lý nhưng bạn ốm nhiều quá. Bao công mẹ chăm bẵm mấy tháng để có sức đi học, cuối cùng chẳng còn gì, người gầy tọp xanh xao, trông thương vô cùng. Nghe theo lời ông bà, mẹ quyết định cho bạn nghỉ học hẳn, để bạn ổn định lại sức khỏe rồi mới đi học tiếp. Dù gì bạn cũng chưa đến 3 tuổi, không việc gì phải vội vàng mà.

Thế rồi khi bắt đầu sang tháng 3, thời tiết đỡ ẩm ướt và mưa phùn hơn - kiểu thời tiết vô cùng phổ biến của Miền Bắc sau Tết Nguyên đán, bạn Xốp cũng đã cứng cáp và khỏe mạnh hơn, mẹ quyết định sẽ cho bạn đi học lại. Nhưng là trường mới, lớp mới, cô giáo và các bạn mới.


Trường mới xa nhà hơn một tẹo, nhưng lại ngay gần cơ quan bố. Có xe đưa đón những ngày bố mẹ không thể đón bạn được. Cơ sở vật chất tốt hơn, lớp học rộng rãi hơn và cũng sĩ số cũng ít cháu hơn - đảm bảo việc các cô có thể chăm tốt hơn. Và đương nhiên, học phí cũng cao hơn trường cũ.

Ngày đầu tiên đến trường mới, bạn Xốp rất tự nhiên: tự vào lớp ngồi chơi với cô và các bạn, tự động ngồi vào bàn ăn cùng các bạn (vì đến thăm trường gần sát giờ ăn trưa), tự uống nước, tự lau mồm rồi tự chào các cô và các bạn để đi về. Các cô vô cùng bất ngờ trước sự bạo dạn và nhanh nhẹn của bạn. Có gì đâu, những kĩ năng ngồi ăn - tự uống nước - vệ sinh cá nhân bạn đã học được từ khi còn ở trường cũ rồi còn gì.

Sau hơn nửa tháng chuẩn bị hồ sơ nhập học, tâm lí và cả sức khỏe, cuối cùng vào một ngày giữa tháng 3, mẹ quyết định đưa bạn Xốp đến trường. Lần này, không như lần trước, bạn không có bác giúp việc đi kèm, và học từ sáng đến chiều mẹ đến đón về. Tức là bạn Xốp phải "tự lực cánh sinh" và hòa nhập với thế giới mới một mình, không có người kèm cặp và hỗ trợ bên cạnh nữa.


Bạn Xốp khóc mất gần 1 tuần đầu. Những ngày đầu tiên bạn níu tay mẹ, bắt mẹ phải ở lại hoặc đi lên lớp cùng, cô giáo phải gỡ tay bạn ra để đưa lên lớp. Rồi dần dần những ngày tiếp theo, bạn "chấp nhận" chia tay mẹ ở cổng trường để cô giáo dắt lên lớp, mặt vẫn buổn thỉu buồn thiu. Những ngày tiếp theo nữa, bạn đến trường vui vẻ hơn, quen giờ để dậy đi học hơn, không còn mặc cả "con không muốn đi học con muốn ở nhà" nữa, thậm chí bạn còn vừa hát trên đường đi học, vừa chỉ trỏ ngó nghiêng, vừa kể chuyện với mẹ rất vui vẻ. Chỉ trong vòng độ chưa đến 10 ngày, bạn Xốp đã "chấp nhận" sự thật rằng ngày ngày bạn phải đi học, phải đến trường và vui vẻ tiếp nhận nó.

Bạn đã dần dần hòa nhập vào với việc đi học như thế. Và mẹ rất vui.

Trộm vía tỉ lần, bạn đi học trường mới đỡ ốm hơn hẳn. Khoản ăn uống mỗi buổi chiều tối của bạn cũng tiến bộ dần, không còn nhì nhèo khóc mếu, có hôm bạn thích bạn ngồi tự xúc ăn hết xuất, có hôm bạn mải chơi mẹ vẫn phải xúc cho ăn nhưng nhìn chung là bạn không lười ăn và thiếu hợp tác trong chuyện ăn uống nữa.

Bạn phát triển kĩ năng diễn đạt và nói rất tốt. Bạn biết một số từ Tiếng Anh, biết thêm nhiều bài hát, biết múa, biết tự tưởng tượng ra một thế giới riêng để chơi một mình không cần có mẹ hay bác giúp việc phải kè kè ở bên.

Bạn vẫn be bé, còi coi, dong dỏng, nhưng bạn đã cứng cáp và lớn khôn hơn rất nhiều. Cuối cùng thì mẹ con mình đã thành công trong việc biến "đi học" thành một niềm vui hằng ngày rồi! :)


Chúc con có một năm học tại Lớp Mầm trọn vẹn niềm vui và nhiều kỉ niệm đẹp nhé!

Thân,