Được tạo bởi Blogger.

10 NĂM RỒI MỚI CÓ MỘT CÁI TẾT THẢNH THƠI!

 Xin chào mọi người!


Tết Nguyên Đán năm nay của mọi người như thế nào? Với mình, thì 10 năm rồi, đến cái Tết năm nay mình mới cảm nhận được sự thư thái, thảnh thơi, không vội vã và cập rập, thậm chí không áp lực và ức chế như 1-2 năm đầu mới về nhà chồng đón Tết. 


Để có một cái Tết vui vẻ, ý nghĩa, đúng thực là ĂN TẾT chứ không phải là TẾT ĂN MÌNH



Mấy hôm trước, mình đọc được bài post này trên blog, viết từ năm 2015 với tiêu đề "Những ngày Tết rất khác..."
Ở thời điểm đó, mình mới lấy chồng được 3 năm, con vẫn còn nhỏ, và vẫn tiếc nuối cái Tết thảnh thơi, vui vẻ, ấm cúng, quen thuộc ở nhà bố mẹ. Nhưng đã 7 năm nữa trôi qua rồi, và đã 10 cái Tết mình xa bố mẹ, đón Tết ở nhà chồng, mình nhận ra rằng: thảnh thơi hay vất vả, áp lực hay không đều là do chính chúng ta tự tay làm nên hết. Ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ với mọi người một số bí quyết thu xếp công việc để đón Tết vui vẻ của mình nhé!


1. Lên lịch dọn dẹp nhà cửa trước 1 tháng. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. 1 tháng!


Cá nhân mình quan niệm: năm mới, mọi thứ phải gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu... có như vậy thì đón năm mới mới có nhiều điều may mắn, vui vẻ, không bị "dông". Từ nhiều năm, kể cả lúc còn son rỗi ở nhà với bố mẹ, mình đã thích việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết rồi.


Có rất nhiều gia đình chờ đến sau 23 Tháng Chạp - cúng Ông Công, Ông Táo xong mới dọn nhà. Nhưng cách này vô hình chung khiến chúng ta trở nên rất vội vàng, áp lực. Kiểu làm nhanh nhanh chóng chóng để còn làm việc khác (mua bán, sắm sửa) nên không thể tránh khỏi việc dọn ẩu, dọn nhanh không kĩ hoặc dọn nhiều mệt quá đâm cáu kỉnh, áp lực. Hoặc nếu có thuê người đến dọn thì chi phí những ngày này sẽ tăng lên gấp bội, chưa kể người đến dọn sẽ làm rất "úi xùi" để còn chạy ca sang nhà khác làm nhằm tăng thu nhập.


Tính mình thì không thích mời người lạ vào nhà, ngó nghiêng đã thấy khó chịu rồi, nữa là lại để họ dọn dẹp, sục sạo mọi ngóc ngách trong nhà để dọn... tính riêng tư và an toàn mình cảm thấy không ổn. Chưa kể, việc thuê người đến dọn cũng khiến chúng ta phải cắt một quỹ thời gian nhỏ để theo dõi, sát sao... vì thế nhiều năm nay, kể từ khi lấy chồng ra ở riêng, mình đều tự dọn nhà. Lúc con còn nhỏ đến tận bây giờ khi con đã lớn hơn, mình vẫn cố gắng thu xếp lịch dọn nhà trước.


Bản thân mình có ngày sinh nhật là 20/1, nên mình luôn cố gắng xem lịch để thu xếp sao cho dọn dẹp và cân đối việc ăn uống, tiệc tùng, chúc mừng sinh nhật với gia đình thật cân đối.


Mình thấy lên lịch dọn nhà trước khoảng 1 tháng là ổn. Bạn có thời gian đảo qua toàn bộ nhà, xem chỗ nào cần dọn kĩ, chỗ nào cần dọn cẩn thận (thường là những ngóc ngách trên cao, trong sâu... mà cả năm có khi chả ngó ngàng đến), lên list chi tiết các hạng mục cần dọn để tránh bỏ sót. 


Hai năm trở lại đây, mình còn có thói quen dọn nhà đón Tết là sẽ lọc các đồ thừa, cũ không có nhu cầu dùng đến để đem cho/tặng. Vì thế với thời gian dọn 1 tháng trước Tết, mình có thể lọc kĩ đồ, up lên các trang cho/tặng đồ và hẹn người qua lấy đồ được thoải mái thời gian. 




Cách mình áp dụng là mỗi hôm dọn một chút. Ví dụ, sau bữa tối dọn dẹp ăn uống xong (tầm 7h30), mình sẽ vừa cho con học, vừa tranh thủ dọn một hạng mục nào nó trong nhà. Có hôm thì là dọn phòng ngủ, có hôm lau cửa sổ, có hôm thì lau tủ sách, sắp xếp lại tủ quần áo. Vì cuối năm cũng nhiều việc, đi làm về lại con cái cơm nước cũng mệt, nên mỗi hôm mình chỉ dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ để dọn thôi. Chậm nhưng chắc. 


Mình có một lợi thế nữa là ở nhà chung cư, mọi thứ đều ở trên một mặt bằng, nên việc dọn dẹp không mất quá nhiều thời gian. Thêm nữa hai năm gần đây, những đồ cần cho/cần tặng/không dùng đến mình cũng "giải tán" đi rồi, nên việc dọn nhà cũng nhanh lắm, không mấy áp lực. Mình mất khoảng 2 tuần (tầm 14-15 ngày) để dọn sạch sành sanh từ trong ra ngoài, thường sẽ kết thúc vào khoảng 15-20 Tháng Chạp mọi năm. Nếu cần thiết, sau Ông Công Ông Táo, mình sẽ dọn lại nhà một lần nữa, nhưng chỉ cần dọn qua thôi, vì bản thân nhà sau khi dọn đã sạch lắm rồi.


Nếu bạn có ý định sơn sửa lại nhà, tốt nhất nên lên kế hoạch trước tầm 4-5 tháng và bắt tay vào sửa xong khoảng trước Tết 1 tháng nhé. Không là siêu áp lực đấy!


2. Book lịch làm đẹp trước 1,5 đến 2 tháng. Làm tóc thì trước Tết khoảng 2 tuần, móng thì trước Tết khoảng 5-7 ngày thôi nhé. Nếu có nhu cầu mua đồ mặc Tết cho bản thân, gia đình, thì thời điểm này cũng khá ok rồi.


Tết đến là khoảng thời gian các dịch vụ làm đẹp đông khách, để chọn được ngày/giờ đẹp thì mọi người nên book sớm. Tối thiểu là trước 1,5 tháng để tiện thu xếp công việc nhé. Nên chọn những chỗ quen để làm.


Năm nay dịch, salon tóc yêu thích của mình là Lan Hair Salon khá đông, phải chờ lâu, trong khi đó mình lại muốn đến chỗ nào vắng vẻ an toàn tí để còn dẫn bạn Xốp theo, nên mình đã đổi chỗ làm đầu sang salon Nhữ Quốc Hải ở Hàng Mành


Anh Hải cắt và làm xoăn không phải kiểu bay bay, cá tính như Lan nhưng tóc vào phom cũng đẹp lắm. Salon vắng khách, sạch sẽ, nên mình hoàn toàn yên tâm book cho hai mẹ con từ đợt Tết Dương lịch, để yên tâm tầm 22/1 Dương đi làm đầu là sẽ có chỗ và không phải chen chúc. 


Bạn Xốp lần đầu tiên được làm xoăn - sau khi kết thúc kì thi Học kì I với kết quả tốt!

Thường cắt tóc thì có thể cắt trước Tết độ 2 tuần là đẹp, đến Tết tóc sẽ vào phom hơn. Nhưng với làm móng thì nên book lịch làm trước Tết chỉ khoảng 5-7 ngày thôi, có như vậy mới giữ được móng đẹp, không bị dài quá hoặc bị... rơi, rụng, nứt. Năm nay mình làm móng ở Tama Nails ở Mai Anh Tuấn. Chỗ làm móng này có nhiều mẫu xinh xỉu, các bạn phục vụ lễ phép và làm cũng nhẹ nhàng lắm. Tuy nhiên mình chỉ ưu tiên làm dịp Tết để móng bền thôi, còn trong năm thì nếu có làm mình vẫn sẽ qua Lala Nails (cùng chỗ với Nhữ Quốc Hải Hair Salon).


Với các dịch vụ khác như xăm môi, xăm mày v.v.. thì mọi người nên làm trước Tết 2-3 tháng đi nhé. Đừng để làm cận Tết, một là chưa ổn định phải kiêng nhiều thứ (mà Tết của Việt Nam mình hay ăn nhiều đồ nếp không tốt với mấy việc xăm đấy), chưa kể không có thời gian ổn định, rồi nhỡ chẳng may bị dị ứng, bị hỏng... thì còn có thời gian mà chăm sóc với sửa chữa :)


Wishlist năm nay của mình là phun môi đó. Nhưng phải Ra Giêng mình mới bắt đầu tìm hiểu và book chỗ cơ, cứ bình tĩnh :D


Với việc mua sắm đồ diện Tết, thì mọi người cũng nên chịu khó theo dõi và tìm mua khoảng 1-2 tháng trước Tết. Có thể thời điểm đó sale không nhiều nhưng sẽ có nhiều mẫu đẹp, hoặc theo dõi và đi thử xem mẫu nào ưng thì "ghim" lại, đến khi hãng sale cái là múc luôn thì sẽ tiện cả đôi việc: vừa có quần áo mới, mà giá thành lại dễ chịu. Các hãng sẽ sale nhiều và sale đồng loạt vào khoảng 2-3 tuần trước Tết, nhưng nhược điểm là sẽ hết siêu nhanh, nên nếu đã mất công thử và tìm mua thì chọn khoảng 2-3 mẫu ưng ý. Hết món này thì ta có thể xoay sang món khác được.


Năm nay mình rất may mắn, mua được bộ áo dài của Hữu Là La sale 50% lúc đấy còn phải 2 tháng nữa mới tới Tết cơ! Cả bộ áo quần chỉ có 1tr850k, trong khi nếu ngày thường chưa sale thì nhà chị Hữu chả bao giờ bán dưới cái giá 2,5-3tr/bộ áo dài. Đồ của các con mình cũng ngắm nghía và mua trước khoảng 1 tháng, cũng chỉ mua trên Shopee thôi, rẻ lắm, nhưng được cái không vừa không ưng còn kịp đổi trả. Nói chung năm nay 3 mẹ con xúng xính, bố thì tự xử nhé vì mẹ hết tiền rồi =]]


Bố chụp ba mẹ con bên hiên nhà ông bà nội dịp Tết năm nay. Bức ảnh đẹp quá! Mình cứ đem đi khoe mãi thôi :D

Sở dĩ mình rất quan trọng việc làm đẹp, mặc đẹp trước Tết bởi có năm mình bận con nhỏ, nên 24,25 Tết mới cuống cuồng tìm chỗ làm móng, làm tóc mà nào có chỗ nào nhận đâu :( Năm đấy mồng Một Tết bạn Thoáng lăn ra sốt, rồi đến mồng Ba thì vào viện nằm qua mồng Mười mới được ra viện. Cả nhà năm đó coi như mất Tết, và cũng có một năm rất chật vật với con ốm, cô giúp việc thường xuyên nghỉ, mình phải xin nghỉ làm quá phép để chăm con v.v.. Do đó, mình rất tin rằng đầu xuân năm mới nếu như mọi việc không suôn sẻ thì sẽ dễ bị "dông" cả năm, vì vậy mình thường xuyên lên kế hoạch, sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất để đón Tết cảm thấy yên tâm nhất có thể!


3. Lên list đồ ăn cần mua/cần làm và mua sẵn, cấp đông để ăn dần


Không biết các vùng miền khác thắp hương Tết như thế nào, nhưng ở ngoài Bắc thì việc cúng kiếng khá là cầu kì và lắm công phu. Ví dụ như chỉ đơn giản một cái Tết, nhà mình sẽ có:


- Thắp hương cúng ngày 30 Tết (cuối năm): thường nhà mình sẽ làm buổi trưa ngày 30 để chiều được thảnh thơi, và phải làm hai mâm: 1 chay 1 mặn.


- Thắp hương cúng đêm 30 Tết (giao thừa): thường sẽ chỉ có xôi, gà, bánh chưng nhưng phải luộc lên ít nhất 3 con gà cho nhà bố mẹ chồng mình, nhà anh chồng mình và nhà mình. Xôi thì tùy tâm, như mẹ chồng mình thì bà chỉ thắp hương trong nhà với gà và bánh chưng thôi, còn mình thì muốn đầy đủ nên năm nào cũng thăp hương cả trong nhà và ngoài trời.


- Thắp hương cúng sáng Mồng 1 Tết: cũng lại hai mâm 1 chay, 1 mặn.


- Thắp hương hóa vàng (thường là ngày Mồng 3 hoặc Mồng 4 tùy năm): lại 2 mâm 1 chay, 1 mặn. Nhưng cũng có năm mẹ chồng mình chỉ làm 1 mâm mặn thôi =))


Thường đây chỉ là 4 ngày sẽ làm cơm và thắp hương ở nhà bố mẹ chồng mình ở quê (vì Tết mình sẽ về ở nhà bố mẹ chồng), còn với nhà bọn mình đang ở thì chỉ hoa quả và sẽ đơn giản hơn không cần mâm chay hay mâm mặn.


Chưa kể, còn phải ăn ở nhà 3 bữa/ngày, rồi làm cơm mời khách đến ăn. Nhà chồng mình còn có giỗ ông nội chồng vào ngày 26 Tết nữa, nên mọi việc rất nhiều và lượng đồ ăn cần chuẩn bị cũng khá lớn. 


Giò chả, bánh chưng, gà, măng, đồ nấu chay... mẹ chồng mình sẽ tính toán đặt hết ở quê để cho tiện công mang đến. Rau dưa thì ở quê rất nhiều, họ chỉ nghỉ bán cùng lắm chiều 30 và hết ngày mồng 2, nên hầu như sáng 30 mẹ chồng mình đi chợ lùa một loạt về là xong. Vì thế, nhiều năm nay mình đều nhận nhiệm vụ làm nem - là món mất nhiều thời gian để chuân bị, đặc biệt là với gia đình có nhu cầu nem số lượng lớn như nhà chồng mình. Số lượng nem mình cuốn phục vụ Tết hầu như toàn trên 100 cái, trong đó 90% là nem mặn, nem chay mình chỉ làm ít đủ để thắp hương thôi. Rồi cấp đông và bảo quản để mang về cho mẹ dùng. 


Đây mới là 1/2 số nem năm nay mình cuốn. Năm nay mình phải cuốn 2 ngày mới xong, mà hết Tết thì nhà cũng hết nem luôn!

Bố mẹ chồng mình và cả bố mẹ đẻ mình tư tưởng khá thoải mái, ông bà cũng hiểu bọn mình còn đang nuôi con nhỏ nên không hề áp lực chuyện Tết phải biếu nọ biếu kia, đặt nặng áp lực kinh tế lên các con. Với ông bà chỉ cần con cháu về đông đủ, vui vẻ làm cơm là quý rồi, vợ chồng mình vì thế cũng có cuộc sống dễ chịu hơn so với nhiều người khác ở khoản này. 


Tuy nhiên, thoải mái và dễ dàng không có nghĩa là mình được buông xuôi nghĩa vụ. Mình hiểu ông bà không muốn đặt nặng áp lực, nhưng không có nghĩa bọn mình vô tâm không quan tâm đến việc bếp núc, sắm sửa nọ kia đón Tết trong gia đình. Nhiều khi chỉ cần phụ mẹ làm 1-2 món cho Tết, mua ít bánh kẹo hoặc mứt tết đem về bày để tiếp khách, rồi sắm 1-2 loại hoa cắm trong nhà, rủ bố mẹ đi chọn đào quất trưng khi Tết đến... là ông bà đã thấy vui rồi. Không đặt áp lực lên con cái không có nghĩa là con cái không phải làm gì đâu nhé mọi người! Ý thức mới là cái quan trọng nhất. 


Thường mình thích gì thì tự cân đối mua lấy, có thể hỏi thêm ý kiến của mẹ xem bà có cần mua sắm gì thêm không, sau đó thì tự chi tự mua và tự làm. Mọi việc mua sắm đồ ăn uống nên được hoàn thành trươc 24 Tết. Vì như mình đã nói, gia đình mình 26 Tết có cái giỗ và sau đó là nghỉ Tết luôn rồi nên không có thời gian ngắm nghía, lượn lờ mua sắm nữa.


4. Thu xếp lịch Tết Nội - Tết Ngoại thật hợp lý


Những năm trước mới lấy nhau, do chưa có kinh nghiệm, mình chưa biết sắp xếp thời gian và chủ động trong lịch đi chúc Tết của bản thân. Mình cứ nghĩ đơn giản xong xuôi hết nhà Nội rồi sang nhà Ngoại cũng không vội. Nhưng đấy là một quan điểm sai lầm!



Sau vài năm, mình đúc rút là được là câu nói
"Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy" đều có lý do của nó. Thay vì ở rịt bên nhà chồng đến hết Mồng Ba sau khi hóa vàng mới về nhà mẹ, mình sẽ chủ động thu xếp đi chúc Tết nhà nội trong ngày Mồng Một và sáng Mồng Hai. Đến chiều Mồng Hai và ngày Mồng Ba, mình sẽ sang nhà ngoại chúc Tết rồi lại vòng về nhà bố mẹ chồng để hóa vàng. 


Với cả việc ăn Tất Niên, mình cũng sắp xếp như vậy. Với gia đình nhà chồng, bao giờ cũng là ăn Tất niên vào trưa ngày 30. Vì thế, với nhà bố mẹ đẻ, mình sẽ xin phép để tổ chức sớm hơn 1-2 ngày (có thể là vào 28 hoặc 29 Tết). Như vậy, bọn mình vẫn ăn Tất niên đủ hai bên nội ngoại, không thiếu bên nào, và mọi người đều vui vẻ.


Cứ nhiều năm như vậy sẽ thành quen nếp, vợ chồng mình cứ theo lịch mà làm. Hai năm nay cả hai bạn nhà mình cũng đã lớn rồi, bọn mình lại càng có nhiều thời gian để thong thả đi chúc Tết hơn. Sau ngày Mồng Ba hóa vàng là cũng không còn việc gì, vì thế bọn mình lại quay về tổ ấm riêng dọn dẹp, thu xếp, nghỉ ngơi. Và bắt đầu từ năm ngoái thì có thêm một "nếp" mới đó là Mồng Bốn là ngày cả nhà dành thời gian cho nhau. Đi ăn sáng phố cổ, đi cà phê, nếu không vì dịch thì có lẽ bọn mình còn tranh thủ cho các bạn đi Bờ Hồ đi dạo ăn kem hoặc ra Văn Miếu xin chữ. Nhưng vì dịch vẫn diễn biến phức tạp quá, mà quan trọng là hai bạn bé nhà mình chưa tiêm, nên bọn mình chỉ tìm chỗ vắng vẻ mà ngồi nghỉ ngơi thôi!


10 năm lấy chồng và đón 10 cái Tết, mình có lời khuyên chân thành với các bạn gái rằng: cái thói quen đi chúc Tết, sao cho đủ hai bên nội ngoại thực ra chẳng khó tí nào. Mình cứ làm trong nhiều năm, đầy đủ, sắp xếp lịch sao cho thật hài hòa, vậy là lâu dần sẽ thành "nếp" thôi.


****


Mình biết rằng khi mình viết những dòng này, mình có nhiều điểm thuận lợi hơn mọi người.


Thứ nhất, điều may mắn nhất, đấy là bố mẹ hai bên đều thoải mái, tâm lý. Vì thế những việc như sắp xếp lịch ăn uống, chúc tết như thế nào, thời gian ra sao... bọn mình đều có thể hoàn thiện một cách dễ dàng và được hai bên ông bà ủng hộ.


Thứ hai, bọn mình đều đi làm và ổn định ở một nơi là Hà Nội. Bố mẹ hai bên cũng thế. Kể cả mình cứ hay nói là "về quê chồng", nhưng thật ra quê chồng mình ở Đông Anh - đi từ nội thành ra đến ngoại thành, không phải xa xôi tàu xe khổ cực như nhiều người, giao thông rất thuận lợi... vì thế mà bọn mình tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại.


Thứ ba, chúng mình được bố mẹ cho ở riêng. Và chỉ cần được ở riêng, tức là các bạn được quyền quyết định và chủ động trong cuộc sống của mình. Không phụ thuộc vào ai, và cũng không bị ai can thiệp. 


Nhưng để có được một cái Tết vui vẻ, không tất bật lo toan, thì mình cũng phải mất đến 10 năm.


Đêm Giao Thừa thảnh thơi. 10h là mọi việc đã xong xuôi để ngồi cắn hạt dưa chờ đón năm mới rồi.

10 năm để mình thay đổi quan niệm đón Tết của cả hai bên nhà nội ngoại. Đặc biệt là nhà nội. Hồi mình mới về, bố mẹ chồng mình cũng không quá quan tâm đến việc bên nhà ngoại của mình đâu. Nếu như mình không mở mồm ra chủ động thưa gửi, thì ông bà cũng nghiễm nhiên coi việc mình về có khi ở rịt trong quê từ 26,27 Tết đến hết Mồng Ba, Mồng Bốn là-chuyện-bình-thường!


Để bố mẹ trở nên tâm lý, thoải mái như ngày hôm nay. Mình cũng phải cố gắng rất nhiều.


Cố gắng từ những việc nhỏ như cơm nước hàng ngày, chăm sóc gia đình riêng của mình. Đến những việc lớn bên nhà chồng như cúng bái, giỗ chạp... đều tham gia đầy đủ và săm sắm bắt tay vào làm. Rồi cả việc lên lịch, thu xếp sao cho phù hợp nhất mà không mất lòng bên nào, cả việc thưa gửi xin phép ông bà thể hiện sự tôn trọng với bố mẹ và nề nếp của gia đình nhà chồng... từng chút từng chút một mình phải học, phải tìm cách cân đối, mới có thể có được một dịp Tết như năm nay.


Vì thế, điều cuối cùng mình muốn nhắn gửi với mọi người là: cái Tết thảnh thơi, vui vẻ, không phải tự dưng mà có được. Nó phải được hình thành dần dần, tùy theo nề nếp gia phong và thói quen của từng gia đình. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phụ thuộc vào bạn - người phụ nữ, người nội tướng và cái "nóc nhà" :)


Hãy quan sát, theo dõi, học tập và tự bố trí thu vén dần dần. Tìm cách để cho người quan trọng nhất - chồng của bạn - đồng thuận và cảm thấy thoải mái với cách mà bạn bố trí, sắp xếp hợp tình hợp lý. Chẳng có ông đàn ông nào là không vô tâm cả, nhưng vô tâm không có nghĩa là không cảm hóa được. Miễn là chúng ta thu vén sao cho hợp tình hợp lý, tránh xung đột trong gia đình.




Chỉ cần bạn chịu quan sát, chịu học hỏi, và chịu thay đổi - những điều may mắn và năng lượng tích cực sẽ xuất hiện. Chúc cho mọi người phụ nữ Việt Nam đều sẽ tìm được những cái Tết thật vui vẻ, thảnh thơi trong nhiều mùa Tết sắp tới nữa.


Gửi tặng các bạn clip mình quay ngày Mồng Bốn Tết năm nay của mình - ngày "thảnh thơi" và dành thời gian cho gia đình nhỏ <3