Được tạo bởi Blogger.

Preparing for Pregnancy | Golden Time - Giai đoạn Vàng

Chuẩn bị cho việc ra đời một thành viên mới trong gia đình là một sự kiện vô cùng quan trọng. Nếu như với đứa con đầu tiên, phần lớn các cặp vợ chồng đều để "thuận theo tự nhiên" hoặc có càng sớm càng tốt cho ông bà nội ngoại yên lòng. Thì từ đứa con thứ hai trở đi, đối với cá nhân mình - phải là một sự chuẩn bị kĩ càng. Không chỉ về mặt thể chất, mà còn là cả về điều kiện vật chất.

Ngày hôm nay mình xin phép chia sẻ với mọi người một lịch trình lên kế hoạch để có em bé thứ hai của vợ chồng mình (mà chủ yếu là mình :D). 

Tưởng như nó là chuyện riêng tư, nhưng thực ra nghĩ đi nghĩ lại, khi ngồi type những dòng này, mình vẫn thấy rằng đây là một thực tế chúng ta cần phải chuẩn bị để có thể đảm bảo cho con một cuộc sống tốt khi chào đời và cả lâu dài về sau nữa. Đồng thời với đó, là một người mẹ yêu thích việc làm đẹp, việc chuẩn bị sao để có một thai kì khỏe mạnh cũng là một điều khiến mình vô cùng quan tâm.


Xác định khoảng thời gian để có em bé [1 - 2 năm]

Cá nhân mình thấy việc có thêm một thành viên trong gia đình là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng. Vì vậy việc chuẩn bị có thêm một thành viên nữa, mà lại là em bé thứ hai, khiến mình phải lên kế hoạch đến cả năm liền.

Mình đi tìm sự tư vấn từ những người xung quanh với câu hỏi "khoảng cách giữa hai bé bao lâu là vừa đủ", rõ ràng mình không hề muốn việc mình có em bé thứ hai sẽ khiến mình xao nhãng việc chăm sóc em bé thứ nhất. Và lại càng không thể vì em bé thứ nhất mà bỏ bê không chăm sóc cho em bé thứ hai đang lớn lên từng ngày trong bụng. 

Vì vậy, khoảng cách tuổi giữa hai con là vấn đề mình quan tâm hơn cả trong giai đoạn này!

Thứ nhất, nó giúp cơ thể mình có thời gian để phục hồi lại sau lần sinh đẻ đầu tiên và lấy sức để chăm sóc không chỉ 1 mà lần này sẽ là hai bé.

Thứ hai, mình muốn khoảng thời gian đó phải là khoảng thời gian để mình có thể chăm sóc đồng thời cả hai bé - đặc biệt nó không rơi vào một thời điểm nào đó quá quan trọng và nhạy cảm với bé thứ nhất. Ví dụ: chuẩn bị đi học chẳng hạn - khoảng thời gian đó bé sẽ cần mẹ hơn bao giờ hết, hay ốm đau hơn bình thường nữa, trong khi mẹ có khả năng nghén ngẩm mệt mỏi sẽ dễ bỏ bê hoặc cáu kỉnh với bé - rất tội nghiệp. 

Suy đi tính lại, hỏi ý kiến mọi người chán chê. Cuối cùng hai vợ chồng mình dự định khi con gái lớn khoảng 3 - 4 tuổi sẽ sinh em bé tiếp theo.

Một là vì mình đẻ bạn Xốp theo phương pháp đẻ mổ (bạn ở trong bụng mẹ 42 tuần sang tận tuần thứ 43 vẫn chưa có ý định ra nên bác sĩ chỉ định phải mổ) nên khoảng thời gian 3 năm là khoảng thời gian cần và đủ để vết mổ có thể chịu đựng được lần mang thai tiếp theo mà không có biến chứng gì. Đây là kiến thức khoa học mẹ nào sinh mổ cùng cần phải biết, không phải mình bịa đâu nhé!

Hai là ở khoảng thời gian đấy, bạn Xốp đã đi học (2,5 tuổi mình cho bạn đi nhà trẻ) và sức khỏe trộm vía đã đỡ ốm đau hơn rất nhiều (khoảng ngoài 2 tuổi mình đã cảm thấy việc chăm con nhẹ nhàng lắm rồi vì con tự làm được nhiều việc và biết nhiều thứ, có thể giao tiếp và trao đổi ý muốn với bố mẹ được). 

Ba là nếu như có bé thứ hai trong khoảng thời gian này, khi bạn Xốp lên 6 thì em bé thứ hai sẽ lên hai hoặc ba tuổi. Đối với mình việc giáo dục và đi học của con vô cùng quan trọng, vì vậy việc con vào lớp 1 cũng quan trọng không kém. Ở thời điểm bạn Xốp chuẩn bị đi học tiểu học, minh hy vọng em bé thứ hai đã có thể đi nhà trẻ được (mình sẽ cố gắng cho em bé thứ hai đi nhà trẻ sớm hơn cô chị, khoảng 20 tháng nếu mọi sự ổn thỏa), như vậy mẹ sẽ có thời gian để chuẩn bị cho chị lớn vào lớp một cẩn thận hơn. Khoảng cách tuổi như vậy sẽ không rơi vào giai đoạn nhạy cảm của bất kì một bé nào hết cả :)

Xác định sinh con vào khoảng thời gian nào trong năm

Cái này cũng quan trọng không kém. Tất nhiên là có con là vui rồi, không nên quá cầu kì chuyện đấy. Nhưng từ chính kinh nghiệm của cá nhân mình khi nuôi bạn Xốp những buổi đầu tiên khiến mình thích đẻ con vào khoảng tầm tháng 5, tháng 6 trong năm.

Thứ nhất là đẻ tầm đấy trời hết lạnh rồi, bắt đầu chuyển sang hè và cũng không còn bị nồm nữa (Hà Nội mà nồm thì khó chịu cực kì luôn mọi người ạ!). 

Thứ hai là đẻ tầm đấy vì khí hậu ôn hòa nên bé sẽ được tiếp xúc với thời tiết thuận lợi và dễ dàng hơn, tắm nắng chắc chắn sẽ nhiều hơn các bạn sinh vào mùa Thu Đông. 

Và cuối cùng, đẻ tầm đấy tháo bỉm cho con tập xi cực kì thuận tiện - cá nhân mình thấy việc đóng bỉm chỉ tiện vào mùa đông và buổi tối thôi, còn cứ tập xi cho con đỡ bị hăm là tốt nhất :D

1 năm - 6 tháng trước khi chính thức có thai

Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu tham gia vào một lớp học thể dục hoặc theo đuổi thường xuyên một loại hình thể dục nào đấy. 


Lần đầu tiên mang thai mình không chịu vận động, cơ thể tăng rất nhiều cân (18kg lận). Khi đấy mình tưởng rằng tăng cân như vậy là tốt, nhưng kì thực mình béo lên nhiều mà con đẻ ra cân nặng rất bình thường (3,2kg), chưa kể mình bị phù chân rất sớm - từ tháng thứ 6 đã bị phù rồi và có nguy cơ tiểu đường thai kì cao vì tăng cân nhiều quá!

Sau khi sinh thì lại bị mẹ chồng với mẹ đẻ bắt ăn móng giò nhiều quá, nên khi lên bàn đẻ thì 66kg (thời con gái mình nặng 48kg), đẻ xong cân còn có 54kg mà ở nhà chăm con mấy tháng lên đến 58kg. Bạn Xốp ngoài 18 tháng mình cai sữa, không phải chú trọng ăn uống nữa thì mới gọi là sụt cân đi, không thì cứ béo quay béo cút! :((

Hiện tại cân nặng của mình là 53kg - chưa về được với con số bạn đầu nhưng với chiều cao 153cm của mình thì chỉ số BMI như vậy là bình thường và mình có kế hoạch tập luyện để duy trì cân nặng và sức khỏe.

Chỉ số BMI là một thứ rất quan trọng. Nó sẽ định liệu được bạn có quá béo hoặc quá gầy không. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng phụ nữ trước khi mang thai nên theo dõi chỉ số BMI của mình, nếu quá gầy thì phải tích cực ăn uống luyện tập để tăng cân, nếu quá béo thì phải giảm xuống - việc duy trì chỉ số BMI ở ngưỡng tiêu chuẩn sẽ tốt hơn không chỉ cho cơ thể chúng ta trong quá trình mang thai mà còn hỗ trợ cho việc thụ thai dễ dàng và hệ sinh dục hoạt động ổn định - yếu tốt quyết định để có một em bé khỏe mạnh.

Cộng hưởng với đó, nhiều bà mẹ hiện đại ngày nay đã rất thức thời khi hiểu được rằng: bầu không có nghĩa là ngừng vận động và tập thể dục. Tuy nhiên nhiều người không hiểu rằng việc để cơ thể vận động phải cần một thời gian để thích ứng (tối thiểu là 6 tháng). Ví dụ bạn là một người lười vận động hoặc không bao giờ chịu vận động, biết có thai rồi mới đi tập nọ tập kia thì nguy cơ động thai và sảy là hoàn toàn có thể xảy ra vì cơ thể bạn không thể thích ứng với việc vận động mạnh.

Trong khi việc tập luyện các bộ môn thể thao lại rất tốt cho mẹ bầu trong việc duy trì sức khỏe trước trong và sau thai kì, tránh các biến chứng (ví dụ như tăng cân quá nhiều dẫn đến tiểu đương thai kì chẳng hạn), giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn (chả thế mà các mẹ hồi xưa chưa có khái niệm fitness nhưng cứ có bầu là tích cực đi bộ để dễ đẻ)... vì vậy việc luyện tập thể thao rất được khuyến khích.

Do đó, việc lên kế hoạch tập thể dục tối thiểu 6 tháng trước khi có thai là vô cùng quan trọng.

Trước khi có thai, có thể bạn tập các bộ môn gym, nhưng trong 3 tháng đầu chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng vừa sức, bơi và tập yoga. Từ những tháng sau đấy tùy theo điều kiện sức khỏe và sự tư vấn của bác sĩ, huấn luyện viên... bạn có thể có chế độ tập luyện riêng.

Đi cùng với việc luyện tập thể thao, cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống khoa học và điều độ. Nếu bạn uống cà phê, hút thuốc hoặc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nên dừng lại ngay trong thời gian này.

Ngoài ra, đây là giới hạn cuối cùng để chuẩn bị về vấn đề tài chính. Nên bắt đầu trong khoảng thời gian này, hoặc thậm chí sớm hơn, kể từ khi xác định sẽ có con.

6 tháng - 3 tháng trước khi chính thức có thai

Khoảng thời gian này mình chú trọng đến 2 vấn đề: Một là lên lịch tiêm phòng trước thai kì cho bản thân. Và hai là uống thuốc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. 


bốn mũi tiêm mẹ cần phải nhớ để chích ngừa trước khi mang thai:

- Cúm (tiêm 1 tháng trước khi mang thai)

- Rubella (tiêm mũi MMR phòng 3 bệnh: Sởi - Quai bị - Rubella, tiêm 3 tháng trước khi mang thai)

- Thủy đậu (tiêm 5 tháng trước khi mang thai - cái này không nhiều tài liệu nói, mình đến nơi tiêm chủng bác sĩ mới tư vấn nên các bạn nên lưu ý)

- Viêm gan B (tiêm 1 tháng trước khi mang thai)

Việc uống thuốc bổ sung dưỡng chất trong thời gian này sẽ giúp chung ta hạn chế được việc cơ thể suy giảm sức sau khi hạ sinh và cũng giảm khả năng bị ốm nghén khi mang bầu.

Đây cũng là khoảng thời gian nên theo dõi chu kì kinh nguyệt để dễ dàng tính ngày dễ thụ thai. Để thuận tiện, chúng ta có thể down một vài app về cho điện thoại và theo dõi chu kì kinh nguyệt hằng tháng. Mình sử dụng song song hai app là Lady Timer Clue để theo dõi song song (một app tiếng Việt và một app tiếng Anh). Nếu như chu kì kinh không đều hoặc bạn có hiện tượng gì không tốt, nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản. Đặc biệt nên có biện pháp phòng và điều trị nếu bị bệnh phụ khoa.

1 tháng trước khi chính thức có thai

Bắt đầu nên tìm đọc về các loại sách mang thai/nuôi con nhỏ. Mình đã có bài viết về các quyển sách hay cho các mẹ trong mục Mommy's Books, mọi người có thể tham khảo để đọc thêm.


Tìm hiểu kĩ về các sản phẩm dưỡng da bạn đang dùng và thành phần cần tránh trong các sản phẩm khi mang thai. Thay đổi và tìm kiếm sản phẩm phù hợp trong khoảng thời gian này là vừa đủ để làn da kịp thích ứng và cơ thể cảm thấy thoải mái khi dùng. Mình rất chú trọng đến việc dưỡng da an toàn khi mang thai, mặc dù nhiều tài liệu có nói 90% các sản phẩm dưỡng da trên thị trường đều có thể dùng được khi mang thai, chắc do tâm lý "ăn chắc mặc bền" và tính cẩn thận hơi bị thái quá :)


Cuối cùng, chúc các mẹ có dễ dàng thụ thai và có giai đoạn 9 tháng 10 ngày bình an, chào đón những thiên thần nhỏ đến với gia đình :)

Thân,


TRAVEL 1-0-1 (IV) | 9 KID-FRIENDLY TRAVELLING ESSENTIALS


Đi du lịch với trẻ nhỏ cần phải mang rất nhiều đồ. Bạn sẽ không thể biết được con mình sẽ gặp phải chuyện gì trong suốt chuyến đi và hiển nhiên rất muốn chuyến du lịch đó thuận buồm xuôi gió và thật sự an toàn từ lúc ra khỏi nhà cho đến lúc kết thúc chuyến đi trở về.

Ngày hôm nay mình muốn giới thiệu với mọi người những món đồ cực kì hữu dụng mà mình đã sử dụng để đi du lịch cùng bạn Xốp. Mỗi mẹ sẽ có cảm nhận và những kinh nghiệm khác nhau, nên những món đồ mình nói đến trong post này sẽ chỉ mang tính chất tham khảo thôi nhé :)

1. Túi phân chia đồ đạc trong vali (Travel Cube size Small/Medium)

Chiếc túi này mình mua theo set ở trong bộ Lady Set trên trang dotienich.vn, trọn gói một bộ túi gồm 2 túi đựng quần áo size Big/Medium và Medium/Small - mỗi túi kèm một chiếc túi đựng đồ bẩn; 1 túi đựng đồ lót và 1 túi đựng mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Có rất nhiều màu cho mọi người lựa chọn, giá là 530k, mọi người có thể vào đây để tham khảo. 

Trong post trước mình có chia sẻ với mọi người video clip cách mình gấp quần áo vào trong chiếc túi dạng to (gập gọn và cuộn tròn - sẽ tiết kiệm được nhiều diện tích hơn) thì đối với chiếc túi bé để đựng quần áo cho con gái mình cũng thực hiện y như vậy.


2. Quần áo cơ bản: quần dài, áo cổ 3 phân & áo khoác

Việc lên list các đồ vật cần mang dựa trên thời tiết nơi đến và thời gian lưu trú lại địa điểm du lịch mình cũng đã nhắc đến trong post trước, đối với việc chuẩn bị quần áo mang đi du lịch cho bé cũng phải lên list tương tự như vậy.

Tuy nhiên, bên cạnh việc mang nhiều bộ quần áo đẹp để chụp ảnh, thì bố mẹ cũng đường quên quần áo dài tay chất liệu cotton (trong đấy quần bo gấu và áo cổ ba phân là lý tưởng nhất) đi kèm với đó là một chiếc áo khoác dài tay.

Thời tiết ở nơi đến du lịch có thể sẽ không hề ổn định. Ví dụ như đợt Tết Nguyên Đán vừa qua mình cùng gia đình đi du lịch ở Phú Quốc thấy thời tiết khá phức tạp là đằng khác: mặt trời lên muộn (hơn 5h mới thấy le lói trong khi ở những chỗ khác mình đi 4h sáng đã nhìn thấy bình minh trên biển rồi) nhưng một khi đã lên thì trời sáng rất nhanh, nắng gay gắt, và cực kì nóng (khoảng trên 30 độ); đến buổi chiều khoảng tầm 5h khi mặt trời tắt nắng thì trời tối cũng cực nhanh và nhiệt độ xuống cũng rất nhanh (khoảng 22 - 23 độ), người lớn khỏe mạnh mặc áo ba lỗ - quần đùi còn thấy lạnh nữa là trẻ con.


Cộng với đó, việc đi du lịch nằm ngủ trong phòng có điều hòa khá là phổ biến. Vì vậy việc mặc quần áo dài khi đi ngủ là việc tối thiểu mà bố mẹ phải nhớ khi cho con đi ngủ. 

Quần dài thì các bạn có thể mua loại quần của hàng VNXK - chất rất đẹp mà lại bền, áo cho bé thì mình chỉ tin tưởng hai thương hiệu: 1 là Dệt kim Đông Xuân (áo cotton cổ ba phân của họ rất tốt mà lại bền) và hai là Canifa (áo chất cotton thun dày hơn một chút, cũng có cổ ba phân, chất co giãn). Với áo mặc ngoài, bạn có thể lựa chọn áo gió mỏng 1 lớp là lý tưởng nhất, không thì áo kiểu chất liệu cotton dày xốp như của Uniqlo mà bạn Xốp có ở đây cũng rất tốt.

3. Giày đế mềm

Có một chiếc giày để mềm để con xỏ chân và đi lại chạy nhảy thì còn gấp vạn lần một chiếc xe đẩy stroller!


Trong các lần đi du lịch, hầu như chẳng lần nào mình mang xe đẩy cho bạn Xốp. Vợ chồng mình luôn khuyến khích con tự đi bộ và không cần bố mẹ bế, chỉ khi nào con quá mệt hoặc cơ thể không được khỏe thì bố mẹ mới hỗ trợ thôi.

Chẳng hiểu sao mình thấy đi chơi mà cứ cho con vào trong xe đẩy, con chẳng thưởng thức được gì hết cả, thậm chí đi lâu còn lăn ra ngủ vì... buồn. Vậy nên cứ đi bộ cho khỏe mà lại vui vẻ cả nhà!

4. Mũ/Ô 

Cái này chắc không phải nói lý do vì sao nhỉ. Bình thường thì mình vẫn mang 1 chiếc mũ mỏng có vành rộng vừa đủ chất liệu cotton thoáng mát và dày vừa đủ để che nắng cho bạn Xốp. Tuy nhiên với những nơi điều kiện nắng gắt thì có thêm một chiếc ô cũng không hề thừa!


5. Balo  

Không phải là balo của bố mẹ, mà là balo cho bé. Mình rất thích cách giáo dục của người Phương Tây: bố mẹ đối xử với con như một thành viên bình đẳng trong gia đình, chứ không như kiểu người Châu Á nhà mình lấy đứa trẻ làm trung tâm của vũ trụ. Vì vậy, trong mọi việc, mình đều khuyến khích bạn Xốp tự làm theo khả năng và phù hợp với độ tuổi - sức lực của bạn. Đi du lịch cũng không hề có ngoại lệ.

Mình chuẩn bị cho bạn một balo kích cỡ vừa đủ, để vào đấy một bộ quần áo sơ-cua để thay (loại mỏng, nếu trong trường hợp phải đến nơi có thời tiết lạnh và mang quần áo dày thì mình sẽ mang hộ đồ nặng) đi cùng với đó là kính và mũ, bút vẽ và màu tô để bạn tự lấy ra chơi khi có nhu cầu, cuối cùng sẽ là một ít đồ ăn nhẹ đã được chia vào trong hộp/túi nhỏ để bạn chủ động lấy ra ăn khi muốn.


Cá nhân mình thấy các bạn bé rất muốn được "thể hiện" mình khi có dịp, bố mẹ càng khuyến khích thì các bạn lại càng thích thú. Chưa kể đến, các bạn bé sẽ cảm thấy tự tin và nhanh nhẹn, chủ động, bạo dạn hơn trong nhiều việc chỉ từ cách bố mẹ đối xử bình thường, không ưu tiên và khuyến khích thực hiện. Vì vậy một chiếc balo để con đeo đi chơi là thứ mình luôn chuẩn bị sẵn mỗi khi có dịp.

6. Hộp nhựa IKEA PRUTA

Bạn nào yêu thích đồ của IKEA chắc không còn xa lạ với bộ hộp nhựa này. Bộ này gồm 17 hộp nhựa trong nắp xanh lá với kích thước khác nhau - cực kì phù hợp để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hoặc đồ khô. Nắp của bộ hộp này khá chặt chứ không lỏng lẻo như nhiều bộ hộp khác. Tuy nhiên mọi người lưu ý nên mua ở những địa chỉ uy tín vì hiện mình thấy hang fake IKEA nhiều lắm. Set này mình mua ở IKEA Thanh Miến - một địa chỉ bán đồ IKEA nổi tiếng ở Hà Nội.

Trong set 17 hộp này có 4 hộp nhỏ nhất - hình vuông, dạng hơi dẹt là mình rất thích dùng khi đi du lịch với bạn Xốp. Hộp nhỏ nên cho vừa vào balo hoặc túi xách tay lên máy bay, nắp đóng chặt nên không sợ dây bẩn. Mỗi lần trước khi lên đường du lịch, mình thường chuẩn bị một số đồ ăn nhẹ cho bạn Xốp ăn trên đường di chuyển (có thể là hoa quả đã bóc sẵn, ưu tiên dạng múi; bánh quy; sữa tươi loại 100ml...) và cho vào hộp một lượng vừa đủ (trừ sữa nhé :D) rồi cất vào balo. Khi nào con cần thì mình sẽ đưa cho con ăn. Rất tiện lợi lại an toàn và vệ sinh!

Mình đã có một post nói về việc mang thuốc khi đi du lịch cho bé, mẹ nào quan tâm có thể vào đây đọc tham khảo nhé. Tuy nhiên mình vẫn muốn nói kĩ hơn về 3 sản phẩm rất hữu dụng mà bé nào ở độ tuổi nào khi đi du lịch cũng cần mang theo:

7. Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% của PHARMEDIC

Nước muối sinh lý thì rất là phổ biến trong chăm sóc trẻ nhỏ rồi, và lại được bán rất rộng rãi tại các hiệu thuốc trên toàn quốc nữa chứ. Nhưng mình chỉ tin dùng nước muối của Công ty Dược Pharmedic từ khi mới sinh bạn Xốp cho đến nay.

Một và vì chai thuôn dài, cầm chắc tay chứ không như nhiều hãng dược khác chai lùn và to hơn;

Hai là vì chất liệu nhựa của chai rất mềm, dễ nhỏ và điều chỉnh lượng nước muối;

Cuối cùng, quan trọng nhất là do cái đầu nhỏ của lọ được vát tròn chứ không nhọn, nhỏ như nhiều hãng dược khác. Đầu vát tròn giúp khi nhỏ vào mắt, mũi bé không bị xây xát dẫn đến tổn thương.

Mình sử dụng nước muối như thế nào khi đi du lịch? - Khi con ở trong chỗ đông người quá lâu hoặc khi con di chuyển/sinh hoạt trong môi trường điều hòa. Mỗi một lần như vậy mình nhỏ 1-2 giọt vào mỗi bên mũi của con và để nó tự chảy xuống họng, hoặc nếu con thích thì có thể xì ra. Nước muối sinh lý 0,9% rất tốt, nó giúp con vệ sinh mũi - họng và tránh các con vi-rút làm ổ vi khuẩn trong hệ hô hấp của con.

8. Dầu tràm

Đây lại là một bảo bối nữa của mình dành cho bạn Xốp. Không chỉ khi đi du lịch mà cả khi chuyển mùa hoặc khi trời lạnh. Mình thường nhỏ 3-4 giọt dầu tràm vào chậu nước to cho bạn tắm, mùi dầu tràm thơm mà không bị cay như dầu gió, giúp các bạn nhỏ thông mũi rất dễ chịu. Chưa kể đến, tắm với nước có hòa một ít dầu tràm giúp con giữ ấm cơ thể rất tốt đặc biệt là vào lúc trời lạnh.

Trong khi đi du lịch, bên cạnh việc sử dụng dầu tràm để tắm cho con giúp con đỡ "lạ nước", mình còn sử dụng để bôi lên gan bàn chân, ngực và sau mang tai cho con khi nằm trong phòng điều hòa hoặc di chuyển trên các phương tiện có điều hòa quá lạnh. Nói chung dầu tràm để giữ ấm, thông mũi, giải cảm, giúp con tránh gió lạnh rất tốt. Đây là một sản phẩm cực kì hữu dụng mà bất kì bé nào cũng nên có 1 lọ để trong tủ thuốc ở nhà.

9. Kem chống nắng

Có lẽ không cần phải nói nhiều về vấn đề này nữa đúng không ạ? :) Kem mình đang dùng là của California Baby, ngoài ra thì có nhiều hãng kem chống nắng khác rất được yêu thích mà thành phần dễ chịu lành tính, mọi người có thể tham khảo (nói nhỏ: cá nhân mình không thích kem của Neu cho bé lắm, cảm giác... thế nào ý :-SS).


Trên đây là những sản phẩm mình cho là thiết yếu nhất khi đi du lịch cùng bé. Nếu các bạn có kinh nghiệm nào hay, hãy chia sẻ cho mình và các mẹ khác biết với nhé!

Thân,


2016 | MY SKINCARE ROUTINE

Chào mọi người!

Cũng phải đến hơn 1 năm rồi mình không update skincare routine với mọi người trên blog, post gần nhất về skincare routine cũng là từ tháng 1/2015, mọi người ai quan tâm có thể vào đây để đọc lại nhé! Nhân dịp đang mở album để bạn đọc chia sẻ về skincare routine, hôm nay mình cũng mạn phép "tự sướng" một post riêng trên blog về routine chăm sóc da hằng ngày của mình.

Cá nhân mình là người không thích đi theo thời đại hoặc chịu khó cập nhật xu hướng dưỡng da lắm (chỉ xu hướng phải gọi là cực hot, nhà nhà người người ai ai cũng biết thì mình mới quan tâm tới chút xíu)... Lý do vì mình thuộc kiểu người lười/ngại thay đổi và cũng quan niệm routine chăm sóc da thì nên trung thành với một chu trình nhất định để da có thời gian làm quen/thích nghi/ổn định và cải thiện/khắc phục dần dần, chứ không nên thay đổi và cập nhật nhiều thứ vào quá, bởi có phải xu hướng làm đẹp nào mình cũng áp dụng được đâu. Ví dụ như xu hướng dùng son nude, mình thề mình mà dùng son nude mặt mình trông như xác chết trôi luôn! :))

Mặc dù vậy nhưng mình vẫn cố gắng tìm kiếm những sản phẩm mới, thú vị để thêm thắt vào trong routine và thay đổi routine tùy thuộc vào điều kiện da, vấn đề da đang gặp phải và một số những điều kiện khách quan khác (thời tiết, môi trường làm việc...).


Ở thời điểm hiện tại, routine của mình đã được "thay mới" 100% so với routine cách đây hơn 1 năm mà mình chia sẻ với mọi người. Lý do vì mình đang tìm kiếm một routine an toàn, phù hợp cho cơ thể khi mang thai & nuôi con bú - phục vụ cho series Pregnancy Times trên blog, trong khi các sản phẩm trong routine cũ thì có cái dùng được, có cái không dùng được, cũng có cái khái niệm dùng được/không dùng được khá là...mù mờ, trong khi mình muốn có một routine thực sự chắc chắn 100% an toàn để giới thiệu cho các mẹ bầu. Vì vậy mình mới thay đổi chu trình dưỡng da mà mình đã gắn bó phải đến hơn nửa năm.

Một số lưu ý nhỏ với mọi người về tình trạng da của mình trước khi mình đi vào chi tiết routine chăm sóc da:

1. Da mình là da hỗn hợp thiên khô, tuy nhiên nếu chăm chỉ dưỡng da đều đặn thì lại thấy da như kiểu có thiên hướng là da  thường (rất khó hiểu);

2. Phần trán có mụn cám, phần cánh mũi lỗ chân lông to;

3. Mình 27 tuổi - da bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa nên chú trọng đến các sản phẩm chống lão hóa, chống nám/tàn nhang...

4. Quầng thâm mắt khá rõ do hay thức khuya vì có con nhỏ và tính chất công việc ngồi máy tính nhiều;

5. Thời gian mình ở ngoài đường khoảng 2-3 giờ đồng hồ/ngày - tập trung chủ yếu vào giờ cao điểm buổi sáng - chiều và giờ nghỉ trưa (đi ra ngoài ăn trưa);

6. Mình ít khi trang điểm;

7. Da mình ít khi có mụn, nhưng một khi có mụn thì sưng rất to - thường tập trung ở phần cằm, hai bên môi hoặc trán. Nặn mụn hoặc mụn tự vỡ thì vết thâm cũng rất lâu sau mới mờ được.

- MORNING SKINCARE ROUTINE - 

Tiêu chí skincare buổi sáng của mình là nhanh chóng - gọn nhẹ vì mình có con nhỏ nên mỗi buổi sáng phải tận dụng triệt để thời gian nếu không sẽ không kịp đưa con đi học và đến sở làm đúng giờ.

Mỗi buổi sáng mình sẽ rửa mặt với Aveeno Positively Radiant Daily Scrub. Đây là một bạn sữa rửa mặt có scrub nhỏ, dùng hàng ngày với da bạn nào mỏng và yếu thì có thể sẽ không thích, với mình thì bình thường. Tuy nhiên, mình cũng không sử dụng bạn này nhiều quá, đặc biệt trong đợt Hà Nội rét lạnh như vừa rồi, vì da mình hơi bị nẻ nên mình hạn chế dùng sản phẩm này vào buổi sáng - cảm giác dùng xong da hơi bị rát và hơi khô căng một tẹo, thay vào đó mình dùng khăn ấm và mềm lau mặt một lượt thôi. Thời tiết Hà Nội dạo này ấm áp và dễ chịu hơn thì mình dùng hằng ngày. Nói chung đây là một em sữa rửa mặt chất lượng tốt, giá thành ổn, kết cấu không có gì quá đặc biệt, mùi thơm dễ chịu và nếu dùng quen thì sau khi rửa mặt sẽ cảm thấy rất sáng khoái, thích hợp dùng cho buổi sáng đặc biệt là các bạn da hỗn hợp hoặc dầu :)

Mình không phải là fan của toner lắm, nên dùng cũng được mà không dùng cũng chẳng sau. Bởi vì mình cảm giác dùng sửa rửa mặt có độ pH ổn thì da không bị mất đi cân bằng mà phải dùng toner. Mặc dù vậy mình vẫn có một lọ xịt khoáng Caudalie Grape Water phòng khi muốn dùng đến thì lôi ra xịt xịt, vỗ vỗ lên mặt, đơn giản vậy thôi.


Tiếp theo đấy mình sẽ dùng kem mắt SK-II Stempower Eye Cream. Đây có thể nói là bạn kem mắt đắt nhất mà mình từng mua, sau khi đã "lặn ngụp" với đủ các thể loại kem mắt có giá thành từ thấp đến trung bình và trung bình cao... mà mãi vẫn chưa tìm được em kem mắt nào ưng ý! Mình mới order từ shop quen về dùng được độ 2 tuần gì đấy nên chưa thể nói nhiều về sản phẩm này được, chỉ có thể review ngắn gọn là texture khá đặc, dưỡng ẩm tốt và khi bôi lên thì da mắt có cảm giác căng bóng rất đẹp. Hiệu quả trị quầng thâm thì phải một thời gian nữa mình mới có thể kiểm nghiệm được :)

Bộ đôi sản phẩm tiếp theo mình sẽ dùng là Ole Henriksen Truth Serum Collagen Booster và Sheer Transfomation. Ole Henriksen là một trong những hãng mỹ phẩm hiếm hoi không phải thuộc dòng mỹ phẩm organic (hữu cơ) nhưng claims rằng có thể sử dụng an toàn trong giai đoạn mang thai và cho con bú (các bạn vào trang chủ của Ole Henriksen, vào mục FAQ cuối trang).
Ảnh cap lại từ trang  chủ của Ole Henriksen
Truth Serum Collagen Booster là một trong những bạn serum best-seller trên Sephora, chiết xuất chủ yếu với Vitamin C, Vitamin E và một số dưỡng chất khác có tác dụng chống lão hóa, làm sáng và đều màu da. Nếu như mọi người đã đọc bài viết của mình về những thành phần nên tránh và có thể thay thế khi mang thai (tại đây) thì mọi người sẽ biết Vitamin C là một sự thay thế gần như cực kì tối ưu và an toàn so với Retinol/Vitamin A trong giai đoạn mang thai và cho con bú. Bạn serum này kết cấu lỏng, thấm khá nhanh nhưng nếu dùng trong điều kiện thời tiết ấm và nóng thì sẽ có cảm giác thấm chậm và hơi dinh dính.

Sheer Transfomation là kem dưỡng cùng hãng, cũng là một trong những sản phẩm khá được yêu thích của Ole. Phải nói là bạn này là một trong những loại kem dưỡng phù hợp với mọi loại da: thấm nhanh, khô ráo, dưỡng ẩm tốt. Nếu so với huyền thoại DDMG của Clinique mà mình đã trung thành gần 2 năm qua thì Ole có vẻ hơi ẩm hơn một tẹo, chỉ hơi hơi thôi - đây là một sự lựa chọn không hề tồi cho các bạn có làn da hỗn hợp thiên khô khổ sở vì cái thời tiết ở Hà Nội như mình: hè thì dùng DDMG của Clinique là đủ, nhưng đông đến là không đổi sang dòng Lotion+ thì da khô nẻ ngay lập tức. Với bạn Sheer Transfomation này thì không bị như thế, vì vậy mình khá là khoái!

Bước cuối cùng trong skincare routine buổi sáng của mình là bạn Coola Mineral Matte Sunscreen SPF30 (Cucumber). Hãng Coola là một hãng khá nổi tiếng bên US với các sản phẩm chống nắng toàn thân, đặc biệt an toàn cho bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên ở Việt Nam không nhiều shop biết nhập về bán và cũng không có bạn nào dùng và review hết cả, vì vậy mình thấy khá hứng thú với bạn này. Mình dùng được gần 1 tháng rồi, phải nói là siêu thích! Hiện đang nhờ người nhà bên US mua hộ thêm 2 tuýp nữa, tháng 4 này sẽ về Việt Nam - nói vậy đủ để mọi người hiểu mình thích bạn này như thế nào! Sẽ cố review trong thời gian sớm nhất nhé!

Bình thường mình không thích trang điểm đâu, nhưng vì mới sắm được bạn cushion của Sulwhasoo dùng thích quá, lại có thêm cả SPF50 (mặc dù biết là có SPF thì cũng chỉ "hú họa" thôi, vẫn phải dùng kem chống nắng) - nhưng vì trộm vía da mình từ khi dùng routine này khá tốt nên chỉ 1-2 lớp cushion trông mặc đỡ mệt mỏi hơn rồi, vì vậy mình cứ ghi vào đây cho bạn nào quan tâm ạ! =]] Tiếp theo cushion thì mình vẫn trung thành với kẻ lông mày và son môi, tùy hứng tùy hôm mà sử dụng ;)


Buổi sáng mình cũng rất chú trọng đến việc ăn sáng. Thường ăn khá là no, như vậy đến trưa mới có sức để đi tập thể dục, và đến chiều thì chỉ ăn độ hơn chén cơm thôi. Chế độ ăn thay đổi kể từ khi mình đi tập thường xuyên (hồi xưa mình toàn bỏ bữa sáng) khiến mình thấy cơ thể dễ chịu hơn, không bị nặng nề như trước nữa. Có lẽ cũng vì thế mà da dẻ cũng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn? :)

Sau khi ăn sáng xong thì mình còn uống 2 viên giúp tóc và móng tay chắc khỏe của Phyto nữa. Liệu trình mình áp dụng là trong 4 tháng, hãng cũng khuyên là nên dùng từ 3-4 tháng mới có hiệu quả rõ ràng. Các bạn nào quan tâm có thể mua set 2 lọ thuốc của Phyto trên Sephora (ở đây). Sau khi kết thúc 4 tháng mình sẽ review cho mọi người :)


- FITNESS SKINCARE ROUTINE - 

Buổi trưa mình hay đi tập thể dục, tập xong sẽ tắm táp và rửa mặt một chút nên cũng "thủ" sẵn một vài món trong túi đi tập hằng ngày. Vì đại đa số các đồ skincare dùng hằng ngày đều khá to, mà mình thì ngại cái kiểu sang chiết, nên tận dụng luôn bộ Organics to Go của Juice Beauty để dùng và test thử xem như thế nào.


Ngoại trừ xịt khoáng của hãng mình để ở cơ quan để khi nào thích thì lôi ra xịt (mùi cũng khá thơm - kiểu chanh quýt nhưng lại hơi cay mắt một tẹo) thì 4 sản phẩm còn lại gồm Cleansing Milk, Green Apple Peel Sensitive, Antioxidant Serum, Nutrient Moisturizer mình đều sử dụng đều đặn mỗi buổi trưa sau khi tập và tắm xong. Chốt bước cuối là kem chống nắng Coola.

Cá nhân mình thì thấy... hơi thất vọng với các sản phẩm của Juice Beauty trong set này. Mùi thơm không hấp dẫn lắm nếu không muốn nói là gần như chẳng có mùi gì, thậm chí mùi còn hơn... ngai ngái. Thêm vào đó, mình cảm thấy bạn Cleansing Milk và Apple Peel kiểu rất "vô thưởng vô phạt", dùng xong không có cái cảm giác mặt đã sạch hoặc đã được tẩy da chết. 

Món có lẽ mình ưng ý nhất là bạn Antioxidant Serum tuy nhiên nhìn thiết kế fullsize của bạn đấy thì lại... hơi ngại mua vì là dạng vòi bóp và lọ thì trong suốt nên rất khó bảo quản. Mặc dù vậy có lẽ đây cũng là sản phẩm được nhiều người yêu thích, mình tìm mua trên Ulta.com toàn thấy cháy hàng không à! :(

- EVENING SKINCARE ROUTINE -

Buổi tối là lúc cần dành thời gian đầu tư cho skincare nhất nên mình cũng chịu khó sử dụng nhiều sản phẩm hơn. Gọi là nhiều sản phẩm nhưng cá nhân mình thấy nó vẫn chưa là gì so với nhiều bạn =]]

Đầu tiên, với hạng mục tẩy trang và làm sạch mặt, mình vẫn trung thành với phương pháp Double Cleansing. Hai loại dầu tẩy trang mình dùng gần đây và luân phiên thay là DHC Deep Cleansing Oil & Fancl Mild Cleansing Oil

Với DHC Cleansing Oil mình thích dùng vào những ngày trời hanh khô, lạnh, da có hiện tượng bị nẻ ở gò má và cánh mũi... Bạn này khá là ẩm nên dùng xong da không bị khô căng quá. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì mình lại trung thành với Fancl Mild Cleansing Oil vì nhẹ nhàng và có độ ẩm vừa phải hơn, do thời tiết Hà Nội đang ở trong giai đoạn nồm ẩm, nắng mưa thất thường!

Tiếp theo đó mình sẽ sử dụng Ole Henriksen African Red Tea Foaming Cleanser và cọ Clarisonic đầu cọ là Deep Pore. Bạn African Red Tea này có mùi cam chanh thấy rõ luôn, khá là relax, tuy nhiên về độ bông xốp như Caudalie Instant Foaming Cleanser thì không bằng, và cảm giác rửa mặt xong cũng không "đã" như với bạn sữa rửa mặt tạo bọt của Caudalie. Có lẽ sau khi dùng hết bạn này mình sẽ quay lại với Caudalie vậy! :)

Đầu chổi Deep Pore và cọ Clarisonic thì mình có lẽ không phải nói nhiều nữa, đã có quá trời các bạn review rồi. Chỉ là do tính mình thích mua sắm đồ mới để test, nên (lại) đang nhờ người nhà bên US mua hộ hai loại cọ Cashmere và Radiant về dùng thử xem nó "ra ngô,ra khoai" như thế nào. Nói mới nhớ, ở trên Sephora đang có set 4 loại đầu cọ trong đó có cả 3 bạn mình nhắc đến trong bài này đấy, mọi người ai quan tâm vào đây nhé! Hình như trước ở Ulta.com cũng có nhưng giờ thì hết rồi.


Thứ tự apply tiếp theo của mình với các sản phẩm khác thì giống như buổi sáng: xịt khoáng Caudalie - kem mắt - serum và kem dưỡng.

Có điều buổi tối trước khi dùng serum của Ole mình sẽ sử dụng thêm Sunday Riley Luna Oil. Đây là sản phẩm duy nhất trong routine này mình biết nó không hề an toàn cho bà mẹ và trẻ nhỏ nên chắc chắn sẽ loại ra không giới thiệu với các mẹ bầu (nhưng vì giờ mình hổng có bầu nên cứ vô tư dùng thôi! :D)

Lý do thì chắc nhiều bạn tìm hiểu về bạn oil đình đám này đã biết: bạn ý có chứa Retinol (Trans-Retinol) - một trong những chất đầu bảng cần tránh khi mang thai và cho con bú!


Trước khi quyết định cho Luna Oil vào trong routine hằng ngày vào buổi tối, mình đã có độ 2 tuần test thử kết hợp bạn này và Good Genes cùng hãng, sau đó "khóa ẩm" với bạn kem dưỡng nổi đình đám của Clinique DDMG nhưng vẫn không thể "chống chọi" lại với sự hanh khô xuất hiện trên da mặt! Vì vậy mình buộc phải dừng lại và chỉ dám cho vào trong routine buổi tối độ 1 tháng trở lại đây.

Quả nhiên là có bạn này vào thì thấy có biến chuyển rất tốt trên da thật! Mặc dù vậy mình vẫn giữ nguyên ý kiến là bạn này chỉ đóng góp độ 30-40% tình trạng da được cải thiện của mình, phần còn lại thì là công của bộ dưỡng Ole và chế độ tập luyện/sinh hoạt khoa học ;)


Cứ cách một ngày, mình lại thêm bạn Ole Henriksen Invigorating Night Treatment  vào routine buổi tối, sau Luna Oil và Truth Serum. Đây là một dạng facial gel tổng hợp 12 loại AHA - một trong những sản phẩm được đánh giá rất cao của Ole.

Mình dùng BHA 2% của Paula's Choice thì chẳng thấy xi nhê gì, vậy mà dùng bạn này thì thấy da bị châm chích nếu dùng 1 pump đủ, vì vậy mình chỉ dám lấy 1/2 và dùng cách ngày thôi. Phải nói là bạn này dùng trên da mình cho kết quả cực tốt! Có lẽ là một trong những sản phẩm tốt nhất mà mình từng dùng. Tối nào dùng bạn này xong, sáng ra sờ mặt cũng thấy thích hơn rất nhiều. Ôi nói chung mình hứa sẽ có bài review kĩ về cả 3 sản phẩm của Ole mình đang dùng này để mọi người hiểu rõ hơn nhé! ;)

Sản phẩm cuối trong routine vẫn là bạn kem dưỡng Ole rồi, có lẽ không cần phải nói nhiều nữa :)

- WEEKLY TREAMENT - 


Giữa và cuối tuần mình sẽ chăm sóc da kĩ hơn một chút với tẩy da chết Tatcha Polished Classic Enzyme Powder. Bạn này dùng thích hơn bạn Gentle cùng hãng, mùi thơm kiểu nước gạo chứ không ngai ngái như bạn kia. Mặc dù vậy thì giá bạn này khá là đắt, nên mình cũng không ham mua fullsize lắm đâu :))

Tùy theo điều kiện và sở thích mà mình sẽ sử dụng mặt nạ cho da. Độ này mình đang test thử bạn Andalou Naturals Pumpkin Honey Glycolic Mask. Hôm nào muốn đổi gió thì mình sẽ dùng My Beauty Diary Sheet Mask. Nói chung tùy hôm tùy sở thích, hạng mục mặt nạ hằng tuần của mình không cố định :))


Trên đây là toàn bộ skincare routine hằng ngày và hằng tuần của mình. Nói chung mình theo chủ trương đơn giản - ít thay đổi - lười cập nhật vì vậy skincare tương đối đơn giản. Mặc dù vậy mình khá hài lòng với routine hiện tại, tất nhiên nếu có điều kiện thì không ngại thử cái mới.

Mình phải xem xong tập 8 "Hậu duệ mặt trời" thấy chị nữ chính tỏ tình kiểu "bá đạo" với anh nam chính, cười không nhặt được mồm, mới có tâm trí mà ngồi hoàn thiện bài này đấy ạ! :))

Chúc các bạn có một kì nghỉ cuối tuần vui vẻ.

Thân,


TRAVEL 1-0-1 (III) | TIPS TO HAVE BEST BEACH DAY WITH KIDS


* Lưu ý: Những tips này áp dụng cho các mẹ có con nhỏ sức khỏe kém hoặc các bé lần đầy tiên đến với biển - với các bé có sức để kháng tốt hơn, những tips này tương đối... vô dụng :D

Bạn Xốp vốn có cơ địa dễ ốm đau và sức đề kháng kém. 3 tuổi - 3 lần đi biển, lần đầu tiên vào được chưa đến 1 ngày thì đêm đầu tiên bạn lăn ra sốt và mẩn hết người vì phát bệnh chân - tay - miệng lây của anh hàng xóm, lần thứ hai chơi được 1 ngày sang ngày thứ hai thì bạn hâm hấp thế là đi toi 2 ngày còn lại của kì nghỉ, bởi vậy lần du lịch biển thứ 3 này mình vô cùng "rón rén" và "rụt rè".

Bạn Xốp - cũng vì ốm yếu, nên mang tiếng là đi biển đến 3 lần rồi nhưng lần đầu chỉ xuống nhúng chân vào nước, lần thứ hai thì mới ra gọi là "hít thở không khí" của biển, vì vậy mình cũng chẳng hy vọng lắm vào việc lần thứ ba này bạn có thể xuống nước để tắm được. Tuy nhiên mình vẫn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chờ đợi bạn ra dấu hiệu "muốn đi bơi ở biển" để mình triển khai! :)

Kết quả bạn Xốp đã xuống biển tắm, không chỉ 1 lần mà những hai lần. Và với một đứa trẻ còi cọc hay ốm như bạn Xốp, đi biển và tắm biển bì bõm mà không ốm, không sổ mũi, không sốt... Trộm vía ti tỉ lần là không bị làm sao cả vào ngày hôm sau, thì quả là một KÌ TÍCH! Và mình rất muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm nhỏ mà mình áp dụng cho bạn trong lần đi biển này.

1. Đừng vội cho con xuống tắm biển ngay ngày đầu tiên

Mình có một niềm tin mãnh liệt, rằng các bé yếu thì nên tránh ra gió một cách quá thô bạo, mà nên từ từ. Tức là, sau một vài tiếng đồng hồ di chuyển tàu xe từ nhà đến bến xe/sân bay rồi đến khách sạn, chưa kể trong những tiếng đồng hồ đấy ngủ vật vờ, ăn vật vờ, chờ đợi v.v.. không được thoải mái như ở nhà... thì việc đến nơi nghỉ dưỡng, hay để trẻ nghỉ dưỡng trước khi tham gia vào bất kì hoạt động gì.

Con nên được ngủ một giấc thật ngon, ăn một bữa thật no, uống đủ nước, chơi đùa trong phòng khách sạn hoặc khu vui chơi của trẻ nhỏ... Đại khái những nơi tạo cho bạn và con cảm giác an toàn, không quá nhiều nắng gió, không ồn ào, không quá náo nhiệt, không quá xô bồ... Tất cả để cơ thể con ổn định lại và kịp thích ứng với điều kiện và môi trường sống mới. Nhiều khi không mất đến 1 ngày, có khi chỉ nửa ngày thôi, nhưng tốt nhất là nên hạn chế tha lôi trẻ ngay ngày đầu tiên xuống biển để vùng vẫy.

Trẻ vừa trải qua một chuyến đi dài, cái quan trọng là con cần nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cho khỏe rồi thì mới có sức mà vui chơi. Không đi đâu mà vội.

2. Giờ xuống tắm biển

Xuống tắm ở biển không nên quá sớm, nhưng cũng không nên quá muộn. Giờ lý tưởng buổi sáng khoảng từ 9h30 - 10h30, buổi chiều khoảng từ 15h - 16h. Tại sao lại như vậy?

Buổi sáng nước biển hãy còn rất lạnh, cần mặt trời lên cao để nước biển ấm hơn một chút mới nên cho trẻ ra tắm. Nên tránh tắm buổi trưa - đặc biệt trong khung giờ từ 11h - 13h, vì đấy là lúc mặt trời lên cao nhất, ánh nắng gay gắt nhất. Buổi chiều, vào khoảng từ 15h - 16h ánh nắng chưa tắt hẳn nhưng đã đỡ chói chang hơn, thủy triều cũng chưa lên cao, sóng cũng đánh chưa mạnh - nên cho tắm thời gian này là hợp lý.

3. Mũ - Kem chống nắng - Phao

Có một thực tế là nhiều khi các mẹ rất chú trọng chăm sóc da dẻ cho bản thân, nhưng nhiều khi lại quên mất việc chăm sóc cho em bé của mình bởi quan niệm: trẻ con bé, cần gì phải cầu kì. Vấn đề ở chỗ, việc bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi tham gia bất kì hoạt động nào không chỉ riêng tắm biển đều giúp cho trẻ tránh được sự ảnh hưởng có hại của tia UVA/UVB lên cơ thể. Vì vậy, đừng xem nhẹ việc bôi kem chống nắng cho trẻ. Nên tập cho trẻ thói quen bôi kem chống nắng.

Hiện tại có rất nhiều các hãng kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ an toàn và thân thiện với sức khỏe con người. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo.


Mũ với phao cũng là những vật dụng cần thiêt cho trẻ khi ra biển bơi. Cầu kì hơn, bạn có thể chuẩn bị bộ đồ chơi xúc cát cho con để con ngồi chơi trên bờ sau khi vùng vẫy dưới biển.

4. Thời gian tắm biển

Không bao giờ nên cho trẻ bì bõm dưới nước quá 30 phút - với các bé có cơ địa yếu và lần đầu tiên xuống biển. Nên tăng dần thời gian để trẻ làm quen với môi trường nước. Lý tưởng nhất chỉ nên ở trong mức 15 - 20 phút dưới nước biển.

Khi cho trẻ xuống biển, nhúng từ từ từng bộ phận vào nước biển để trẻ quen dần với nhiệt độ mới. Đừng một phát nhúng hẳn cả người con xuống, nhiều em bé yếu dễ bị sốc nhiệt vì nước biển bao giờ cũng lạnh hơn nhiệt độ cơ thể.


Khi đã nhúng toàn thân con xuống nước, hạn chế việc nhấc bổng con lên khỏi mặt nước mà nên cho con ngâm người hoàn toàn trong nước, bởi vì khi cơ thể đã quen với nhiệt độ nước mà nhấc hẳn con ra khỏi đó không che chắn, con sẽ rất dễ bị lạnh.

5. Lau khô và thay quần áo khi lên bờ

Nên mang một chiếc khăn tắm loại to để ấp trẻ khi bế trẻ lên bờ. Lau khô người cho con ngay lập tức, không để con tiếp tục mặc đồ bơi ướt mà nên thay một bộ quần áo khác hoặc quấn khăn khô quanh người cho con. Tiếp tục để trẻ xuống bờ biển chơi, nghịch cát khi cơ thể trẻ đã thích ứng và ổn định lại với nhiệt độ trên bờ.


6. Bố mẹ giữ tinh thần bình thản - không nóng vội hoặc quá lo lắng

Thực tế mọi đứa trẻ sinh ra đều không hề sợ nước. Trẻ đã có 9 tháng 10 ngày "bơi" trong bụng mẹ, hệ hô hấp của trẻ và phản xạ của trẻ ngay từ khi sinh ra đầu có thể thích ứng được với môi trường nước. Tuy nhiên có nhiều bé lại khóc thét lên khi ra biển, sợ hãi dúm dó và bắt bố mẹ cho lên bờ bằng được.

3 năm nuôi con nhỏ, mình nghiệm ra một chân lý rằng: tâm lý của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ, và trẻ "đọc vị" được tâm lý của bố mẹ rất giỏi! 

Ví dụ, bố mẹ quá sốt sắng cho con xuống nước mà không cho con làm quen từ từ - tất nhiên trẻ sẽ hoảng sợ - trẻ trong cơn hoảng sợ sẽ khóc rất to, bố mẹ sẽ đi theo hai chiều hướng một là nài ép trẻ ở lại hoặc không thì bối rối trước phản ứng của trẻ - trẻ sẽ lại càng tức tối và hoảng sợ hơn do ý nguyện của trẻ không được thực hiện, và lại càng khóc to.

Hãy để cho trẻ thời gian làm quen với biển. Đơn giản bằng việc dẫn trẻ xuống nước nhảy sóng (sóng nhỏ thôi, đừng có dại mà cho con ra lúc sóng to ầm ầm, trẻ sẽ sợ hãi ngay), hãy cho trẻ thấy rằng việc tắm biển chẳng có gì đáng sợ, rằng những con sóng kia đến chân mình vô cùng êm dịu và nhẹ nhàng chứ không hề gây nguy hiểm,thực sự nó còn rất thú vị và vui vẻ, dần dần khi trẻ đã cảm thấy thoải mái vui vẻ hơn, hãy cho trẻ xuống nước. 

Đừng vứt trẻ vào một cái phao to rồi chắc mẩm rằng trẻ xuống nước sẽ cảm thấy an toàn. Không có gì an toàn với trẻ hơn là vòng tay của bố mẹ. Hay ôm trẻ, vừa nói chuyện vừa cười đùa để trẻ thấy yên tâm.


Trên đây là một số tips của mình khi đi tắm biển với bạn Xốp. Và thực tế khi áp dụng các cách này thì con không bị ốm, trộm vía rất khỏe mạnh và vui vẻ sau khi tắm biển xong.

Hy vọng giúp ích được các bạn.

Thân,