Được tạo bởi Blogger.

Monthly Favs | September 2015


Một tháng nữa lại trôi qua rồi!!!!!

Tháng Chín vừa rồi mình có nhiều tin mừng hơn trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, vì thế nên cũng có nhiều niềm vui hơn và cũng có nhiều trải nghiệm với kha khá sản phẩm chất lượng tốt. Sau một tháng, mình lại ngồi tranh thủ chia sẻ với mọi người về những món đồ yêu thích của mình trong tháng vừa rồi - có điều tháng này sẽ đặc biệt hơn chút vì đúng tháng mà mình yêu thích nhất trong năm - tháng Mùa Thu về :)


[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐI HỌC THỰC SỰ CỦA BẠN XỐP BẮT ĐẦU

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


Không hiểu sao mấy cái dự định của mình mà cứ viết ra trước là y rằng sẽ đổ bể, ý nói riêng trong cái series "mầm non ký sự" này! Tuần trước mình có chia sẻ với mọi người về việc dự định cho bạn Xốp khỏi ốm rồi đi học lại để kịp chương trình Khai giảng và Trung thu của trường, thế mà đổ bể đấy. Con mình sau khi hết sốt và loét họng thì lại bị nổi mẩn ở người, mình phải cho con ở nhà đến hết Chủ Nhật và đến Thứ Hai tuần này (28/9) thì cho con đi học lại. Lần này là đi học thực sự: từ sáng đến chiều và không có người đi cùng.

Trộm vía bạn Xốp đi học được 4 ngày thì hơi bị sụt sịt sổ mũi (chắc do khóc nhiều mấy hôm đầu và thay đổi thời tiết) - không biết là sau khi post bài này lên thì con mình có ốm không đây huhuhuhu :(

Hai ngày đầu tiên mình sợ đến độ không dám đưa con đi mà bắt bố bạn Xốp phải đưa đi.



Hiển nhiên là hôm đầu tiên con khóc khá nhiều, nhìn qua camera thấy khóc nấc cả vai lên thương lắm :( Cảm giác chỉ muốn lao đến ôm con vào lòng mà vỗ về rồi đưa con về nhà để con đừng sợ và đừng khóc nữa. Ngày hôm đấy mình xin nghỉ buổi chiều, đến rất sớm để đón con (tầm 15h30). Lúc mở cửa vào lớp thấy các bạn đang ngồi quây tròn quanh cô để cô buộc tóc cho, con cũng ngồi cạnh cô nhưng đang nức nở khóc. Nhìn thấy mẹ, con lao vào lòng ôm, ghì chặt lấy. Thương vô cùng luôn :(

Một số biểu hiện "bất thường" trong những ngày đầu đi học của bạn Xốp:

1. Nghịch hơn khi ở nhà

Mình chuẩn bị sẵn tư tưởng là khi về con sẽ mệt, sẽ quấy, sẽ hay gào thét... dựa trên kinh nghiệm của các mẹ chia sẻ trên mạng mình đã đọc được. Chắc con mình nó thuộc loại cá biệt! Về nhà, bạn Xốp vui vẻ như chưa từng vui vẻ hơn, trộm vía ăn được, và nghịch thì thôi rồi. Bình thường đã nghịch, những hôm đi học về như kiểu bị "thừa năng lượng" nên nghịch phải gấp đôi, gấp ba bình thường. Hò hét, chạy nhảy loạn xị ngậu trong nhà lên =.=

Mình hiểu rằng việc ở lớp đã khiến con có những "ức chế" nhất định, và khi về nhà - là môi trường thân thuộc với con, con cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn nên việc con nghịch ngợm hơn (cũng giống như nhiều bạn gào thét, khóc lóc... khi đi học về) như là một cách để con "giải tỏa" những ức chế về mặt thần kinh đấy.

Với bạn Xốp, khi đi học về, mình dành nhiều thời gian để ôm bạn, chơi với bạn, thơm bạn, vuốt ve bạn, hỏi han bạn về trường lớp - cô giáo và các bạn, cười nhiều hơn với bạn. Mình cũng nhắc nhở mọi người trong nhà không quát to, không cầm roi vọt đánh bạn (chỉ trừ trường hợp quá hư không thể không đánh để nhớ)... Bạn có vẻ khá "hài lòng" với không khí trong nhà những ngày này. Về nhà là bạn trở nên vui vẻ, tươi tỉnh, hoạt bát và nghịch ngợm.

 2. Cực kì "quấn" một cô giáo nhất định khi ở lớp

Con có một "đặc điểm" là cực kì quấn một cô ở trong lớp, lại là cô Chủ nhiệm (lớp bạn Xốp có đến 4 cô trông). Mình đã tiếp xúc với cô được 1-2 lần khi con đi học thử, và bác giúp việc trong tuần đầu tiên đưa bạn Xốp đi học và ngồi ở lớp cùng thì cũng về nhận xét cô khá hiền, chuyên môn nghiệp vụ tốt và đặc biệt là rất dịu dàng, tình cảm với các bé. Mấy ngày đầu tiên con chỉ "theo" mỗi cô, nhìn qua camera thấy cô đi đâu con cũng đi theo, cô làm gì con cũng ngồi cạnh, và có vẻ như còn đòi cô bế - cô vỗ về mới chịu. Sang đến ngày thứ hai đi học, mình thấy con vẫn theo cô nhưng "cường độ" có vẻ giảm đi một tẹo. Buổi chiều đến đón mình cũng gặp cô trao đổi, cô cũng nói rằng hôm đầu thì theo ghê lắm, nhưng đến hôm thứ hai cô bận không cho theo thì cô chỉ bảo "con ngồi đây chờ cô, cô đi 2 phút cô về" là bạn Xốp cũng chịu.

Những ngày đầu quấn chặt lấy cô giáo (cô tóc dài ngồi bên cạnh). Bao giờ cô ăn xong đi ngủ mới chịu đi ngủ

Mình nghĩ đây là tâm lí vô cùng bình thường của con: khi bị đưa đến một nơi xa lạ, không có ai thân quen, bản thân con sẽ phải có những hành động để bảo vệ mình. Ở đây, bạn Xốp tìm đến với cô giáo mà bạn cảm thấy cô dịu dàng, ân cần, và quan tâm. Chắc là trong 1 tuần đi học thử nữa ngày, bạn đã kịp quen và cảm thấy an tâm hơn khi có cô ở bên cạnh (so với các cô khác trong lớp). Vì vậy, nếu có điều kiện và thời gian, mình khuyên các mẹ nên dành khoảng vài ngày để con đến trường làm quen với cô giáo và các bạn, từ đấy việc con lạ lẫm trong môi trường mới và tìm thấy "cứu cánh" để tự trấn an bản thân sẽ dễ dàng hơn, con sẽ hòa nhập với lớp nhanh hơn.

3. Nhút nhát và chưa thực sự hòa đồng với các bạn

Về cơ bản, bạn Xốp không phải là người quá nhút nhát, nếu không muốn nói là khá nhanh mồm nhanh miệng. Tuy nhiên, những ngày đầu đi học con không "hòa đồng" lắm. Mình nhìn qua camera thấy các bạn chơi, vui đùa còn con cứ quấn chặt lấy cô giáo. Thậm chí lúc cả lớp ngồi xuống và làm động tác múa hát theo cô, con cũng chỉ ngồi cạnh cô và nhìn các bạn. Thấy tội con ghê gớm :(

Sang đến ngày thứ ba thì con có vẻ tiến triển thêm một chút: con đã chịu ngồi ra với các bạn, đôi lúc vẫn thấy con đưa tay lên quệt nước mắt, nhưng cô dạy làm động tác múa hát con đã chịu làm theo... và khi ra sân chơi con đã chịu chơi cùng các bạn cứ không "bấu" lấy cô như hai hôm đầu nữa. Buổi chiều, thay vì dấm dứt khóc như hôm đầu tiên, hoặc ngồi thui thủi một góc không chơi với các bạn như hôm thứ hai, con đã có vẻ hòa đồng hơn và chịu chơi cùng các bạn xung quanh hơn.

Sang đến ngày thứ ba con đã chịu chơi với các bạn và không quấn lấy cô nữa

Cũng tương tự như biểu hiện thứ hai, mình thấy rằng đây là cách con đang tập làm quen với môi trường mới đồng thời cũng là một cách đề bảo vệ bản thân trước những người bạn mà con chưa biết nhiều. Khoản này mình không lo lắm, thời gian tới chắc chắn bạn Xốp khi quen lớp sẽ vui đùa với các bạn nhiều hơn.

4. Khóc vào mỗi buổi sáng và nói rằng "không muốn đi học"

Mặc dù khá thoải mái với 3 vấn đề trên, thì vấn đề thứ 4 này mình lại phải giải quyết một cách nhẹ nhàng và kĩ càng nhất có thể với con. 

Việc con đi học có lẽ vẫn chưa thực sự "thoải mái" và quen thuộc lắm. Sáng nào con thức dậy con cũng khóc và thút thít là "con không đi học đâu, con ở nhà cơ..."

Thường mình sẽ nói với bạn rằng "dậy đánh răng rửa mặt, thay quần áo rồi con đi học nào con", thì y rằng bạn sẽ mếu máo "con không đi học đâu". Lúc này, mình chỉ đơn giản ôm bạn vào lòng, giải thích cho bạn là đi học rất vui, rất nhiều điều bổ ích được học ở trường, có cô giáo và nhiều bạn... ở nhà sẽ không được như thế nên không ở nhà. Rằng mọi người ở nhà đều bận không ai có thể đi cùng được nên bạn phải tự lập và đi một mình. Cứ nói đi nói lại như vậy trong khoảng 15 đến 20 phút, sau đó thì làm vệ sinh cá nhân và một số thao tác cần thiết vào buổi sáng và lên đường đi học.

Một trong những điều mình khuyên các mẹ nếu có con chuẩn bị đi học mẫu giáo, đấy là tập cho con ngủ sớm và dậy sớm vào sáng hôm sau. Bạn Xốp 10h tối đi ngủ, khoảng 7h sáng là bạn dậy. Nguyên nhân một phần cũng để có thời gian làm "công tác tư tưởng" và đối phó với những trận mè nheo của bạn.

Việc dành thời gian để giải thích, vỗ về và trấn an các bạn nhỏ trước khi đi học vào mỗi buổi sáng là vô cùng cần thiết. Mình, đặt địa vị vào con, sẽ cảm thấy mình được tôn trọng - rằng việc đi học nó là bắt buộc nhưng cũng đồng thời hiểu rằng đi học là một việc cần phải làm chứ không phải muốn là đi, không muốn là nghỉ. Cảm giác được bố mẹ vỗ về, trấn an cũng khiến con đỡ có cảm giác áp lực, ức chế và tủi thân hơn, không có mặc cảm rằng "bố mẹ mang mình đi học để vứt bỏ mình" - cảm giác này không hề tốt tí nào, những sự ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến những hành động phản kháng, ví dụ: dậm tay dậm chân, nằm lăn ra nhà ăn vạ, khóc lóc và gào thét đòi không đi học, vứt và ném đồ đạc v.v..

*****

Dựa trên kinh nghiệm vài hôm đầu đi học của bản thân, mình thấy rằng đây đích thực là một giai đoạn "nhạy cảm": nhạy cảm cả với con, nhạy cảm cả với bố mẹ và mọi thành viên trong gia đình. Nếu nuông chiều con quá, làm theo ý con là không cho con đi học hoặc xót xa con mãi không chịu dứt con ra để con vào lớp... vô hình chung sẽ khiến con càng mè nheo và khóc quấy hơn, việc đi học sẽ khó khăn hơn. Nếu không nuông chiều con mà trở nên nghiêm khắc, thì cũng không hề tốt: con đi học những ngày đầu rất lo sợ, bất an, bố mẹ lại lạnh lùng và nghiêm khắc khi ở nhà càng khiến con trở nên căng thẳng và tủi thân hơn, gây nên những ảnh hưởng về mặt tâm lí rất sâu.

Quan điểm của mình trong giai đoạn này đó là cứng rắn đúng mực và mềm mỏng đúng cách.

Hai hôm đầu bố bạn Xốp đưa đi. Đến hôm thứ ba trở đi thì mình đưa bạn Xốp đi học (chắc bạn cảm thấy mẹ đưa đi thì an tâm hơn và nghĩ rằng mẹ sẽ dễ "mủi lòng" hơn bố). Cả hai vợ chồng mình đều thống nhất: đưa con đến gửi cô, dặn dò cô ngắn gọn thôi, chào con vui vẻ và quay xe đi luôn.

Mình đã đọc được trong nhiều tài liệu nói rằng: tâm lý những ngày đầu tiên đi trẻ của bé, phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý bố mẹ. Bố mẹ căng thẳng, bất an, lo lắng... trẻ sẽ dễ chi phối bố mẹ hơn và việc con quen với trường lớp, thầy cô giáo và bạn bè sẽ càng lâu hơn. Ngược lại, bố mẹ cảm thấy việc đưa con đi học là việc bình thường, con khóc và đòi bố mẹ trong những ngày đầu là bình thường và hoàn toàn vui vẻ trong quá trình đưa con đi cũng như đón con về, con sẽ dần dần hiểu rằng "đi học là một việc hằng ngày phải làm" và "bố mẹ đưa đến rồi bố mẹ sẽ đón về", tâm lý lo lắng sợ hãi do đó cũng dần biến mất và con dễ hòa đồng với môi trường mới hơn.

Vẫn tiếp tục theo dõi và cập nhật về chặng đường "đi học" của bạn Xốp.

Thân,

[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐẦU TIÊN ĐI HỌC VÀ TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


TỔNG HỢP TÌNH HÌNH ĐI HỌC TUẦN ĐẦU TIÊN CỦA BẠN XỐP 
& TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN CỦA BẠN
Tuần đầu tiên đi học nửa ngày và có người kèm, con sinh ra hai tật xấu: một là hay cho tay vào mồm - việc mà từ trước đến nay con rất ít khi làm, đặc biệt không chỉ cho một ngón tay mà nhiều khi con còn cho 3 ngón hoặc cả bàn tay vào mồm; hai là con bắt đầu hiểu chuyện và mặc cả rằng "con đi học với bà Quyên" (bà Quyên là tên bác giúp việc nhà mình).

Bên cạnh đó, khi con đi học được 4 ngày, mẹ có lên gặp trực tiếp các cô đứng lớp và tham khảo ý kiến thì các cô nói rằng: so với các bạn 2,5 tuổi về trí tuệ con trộm vía phát triển tốt, nhanh nhẹn, tiếp thu được nhiều thứ. Đặc biệt trong hai vấn đề là ăn uống và ngôn ngữ con phát triển rất tốt, tự lập và không phụ thuộc. Điều này mẹ không hề ngỡ ngàng.

Đúng là so với các bạn đồng trang lứa, có thể con không mập mạp hoặc nặng cân bằng, nhưng con ăn tốt, mức ăn con ở ngưỡng trung bình chứ không phải là ít, không bao giờ có chuyện mẹ ép con ăn bằng được (trừ khi con ốm) và kĩ năng tự cầm thìa và bát xúc ăn mẹ đã luyện cho con từ khi được hơn 1 tuổi nên con làm rất thuần thục.

Mẹ đã áp dụng việc cho con đi Viện Dinh Dưỡng để thay đổi chế độ ăn cũng như cách thức nấu thức ăn, nhưng nhìn chung 90% những gì mẹ làm bác sĩ đều đồng tình cho rằng mẹ đã làm đúng, và con chỉ nhẹ cân so với các bạn cùng trang lứa chứ không hề bị suy dinh dưỡng! Tuy nhiên khoảng 1 tháng trước khi cho con chính thức đi học, mẹ rút dần các loại thuốc bổ sung chất, và sau đó là cắt hẳn để con không phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuốc đấy, mục đích của mẹ là muốn cơ thể con tự điều tiết và thay đổi sao cho phù hợp chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào thuốc thang. Thì chỉ sau độ 2 tuần, con lại hơi gầy đi một tẹo, và tình trạng cân nặng của con thì cũng không tăng lên nhiều như khi con uống thuốc dinh dưỡng.

Mẹ hiểu rằng, không phải do cách mẹ chăm con sai, mà là do cơ thể con không hấp thụ được nhiều chất vì vậy việc con không bụ bẫm, không béo tốt là điều không tránh khỏi. Và mẹ cũng không cần con bụ bẫm, béo tốt!

Về mặt ngôn ngữ, con cũng có sự phát triển tốt mà mẹ rất hài lòng. Cách diễn đạt câu cú của con nhiều khi vẫn còn ngọng và hơi bị ngược. Ví dụ, khi mẹ hỏi con có đi tè không, ý con muốn nói rằng: "không, sáng nay bà đã xi tè cho con rồi", thì con lại nói ngược thành "không, bà xi sáng nay, con tè rồi". Hoặc nhiều ví dụ khác nữa mà trong dòng suy nghĩ khi type những dòng này mẹ không thể nhớ được. Nói chung là, ở thời điểm hiện tại người lớn nói gì con đều hiểu hết, và đều có thể biểu hiện ra quan điểm cá nhân của mình hết.

Các cô cho rằng đó là điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm cần lưu ý khi mẹ muốn cho con đi học cả ngày ở trường và không có người đi cùng. Phần vì sự nhận thức của con rất tốt, nên các cô sẽ không dễ "lừa" con để con quên mẹ và nhanh nín khóc so với các bạn bé hơn hoặc bằng tuổi nhưng nhận thức không phát triển bằng. Tuy nhiên, các cô cũng bày cách cho mẹ là hãy nói chuyện để cho con hiểu, đại loại: "bây giờ con đã lớn, bà Quyên còn bận nhiều việc nhà, bố mẹ bận đi làm, con phải tự lập trong việc đi học. Nhiều bạn ở lớp cũng như thế, con phải chấp hành đúng nội quy v.v.."

Mẹ về áp dụng triệt để cách cô hướng dẫn, xem chừng con có vẻ cũng hợp tác, nhưng nói chung mẹ cũng không tin lắm vào việc con sẽ chấp nhận sự thật phải đi học một mình trong những ngày đầu, và sẽ liên tục quấy khóc, bướng bỉnh.

Một trong những "sự kiện" của tuần đầu tiên đi học, đó là con bị ốm.

Mọi biểu hiện của con đều bình thường, cho đến chiều thứ 7 khi mẹ đi học về, thấy có cuộc gọi nhỡ của bác giúp việc. Bác nói rằng bác thấy con ăn nuốt hơi khó khăn, co rúm người lại mỗi lần nuốt, và hơi ậm ọa buồn nôn. Trong khi con không có biểu hiện sổ mũi, ho hay nôn ọe gì trong nhiều ngày trước. Mẹ đã cầm đèn pin lên soi vào họng, và thấy hai bên thành họng con hơi ửng đỏ lên. Mẹ cho con đi khám bác sĩ, được chuẩn đoán là viêm loét họng.

Con bắt đầu hâm hấp sốt từ chiều Thứ Bảy, và sốt liên tục trong đêm ngày Thứ Bảy vừa rồi. Cứ 4 tiếng cơn sốt lại lên, mẹ phải cho con uống thay phiên Efferalgan và Sotstop. Sáng Chủ Nhật con vẫn sốt, nhưng "cữ" sốt kéo dài ra khoảng 6-7 tiếng đồng hồ, đến đêm Chủ Nhật con ra nhiều mồ hôi và hạ sốt nhanh. Ngày Thứ Hai con vẫn hâm hấp, mẹ phải xin nghỉ làm ở cơ quan vì lo lắng con sẽ quấy khóc và sốt lại. Trộm vía con chỉ hâm hấp đến 37,8-37,9 độ sau đó con tự hạ, và đến chiều tối thì con hạ sốt hẳn chỉ còn 37,1-37,2 độ. Sang ngày Thứ Ba thì con hoàn toàn trở về với nhiệt độ bình thường.

Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, mặc dù sốt nhưng chỉ cần hạ là con ăn chơi tốt và ngoan, không có biểu hiện nôn ọe, biếng ăn. Điều này khiến mẹ rất mừng. Hồi xưa khi con bé, chỉ cần con lên đến nhiệt độ 37,8 độ thôi là con sẽ rất quấy, bỏ ăn và chỉ có bú mẹ thì mới dỗ được con nín khóc. Chính vì vậy mỗi lần chăm con ốm khi con còn bé mẹ rất mệt mỏi, áp lực và căng thẳng. Trộm vía mỗi tuổi một khác, giờ lớn hơn mặc dù ốm nhưng con vẫn chịu chơi, vẫn chịu ăn. Chỉ khi bắt đầu chạm ngưỡng 38,5 độ thì con mới khóc vì mệt và đòi mẹ bế.

Kể từ chiều ngày Chủ Nhật đến ngày Thứ Hai, con có biểu hiện đau mồm và khóc vì đau mồm mỗi khi ăn. Mẹ lo lắng cho con đi khám lại bác sĩ, bác soi và thấy họng con bắt đầu xuất hiện những nốt nhiệt - đây là biểu hiện hết sức bình thường của bệnh viêm loét họng, quan trọng là con đã hết sốt thì bệnh cũng sẽ dần dần suy giảm. Quan trọng hơn, từ hôm Thứ Bảy đến giờ con không mọc nốt ban ở tay chân, vết loét chỉ ở trong cuống họng chứ không lan ra lưỡi và hai bên thành miệng, vì vậy bác sĩ loại trừ khả năng con bị Tay-Chân-Miệng và cho rằng con vi-rút gây ra việc loét họng lần này ở con là loại vi-rút lành tính, bệnh sẽ thuyên giảm trong một vài ngày tới.

Đến hôm nay là Thứ Tư, trộm vía con đã khỏe mạnh trở lại, mức ăn cũng đã quay lại với quỹ đạo bình thường. Duy chỉ có một vấn đề là con hơi táo một tẹo, và mẹ cũng mới quyết định cho con ăn lại cơm từ hôm nay còn lại mấy hôm trước mẹ chủ yếu nấu cháo loãng cho con ăn để dễ nuốt và đỡ đau họng hơn.

Mẹ quyết định ngày mai sẽ cho con đi học lại. Cô giáo hôm qua đã gọi điện hỏi thăm tình hình, và cũng mong mẹ cho con đi học lại vì cuối tuần này là Trung Thu, và lớp con sẽ có một tiết mục biểu diễn trong chương trình Khai giảng - Tết Trung Thu và triển lãm mỹ thuật thường niên của trường.

Hy vọng ngày mai con đi học sẽ không có vấn đề gì. Cũng chỉ là hy vọng thôi, vì nhiều khi con hay làm trái lại với những hy vọng của mẹ lắm :D

KINH NGHIỆM NHẬN BIẾT VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM LOÉT HỌNG CHO TRẺ

Bạn Xốp nhà mình bị Chân-Tay-Miệng một lần rồi, và lần này là bị viêm loét họng. Về cơ bản thì hai bệnh này na ná như nhau, có điều Chân-Tay-Miệng nguy hiểm hơn. Cũng dựa trên hai lần chăm con ốm, mình cũng gọi là có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ với mọi người.

Bệnh thường "ủ" từ 3,4 ngày đến 1 tuần. Nên nhiều khả năng bạn Xốp bị lấy ở lớp, và nguyên nhân chính là do hay cho tay vào mồm (như mình đã nói ở đầu bài).

Chân-Tay-Miệng sẽ phát ra những nốt ban ở kẽ tay, kẽ chân, bàn chân, mông... khiến trẻ bị ngứa ngáy, họng sưng đỏ và loét, khiến trẻ không ăn uống được hoặc ăn uống rất khó khăn. Ứng phó với bệnh này, hồi mình vào Đà Nẵng và chữa bệnh tại đấy (chi tiết thì mình có ghi ở trong post trước đây, mọi người quan tâm có thể đọc tại đây), các bác sĩ cho bé nhà mình uống thuốc an thần để bé ngủ - tránh việc gãi ngứa gây lở loét, họng thì bôi thuốc để bé không đau khi ăn, và sau khi ăn thì rửa họng bằng nước muối sinh lý, sốt thì uống hạ sốt, uống kháng sinh để trị viêm loét bên trọng họng. Vậy thôi. Bệnh này quan trọng nhất là theo dõi xem có biểu hiện gì bất thường không để kịp thời xử lý.

Với viêm loét họng - cũng có thể nói là một dạng Chân-Tay-Miệng nhưng nhẹ hơn. Tùy vào cơ địa từng bé và tùy vào thời gian bạn phát hiện bệnh sớm hay muộn để kịp thời điều trị. Bệnh không hề có biểu hiện gì lạ lẫm, với bé nhà mình chỉ đơn giản là nuốt khó, có vẻ đau khi nuốt, mỗi lần nuốt cơ thể co dúm lại vì đau... với các bé khác thì có thể kèm thêm nôn chớ, sốt nhẹ v.v.. Cũng tùy thuộc vào mỗi bé mà có bé sốt lâu có bé sốt nhanh, như bạn Xốp nhà mình lần này trộm vía là hạ sốt nhanh và không sốt quá cao.

Khi thấy có biểu hiện đáng nghi, bạn có thể dùng đèn soi họng và miệng của con. Bệnh mới chớm thì chỉ bị ở hai bên thành cuống họng, ửng đỏ nhẹ nhè... Nhưng khi đã nặng hơn thì sẽ xuất hiện các vết như kiểu bị nhiệt miệng, nặng hơn nữa thì lan ra hai bên thành miệng và lưỡi. Đặc điểm chung khi bị nặng là sốt cao (do loét gây viêm, và viêm thì sẽ gây sốt), và trẻ khó ăn uống (không ăn được, ăn bị nôn) vì đau họng. Ngoài ra bệnh này là vi-rút thuộc về đường tiêu hóa, vì vậy bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian bị bệnh.

Để chữa bệnh viêm loét họng thì chỉ có cách duy nhất là đưa trẻ đi bác sĩ - bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bé uống. Uống kháng sinh là bắt buộc, vì bệnh này bị ở bên trong vòm họng, mà họng thì lại thường xuyên ẩm ướt do nước bọt tiết ra - rồi thức ăn đi vào qua đường họng... vì vậy không thể tránh được việc họng đã loét càng loẹt nặng hơn, rất lâu lành. Kháng sinh là cách duy nhất giúp bệnh thuyên giảm và hạn chế tình trạng loét nặng hơn.

Ngoài ra bạn cần chuẩn bị:

- Thuốc hạ sốt: Efferalgan và thêm một loại thuốc siro nữa - lúc nào trong tủ thuốc của nhà cũng phải có sẵn thuốc hạ sốt cho con.

Ttrong những ngày đầu tiên khi phát bệnh, trẻ sẽ sốt cao, sốt liên tục, cách 3-4 tiếng lại sốt một lần. Efferalgan có đặc điểm là sử dụng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, vì vậy khi mua cần nói rõ cân nặng của bé để người bán thuốc đưa đúng loại. Tuy nhiên Efferalgan chỉ được uống cách 4 tiếng/lần, trong khi những ngày đầu trẻ sẽ sốt liên tục có khi chưa đến 2 tiếng đã sốt lại.

Có nhiều loại Efferalgan trên thị trường, các bé sẽ bắt đầu với loại 80mg, sau đó là 150mg và hơn nữa - PHỤ THUỘC VÀO CÂN NẶNG
Siro hạ sốt phải sử dụng đúng theo hướng dẫn, cách 6 tiếng uống 1 lần

Ngoài việc tích cực chườm nước ấm (ở trán, nách, bẹn và quấn vào bàn chân thì càng tốt, tháo bỉm và mặc quần áo thoáng, ở trong phòng thoáng khi và trách gió), bạn nên chuẩn bị sẵn một loại thuốc hạ sốt dạng siro bên cạnh Efferalgan. Trong trường hợp 2 tiếng bé lại sốt cao lại, hãy cho bé uống  thuốc hạ sốt dạng siro, và sau 6 tiếng mới được uống thuốc hạ sốt siro lần nữa (chỉ tính việc uống thuốc siro, uống xen kẽ với Efferalgan).

Nếu bé sốt 4 tiếng/lần chỉ nên cho uống với Efferalgan, đừng nên lạm dùng thuốc hạ sốt siro.

- Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%: mình thường xuyên mua loại như trong hình vì đầu được vát tròn tránh gây tổn thương khi nhỏ vào mũi, mắt và miệng trẻ. Sử dụng sau mỗi lần ăn xong, nhỏ nước muỗi vào trong họng để vệ sinh và sát khuẩn. Để tránh việc trẻ bị sặc, nghiêng lọ nước muối để nước chảy xuôi theo thành miệng của trẻ, đừng nhỏ thẳng và bóp mạnh trực tiếp vào họng.


- Thuốc rơ miệng Kamistad Gel: chắc chắn phải có, nếu không trẻ sẽ không thể ăn được. Đây là một loại thuốc có tác dụng làm tê miệng tạm thời, khiến cho trẻ giảm thiểu đau đớn khi ăn - nuốt. Sử dụng 30 phút trước khi cho trẻ ăn, rửa tay sạch, đeo gạc ra lưỡi vào ngón tay, lấy một lượng thuốc vừa đủ bôi nhẹ nhàng xung quanh miệng và trên lưỡi của trẻ. Đừng chọc sâu vào họng trẻ, nước bọt tiết ra sẽ giúp trẻ tự nuốt thuốc vào họng và thuốc sẽ tự phát huy tác dụng. Việc thọc sâu vào họng bôi thuốc khiến trẻ sợ bôi thuốc, đau họng (vì bị ọe) và có thể trong quá trình bôi khiến các vết loét bị xước gây nhiễm trùng nặng hơn.


- Men tiêu hóa: vì đây là loại vi-rút thuộc hệ tiêu hóa và phải sử dụng kháng sinh trong điều trị nên nhất thiết trẻ phải được sử dụng men tiêu hóa trong suốt quá trình điều trị bệnh.

- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước Oresol trong những ngày đầu để tránh mất nước.

- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nguội. Tránh thức ăn cay, nóng, cứng.

- Sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là một số chia sẻ của mình với các mẹ. Mình sẽ tiếp tục update tình hình đi học của bạn Xốp trong những post sắp tới.

Thân,


COMPARISON | Biore UV Aqua Rich Watery Mousse Water Base VS Whitening Essence Whitening


Hai em kem chống nắng cực kì yêu thích của mình chính thức lên bàn cân so sánh!

Nếu như mọi người đọc blog mình từ lâu thì đã thấy mình, không chỉ một mà rất nhiều lần, ca ngợi kem chống nắng Biore UV Aqua Rich. Trần đời chưa bao giờ mình dám nghĩ rằng có ngày mình sẽ say sưa sử dụng kem chống nắng, mà lại là loại kem chống nắng đến từ một hãng rẻ tiền và vô cùng bình dân như thế - cái ví tiền của mình yêu điều này lắm cơ! :)

Nhân tiện một hôm lượn lờ trong Lotte Mart và nhìn thấy một gian bày đủ các loại kem chống nắng của Biore, hiển nhiên mình không ngần ngại lấy hai em mình yêu thích nhất là Watery Mousse Water Base (WMWB) và Whitening Essence Whitening (WEW) để về "phòng thân" và tranh thủ làm review so sánh.

REVIEW | Maybelline Colourshow Creamy Matte #Hot Chili, #Rock The Coral & #Flaming Fuchsia

Vâng mình đã quay trở lại, sau một thời gian chẳng buồn review một sản phẩm nào cho tử tế! 

Nếu mình hỏi các bạn rằng thời gian vừa qua món đồ làm đẹp nào hot nhất và khiến các tín đồ làm đẹp “đứng ngồi không yên nhất”, chắc chắn mọi người sẽ trả lời 100% đó là thỏi son của Christian Louboutin (CL). Kì thực mình nghĩ, son CL hot cũng giống như son của Tom Ford, của YSL, của Channel hay của Dior – nó đắt một phần vì cái tên của hãng, và việc chị em mong muốn sở hữu một thỏi son đến từ một nhãn hàng nổi tiếng cũng phần nhiều vì cái tên thương hiệu đó. Chỉ có điều CL đã làm một việc cực kì tốt, quá tốt so với các hãng mỹ phẩm khác, đó là tiến hành chiến dịch quảng bá dựa trên tốc độ lan truyền đến chóng mặt của Facebook và các phương tiện mạng xã hội khác, khiến cho các chị các em mong ngóng – chờ chực và cực kì háo hức với thỏi son được thiết kế khá lạ mắt này.

Nếu như mọi người hỏi ngược lại rằng mình có muốn sở hữu một thỏi son CL không, thì mình sẽ trả lời là “không”! Thật đấy! Mình vẫn ao ước có ngày được chạm tay đến một em Tom Ford (TF) với thiết kế truyền thống, lịch thiệp và góc cạnh, chứ không thích một em son nhọn hoắt và thiết kế hơi… là lạ. Những thứ lạ lẫm, theo cá nhân mình, nó chỉ hot trong một thời gian nhất định. Còn những gì đã là truyền thống, thì chắc chắn nó vẫn sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Quay trở lại với chủ đề hôm nay. Tại sao mình lại nhắc đến CL và TF ở đầu bài viết này? Như mọi người thấy thì cả hai hãng này đều có những thỏi son “đắt giá”, mà không phải chị em nào mê son cũng dám mạnh tay chi nhiều tiền cho một thỏi son như thế. Hôm trước ông xã mình có nói vui rằng: “hay bây giờ anh ăn mì tôm để dành tiền mua son cho em?” – mình đã “vặc” lại ngay: “thôi đưa tiền đấy cho vợ để đi chợ với tiền học cho con, mua thỏi son như thế quá là phí phạm!” – Các bạn đọc đến đây đừng vội thấy mình trả lời thế mà nói rằng mình “ki bo”. Kì thực khi các bạn đã trở thành những “bà mẹ bỉm sữa”, thì 1 cây CL với 1 cây TF trước mắt, nhiều khi không hấp dẫn bằng một thùng sữa Nan hoặc Meiji cho con, chục bịch bỉm Merries với Goon nhập nguyên từ Nhật Bản, rồi sữa tươi – sữa lắc – sữa chua… vân vân và mây mây. Có những cái tên có thể “đè chết” TF và CL, mang tên là “bỉm” và “sữa” =]] Hay như con mình, lớn hơn một tí thì là “quần áo trẻ con” và “tiền học hàng tháng” =]]]]]]


Vậy đó! Dài dòng như vậy cũng chỉ muốn nói với mọi người rằng: bên cạnh những thỏi son quá đắt đỏ và được ca ngợi lên tận mây xanh từ thiết kế, texture cho đến bao bì, chất lượng, độ bám màu v.v.. thì những nhãn hàng tầm trung hàng tháng, hàng năm vẫn sản xuất ra những thỏi son với chất lượng rất tốt, giá thành lại vừa phải và màu sắc thì đa dạng không kém! Maybelline Colour Show Creamy Matte là một sản phẩm như thế.

Dưỡng trắng da an toàn với Vichy

* Đây là bài viết mình thực hiện cùng Vichy và Happyskin.vn. Bài viết nằm trong chiến dịch quảng bá dòng sản phẩm mới của Vichy, Vichy tài trợ toàn bộ sản phẩm mình sử dụng trong bài viết này. Nhưng:

- Mọi cảm nhận của mình đều là chân thực. Mình không được trả tiền để thực hiện bài viết này. Không PR, không ca ngợi quá đà - bạn nào đã từng đọc blog mình từ lâu sẽ biết, có rất nhiều nhãn hàng gửi lời mời dùng thử sản phẩm, có hãng mình nhận, có hãng mình từ chối. Và cũng có hãng mình nhận dùng nhưng cảm nhận thấy không hay thì cũng review chân thực là không hay. 

- Bản thân mình cũng đã "thỏa thuận" với đại diện Vichy và Happyskin.vn rằng phải để cho mình đủ 3 tuần để test và có trải nghiệm hoàn thiện nhất về bộ sản phẩm. Đây là trải nghiệm trên da của mình, nhưng mình cũng phải nhấn mạnh với mọi người rằng: mỗi người có một cơ địa và cấu tạo làn da khác nhau, những trải nghiệm mình viết trong bài dù là chân thực cũng không đảm bảo mọi người sẽ có cảm nhận y hệt như vậy giống mình.

Dưỡng trắng da an toàn với Vichy

Mình là một người khá khó tính trong việc lựa chọn mỹ phẩm dưỡng da. Nhiều năm trước đây, khi bắt đầu mon men đến với thế giới mỹ phẩm hoa lệ mà cũng nhiều cám dỗ, mình đã từng dùng những hãng chỉ ở mức cực kì thấp đến trung bình, thậm chí thi thoảng ki cóp để được dùng hàng “cao cấp”, nhưng chưa bao giờ mình thực sự ngỡ ngàng với những gì mình nhận được trên làn da. Cho đến sau khi mình đẻ em bé thứ nhất, mình mới ngã vào một thế giới khác, thế giới giao thoa giữa khoa học - y tế - làm đẹp: đó là thế giới của Dược Mỹ Phẩm.

Thử tưởng tượng mà xem, những vấn đề mà làn da bạn gặp phải, và bạn muốn điều trị nó, nhưng không chỉ đơn giản là bôi những sản phẩm chăm sóc da đơn thuần nữa, mà những sản phẩm đó đã được nghiên cứu, được kiểm nghiệm, được chứng minh rằng nó an toàn kể cả với làn da nhạy cảm nhất, nó là sự đầu tư chất xám một cách nghiêm túc của các chuyên gia về thẩm mỹ - về dược liệu – về y tế và da liễu... để “chắt lọc” ra những gì được gọi là tinh túy nhất, hiệu quả nhất, và cũng an toàn lành tính nhất. Những cái tên như Bioderma, Vichy, Avene, Clinique… dần dần có một chỗ đứng riêng trong thế giới mỹ phẩm rộng lớn này. Bao bì không "cute" và hoa lá cành mà rất tiết chế, gian hàng đơn giản đến cứng nhắc nhưng sạch sẽ và chỉn chu, hiệu quả trên da được kiểm nghiệm và thực sự có hiệu quả… Có thể nói, Dược Mỹ Phẩm được lòng người tiêu dùng bởi những bước tiến “chậm mà chắc”, cải thiện làn da từ từ theo hơi hướng khoa học, tác động sâu – rộng và rõ chứ không khoa trương và hoa lệ với những dòng quảng cáo, những slogan bắt mắt nhưng thực tế chất lượng lại không thực sự tương xứng.

Trung tuần tháng 8, Vichy ngỏ ý tặng mình một bộ sản phẩm dưỡng trắng – trị nám có tên gọi Ideal White. Đây là dòng sản phẩm chủ lực của hãng trong năm nay tại thị trường Châu Á – nơi mà vấn đề dưỡng trắng luôn là một chủ đề nóng hổi trên nhiều diễn đàn làm đẹp, và việc đối phó với nám – tàn nhang vẫn là một cuộc chiến “trường kì” chưa có hồi kết của các chị em nơi mặt trời, với ánh nắng gay gắt của nó, làm bạn gần như 60-70% thời gian trong năm.

Ideal White – “Đẹp” từ công dụng đến hình thức

Bộ sản phẩm mình nhận được gồm:

- Whitening Cosmetic Water

- Whitening Essence

- Whitening Emulsion


[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI HỌC [14.9.2015]

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


Bạn Xốp vừa kết thúc ngày đầu tiên tới trường với nhiều cảm xúc lẫn lộn của mẹ. Vì vậy mình tranh thủ ngồi type để rút kinh nghiệm cho các bạn chuẩn bị cho sự kiện quan trọng: ngày đầu tiên đi học của con nhé.

Trước khi con đi học tầm 1 tuần, mình làm công tác "chuẩn bị" một cách thực tế cho con bằng cách cho con đến trường chơi để làm quen với cô và các bạn.

Thực ra ở cách chuẩn bị này mình thực hiện chưa được nhất quán lắm. Mình chỉ cho con đi qua trường, dừng lại và chỉ cho con đây là trường mầm non con sẽ học. Còn lại thì về nhà mình nói chuyện với con về trường lớp, cô giáo, đi học và những hoạt động thú vị mà con sẽ có trong quá trình đi học. Mình chưa dành được nhiều thời gian để cho con đến lớp làm quen với cô và các bạn, chơi ở sân trường. Mình chỉ thực hiện được đúng 1 lần vào ngày trước khi mình chính thức cho con đi học. Nếu như các bạn có điều kiện thì nên cho con qua trường thăm lớp và có thể là chơi với các bạn và cô giáo một lúc cũng được. Đặc biệt với các bạn còn bé và tương đối nhút nhát, việc này sẽ giúp con có tâm lý thoải mái hơn vào ngày đầu đi học.

Hôm đấy mình gọi con dậy và nói rằng hôm nay sẽ cho con đến trường mẫu giáo gặp cô và các bạn. Con rất hào hứng, hào hứng cả khi ăn sáng đến khi leo lên xe đi trên đường. Đến tận cổng trường con vẫn rất hào hứng. Tuy nhiên khi mình dắt con vào trường và con nhìn thấy các cô đứng đón các bạn ở lớp thì con có vẻ dè dặt, và khi mình dắt con vào trong lớp thì con níu tay mình lại và nói "mẹ ơi con không vào đâu, con muốn đi về".

Mình dành khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ để con ngồi trong lớp nhìn cô và các bạn hoạt động nhưng con có vẻ vẫn rất sợ sệt, bám chặt lấy mẹ và liên tục chỉ tay ra ngoài. Phần vì con sợ, phần vì con muốn xuống sân có cầu trượt và nhà bóng để chơi.


Khi mình đưa con về và hỏi con có thích không, thì con vẫn luôn mồm nói là thích. Nhưng lại rất quấy và khóc khi sang tay mẹ để chơi với bác giúp việc - một việc không giống với thường lệ tí nào. Hôm đấy mặc dù đã về nhà chứ không ở trường, tức là môi trường vẫn quen thuộc với con chứ không hề lạ lẫm, con vẫn liên tục nói "con muốn đi mẹ" và khóc.

Mình đã nghĩ rằng thực sự khởi đầu như vậy sẽ khá là khó khăn.

Cho con đến học nửa ngày và có người nhà đi cùng là cách mình áp dụng trong 1 tuần đầu con đi học để con làm quen dần với trường lớp, cô giáo và các bạn. Các cô giáo ở trường mình đăng kí cho học đều khuyên rằng mình nên cho người nhà đi cùng trong 1 vài ngày đầu con đi học để con tránh bị lạ lẫm và tổn thương tâm lí. Mình thì thấy rằng cách này cũng tốt cho mẹ hơn vì giúp mẹ đỡ lo lắng và bất an hơn trong những ngày đầu con đi học.

Dựa trên kết quả của lần đến trường làm quen đầu tiên, mình đã xác định trường hợp xấu nhất đó là con sẽ khóc - thậm chí là khóc rất nhiều. Mình đã dặn với bác giúp việc nếu con khóc quá thì không nên cố, có thể cho con đến độ 1-2 tiếng rồi đi về thôi, đừng ép con.

Tuy nhiên mình cũng xác định rằng mình phải "buông" và tránh để con nhìn thấy mặt khi lên lớp. Vì mình biết hậu quả của việc mẹ cứ theo sát như thế sẽ khiến con càng quấy và khó khăn hơn cho các cô lẫn con trong việc làm quen với nhau. Sáng hôm nay mình dậy sớm, thu xếp xong xuôi việc nhà cửa, sắp xếp gọn đồ cho con gồm:

- 2 bỉm quần (bạn Xốp khi đi tè đi ị đã biết gọi nên mình không đóng bỉm sẵn mà chỉ mang đi đề phòng bạn ướt quần thì lấy bỉm ra mặc).

- 2 bộ quần áo

- Vài chiếc khăn xô

- Mũ và khẩu trang, áo mỏng cho bạn mặc khi đi đường

- Bình uống nước của bạn

- Một túi nilon đựng quần áo bẩn của bạn thay trong ngày

Sau khi gọi bạn dậy, hoàn thiện việc vệ sinh cá nhân và mặc quần áo, mình và bác giúp việc đưa bạn đi học.

Trái với hôm đầu tiên lạ lẫm, hôm nay bạn đã chịu đi vào trong trường mà không níu lấy tay mẹ. Mình cho bạn lên lớp thì bạn lại tiếp tục "diễn trò" đòi mẹ bế. Cô giáo có nói rằng mình nên cho con xuống sân chơi để con quên cảm giác sợ hãi và tâm lí thoải mái hơn. Mình cho con xuống sân, tranh thủ lúc con mải chơi và có bác giúp việc trông mình trốn vào một góc để con quen với sự không có mặt của mẹ.

Khoảng 7h45 các cô bắt đầu bê cháo lên phòng cho các bạn ăn sáng, con chạy vào và đòi mẹ bế. Mình dỗ con và đưa cho bác giúp việc để bác bế lên lớp. Mình không đưa con lên lớp trực tiếp mà ngồi dưới và quan sát con qua camera - như mình nói, lý do vì có mẹ đi theo con sẽ quấy khóc và càng khó hòa nhập hơn.

Sau khi trao đổi một số việc với cô phụ trách văn phòng, mình có nhờ cô vào lớp nhắn dùm bác giúp việc một số điều rồi đi làm. Tuyệt đối không nên lên lớp ngó vào nhìn con hoặc để con nhìn thấy lúc mình đi, thậm chí nếu con có nhìn thấy mình cũng vẫn quay lưng đi như bình thường. "Đêm dài lắm mộng" - tốt nhất cương quyết càng sớm thì càng tốt cho cả mẹ và con, mình đã xác định như vậy kể từ ngày cho con đi học.


Bản chất bạn Xốp rất nghịch ngợm và thích chơi với các bạn cùng trang lứa. Vì vậy trộm vía con hòa nhập rất nhanh. Cũng có 1-2 lần đòi mẹ nhưng cô giáo dỗ dành thì con quên luôn, không khóc lóc ỉ ôi - đó là điều mình rất mừng!

Bác giúp việc đến ngồi cùng con nhưng chỉ một lúc. Sau đó các cô có nói nhỏ nhờ bác nấp vào một chỗ để quan sát, tránh cho con ỉ lại có người quen đi theo nên không chịu hòa nhập. Bác làm theo và trộm vía con hòa nhập tốt với các bạn.

Vấn đề ăn uống có lẽ mình cần phải bàn luận thêm với cô giáo ngày mai. Trộm vía con thích gì thì sẽ ăn, nhưng con đòi cô cũng cho ăn, mà ăn nhiều lại sát giờ nên lúc ăn trưa con bị chớ (mình quan sát qua camera và nhìn thấy - bác giúp việc lúc đó trốn ở tầng dưới nên không biết và cô cũng không kể). Cô có cho con ăn lại cháo sau lần chớ đấy, sau đó có đưa con hoa quả nhưng con từ chối và cô cũng không ép.

Sau khi ăn xong bác giúp việc và bố lên đón bạn Xốp về. Khi về con vẫn vui vẻ, trộm vía về ngủ ngon và sinh hoạt buổi chiều bình thường.

Nói chung ngày hôm nay con làm mình bất ngờ vì hòa nhập với lớp tốt, tuy hơi mất tổ chức một tẹo (ngồi ăn hay tí toáy xung quanh chứ chưa ngồi ngoan như các bạn, và khi cô giáo gọi cả lớp ngồi hát thì con ngồi một lúc lại mò ra lấy đồ chơi chơi, cô phải gọi mãi con mới vào).

Mình hy vọng con vẫn tiếp tục giữ phong độ này và tiến bộ hơn khoản mất tổ chức và ăn uống. Vậy thôi.


Dự định của mình là sẽ cho con học nửa ngày trong 1 tuần đầu có người đi kèm. Với tình hình như hôm nay có lẽ ngày mai bác giúp việc chỉ cần đến một lúc rồi về, sau đó trưa qua đón con - không cần ở lại từ sáng đến trưa. Và nếu khả quan mình hy vọng sang tuần con có thể học cả ngày ở trường.

Mình sẽ tiếp tục quan sát, ghi chép và cập nhật tình hình đi học của bạn Xốp nhà mình để các mẹ tham khảo.

Thân,



[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | NHỮNG LƯU Ý KHI CON CHUẨN BỊ ĐI HỌC MẪU GIÁO

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]

Chào mọi người!

Bắt đầu từ tháng này các bài viết review mỹ phẩm trên blog sẽ được mình hạn chế lại nhé (mà có bao giờ nhiều quá đâu mà hạn chế nhỉ?!? :D), mình sẽ chỉ up các hình ảnh kèm review ngắn trên Instagram và Facebook Page nên bạn nào chưa Like/Follow thì nhớ thực hiện đi để update đồ làm đẹp mình vẫn dùng nhé!

Còn lý do vì sao mình lại hạn chế các bài viết về làm mẹ?  Xin trân trọng giới thiệu với các mẹ một series mới nằm trong chuyên mục Being A Mom (BAM Series) của mẹ Méo: "Mầm non ký sự" - ghi chép lại từng bước chuẩn bị và quá trình đi "bộ đội" của bạn Xốp :)) Hy vọng vẫn sẽ được mọi người ủng hộ như các bài viết trước đây trong chuyên mục này (gần đây mình còn phát hiện ra nhiều bạn đọc blog mình đầu tiên toàn đọc mục này xong mới chuyển sang mục làm đẹp và các thứ linh tinh khác =]])


Tại sao mình lại có hẳn một series về vấn đề "đi bộ đội" của bạn Xốp? Cũng như nhiều bà mẹ hiện đại khác, mình rất coi trọng chuyện học hành của con - và đặc biệt là việc con bắt đầu đi học những ngày đầu tiên ở trường Mẫu giáo/Mầm non.

Việc học trường Mẫu giáo/Mầm non ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề đáng bàn, Công lập thì sĩ số các cháu quá cao trong khi số cô trông quá ít - các cô không thể trông tốt được, chưa kể không gian trường Công không phải trường nào cũng rộng rãi - thoáng đáng (đặc biệt các trường trong khu vực phố cổ!); hoặc việc học trường Tư thục nhưng các cháu bị giáo viên đánh đập, bạo hành đã lên báo, đài rất nhiều... khiến cho mình không khỏi lo lắng.

Dạo qua một vòng các diễn đàn, hầu như mình thấy được chia ra làm hai nhánh chính:

1. Nhánh gia đình rất có điều kiện - cho đi học những trường đắt, tính bằng tiền USD. Nhưng xin hỏi số lượng người cần thông tin đó để tham khảo được bao nhiêu?

2. Nhánh gia đình bình thường - cho con đi học ở rất nhiều trường, rất nhiều tên, và review thì cũng loạn cào cào. Nhưng lại rất nhỏ lẻ, không tập trung, không thông suốt, không có một hệ thống chuẩn bị - nhập học - quá trình hòa nhập - lý do không cho con học mà chuyển trường v.v.. Tất cả chỉ là những dòng comment chung chung kiểu "trường tốt, cô A/cô B tốt, mình ưng ý...." hoặc "các mẹ đừng cho con học trường này vì....", mà thường thì các comment đó bị lẫn lộn trong một mớ các comment khác, phải rất kiên nhẫn và mất thời gian ngồi đọc.

Mình vẫn tâm niệm Being A Mom Series sẽ như một cuốn "Nhật ký mở", giúp các mẹ tham khảo, đọc để tích lũy, và góp ý trao đổi để mình ngày một hoàn thiện vai trò làm mẹ hơn. Vì vậy mình muốn đầu tư cho series này, bằng tất cả tâm huyết của người lần đầu làm mẹ, tâm sự - tường thuật - chia sẻ tất cả những hỉ-nộ-ái-ố trong những bước đầu tiên cho con đi học. Và đó là lý do ký sự này ra đời, chiêm trọn gần như tâm trí và sự quan tâm của mình, giống như mình hoàn toàn phải quan tâm 100000000000% cho bạn Xốp trong thời điểm quan trọng này vậy!

PHẦN I: TÌM TRƯỜNG CHO CON - CHỌN TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO CHO TỐT?!?

Nói ra thì thật xấu hổ, bạn Xốp phải hơn 2 tuổi mình mới dám cho đi "bộ đội".

Nguyên nhân thì có nhiều lắm, nào là con hay ốm, nào là sợ con bé quá lại lười ăn các cô không cho ăn được, nào là con hay nôn trớ - hay táo bón, nào là ông bà muốn cháu ở nhà thêm một thời gian nữa cho cứng cáp, nào là nhà có bác giúp việc cũng ổn ổn nên chưa vội v.v..

Lúc đầu mình cũng định thôi để bạn Xốp 3 tuổi rồi cho đi Mẫu giáo Công lập luôn cho lành, nhưng rồi suy đi tính lại mãi, thấy con mình đã thuộc cái dạng lười ăn, khó chiều, lại cho vào tập thể 40-50 cháu/lớp có 2 cô, chẳng biết có được chăm ăn chăm uống tốt không?!? Rồi cũng nghe nói trường Công lập thì có nhiều vấn đề về việc "phong bì phong bao", các cô "làm cao", môi trường vệ sinh không được tốt nên các con dễ bị bệnh... Ôi thôi thì đủ cả chả thiếu cái gì. Đúng là ở Tây thì đi học các cháu sướng thế, mà ở Ta thì khổ từ cấp mầm non/mẫu giáo đến tận Đại học, Cao học... cũng không tha! :(


Mình không có ý coi thường trường Công, bởi vì thật ra nếu để dạy cho đúng quy chuẩn của Bộ Giáo dục thì chỉ vào trường Công lập mới là chuẩn nhất! Nhưng tâm lý ông bố bà mẹ nào cũng vậy, cũng muốn con được phát triển tốt nhất trong một môi trường tốt nhất, muốn dành hết tất cả những gì tốt nhất trong khả năng thậm chí là cố ngoài khả năng để con được bằng bạn bằng bè. Đặc biệt, kinh nghiệm nhiều mẹ "truyền thụ" lại là cứ cho con đi học Tư thục tầm 6 tháng đến 1 năm cho cứng cáp, quen giờ giấc, rồi sau đó học Công lập là chuẩn chỉ.

Ở trong bài viết hôm nay, mình chỉ tập trung nói về vấn đề chọn trường Tư thục cho con.

Hiện nay Mẫu giáo/Mầm non Tư thục mọc lên rất nhiều, cạnh tranh cực kì gay gắt và cũng được phân chia cấp bậc hẳn hoi.

1. Mầm non/Mẫu giáo  - Quốc tế/Song ngữ: chương trình học để làm "công dân toàn cầu" với 50-100% giáo viên bản ngữ. Đây là nhóm "cao cấp" nhất. Mới nhắc đến học phí thôi mà đã "hốt cả hền" với ~20 triệu/kỳ (khoảng 12 tuần/kỳ ~ 3 tháng, nghe cứ như đùa!), chưa kể tiền giữ chỗ, tiền ăn, tiền xe cộ đưa đi đón về, tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền đóng các hoạt động ngoại khóa v.v.. Trang web chuyên nghiệp, phục vụ tận tình. Mà chất lượng chăm sóc thì trên cả tuyệt vời, vô cùng sạch sẽ. Chuyện! Tính ra phải đến ~80-100 triệu/năm thì lại chả tốt!

Cho con đi học những trường này xác định nhà phải có hầu bao rủng rỉnh, cho con học lâu dài theo từ Mẫu giáo đến Cấp 3 theo chương trình "công dân toàn cầu", rồi lớn thì cho đi Du học Anh - Mỹ - Úc thì mới bõ tiền học. Học chớt học choác được độ vài năm rồi cho vào Công lập Việt Nam con khổ trăm đường: quen được chăm sóc kĩ lưỡng vào môi trường mới điều kiện vật chất và chăm sóc không bằng con dễ "shock tâm lý"; chương trình học ở các trường này nhẹ nhàng hơn, chủ yếu về phát triển kiểu "học mà chơi, chơi mà học", vào trường Công lập Việt Nam học kiểu nhồi nhét, chương trình học nặng con không theo được. Nói chung, đã đầu tư vào những trường này là xác định lâu dài và nếu xin được vào các trường có hệ thống từ Mầm non đến cấp 3 là tốt nhất!

2. Mầm non/Mẫu giáo - Tư thục Chất lượng cao/Song ngữ: thường là trường tư thục nhỏ lẻ chứ không nằm trong hệ thống lớn và liên kết nước ngoài. Dạo qua một số trường mình phát hiện ra một điều thú vị: các cô hiệu trưởng/quản lý trường... chủ yếu từng làm cho các trường Quốc tế ở trên, có những kiến thức căn bản rồi mới ra mở trường riêng của mình. Các trường này thường thuê địa điểm làm trường học (chủ yếu là nhà ống, cao cấp hơn thì biệt thự) nên không gian ngoài trời chật chội, chủ yếu trẻ học và chơi trong nhà. Cá biệt có một số trường sau vài năm phát triển đã đủ tiền mua và xây cơ sở khang trang không khác gì trường Công, hoặc nằm trong một hệ thống trường Tư thục, nhưng con số đó rất ít. Phải nói là cực ít!

Học phí khoảng 4,5-5 triệu/tháng với những trường "Song ngữ", còn những trường không có Song ngữ khoảng 3tr-3,5tr/tháng. Học phí đã bao gồm tiền ăn, có trường cũng có xe đưa đi đón về. Trong chương trình học cũng có giờ học Tiếng Anh khoảng 1-2h/ngày hoặc 3-4h/tuần, cái này tùy trường; giờ học các môn năng khiếu (võ, vẽ...)... Tất nhiên chất lượng chỉ dừng lại ở mức cho trẻ tiếp cận và làm quen chứ không đào tạo bài bản. Cho con đi học những trường này, nếu bố mẹ có điều kiện thì cho con học tại trung tâm Anh ngữ hoặc với các môn năng khiếu thì ra Cung Văn hóa Thiếu nhi hoặc các lớp tư nhân mở... thì trẻ sẽ phát triển sâu hơn.

3. Mầm non Tư thục - Vườn trẻ/Nhà trẻ: Nhóm này thuộc hàng "bình dân" nhất với học phí khoảng 1,8tr - 2tr/tháng. Với nhóm này mọi người nên lưu ý bởi việc phân loại giữa Mầm non Tư thục nhưng chỉ tập trung vào chăm ăn uống, ít hoạt động, ít dạy dỗ, ít phát triển kĩ năng... và Vườn trẻ - là nơi chuyên để chăm bé ăn uống - ngủ nghê rất dễ bị nhầm lẫn ở Việt Nam. Ở nước ngoài họ phân loại rất cụ thể, thế nào là vườn trẻ, thế nào là Mầm non, thế nào là Mẫu giáo... với những cụm từ riêng biệt: Kindergarten,Pre-K, Pre-School... Việt Nam khi sử dụng các từ này không chịu tìm hiểu cứ thế "tương" vào tên trường cho "oai" nên mới có hiện tượng "vàng thau lẫn lộn".

Quay trở lại với việc xem xét xem đó là Mầm non hay Vườn trẻ, nhiều nơi chỉ nhận trông trẻ nhưng cũng "vác" chữ Mầm non vào, từ đó học phí được thu tăng hơn. Rất ít nơi ở Việt Nam dám ghi bảng là "Vườn trẻ". Một đặc điểm nữa là Vườn trẻ chỉ nhận trông đến khi trẻ 3-4 tuổi, sau đó trẻ phải chuyển trường khác để học những kiến thức cơ bản chuẩn bị vào lớp 1 (bởi họ chỉ "chăm" chứ không giáo dục, dạy trẻ biết chữ hay gì cả...) nên bố mẹ nên lưu ý điểm này. 

* Vào Tư thục có một số ưu điểm:

- Lớp học ít cháu, các cô chăm được kĩ hơn. Nhiều trường còn có chế độ các bạn mới vào sẽ cắt cử 1 cô/1 cháu để chăm đến khi quen lớp quen bạn thì thôi. Cái này trường Công không bao giờ có và chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có!

- Camera quan sát 24/24 (cái này Tư thục nào không có là mình cho loại ngay)

- Học phí đa dạng, chịu khó tìm sẽ có trường có mức học phí phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình. Có trường phí học khoảng 2tr/tháng, có trường 3tr/tháng, cao nhất thì khoảng 5-6tr/tháng là kịch kim).

Đấy là ưu, còn nhược thì hiển nhiên có nhiều điều "khuất mắt trông coi", mà sợ nhất của các ông bố bà mẹ khi gửi con là các cô bạo hành, đánh đập các cháu. Rồi phương pháp giáo dục các trường Tư thục áp dụng thì không thể "chuẩn chỉ" như trường Công được, trình độ các cô thì cũng không dám nói là tốt hơn trường Công là bao v.v.. Nói chung về "mẫu" (bảo mẫu) thì có thể tốt hơn trường Công thật, nhưng về "giáo" (giáo dục) thì còn nhiều điều phải xem xét.

* Khi chọn trường cho con, mình ưu tiên một số vấn đề sau:

1. Địa điểm: Trẻ mới đi học hay ốm, sốt. Những buổi đầu có thể quấy khóc, lười ăn, đòi mẹ, các cô "bó tay" phải gọi người nhà đến đón, hoặc trong những trường hợp khẩn cấp trẻ bị thương ngoài ý muốn... Chính vì vậy nên ưu tiên việc đầu tiên đó là chọn trường gần nhà. Trong tầm bán kính khoảng 1km quanh nhà là ổn. Đừng nên tham trường ở xa vì "nghe nói trường đấy tốt". Trường đấy có thể tốt với con người khác, chưa chắc nó tốt với con mình! Càng gần càng tốt.

2. Sự chăm sóc của giáo viên: Mình quan tâm đến sĩ số một lớp và số cô chăm sóc của 1 lớp đấy. Mình thích đến tận nơi, nói chuyện với cô giáo, hỏi các cô về việc chăm sóc các con, cho ăn uống ngủ nghỉ ra sao, vui chơi như thế nào. Tạo môi trường cho các con tương tác với nhau và cô trò tương tác với nhau như thế nào. Hỏi han thêm về điều kiện sống của các cô (cái này rất quan trọng, giáo viên mà điều kiện sống chật vật thì không thể thoải mái dạy dỗ các con, sẽ có những ức chế nhất định), mà hỏi han như vậy các cô lại cho là bố mẹ quan tâm đến các cô, các cô lại thích =]], xem xem các cô có nói ngọng hay không (mình có một đặc điểm là không thích người nói ngọng, càng không thích người viết sai chính tả! :|) v.v.. Nói chung, bên cạnh việc danh tiếng của trường như thế nào, thì việc người mình gửi gắm con ở ngôi trường đó phải ra sao là điều quan trọng.

3. Không gian lớp học, cơ sở vật chất của trường: rộng rãi, nhiều ánh sáng, nhiều đồ chơi, lớp học gọn gàng sạch sẽ, đồ chơi của các con được xếp ngăn nắp... Là điều mình chú ý. Ngoài ra cũng phải hỏi han về camera nữa. Nói chung điểm này chỉ được khoảng 60-70% là mình đã mừng vì điều kiện các trường Tư thục chủ yếu là thuê nhà ở để làm trường học nên chất lượng cơ sở vật chất, đặc biệt là không gian vui chơi ngoài trời, cũng không phải là quá xuất sắc.

4. Chế độ dinh dưỡng/sinh hoạt: hiển nhiên là không nên bỏ qua. Trong vòng khoảng độ 2 tuần  - 1 tháng trước khi cho con đi học nên tham khảo thực đơn nhà trường và lịch sinh hoạt để áp dụng cho con. Như vậy khi con đi sẽ không bị "sốc" về giờ sinh hoạt, dễ hòa nhập với lớp hơn.

5. Phương pháp giáo dục: Nhiều trường mầm non/mẫu giáo bây giờ giới thiệu là học theo phương pháp Montessori, Glenn Doman, Reggio Emilia v.v.. mà kì thực ra họ chả hiểu bản chất của phương pháp đó là gì, cứ treo cái biển quảng cáo là "trường chúng tôi giáo dục trẻ theo phương pháp A,B,C"... để thu hút các ông bố bà mẹ. Mình có quan điểm "người thầy tốt không bằng người mẹ tốt", gửi con đừng bao giờ hy vọng họ biến con mình thành tiên tài bởi những phương pháp mà họ nói. Ở trường chỉ cần chăm cho tốt, con đến lớp có các bạn giao lưu, học hỏi những điều hay điều lạ, còn việc dạy dỗ con theo phương pháp như thế nào, phát triển con toàn diện ra sao, 100% phụ thuộc vào bố mẹ và gia đình. Vậy nên đây chỉ là thứ yếu trong những thứ mình chú ý khi gửi con vào một trường mầm non nào đó.

Mình rất thích các trường thường xuyên có các chương trình ngoại khóa kiểu đi dã ngoại ở công viên, sở thú, đi xem xiếc hay múa rối v.v.. Việc trong chương trình học các con được tiếp xúc với ngoại ngữ, với các bộ môn năng khiếu như múa, võ, đàn hát, vẽ tranh... Điều này giúp các con vừa chơi vừa học mà tiếp thu kiến thức cũng nhanh hơn, hứng khởi hơn. 

6. Học phí: cái này thực ra phải cho lên thứ 2 hoặc thứ 3, đặc biệt với các bạn kinh tế còn eo hẹp hoặc nhà có nhiều con cần "thắt chặt chi tiêu". Nhà mình mới có 1 đứa, thu nhập hai vợ chồng ổn định, vì vậy việc chọn trường cho con mình ưu tiên chất lượng, sau đó mới tìm hiểu về học phí. Cũng may những trường mình ưng ở quanh nhà học phí không quá đắt. Budget mình dành ra cho việc học của con khoảng 4 triệu/tháng, vừa đủ để gửi con vào trường Tư thục chất lượng tốt.

7. Liên kết: Mình làm báo chí, vì vậy mình không thể hiểu nổi tại sao các cô giáo lại không biết vận dụng CNTT như các mạng xã hội để liên kết và giao lưu với bố mẹ đầy đủ hơn. Trường nào không có hoặc không coi trọng cái đấy là mất điểm trong con mắt của mình. 

8. Thời gian học lâu dài: Như mình đã nói ở trên, mình xác định con 3 tuổi sẽ cho đi học Mẫu giáo Công lập. Tuy nhiên, không thể phủ nhận là mình vẫn phải tính phương án nếu con đi học khó khăn quá thì phải gắn bó lâu dài với trường Tư thục. Vì vậy quan điểm của mình là đã cho con đi học, bất kể Tư thục hay Công lập hay Dân lập, đều nên chọn trường tốt trong khả năng có thể ngay từ đầu. Nếu trong trường hợp không thể chuyển trường như ý muốn, con vẫn có thể gắn bó lâu dài với trường lớp hiện tại và bố mẹ vẫn yên tâm vì con được giáo dục tốt.

Sau khi đã xác định được những gạch đầu dòng về việc chọn trường cho con ra sao và như thế nào, mình đảo qua các trường Tư thục nằm trong bán kính 1km của nhà. May mắn là căn hộ mới của hai vợ chồng đang trong quá trình hoàn thiện cũng gần với nhà cũ, vì vậy việc tìm trường cũng dễ dàng hơn và không gặp nhiều khó khăn.

PHẦN II: CÔNG CUỘC CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI ĐI "BỘ ĐỘI"



* Chuẩn bị chon con đi Mầm non/Mẫu giáo:

Mình có nghe được ở đâu đấy câu nói "Nuôi con không phải cuộc chiến", và đối với mình thì câu đấy chẳng đúng tí nào! Nuôi con với mình đich thực là một cuộc chiến, cuộc chiến với ông bà nội ngoại vì phương pháp dạy và nuôi của mình khác với thế hệ trước; cuộc chiến với con vì nhiều lúc con ươn, con ốm, con đau, thực sự rất mệt mỏi và stress; cuộc chiến với những ánh mắt của người ngoài cuộc nhìn vào và so sánh, kêu ca v.v..

Trẻ con thực sự là một cá thể rất thú vị. Sự nhận thức của các con phát triển một cách đáng kinh ngạc, và nếu được sự chú ý dạy dỗ, quan tâm từ bố mẹ thì sự nhạy bén đó sẽ càng ngày càng phát triển hơn.

Trước đây khi bạn Xốp còn nhỏ, khi có người hỏi rằng "bao giờ thì cho con đi học mẫu giáo?" mình cũng rất lăn tăn. Ừ nhỉ, là bao giờ? Bao giờ thì con có nhận thức đủ để đi mẫu giáo? Bao giờ thì con cảm thấy sẵn sàng để đến một thế giới mới khám phá mà không cần có cha mẹ ở bên? Bao giờ con mới đủ dũng cảm để "tự lập" vài tiếng đồng hồ không có mẹ? Bao giờ?

Thực ra câu trả lời không phải quá khó. Khi trẻ đã sẵn sàng, trẻ sẽ có những biểu hiện giống như "ra dấu hiệu" để bố mẹ nhận thấy.

Ví dụ như bạn Xốp, khoảng ngoài 2 tuổi nhận thức của bạn phát triển rất nhanh, bạn học bảng chữ cái, học đếm và học hát rất tốt. Ngôn ngữ của bạn vì thể có sự tiến bộ đến vượt bậc, chỉ trong vài tháng từ "ngọng líu ngọng lô", bạn đã nói năng rành rọt từng câu chữ và có thể biểu đạt được ý nghĩ của mình đến 80-90% thông quá ngôn từ và động tác, biểu cảm khuôn mặt. Tức là, tốc độ tiếp nhận kiến thức của bạn Xốp đang ở giai đoạn vô cùng tuyệt vời, và lượng kiến thức bạn thu nạp được vào bộ óc quả thực đáng kinh ngạc. Vì vậy, cho bạn đi học thời điểm này để bạn hiểu thêm, biết thêm nhiều điều, có điều kiện giao lưu với các bạn đồng trang lứa là vô cùng thích hợp.

Thế rồi ở nhà thì bạn Xốp cũng bắt đầu ý thực được việc các anh chị hàng xóm "đi học", không còn ở nhà chơi với bạn nữa. Cả ngày bạn thui thủi với bác giúp việc và cụ, bạn chán. Tối đến cho bạn xuống sân, thấy các anh chị lớn đeo cặp đi học thêm ở một căn hộ trong khu rồi tan học chạy nhảy hò hét, bạn thích lắm,  bạn luôn mồm "mẹ ơi con muốn đi học!"...Và đó là lúc mình nhận thấy rằng: đã đến lúc con cần phải đi học!

Đi học - nó không đơn giản chỉ là tìm trường tốt cho con, tìm lớp tốt cô tốt cho con là xong. Mà mình nghĩ nó còn cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, mà quan trọng nhất là từ phía con. Mình tạm chia ra thành 2 phần đó là chuẩn bị thể lực chuẩn bị tâm lý.

1. Chuẩn bị thể lực 

Bẩm sinh bạn Xốp không phải là người có thể lực tốt, thường xuyên ốm. Hệ tiêu hóa và hệ hô hấp của bạn cũng kém hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, khi gửi con đi học, mình sợ nhất là con bị ho - sổ mũi để rồi bị viêm phế quản, viêm phổi; và táo bón. Đây là những "bệnh" hầu như bạn nào đi học cũng gặp phải, nhưng mình nghĩ tìm cách hạn chế vẫn là điều tốt.

Điểm đầu tiên mình muốn lưu ý với các mẹ đó là hãy cho con đi tiêm đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Mình cho bạn Xốp đi khám ở trung tâm tiêm chủng VabioTechcare do được một người bạn giới thiệu. Trong suốt quá trình từ lúc sinh con đến bây giờ, mình đều tin tưởng chất lượng vắc-xin và dịch vụ ở trung tâm này. Chỉ cá biệt có lần duy nhất mình không thể chờ mũi 6 trong 1 tiêm vì đã trễ đến cả tháng nên đành phải cắn răng đưa bạn đến Family Medical Practice Hanoi.

Một trong những điểm các mẹ cần lưu ý là nhớ lịch tiêm lại của con và cho con đi tiêm đúng thời gian quy định. Sổ tiêm chủng của con là một trong những loại "giấy tờ" quan trọng mà mình cẩn thận cất giữ và thường xuyên lôi ra kiểm tra để check lại lịch tiêm.

Bạn Xốp được mẹ cho đi tiêm khá đầy đủ tất cả các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mình quan niệm đưa con đi tiêm là cho con một "cơ hội" để đối chọi với bệnh tật, giúp con tăng cường khả năng đề kháng và tránh các tác hại xấu mà bệnh có thể gây ra.
Mẹ nên nắm rõ lịch tiêm chủng của con để đưa con đi tiêm chúng đúng thời điểm, đúng tháng tuổi. Khoảng ngoài 18 tháng, hầu như các bạn bé đã được tiêm gần như tất cả các mũi cơ bản nhất.

Khoảng 4 tháng trước khi đăng ký học mẫu giáo, mình đưa bạn Xốp đi khám dinh dưỡng.

Khoan nói đến những tiêu cực mà các mẹ có thể đọc được trên các diễn đàn, cũng như những cái nhìn - bình luận mang tính giễu cợt việc cho con đi khám dinh dưỡng. Mình nghĩ, những người đưa con đi khám và có nhận xét như trên, chưa gặp phải người có cái tâm và gặp đúng phương pháp bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

Mình cho bạn Xốp đi khám ở Viện Dinh dưỡng ứng dụng - Tòa nhà Việt Hàn chỗ ngã tư Kim Ngưu - Minh Khai. Cô Hòa - Viện trưởng - trực tiếp thăm khám, kiểm tra, tư vấn và kê đơn thuốc cũng như hướng dẫn lịch ăn uống để bổ sung chất cho trẻ mà không nhồi nhét.

Điểm mình thích ở Trung tâm này là số lượng trẻ đến khám không đông, mỗi trẻ đến sẽ được khám và tư vấn trong đúng 1h đồng hồ. Kèm theo đó, Viện sẽ theo dõi sự phát triển của các em theo từng tháng để có sự can thiệp và bổ sung chất còn thiếu thích hợp.

Tại nơi khám có khu vực chơi cho trẻ, tuy không rộng rãi nhưng sạch sẽ, nhiều màu sắc, trẻ có thể vui chơi ở đây trong lúc bố mẹ ngồi nghe tư vấn từ bác sĩ. Phòng khám vắng vì vậy không gian cũng đỡ xô bồ hơn.

Mình chưa bao giờ cho rằng bạn Xốp bị suy dinh dưỡng, và bác sĩ ở Viện cũng công nhận như vậy! Bạn Xốp chỉ bị thiếu cân - thiếu chiều cao một chút so với chuẩn (mà lý do chính là vì bạn uống kháng sinh hơi nhiều vì vậy sự hấp thụ chất bị giảm) còn lại từ nhận thức cho đến trí tuệ của bạn đều phát triển rất bình thường. 

Mục tiêu của mình khi đưa con đi khám chỉ là tăng cường thể lực và sức đề kháng, có lẽ vì vậy mà tâm trạng cũng nhẹ nhàng và vui vẻ hơn. Nhiều mẹ đưa con đến khám lần đầu tiên, nhìn thấy bạn Xốp đến khám lần 2 lần 3 đều hỏi kiểu "khám về có chịu ăn không?", "uống thuốc có tăng cân không?" khiến mình thấy mọi người dường như nặng nề chuyện ăn uống quá. Cứ ép con ăn, ép con uống thuốc để lên cân trong khi con không thích thì đi khám dinh dưỡng cũng bằng không.


Trong vòng 3 tháng khi đi theo chế độ ăn và thuốc bổ sung chất của Trung tâm (mình xin nhắc lại là không hề nhồi nhét, nấu cháo/cơm đúng cách, chỉ cho ăn vừa đủ, bắt đầu bằng một lượng vừa vừa sau đó nếu cảm thấy bạn Xốp hào hứng ăn uống thì mới tăng thêm lượng ăn, bổ sung bằng sữa và các khoáng chất), bạn Xốp có những thay đổi đáng kể về chiều cao, cân nặng và đặc biệt là thể lực, sức đề kháng. Sau đó, khi thấy con đã đạt được những điều mà mình muốn theo phác đồ điều trị, mình sẽ cắt giảm dần lượng thuốc và thực phẩm chức năng của con, thay bằng các thực phẩm thường.

Mình là một bà mẹ hiện đại, mình cũng đọc - tham khảo nhiều tài liệu và các chương trình truyền hình về vấn đề dinh dưỡng và trẻ suy dinh dưỡng. Quan điểm về việc suy dinh dưỡng của trẻ trên thế giới rất khác ở Việt Nam, không chỉ phụ thuộc vào vấn đề chiều cao, cân nặng... mà còn phụ thuộc cả vào sự phát triển tâm sinh lý, sự nhận thức và phát triển vận động của trẻ. Khi về Việt Nam, với truyền thống thích trẻ bụ bẫm, béo tốt, nhiều ông bố bà mẹ và thậm chí cả bác sĩ dinh dưỡng đều cho rằng trẻ phải béo, phải đủ chiều cao cân nặng chuẩn WHO thì mới là trẻ không suy dinh dưỡng, thiếu hụt chiều cao cân nặng là suy dinh dưỡng hết! 

Mỗi bé đến đây đều được chụp ảnh - theo dõi quá trình tiến bộ theo từng tháng.

Vẫn biết đó là quan điểm sai lầm và ngành Y tế đang từng bước khắc phục sai lầm này, nhưng không thể phủ nhận: trẻ không có thể lực tốt thì việc trẻ theo kịp các bạn cùng trang lứa trong việc học tập sẽ gặp khó khăn. Chỉ đơn giản: trẻ đi học, nếu như ốm quá nhiều và nghỉ quá nhiều sẽ mất nhiều bài giảng hay, khi đi học sẽ không bắt kịp với lượng kiến thức mà các bạn được học trong những ngày qua, thậm chí nếu muốn bắt kịp trẻ lại phải cố gồng mình lên để theo và vô hình chung, trẻ lại yếu đi, vì mới ốm dậy thể lực chưa hoàn toàn hồi phục.

Vì vậy, việc chuẩn bị thể lực cho con là một trong những "lộ trình" mình đề ra và bắt buộc thực hiện theo một cách nghiêm túc để con có được bước đệm tốt nhất trước khi bước vào giai đoạn quan trọng này.

2. Chuẩn bị về tâm lý

Nhiều mẹ quan điểm rằng chọn trường tốt, cô tốt, bạn tốt thì khi trẻ đi học sẽ hứng thú mà hòa nhập được. Cũng có nhiều mẹ lại cho rằng, khi trẻ đi học thì phải để trẻ tự hòa nhập vào môi trường mới, học cách tự lực cánh sinh. Với mình, dù áp dụng phương pháp nào như trên đều rất nguy hiểm.

Trẻ đang ở nhà, trong một môi trường quen thuộc, với những người quen thuộc. Đột nhiên một ngày không hẹn trước, trẻ được đưa đến một nơi hoàn toàn lạ lẫm, cô giáo và bạn bè trẻ cũng chưa từng gặp bao giờ. Trẻ không biết mình phải làm gì, phải bắt đầu như thế nào. Quan trọng hơn, bố mẹ - những người thân thiết với trẻ không ở bên cạnh để chỉ bảo, trẻ đương nhiên sẽ cảm thấy hoang mang - sợ hãi và dẫn đến việc khóc quấy đòi mẹ.

Các cô giáo mầm non khi thấy trẻ quấy khóc như vậy thường nói với phụ huynh rằng đó là bình thường. Đương nhiên điều đó là bình thường, bởi công việc hằng ngày của các cô tiếp xúc với vô số trẻ như thế. Nhưng với người làm bố làm mẹ, thì đừng nên nghĩ đó là bình thường. Đó là tổn thương tâm lý sâu sắc trong trẻ. Với các trẻ mạnh dạn, việc bị bỏ lại một mình trong môi trường mới sẽ nhanh chóng qua đi. Nhưng với trẻ nhút nhát thì sao? Nó sẽ khiến trẻ sợ hãi và không hợp tác với bố mẹ trong việc đi học. Từ đó dẫn đến việc đi học trở nên khó khăn, trẻ chống đối. Vì vậy, bên cạnh việc chuẩn bị thể lực, thì việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ là rất quan trọng.

Mình thực hiện theo hai cách:

* Cách đầu tiên là thường xuyên nói chuyện với con về trường lớp, thầy cô và các bạn. Rằng đi học vui như thế nào, cô giáo dạy nhiều điều ra sao, các bạn chơi vui như thế nào, có nhiều đồ chơi và sách vở v.v.. Để bạn có được sự hào hứng khi đi học. Đây là cách đánh vào tâm lý trẻ từ từ, tạo sự háo hức cho trẻ bởi trẻ không hiểu "trường học", "cô giáo", "bạn bè" là gì... vì vậy khi được bố mẹ "tuồn" cho những ý nghĩ tươi đẹp khi đến đó có nhiều đồ chơi, được học múa hát, được học vẽ v.v.. sẽ tạo sự thích thú tò mò xen lẫn háo hức.

Cho con đi chơi ở công viên, các khu vui chơi và nói rằng "đi học các cô hay cho con đi chơi như thế này lắm!", trẻ sẽ cảm thấy hứng thú ngay!

Cách này nghiêm cấm ở nhà bố mẹ đánh mắng trẻ lôi "cô giáo", "trường học", "đi học" ra dọa dẫm. Vô hình chung sẽ khiến trẻ sợ đi học, sợ cô giáo, không tốt tí nào.

* Tiếp theo đó, 1 tháng trước khi chính thức nhập học, mình xin phép với nhà trường nơi con mình đến học được đi học thử nửa ngày (khoảng 9h - 12h) và có người đi cùng, sau đó khi đã ổn ổn sẽ là nửa ngày mà không có người nhà đi cùng, tiếp đó là đi muộn về sớm (khoảng 9h đến và 3h đón về, có thể ăn sáng ở nhà rồi hãy đến trường), và cuối cùng là đi full ngày (7h30 - 4h)

Công cuộc này kéo dài khoảng 2 tuần là tối đa. Với mỗi bé sẽ có thời gian khác nhau, nhưng tốt nhất không nên quá dài, trẻ sẽ tự nghĩ rằng: "à, đi học là có người nhà đi cùng", đến khi cho trẻ đi lớp 1 mình trẻ sẽ quay ra quấy khóc. Nhiều trường hiện tại cũng có chương trình làm quen như thế này với mức phí khác nhau, các mẹ tham khảo ở văn phòng trường để có thêm thông tin.

Mình coi đây là những "cọ sát" ban đầu để bạn Xốp có được những sự hình dung nhất định về việc thế nào là "trường", thế nào là "cô giáo", thế nào là "đi học", thế nào là "các bạn". Đồng thời, cũng là cách để mình theo dõi xem cách thức các cô dạy trẻ ở lớp, tổ chức lớp học ra sao, cách các cô cho ăn và thực phẩm như thế nào. Dù gì "trăm nghe không bằng một thấy" và "trăm thấy không bằng một thử"!

Các mẹ đừng lo là nhà trường không khuyến khích hình thức này. Với các trường Công lập thì mình không biết nhưng ở các trường Tư thục và Dân lập, họ rất tạo điều kiện bởi hầu như các gia đình cho con đi học trường Tư đều chuẩn bị về mặt kinh tế. Mà rõ ràng kinh tế là thứ mà các trường Tư thục và Dân lập chú trọng để duy trì trường do không có chế độ bao cấp như trường Công.

Cách này là cách tạo điều kiện cho trẻ từ từ làm quen với môi trường mới, không vội vã, để trẻ có được những trải nghiệm bước đầu thuận lợi.

Phần III: XÂY DỰNG THỜI KHÓA BIỂU "KHÔNG VỘI VÃ" CÙNG CON 
Mình đã tiếp xúc và đọc được một số chia sẻ của các mẹ đi trước, rằng khi con mới đi học thường rất mệt mỏi vào cuối ngày do chưa bắt kịp với thời gian biểu ở lớp học, nhiều con đi học những ngày đầu toàn ngủ vào lúc lớp đang học/chơi và dậy chơi vào lúc các bạn lăn ra ngủ. Điều này vô hình chung khiến con khó hòa nhập với không khí của lớp hơn, vì vậy xây dựng một thời khóa biểu cho con gần giống với ở trường sẽ giúp con hòa nhập nhanh hơn với môi trường mới.

Cách làm thì vô cùng đơn giản: các mẹ có thể hỏi cô giáo/ nhà trường về lịch học, thậm chí nhiều trường bây giờ có thể email một ngày sinh hoạt cho mẹ để mẹ tham khảo và có những thay đổi trong lịch sinh hoạt của con tại nhà sao cho phù hợp và chủ động hơn.


Đầu tiên, mình tham khảo lịch sinh hoạt của bé tại trường mà mình để áp dụng cho sinh hoạt trong gia đình (chủ yếu là vào buổi sáng phải tập cho bé dậy sớm để kịp giờ đến trường, và buổi trưa ăn ngủ đúng giờ. Còn lại buổi chiều có thể du di một chút).

Sau đó, mình có sự thay đổi dần dần: buổi tối ăn sớm hơn, cho con vận động nhiều để buồn đi ngủ sớm hơn, sáng ra gọi con dậy sớm hơn, giờ ăn uống các bữa chính/phụ cũng gần sát với giờ ở lớp. Hiện tại mình còn phải điều chỉnh lại một chút để bạn Xốp ăn trưa sớm và đi ngủ sớm hơn (bạn thường 12h trưa mới đi ngủ và 15h mới dậy). Con lại thì 80% thời khóa biểu của bạn bây giờ gần giống như ở lớp học. Mình khá hy vọng là bạn sẽ hòa nhập với lớp nhanh khi đi mẫu giáo.

Việc rèn luyện này nên tiến hành từ từ, tránh o ép con quá sẽ khiến con chưa thích nghi được và chống đối, gây nên tình trạng uể oải, kém hợp tác v.v.. Mình áp dụng lịch sinh hoạt này kể từ khi bạn Xốp tròn 2 tuổi, và đến giờ đã theo được khá tốt mọi giờ giấc trong ngày. Các bé nhỏ hơn (dưới 1 tuổi) thì sẽ khá khó khăn vì các con vẫn phải đảm bảo 1 giấc ngủ phụ trong ngày bên cạnh giấc ngủ trưa. Đó có lẽ cũng là lý do nhiều gia đình đến 18 tháng trở đi mới cho con đi nhà trẻ.

Sau đây là lịch sinh hoạt buổi sáng của mình và bạn Xốp. Vì đây còn là một trang blog chia sẻ làm đẹp cho các mẹ nữa, nên cho phép mình "ké" một tí lịch sinh hoạt của mẹ vào nhé! ;)

6:00 AM: Đây là khoảng thời gian mình thường thức dậy vào buổi sáng. Có hôm muộn hơn một chút, có hôm sớm hơn một chút. Nhưng chủ yếu là vào khung giờ này. Dậy nhiều thành quen, hầu như mình không cần đồng hồ báo thức vẫn có thể tự dậy được.


Có hai việc đầu tiên mình sẽ làm khi mở mắt. 

Đầu tiên đó là cầm điện thoại check tin nhắn, update thông tin trên FB Page, Instagram, Youtube, Blog cá nhân. Có lẽ mình phải dành đến 15-20 phút cho thói quen này. Cá biệt có hôm nào đọc được bài blog hay từ một blog mình thích, hoặc một video mà mình đã mong chờ từ lâu ở một kênh Youtube mình đã subscribe từ lâu thì mình còn nấn ná lâu hơn. Đây là thói xấu khó bỏ của mình :( 

Việc thứ hai, sau khi đã dứt ra được khỏi chiếc điện thoại vào buổi sáng, là uống một cốc nước thật to và thật đầy (mình thường uống vào khoảng 200ml nước ấm). Thói quen này mình đã tập luyện từ khi mới bước vào học cấp 3 sau khi xem được trên một chương trình truyền hình nói về lợi ích của việc uống nước vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy, giúp thanh lọc cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa và đặc biệt là làn da của bạn.

Khoảng 6:30 mình sẽ đi chợ. Mình đi xe máy để tiết kiệm thời gian. Đi sớm hơn thì các hàng mình mua quen chưa mở, đi muộn hơn thì cũng được những hơi cập rập và phải xếp hàng chờ lâu. Tầm giờ này mình thấy là phù hợp. Hầu như sáng nào mình cũng đi chợ để mua thức ăn tươi cho cả nhà trong ngày. Phần vì nhà có trẻ nhỏ nên cần phải có thức ăn tươi và hạn chế thức ăn đông lạnh, phần vì tính mình dễ quên quên nhớ nhớ nên cứ đi chợ hôm nào mình tính toán ăn vào hôm đấy là phù hợp nhất. Còn lại mua nhiều về nhét tủ rồi không nhớ mang ra làm rất phí phạm. Mỗi ngày tiền đi chợ của mình giao động trong khoảng trên dưới 150k. Hơi nhiều, nhưng vì nhà mình đông người, sức ăn tốt và mình mua hàng quen (chủ yếu là thịt) nên người bán hay để lại đồ ngon cho mình, mà đồ ngon thì họ lại không lấy rẻ được. Mỗi ngày đi chợ bao giờ mình cũng mua 2 loại rau cho hai bữa, hai loại thịt/cá cho hai bữa, thêm một số món "điểm xuyết" kiểu đậu phụ, chả mực, tôm v.v.. Nói chung mâm cơm gia đình cứ 1 món cánh 2-3 món thức ăn thì mình mới thấy yên tâm và hài lòng.

7:00 AM: Đây là lúc mình vừa đi chợ về, bàn giao lại thức ăn trong ngày cho bác giúp việc và nói qua buổi trưa ăn gì, buổi tối ăn gì để bác biết đường nấu nướng. Nhiều nhà trong khu để cho người giúp việc đi mua hộ, mình thì lại không thích như thế. Tính mình tiền nong phải rõ ràng, thêm nữa mình thấy các bác giúp việc một là mua đồ cho nhà ít mà cứ vống lên nhiều tiền để "ăn chặn", hoặc là cầm tiền đi mua nhưng mua rất ít (đích thị kiểu bác giúp việc nhà mình!), vì vậy nên mình toàn tự đi chợ lấy, quyết định thực đơn lấy.

Đây cũng là tầm giờ bạn Xốp thức dậy. Mình sẽ dành khoảng vài phút chơi và tập thể dục tay chân trên giường cho bạn ( chủ yếu là thọc lét để bạn cười :D) cho bạn mau tỉnh ngủ. Sau đó mình vệ sinh cá nhân cho bạn, thay quần áo, chải đầu tóc sau đó ra xem cháo của bạn vào buổi sáng đã được bác giúp việc chuẩn bị đến đâu để cho bạn ăn. Một trong những việc mình cũng thường xuyên làm vào buổi sáng cho bạn Xốp là cho bạn uống một ít mật ong nguyên chất pha với nước ấm - hiện mình đang ngâm mật ong chanh đào, có lẽ tầm 1-2 tháng nữa sẽ có chanh đào cho bạn Xốp uống vào buổi sáng. Cách này mình đã áp dụng từ mùa đông năm ngoái, trộm vía tình trạng viêm họng của bạn Xốp thiên chuyển rất tích cực vì vậy mình vẫn tiếp tục áp dụng cho năm nay và chắc chắn là nhiều năm tiếp theo nữa.

Khi bạn Xốp đi học thì bạn sẽ được cho ăn sáng ở trường vì vậy vấn đề ăn uống buổi sáng cũng sẽ nhẹ gánh hơn cho mình và bác giúp việc :D

Buổi sáng, chu trình chăm sóc da của mình rất đơn giản: rửa mặt với srm dịu nhẹ (trước mình thích Purity của Philosophy, giờ thì đang dùng CeraVe - cũng rất dịu nhẹ cho da), sau đó là toner - kem mắt - kem dưỡng và kem chống nắng. Các bước trang điểm hầu như chỉ đơn giản là che khuyết điểm - phủ phấn nhẹ - kẻ lông mày và tô son môi. Vậy thôi. Hiện mình đang dùng thử bộ Vichy Ideal White và sẽ cố gắng đến trung tuần tháng 9 có thể đưa cho mọi người một bài review tổng quát và cụ thể nhất về dòng sản phẩm mới của Vichy này!


Việc áp dụng phương pháp "colour code" - phân loại tủ quần áo theo màu sắc giúp mình dễ dàng tìm mặc một bộ quần áo ưng ý trong ngày mà không mất công tìm, bới rất mất thời gian vào buổi sáng. Colour code là một phương thức rất đơn giản: bạn phân loại quần áo (đặc biệt là áo) theo màu sắc đi từ tông đậm đến nhạt, màu lạnh đến nóng, màu tối đến sáng... Việc áp dụng phương pháp này sẽ giúp bạn xác định được nhanh chóng nên mình muốn mặc gì và kết hợp màu sắc ra sao. Không mất thời gian bới tung tủ đồ tìm quần áo nữa.

Ông xã thì mình tranh thủ cuối tuần là cho 6-7 cái áo sơ-mi, tự chọn mặc trong tuần. Được cái ông xã không thích mặc áo sơ-mi lắm, toàn thích mặc phông có cổ và quần bò/quần kaki vì công việc của chồng mình không quá gò bó về trang phục, vậy nên việc chuẩn bị quần áo cho chồng của mình cũng có đôi phần "sơ sài" hơn so với các bà vợ khác :D


7:30 AM: Mình sẽ bước chân ra khỏi nhà đi làm, tháng sau sẽ là đưa cả bạn Xốp đi học nữa. Trường mầm non bạn Xốp học cách nhà khoảng 7 phút đi xe máy, trên đường mình đi làm nên khá tiện lợi. Khi đi học, bạn Xốp đến lớp sẽ được cô giáo cho ăn sáng, nên mình sẽ yên tâm và không phải vội vã vào buổi sáng chuẩn bị thức ăn cho bạn. Mình chỉ cần chuẩn bị sữa chua/đồ ăn nhẹ và sữa cho bạn trong balo để cô cho ăn vào giờ quy định ở trường. Các bạn có thể tham khảo thời gian di chuyển và con đường đi nhanh nhất ở trang web: www.diadiem.com, mình thấy trang web tính toán thời gian khá đúng, dễ dàng cho chúng ta xác định thời gian để rời nhà và di chuyển, đặc biệt là vào giờ cao điểm.


Hiện tại bạn chưa đi học mà vẫn ở nhà thì thời gian ăn của bạn Xốp sẽ trong khoảng tối đa là 30 phút. Đến khoảng 8h sáng bạn sẽ hoàn thành việc ăn uống và được bác giúp việc cho xuống sân chơi, tắm nắng.

8:00 AM: Từ nhà đến cơ quan nếu đi nhanh mình chỉ mấy độ 20 phút, nhưng vì vào giờ cao điểm nên phải mất đến 30 phút mình mới tới nơi được. Trước khi vào cơ quan mình có ghé qua Fresh Garden để mua đồ ăn sáng. Thường mình sẽ ăn bánh mì kẹp thập cẩm và chọn mua một chai nước gạo của Hàn Quốc. Đồ mình mang đi làm cũng lỉnh kỉnh cả hộp cơm trưa và nước uống nữa. May mắn cốp xe máy to (mình đi Lead) nên để được nhiều đồ, không phải gài bên nọ bên kia vướng víu.


9:00 AM: Thường công việc của mình sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 9h sáng. Sau khi đã ăn sáng nhanh (trong khoảng 15 phút từ khi đến cơ quan), lướt mạng đọc một số thông tin báo chí mới cập nhật, vào một số trang mạng xã hội để update thông tin, và họp phòng để trao đổi công việc.

Nhiều bạn chắc vẫn không biết mình làm gì. Xin phép cho mình được giữ địa chỉ làm việc bí mật vì mình thích sự riêng tư trong đời sống hằng ngày không bị ảnh hưởng bởi những gì mình chia sẻ trên mạng. Chỉ có thể nói với mọi người đơn giản như thế này: mình hiện đang làm cho một cơ quan quản lý báo chí cấp trung ương ở Hà Nội, và công việc chính là phụ trách - biên tập trang web cho cơ quan, lên kế hoạch tổ chức các hội thảo - giải báo chí và tham gia vào công tác tổ chức cho giải/hội thảo.

10:00 AM: Đây là giờ "quy định" của bản thân mình để gọi điện thoại về hỏi han xem tình hình của con ở nhà như thế nào. Và sau này khi đi học sẽ là giờ để mình check qua camera xem con ở lớp có ngoan không.

Ở nhà thì đây là giờ bạn Xốp sẽ có một bữa ăn nhẹ. Hiện mình đang trong quá trình bồi bổ nên tầm giờ này bạn sẽ ăn 100ml sữa công thức. Sau đó có thể ăn nhẹ một loại hoa quả nào đó, thường thì mình hạn chế để đến chiều cho bạn ăn thêm vì sợ ăn dày bữa quá bạn đầy bụng. Khi đi học thì giờ này sẽ chỉ ăn hoa quả/sữa chua thôi. Không ăn sữa công thức nữa và sẽ đẩy giờ lên sớm hơn nửa tiếng so với ở nhà.

11:20 AM: Mình sẽ tập trung làm việc trong vài tiếng đồng hồ. Thường công việc có cường độ áp lực không cao nên chỉ cần tập trung một vài tiếng là đã làm xong việc của buổi sáng. Ngẩng lên thì cũng tầm hơn 11h - mình sẽ sắp xếp bàn làm việc và chuẩn bị đi tập fitness.

Hiện mình đang tập ở Elite Lý Thường Kiệt vì gần cơ quan, mất chưa đến 2 phút lái xe là đã đến nơi. Mình thường tập các lớp vào buổi trưa vì tiết kiệm thời gian mà không ảnh hưởng đến lịch làm việc và cuộc sống cá nhân mấy. Đây cũng là giờ tập lý tưởng cho đại đa số chị em dân văn phòng. Sau khi tập xong, tùy thuộc vào lớp tập sớm hay muộn, mình sẽ kết thúc lớp vào khoảng 11h30 đến 11h45. Mất khoảng độ 30 phút để tắm táp, mặc quần áo và sửa soạn đồ đạc, mình trở về văn phòng và ăn trưa đã chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước.

Mình không có thói quen mang theo dầu gội - sữa tắm hay đồ dưỡng vì như vậy rất lỉnh kỉnh. Vì vậy, mình chỉ đơn giản sử dụng Bioderma để tẩy trang, rồi bôi lại kem chống nắng và lặp lại các bước trang điểm đơn giản như buổi sáng thôi. Để tiết kiệm thời gian, hầu như hôm nào mình cũng bảo bác giúp việc nấu dư ra một chút vào tối hôm trước và xếp sẵn vào trong hộp rồi cất đi. Hôm sau mang đi làm chỉ cần cắm trước khi đi tập là về đã có cơm nóng canh sốt để ăn.



11:30 AM: Đây là giờ ở nhà bạn Xốp bắt đầu ăn trưa. Hiện bạn đã mọc đủ răng nên có thể ăn cơm như người lớn, thức ăn cắt nhỏ ra để bạn dễ nhai hơn. Chỉ có buổi sáng là mình nấu cháo cho bạn ăn để tiện thôi. Tương tự, bạn sẽ có đúng 30 phút để ăn trưa - nếu hôm nào bạn hứng thú có thể ăn chỉ trong 20 phút là hoàn thiện.

Riêng về vấn đề ăn uống, mình có quan điểm là không ép con ăn khi con không thích. Con có thể không ăn lúc này, một lúc sau cho con ăn thêm các thứ khác. Một phần mình thấy trộm vía con mình mọc răng rất sớm, và mọc liên tục nên vấn đề nhai của bạn có vẻ không "nan giải" như nhiều bạn cùng trang lứa khác. Phần nữa vì mình rất lười khoản nấu cháo, mất thời gian, nên mình tập dần dần cho bạn ăn thô (cứ khoảng 3-6 tháng thay đổi độ thô của thức ăn, còn phụ thuộc vào mức ăn của con - tình hình tiêu hóa thức ăn và sức khỏe, nhiều khi mới tập ăn thô vào giai đoạn mới được độ 1-2 tuần con lại bị ốm, mình lại quay trở lại ăn mềm như giai đoạn trước đó.)

Ngoài 2 tuổi bạn Xốp đã ăn được cơm nát, thức ăn nấu nhừ và mềm rồi xắt nhỏ ra cho ăn. Hiện cơm của bạn Xốp so với người lớn ở trong nhà không khác nhau là bao, có mềm nhưng chỉ mềm hơn một tí thôi. Thức ăn ăn như bình thường, đề phòng con nôn chớ thì mình cắt nhỏ ra cho vừa với miệng con, nhưng về cơ bản là bạn nhai được và chịu nhai. Mình thấy như vậy là hài lòng, đi mẫu giáo có thể yên tâm đôi phần :)

12:00 AM: Giờ bạn Xốp ngủ trưa. Bạn sẽ ngủ đến 15h thì thức dậy và ăn 150ml sữa vào khoảng 15h30.

Trên đây là "thời khóa biểu" mình đã thực hiện được vài tháng nay để cho mình và con gái kịp làm quen với cuộc sống mới khi đi mẫu giáo: không thảnh thơi và cà kê vào mỗi buổi sáng được nữa, áp dụng một số phương pháp sắp xếp để mẹ có thể nhanh chóng ra khỏi nhà kịp giờ đưa con đi học. Theo mình, với các bé khoảng ngoài 18 tháng là có thể rèn luyện cho các con giờ giấc sinh hoạt giống người lớn để đi học dễ thích nghi với môi trường mới, không bị "lệch" giờ sinh hoạt dẫn đến mệt mỏi, khó hòa nhập với hoạt động của lớp.

Hy vọng những chia sẻ này sẽ có ích cho các mẹ!

Thân,