Được tạo bởi Blogger.

UPDATE APARTMENT TOUR // MY KITCHEN ORGANIZATION | Cách sắp xếp căn bếp gia đình

 Xin chào mọi người!

Trong một bài viết đầu năm 2017, mình đã chia sẻ với mọi người quá trình tu sửa, cải tạo và hoàn thiện căn hộ trong mơ của hai vợ chồng mình. Đây là một kế hoạch dài hơi mà cả hai vợ chồng muốn thực hiện từ khi mới cưới đến nay. Và may mắn là bọn mình đã có thể hoàn thiện đúng theo kế hoạch trước khi chào đón thành viên thứ 4 của gia đình! :)

Một trong những hạng mục quan trọng và cần tập trung sửa chữa cũng như phải chi một số tiền chiếm gần nửa chi phí tu sửa căn hộ trong lần này, chính là khu vực bếp.

Căn bếp trước đây có nhiều nhược điểm: thiếu ánh sáng, bí - không thoát mùi, hệ thống hút mùi - bếp gas đã cũ và lỗi thời và không có tác dụng hỗ trợ trong việc làm thông thoáng khu bếp mà thậm chí còn khiến khu bếp trở nên nguy hiểm (dùng bếp gas bây giờ rất dễ xảy ra cháy nổ, mất an toàn); hệ thống giá kệ có màu gỗ tối - thiết kế và bố trí không hợp lý; màu của gạch ốp tường cũng như bàn đá mặt bếp đều là màu tối, không tiện cho việc chùi rửa và làm căn bếp đã tối nay lại càng tối hơn... 

Với những nhược điểm hình thành sau một quá trình sử dụng, và nhu cầu sử dụng của gia đình mình đòi hỏi cần có một căn bếp với hệ kệ tủ nhiều hơn và thông minh hơn, tận dụng được hầu hết không gian sẵn có để có thể cất trữ đồ đạc, cũng như yếu tố an toàn và thẩm mĩ phải đặt lên hàng đầu... chính vì vậy hai vợ chồng đã thảo luận với bên thiết kế và đưa ra một số phương án. Cuối cùng phương án được chọn là thiết kế căn bếp như hiện tại.

Căn bếp trên bản thiết kế nhìn từ hướng phòng khách/sinh hoạt chung
Hiện trạng căn bếp trước khi sửa
Hiện trạng căn bếp thực tế sau khi sửa (hình chụp Tết Đinh Dậu 2017)
Ngày hôm nay, sau khoảng hơn 2 tháng đưa căn bếp vào sử dụng, trải qua một vài lần sắp xếp lại và bố trí sao cho hợp lý... mình rất muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm trong việc sắp xếp, phân khu chức năng trong căn bếp sao cho thật gọn gàng, hợp lý, khoa học. Đây là những kinh nghiệm mình tích lũy được sau khi trải qua việc sử dụng 2 căn bếp của chính mình trong vòng gần 5 năm nay (căn bếp trước khi sửa và sau khi sửa) cũng như những kiến thức mà mình đã thu thập được ở trên mạng để có thể hoàn thiện hơn căn bếp của chính bản thân mình. 

I. Hãy vứt đi những gì cần vứt!

Lời khuyên đầu tiên của mình trước khi các bạn bắt tay vào sắp xếp căn bếp trong mơ là hãy vứt đi những gì cần vứt và nên vứt. Đừng nên tiếc!

Có những chiếc nồi chẳng bao giờ dùng đến, số lượng thớt hoặc dao quá nhiều so với nhu cầu sử dụng khi nấu nướng, hoặc thậm chí bát ăn đã quá cũ và ngả màu.... tất cả những món đồ không cần thiết, nên vứt hoặc cho/đem tặng.


Vì lý do nhà mình thay từ bếp gas sang bếp từ nên mình cực kì vui vẻ đem cho hết các loại nồi inox. Đồng thời, bộ bát đĩa hoa được "sang nhượng" từ mẹ chồng với lạch cạch hết hoa xanh rồi hoa đỏ mình cũng đem về quê cho bà con họ hàng hết để mua một bộ bát đĩa mới của Minh Long màu trắng không hoa hoét tiểu tiết gì hết. Với mình, mâm cơm đẹp là mâm cơm có bát đĩa đồng bộ màu!

Nhìn mâm cơm ngon miệng hơn biết bao nhiêu!!!

II. Phân khu chức năng trong căn bếp

Đầu tiên, các bạn phải xác định, trong bếp có 3 khu vực rất quan trọng: tủ lạnh - chậu rửa - bếp nấu ăn.

Để hiểu rõ thêm về cách phân chia các chức năng trong bếp, mình sẽ giới thiệu cho mọi người một số clip rất hữu ích của IKEA để mỗi người có thể tự định hình xem căn bếp của bản thân nên bố trí sao cho thật hợp lý:




Sau đây là cách mình định hình và xác định khu vực bếp của gia đình mình để phân chia nơi lưu trữ:


1. Khu vực gần tủ lạnh

Tủ lạnh là nơi để cất, lưu trữ đồ ăn tươi dùng trong ngày hoặc trong tuần, đồng thời cũng là nơi lưu trữ đồ ăn thừa trong ngày. Vị trí của tủ lạnh trong căn bếp của gia đình mình, theo thiết kế của chủ đầu tư, không thể di chuyển đi đâu khác mà chỉ có thể ở vị trí 1 như trong hình. 

Vị trí của tủ lạnh nên gần một số nơi để:

- Các loại hộp nhựa/thủy tinh hoặc túi bọc/đựng thực phẩm giúp dễ dàng hơn trong việc cất gọn và lưu trữ đồ sau khi đi chợ hoặc sau mỗi bữa ăn.

- Gần bồn rửa và khu vực vệ sinh để có thể cất đồ ăn hoặc làm vệ sinh đồ ăn sau đó cho luôn vào trong tủ lạnh

Màng bọc thực phẩm, túi đựng thực phẩm sạch... được mình để ở cánh cửa tủ gần với tủ lạnh nhất (trong hình, tủ lạnh ở phía bên trái của ngăn tủ mình chụp) và cánh tủ này cũng ở ngay trên khu vực chậu rửa.
2. Khu vực chậu rửa

Đây là nơi để vệ sinh thức ăn, vệ sinh dụng cụ ăn uống và làm bếp, vệ sinh đồ nấu nướng và vệ sinh khu vực bếp sau mỗi một ngày sử dụng. Vì vậy yêu cầu đầu tiên là phải để các vật dụng vệ sinh ngay gần chậu rửa để có thể dễ dàng lấy và cất gọn đi

Khu vực này cũng là nơi ẩm ướt nhất trong bếp (vì có nước) nên để tránh tình trạng nước rò rỉ hoặc nước bắn vào đồ gỗ, mình lót miếng lót bếp mua của IKEA ở tủ phía dưới bồn rửa.

Các loại bát đĩa, nồi niêu xoong chảo dùng trong ngày, sau khi vệ sinh xong mình không bao giờ cất vào tủ luôn mà luôn để ráo nước rồi mới lau khô cất đi vào buổi sáng hôm sau. Vì các tủ đều làm bằng gỗ và khá kín, vì vậy việc lau đồ khô rồi mới cất đi sẽ giúp giữ tuổi thọ của tủ lâu hơn và tránh mùi ẩm mốc bên trong tủ.

Khu vực chậu rửa với ngăn dưới để dụng cụ vệ sinh nhà bếp và bàn ăn, giá rổ để rửa rau. Phía trên bàn bếp là nơi để giá úp bát đĩa nồi xoong sau khi rửa xong. Hai giá tủ phía trên có cánh lật là nơi mình cất bát đĩa, cốc chén và cánh cửa tủ nhỏ ngay bên cạnh lò vi sóng là nơi mình để thĩa đũa dao thớt dùng trong ngày.
3. Khu vực bếp nấu

Khu vực bếp nấu là trung tâm của căn bếp. Khi nấu nướng mình thích những đồ dùng phải ở ngay gần bên tay.

Bên cạnh cánh cửa tủ nhỏ phía bên trái của lò vi sóng là nơi để dao thớt dùng nấu ăn hằng ngày, cánh cửa tủ phía bên phải mình cũng tận dụng luôn làm nơi cất thớt, chày kích cỡ to và quan trọng nhất là gia vị mắm muối. Khu vực để nồi niêu, xoong chảo cũng ngay gần khu vực bếp để mình tiện với lấy. Phía dưới lò vi sóng có một ngăn kéo nhỏ, đây là nơi mình để các dụng cụ làm bếp ít khi dùng đến nhưng khi cần là có thể lấy được ngay như nạo gọt hoa quả, bào, mở chai, rây lọc v.v..

Căn bếp được chụp vào tầm tháng 1/2017. Như mọi người có thể thấy, ở trên bàn bếp gần khu vực nấu nướng có một giá nhỏ đựng gia vị. Mình chưa thực sự ưng ý với cách sắp xếp này vì nó khiến bàn bếp trông vẫn rất bừa bãi.
Mình đã tìm được giá 3 tầng có bánh xe chiếm diện tích không nhiều trong tủ bếp và rất tiện trong việc để gia vị, mắm muối để "nhét" các loại gia vị khi nấu ăn vào và khiến bàn bếp trở nên rộng rãi hơn!
Ngăn để nồi niêu, xoong chảo vuông góc ngay gần với khu bếp và ngay sát cánh tủ đựng gia vị. Thay vì để nắp và nồi chung với nhau, mình để nồi lên giá xoay vòng, nắp nồi thì mình sử dụng một giá úp vung của IKEA để xếp riêng. Cách này giúp mình đỡ phải lục tìm nồi và nắp và gây tiếng ồn khó chịu khi nấu ăn!
Ngăn phía dưới lò vi sóng là nơi mình để các dụng cụ ít khi dùng đến khi nấu ăn. Để tiện cho việc phân loại, sắp xếp, mình sử dụng khay chia ngăn kéo cũng của IKEA!
Các khu vực khác

Ở trong hình phía trên về sơ đồ căn bếp, mình có đánh số 4 và 5. Đây thực ra là sự sắp xếp dựa trên ý kiến cá nhân của mình cũng như sự thuận tiện của căn bếp mới mang lại cho mình.

Với diện tích các hệ kệ tủ được nhân lên đáng kể, mình dành riêng hai cánh tủ ngoài cùng ở đảo bếp để cất và lưu trữ đồ khô gồm các loại bột làm bánh, các loại gia vị sơ-cua, sữa của con (loại không cần để tủ lạnh) vì khu vực này cũng vừa ngay tầm với của bạn Xốp. 


Một mẹo nhỏ mình học được của rất nhiều các chị organizer-guru trên Youtube đấy là đừng bao giờ giữ lại bao bì của các sản phẩm khô mà nên cất chúng vào các thùng nhựa có nắp đậy kín. Ở đây mình dùng bộ hộp nhựa của IKEA và Lock&Lock để cất các loại gia vị đã xé bao bì, mở nắp ví dụ như các loại bột làm bánh, các loại gia vị chế biến các món ăn đặc biệt v.v..

Cách mình làm  rất đơn giản: trút hết vào từng hộp riêng, viết tên và dán nhãn lên trên hộp nhựa, cắt hạn sử dụng ở bao bì của các loại và dán đồng thời lên hộp tương ứng. Nếu cần, các bạn có thể cắt và dán cả HDSD lên hộp cũng được. Nhờ thế mà mình cất được rất nhiều đồ trong hai ngăn kéo ra kéo vào mà trông vẫn ngăn nắp gọn gàng.



Một mẹo nhỏ nữa của mình trong sắp xếp nhà cửa là các bạn nên có một cái junk-drawer (tạm dịch là ngăn kéo đựng đồ linh tinh) ngay trong căn bếp hoặc ở ngay gần khu vực bếp.


Ngăn kéo này mình đựng đủ thể loại thập cẩm tạp phí lù: kéo cắt, kìm, tuốc-nơ-vít, dao rạch, pin, bút nhớ, băng dính, giấy nhớ, bật lửa v.v.. và sử dụng các loại phân chia ngăn kéo để trông ngăn được gọn gàng, sạch sẽ. Những đồ vật nhỏ này tưởng chừng chẳng quan trọng, nhưng lại là những món đồ nhiều khi không biết cất ở đâu và cất ở vị trí nào để ai trong nhà cũng biết đến và lôi ra dùng khi có nhu cầu. "Junk-drawer" là một trong khái niệm mình đã học được sau khi tự tìm hiểu và thất rất hữu ích!

Clip dưới đây mình quay lại để mọi người có thể dễ dàng hình dung ra cách mình sắp xếp căn bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình và diện tích sẵn có ra sao. Hy vọng giúp ích được cho mọi người!


Độ này mình đang trong giai đoạn #nestinginstinct (tạm gọi là giai đoạn "chuẩn bị lót ổ") nên rất thích đi lòng vòng trong nhà cất cái nọ, xếp cái kia. Cảm giác sau khi đã sắp xếp xong ưng ý thấy vui và an tâm lắm cơ!!!

Sắp tới mình sẽ cố làm thêm clip chia sẻ cách mình sắp xếp phòng cho bạn Xốp (4 tuổi) và sắp xếp đồ cho bạn Kua (sắp sinh), mọi người nếu ai quan tâm nhớ đón xem nhé!

Thân,


PREGNANCY UPDATE + BABY HAUL // Cập nhật tình hình bầu bí và những món đồ nên mua cho em bé sắp sinh


Bấm HD để xem được nét hơn nhé!

Hi mọi người,

Phải suy nghĩ lắm mình mới dám chường mặt lên trước camera để chia sẻ với mọi người một số những sản phẩm mình mới mua được và kinh nghiệm khi mua đồ của mình cho em bé sắp sinh.

Thời điểm mình quay clip là khi đã được 30 tuần, mặt mũi không còn được "bình thường" như trước mà đã bầu bĩnh lên rất nhiều, rất xin lỗi mọi người vì dung nhan gây mất mĩ quan đô thị :))

Danh sách những món đồ mình nhắc đến trong clip & thời gian:

1. Quần áo: Hugo Boss bodysuits, hat & socks for newborn (01:05)
2. Khăn xô: Suzuran Baby Gauze Handkerchief, 30x30 100% Cotton (02:18)
3. Khăn tắm/Khăn quấn: Nappi Bamboo Swaddle 47x47 inch (04:07)
4. Bình sữa: Comotomo Baby Bottle 150ml (05:07)
5. Hút mũi: Nose Frida Nasal Aspirator (07:29)/ Bản thay thế giá tiền hợp lý dễ mua hơn: Bebe Comfort
6. Gạc rơ lưỡi & băng rốn (08:52)
7. Nước muối sinh lý: Natri Clorid 0,9% của Cty dược Pharmedic (09:04)
8. Khăn cotton đa năng: Mamary Multi-function Cotton Cloth (10:31)
9. Khăn ướt: K-mom Natural Pureness Baby Wet Wipes (11:10)
10. Bỉm: Bobby Newborn & Merries Newborn (11:45)
11. Kem hăm: Penaten Baby Cream (13:05)/ Kem hăm tốt: Sudocream
12. Nước rửa bình sữa: Baby Organics Foaming Dish & Bottle Soap (14:34)
13. Sữa tắm cho bé: Lactacyd BB (15:14)/ Sản phẩm tốt: Mustela, Penaten...
14. Nước giặt đồ cho bé: Arau Baby Laudry Soap (15:55)
15. Vitamin D3: Baby Ddrops 400IU (16:53)
16. Kem dưỡng da: Aveeno Baby Daily Moisture Lotion (20:32)
17. Sữa công thức: Meiji dạng thanh (21:30)
18. Kiza 3-in-1 Crown Rocker Napper (22:21)
19. Johnson n' Johnson Baby Oil (22:58)

Quần áo sơ sinh, xe đẩy, chậu tắm, tủ quần áo, cũi cùng với quây cũi, đệm cũi, một số món đồ chơi dành cho bé mới sinh (xúc xắc, thú bông mềm...) mình không mua mới vì đã có đồ cũ của bạn Xốp. Tiết kiệm được khối tiền đấy! 🙂

--------------------------------------------------------------------------------------------

This is not a sponsored video.
Đây không phải là video quảng cáo/được trả tiền để thực hiện mà là video được quay dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình.


--------------------------------------------------------------------------------------------

Chúc các mẹ có 9 tháng 10 ngày mang thai trọn vẹn, hạ sinh mẹ tròn con vuông và các em bé đều khỏe mạnh xinh đẹp đáng yêu nhé!

Thân,



MY TOP 5 BOOKS FOR PREGNANCY & NEW MOM

Hi mọi người, 

Đáng lẽ ra mình định viết một post trên FB Page cho nhanh, nhưng cuối cùng vì bài viết quá dài nên đành quyết định làm một post trên blog để mọi người tiện theo dõi và nắm bắt thông tin :)

Chủ đề của ngày hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người đó là "sách". Mà cụ thể hơn là sách các mẹ đang mang thai và chuẩn bị làm mẹ nên đọc.

Đầu tiên thì phải dài dòng tóm tắt như thế này...

Mình là một đứa khá lười đọc sách. Thề là như vậy. Mặc dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy học, gõ đầu trẻ nhỏ, và từ ông nội đến bố mẹ đến các cô dì chú bác trong nhà, những người thuộc thế hệ chiến tranh bao cấp thời trước, coi sách như một người bạn gối đầu giường, thân thuộc và rất trân trọng.

Nhà mình còn có rất nhiều những quyển sách được xuất bản từ năm 1945, 1946 về ca dao tục ngữ, thơ phong trào Thơ Mới v.v.. với giấy in màu nâu sậm, chữ đánh bằng máy đánh chữ cổ và mép khâu bằng chỉ màu trắng đã ngả màu theo thời gian. Thế mà được đặt trang trọng ở một ngăn của tủ sách trong nhà, được ông nội và bố mình gìn giữ nâng niu như kiểu báu vật :)

Thế hệ bọn mình thì khác trước nhiều rồi. Điện thoại thông minh, internet ầm ầm, rồi sự phát triển của công nghệ cũng khiến chúng mình dần xa rời với những điều tưởng chừng như rất cũ kĩ và lỗi thời: đọc sách.

Đến khi nuôi bạn Xốp, mình mới nghiệm ra rằng: không phải cứ có internet, rồi wifi, rồi điện thoại thông minh.... thì cái gì cũng có thể tìm hiểu được, hỏi anh Google được. Bởi internet là một thế giới quá rộng lớn, kiến thức thì bao la, nhiều những ý kiến trái chiều và những nguồn thông tin không chính thống chưa được kiểm định... Và mỗi đứa trẻ thì lại là một cá thể đặc biệt, một sự tổng hòa của nhiều yếu tố, không bạn nào giống bạn nào, vì vậy, việc làm cha mẹ và học làm cha mẹ là một trải nghiệm thú vị nhưng cũng vô cùng gian nan, và internet thì không thể là người bạn có thể tin cậy hoàn toàn 100% trong hành trình này được.

Và thế là mình quay lại làm bạn với sách. Trong đấy, đặc biệt là sách nuôi dạy con nhỏ, sách dạy cách làm mẹ và đồng thời làm bạn với con, sách hướng dẫn cách để những người vụng về có thể trở thành những người bạn đồng hành với con cái trong một quãng thời gian không dài nhưng vô cùng ý nghĩa khi trẻ lớn lên từng ngày.


Giữa hằng hà sa số các đầu sách về chuẩn bị nuôi con nhỏ, mang thai... Dưới đây là 5 đầu sách mình thấy hay nhất, đọc dễ hiểu nhất, kiến thức phù hợp với những người đang chuẩn bị làm cha mẹ, có thể là lần đầu, cũng có thể là lần thứ hai lần thứ ba gì đấy. Kiến thức trong sách dung dị, gần gũi, cách chuyển tải nội dung dễ hiểu, hệ thống đầu mục hợp lý, hình ảnh và minh họa sống động… Cùng mình điểm qua 5 đầu sách này nhé!

1. “68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con bằng sữa mẹ” - ThS. Chuyên gia Betibuti Lê Nhất Phương Hồng

Đây là quyển sách mà hầu như mình đều khuyên tất cả những người bạn của mình khi mang thai nên tìm mua và đọc. Mình đã có bài review chi tiết quyển này trên blog, mọi người vào địa chỉ này và tìm đọc nhé.


Như mọi bà mẹ khác, các bạn ai cũng muốn cho con có một khởi đầu hoàn hảo và trọn vẹn. Trong đấy, nuôi-con-bằng-sữa-mẹ là một trong những quyền lợi của đứa trẻ và là một trong những bản năng mà người mẹ nào cũng nên đem đến cho con mình. Khoa học đã chứng minh “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ” nhưng vẫn có các bé mới sinh đã lệ thuộc vào sữa công thức, vẫn có những gia đình cho rằng sữa mẹ sau một thời gian không còn đủ chất, vẫn có nhiều người nghĩ sữa chảy ướt áo là “rỗng tia sữa” (aka mình đây!)… và nhiều nhiều những ngộ nhận khác nữa.

Nếu bạn là một người mẹ thông thái, hiểu tầm quan trọng của sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời của trẻ, hoặc tối thiểu là 6 tháng đầu tiên trong cuộc đời con, thì nên tìm đến cuốn sách này.

Lời khuyên của mình là các bạn nên tìm mua và đọc, đừng lệ thuộc vào các hội nhóm group… bởi những kiến thức luôn sẵn có ở đầu giường của mình, tốt hơn hẳn việc động tí lại mở máy điện thoại rồi search rồi lướt đọc hoặc đặt câu hỏi chờ các mem trong group trả lời… Đấy là một kiểu nuôi con quá-phụ-thuộc!

2. “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ” – Tracy Hogg và Melinda Blau
  

Đây là cuốn sách mình mới đọc được hơn một nửa, nhưng thấy nó quá hay và hữu ích, vì vậy cũng cực kì khuyên bạn nào có nhu cầu thì nên tìm đọc cuốn này!

Tracy Hogg là một trong những chuyên gia về trẻ nhỏ rất nổi tiếng. Trong quá trình làm việc và thực tế cuộc sống, bà đã gặp, tiếp xúc và có những hiểu biết nhất định về trẻ thơ, "đọc vị" được nhu cầu của các em qua tiếng khóc và qua cả những tình huống oái oăm nhất trong quá trình nuôi dạy trẻ của các ông bố bà mẹ. Tracy có một biệt hiểu vô cùng nổi tiếng "baby whisperer" - tức là "người thì thầm với trẻ nhỏ" .

Cuốn sách là tổng hợp những kiến thức tổng quát nhất về nuôi dạy trẻ nhỏ, đúng với ý nghĩa là "đọc vị mọi vấn đề của trẻ". Trong đó, điểm mình ấn tượng nhất là cách Tracy giới thiệu phương pháp E.A.S.Y giúp bé ăn ngon ngủ kĩ cha mẹ nhàn tênh, đồng thời với việc phân loại tính cách và hành vi của trẻ theo những nhóm trẻ nhất định để bố mẹ có thể hiểu vì sao con mình lại "không như con nhà người ta".

Cuốn sách này tương đối dày, và nhiều thông tin. Tựa như một cuốn bách khoa toàn thư vậy, nên các mẹ cứ mua rồi đọc và ngâm cứu dần dần. Đặc biệt là trong năm đầu tiên của trẻ.

3. "Nuôi con không phải là cuộc chiến" - Mẹ Ong Bông, Hachun Lyonnet & Bubu Hương


Cuốn này thì thực sự là quá nổi tiếng rồi, không phải giới thiệu nhiều nữa. Đúng ra thì mình có cuốn này trước tiên, sau đấy trong quá trình đọc thấy các tác giả có nhắc đến Tracy Hogg và cuốn "đọc vị mọi vấn đề của trẻ" ở trên nên mình mới tìm mua.

Công bằng mà nói thì nếu như các mẹ nào ngại đọc, không thích kiến thức quá lan man nhiều ví dụ thực tiễn và ngại sách dày, cộng thêm lời văn hơi "Tây hóa" quá thì có thể bỏ qua cuốn của Tracy Hogg ở trên để tìm đọc cuốn này. Sách giới thiệu về phương pháp E.A.S.Y, cách luyện ngủ, ăn dặm bé chỉ huy nhưng ở mức độ khái quát tổng thể, kiến thức cô đọng súc tích, dễ đọc hiểu và lời văn cũng thân thuộc với người Việt hơn.

Nhờ cuốn này mà mình mới biết đến phương pháp E.A.S.Y (nhưng lúc biết thì bạn Xốp đã ngoài 2 tuổi rồi :D), tìm hiểu thì thấy phương pháp này rất hay và khoa học. Nhiều mẹ thuộc nhóm thích "nuôi con thuận tự nhiên" thì cho rằng phương pháp này quá máy móc và khoa học, tuy nhiên nếu tìm hiểu kĩ thì phương pháp này nuôi dạy trẻ kỉ luật dựa trên chính "thời gian biểu" của từng bé... và từ đó bố mẹ có những cách cải thiện và khắc phục kịp thời.

Cuốn này là một cuốn sách hay, nên có và nên đọc trước khi hạ sinh em bé để nếu có thể thì các mẹ nên áp dụng :D Lời khuyên của mình là nên ngâm cứu kĩ, vì ngâm cứu nửa vời E.A.S.Y này thì làm không ăn thua đâu!

4. "Để con được ốm" - Uyên Bùi & BS. Nguyễn Trí Đoàn


Cuối cùng thì cũng có một cuốn sách đến từ tác giả là một bác sĩ, và may quá bác sĩ này là bác sĩ người Việt, làm việc ở Việt Nam, và thấu hiểu nỗi khổ của các mẹ Việt được nuôi con theo kiểu phản khoa học ở Việt Nam =]]

Trước đây khi còn bé, bạn Xốp thường xuyên bị ốm. Đầu tiên bạn bị sổ mũi, sổ mũi rồi thì sẽ dẫn đến viêm họng, viêm họng rồi đến viêm tai giữa. Có những lần tệ hơn thì viêm phế quản chớm viêm phổi. Khoảng thời gian bạn khoảng 7-8 tháng tuổi đến khi 1,5 tuổi, không biết bao nhiêu lần mẹ Méo phải ôm con vào viện lúc đêm khuya vì con sốt đùng đùng, vì con mệt mê man không biết gì, và vì nhiều những lần chứng kiến bác sĩ lấy máu xét nghiệm, luôn ống truyền nước và cả kháng sinh vào người con mà hoàn toàn bất lực.

Tất nhiên, trẻ bị sốt mê man, hơi thở gấp, ngủ li bì không chịu bú không chịu ăn.. không thể là một trường hợp sốt bình thường được. Nhưng vì hồi nhỏ bạn Xốp bị ốm nhiều quá, nên đâm ra mỗi lần con chỉ hơi hơi sổ mũi thồi là mẹ Méo đã sợ khiếp vía, lập tức lôi con xềnh xệch đi đến tìm bác sĩ. Lúc đầu thì chỉ tín nhiệm bác sĩ ở Nhi Trung ương (BV đầu ngành mà!), lần nào đến khám cũng phải hơn 500k cả khám (trong đó có nội soi tai mũi họng) và kê thuốc (gồm kháng sinh, kháng viêm, long đờm và một hộp thuốc bổ).

Sau đấy may mắn quá, mình tìm được bác sĩ Huy (BV Tai - Mũi - Họng Trung ương) - PK 210 Hoàng Ngân, bác sĩ khám cẩn thận chứ không qua loa, phòng khám sạch sẽ đặt lịch trước chủ động giờ giấc và quan trọng là không-lạm-dụng-kháng-sinh... mà trộm vía dần dần bạn Xốp mới đỡ bị phụ thuộc vào thuốc kháng sinh. 

Thế rồi tìm đọc được quyển sách này và FB cá nhân của bác sĩ Trí Đoàn. Và cảm thấy việc bạn Xốp bị ốm, bị sốt, bị sổ mũi với ho hắng một tẹo bây giờ... nó cứ nhẹ tểnh tềnh tênh luôn á!

Ra Tết bạn Xốp bị sổ mũi rồi húng hắng ho. Ông bà nội - như thường lệ - lo lắng lắm. Mẹ chỉ bảo đơn giản: "nó ho long đờm ý mà bố mẹ!". Mà đúng trộm vía ho mãi ho mãi độ hơn 1 tuần (ước chừng khoảng 10 ngày) thì ho ít đi rồi hết lúc nào chả biết?!? :)) Xong hết ho thì mẹ lại thấy nước mũi hỉ ra mỗi sáng nó cứ xanh xanh. Úi dời, trước mà con bị như thế là mẹ lo lắng lắm, mẹ sợ là nó viêm nặng quá này, mẹ sợ là nó sẽ xuống họng rồi lại ho tiếp này. Nhưng không, hỉ mũi sạch mỗi sáng trước khi đi học và chiều sau khi đi học về, ở lớp có nhu cầu hỉ mũi thì dặn con gọi các cô để hỉ cho sạch, tối trước khi đi ngủ thì vệ sinh lại lần nữa. Thế rồi trộm vía mũi cứ dềnh dệch, rồi hơi khô khô, rồi hết hẳn, mà cũng chả nhớ là hết từ lúc nào.

Xong cách đây vài ngày, bạn Xốp bị sốt. Mẹ ơi sốt gì mà nghịch như giặc, trộm vía thấy ăn uống còn có phần hào hứng. chỉ khi nào sốt lên đến 38,5 thì mới chạy ra mếu máo mẹ ơi con đau đầu quá, con mệt quá để mẹ đo rồi liệu cho uống thuốc hạ sốt thôi. Ông bà nội lại sợ cháu bị bệnh gì truyền nhiễm, hỏi có cho đi khám không, mẹ chỉ trả lời "nó sốt vi-rút ý mà, quá 3 ngày con sẽ cho cháu đi". 

Nhiều khi cứng rắn và nắm vững được "tập quán" của con và "đọc vị" được vấn đề con đang gặp phải, nó là một lợi thế vô cùng to lớn! Lần này đúng kỉ lục, trộm vía bạn sốt đúng hai ngày xong khỏi hẳn. Ahuhu, mẹ mừng rơi nước mắt, mà mặt vẫn phải ra vẻ điềm nhiên không ông bà lại cười vì phát hiện nó còn sợ con nó ốm hơn cả mình =]]

Tất nhiên, những kiến thức trong cuốn sách này không thể gọi là hoàn toàn hoàn mỹ 100%. Tỉ dụ như vấn đề viêm tai giữa, mặc dù bác sĩ Trí Đoàn có nói để yên không kháng sinh con vẫn khỏi, nhưng mình có tham khảo kinh nghiệm của một số mẹ, cả mẹ ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài (Mỹ hẳn hoi nhé) thì ở trong giới hạn nào đó về sức khỏe của trẻ, mới có thể áp dụng được thôi, còn lại không thể nào tuyệt đối 100% là như vậy được.

5. "The Wonder Weeks - Tuần khủng hoảng" - Hetty Van de Rijt & Frans Plooij


Trong cuốn "Đọc vị mọi vấn đề của trẻ""Nuôi con không phải là cuộc chiến" có đề cập đến tuần khủng hoảng của các bé. Tuy nhiên, cá nhân mình thấy vẫn nên có một cuốn sách dành riêng cho hạng mục này trong tủ sách gia đình. 

Đây là cuốn mình ít đọc nhất trong 5 cuốn mình giới thiệu, phần vì thực sự kiến thức trong cuốn này phải đến khi nào bé ra đời mới có thể áp dụng được. Phần vì tuần khủng hoảng là một quá trình trải dài và nhiều giai đoạn (từ khi mới sinh đến khi 20 tháng - tức là gần 2 tuổi), vì vậy bố mẹ nên tìm mua và túc tắc đọc trong lúc chăm sóc trẻ để hiểu thêm về những vấn đề có thể gặp phải và tránh việc hoang mang vô lý khi con bước vào giai đoạn "khủng hoảng" dẫn đến bố mẹ và cả gia đình cũng... khủng hoảng theo =]]

- KINH NGHIỆM CỦA MẸ MÉO -

Suy cho cùng thì làm mẹ nên đọc và tìm hiểu nhiều, nhưng cũng đừng nên máy móc và cứng nhắc quá. Vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không đứa nào giống đứa nào. Và sách, thì chỉ nên xác định mang tính chất "tham khảo", ranh giới giữa các "bà mẹ sách vở" và "bà mẹ thông thái" là vô cùng mong manh!

Hy vọng các mẹ sẽ có một thai kì 9 tháng 10 ngày khỏe mạnh, em bé phát triển tốt và quan trọng là những năm tháng làm mẹ không hề áp lực, nặng nề (như mình đã từng với bạn Xốp) - nhờ những đầu sách nuôi con dễ tìm mua và dễ đọc này :)

P/S: Hôm tới sẽ có giới thiệu một số đầu sách dành cho các bé sắp làm anh, chị nhé. Có mẹ nào hào hứng không? ;)

Thân,