Được tạo bởi Blogger.

APRIL 2022 HITS AND MISSES | CHUYÊN MỤC THÁNG NÀY THÍCH GÌ ĐÃ TRỞ LẠI!!

Bảo là quay lại để viết blog, mà may ra tháng mới ra được 1 bài :D

Thời gian gần đây mình tự dưng thấy bản thân bị tụt lại so với mọi người. Cuộc sống diễn ra đều đều và không có nhiều điểm nhấn. Ngày 24 tiếng chỉ đơn giản thức dậy, đi làm, rồi chiều về cơm nước lo cho con cái thế là hết ngày. Quay vòng xoay vòng như vậy rồi lại hết tuần và lại tiếp tục một tuần mới.

Sở dĩ cuộc sống trở nên bận rộn như vậy, phần vì hai bạn nhà mình đã quay trở lại trường học sau một thời gian dài ở nhà học online. Và cũng bởi cô giúp việc nhà mình chính thức kết thúc hành trình 5 năm gắn bó để về quê... chăm chồng. Cuộc sống của một công chức văn phòng thành thị của mình bây giờ mới thực sự bắt đầu. Và nó quay cuồng luôn!

Nhưng là quay cuồng trong hạnh phúc mọi người ạ! Mọi thứ trong ngày tuy vất vả hơn một chút nhưng được cái mọi việc trộm vía đều theo đúng mong muốn của mình. Mỗi ngày thức dậy từ 5h30 sáng và kết thúc lúc 23h đêm, mình thấy mình sống trọn vẹn từng ngày.

Mặc dù vậy, guồng quay cuộc sống cứ đều đều khiến mình bị cuốn đi, nhiều lúc cũng bỏ bê bản thân và tự cảm thấy mình đang dần quên mất những thú vui đơn giản nhỏ nhoi hằng ngày.

Vậy nên từ tháng 4 này mình cố gắng đưa các con đi chơi nhiều hơn, dành thời gian đọc sách nhiều hơn và cũng muôn tranh thủ thời gian để viết blog, làm vlog nữa. Nếu không thì cuộc sống đều đều này sẽ trở nên vô vị lắm!

Sau đây là chuyên mục "Tháng này yêu gì ghét gì" đã bỏ bê một thời gian dài (cỡ 2 năm :D), sẽ quay trở lại và cố gắng duy trì đều đặn hàng tháng.




HITS

1. Mặt nạ tràm trà Naruko

Không biết mình đã khen bạn mặt nạ Naruko này trên blog bao giờ chưa, nhưng đây thực sự là loại mặt nạ giấy tốt nhất mà bạn có thể dùng quanh năm, kể cả da bạn có mụn hay không mụn. Với da mụn thì đây thực sự là một cứu cánh tuyệt vời và là một sản phẩm không thể thiếu vào mùa hè!

Tháng Tư này mình "trót dại" mua thử sản phẩm mới để test trên da. Kết quả, làn da U35 của mình trở nên sần, mẩn và mụn ẩn li ti quanh gò má, cằm. Mình đã rất khổ sở và phải dừng dùng sản phẩm mới này để chữa trị. Chỉ sau khoảng 3-4 ngày liên tục đắp mask Naruko tràm trà, da mặt mình đã có sự cải thiện đáng kể. Trong đó 2 ngày đầu mình chỉ làm sạch mặt, đắp mask và không bôi gì thêm. 



Da dẻ được cấp nước đủ, dưỡng da dịu nhé nên có sự chuyển biến tốt hơn. Đã được hơn chục ngày kể từ khi mình dừng sản phẩm dưỡng không hợp và da đã gần như trở về trạng thái ban đầu. Mặc dù vậy, mình cảm thấy làn da của mình cần phải được đi spa ít nhất 1 lần/tuần vì làn da của tuổi ngoài 30 nếu chỉ chăm dưỡng thì vẫn không đủ để có thể hồi phục và bóng khỏe như mong muốn. Mình đang trong hành trình tìm một spa ưng ý và thuận tiện cho việc di chuyển, mọi người nếu ai biết spa nào ổn thì giới thiệu cho mình nhé!

2. SkinCeuticals Blemish + Age Defense 

Đã viết một bài review ngắn ở trên Facebook Page một thời gian rồi (link đây). Đây không biết là chai thứ bao nhiêu của mình. Cứ hết là lại mua lại. Và lần nào dùng cũng rất ưng ý. Hiện tại mình dùng hằng ngày, khi da bị mụn hoặc có vấn đề như việc kích ứng với sản phẩm không hợp, mình vẫn kiên trì dùng, thậm chí 1 lần dùng sẽ dùng lượng nhiều hơn bình thường một tẹo. 



Thực sự rất đáng đồng tiền bát gạo các bạn ạ. Ai chưa dùng thì mình khuyên chân thành nên dùng bạn này đi nhé! Da sẽ có sự cải thiện đáng kể đấy!

3. Kem Yoosun Rau má

Đợt gần cuối tháng 4 không hiểu sao bạn Xốp nhà mình bị dị ứng nổi mẩn ngứa mề đay khắp người trong 2 ngày. Trông thương lắm!

Vì đợt này vẫn nên hạn chế đến bệnh viện nên chồng mình ra hiệu thuốc hỏi mua thuốc về cho con uống. Do bạn cũng không có biểu hiện khó thở, sốt hay mệt mỏi gì, chỉ bị nổi mẩn và ngứa thôi.



Bác sĩ ở hiệu thuốc kê cho con 1 loại thuốc uống chồng dị ứng theo cân nặng của trẻ, và một loại thuốc bôi là kem Yoosun Rau má này. Bạn bôi vào rất thích, vì nó lành tính, dịu nhẹ và làm mát da khiến con dễ chịu hơn.

Mình cũng bôi thử cho bạn Thoáng, bạn thứ hai nhà mình, vốn từ bé đã bị viêm da cơ địa. Trộm vía cũng khá ổn. Mà giá rẻ lắm nhé, chỉ có 25k/tuýp thôi. Chắc chắn mình sẽ mua lại để các con dùng dưỡng da hoặc trữ sẵn trong tủ dùng khi cần.

4. Dr.G Green Mild Up Sun SPF50+/PA++++

Đây là phát hiện mới của mình trong tháng này. Trước mình chỉ trung thành với Clarins thôi, nhưng dùng một thời gian thấy cũng hơi bị... dầu quá. Đặc biệt từ khi Clarins thay đổi bao bì mới từ dạng hộp có vòi bóp sang dạng tuýp thì mình thấy không ưng tí nào. Da dùng cứ bị dầu hơn ý. Dùng mùa hè còn thấy không ổn hơn.

Cuối cùng lang thang trên Insta thấy em Bánh Bèo Phù Phiếm review em kem chống nắng này và cũng bán luôn nên mua thử. Trời ơi, phải nói là mình hơi bị bất ngờ ý!

Mỏng, nhẹ, ráo mặt, không bị nhờn rít hay đổ dầu tí nào. Rất là ok so với giá thành. Đặc biệt bạn này là dạng KCN cho da nhạy cảm nên mình dùng tháng rồi trong lúc da mặt bị nổi mụn bung bét vẫn ok không vấn đề gì nha. Highly recommend cho mọi người!! Giá thành lại cực kì dễ chịu ý.




5. Sống chậm

Cuốn sách này mình mua được nửa năm nay rồi, trong một lần lượn lờ ở phố sách Nguyễn Xí. Lúc bấy giờ mình mua chỉ bởi tiêu đề sách hấp dẫn mình, vốn là một người có tính cách hơi vội vàng, hấp tấp. Nhưng ở thời điểm này, khi cuộc sống của mình đúng nghĩa trong một "guồng quay" diễn ra liên tục từng ngày, mình phải tranh thủ sắp xếp thời gian và công việc sao cho thật hợp lý để hoàn thành đủ mọi trách nhiệm với gia đình, con cái... thậm chí có đôi khi còn sao nhãng chăm sóc bản thân, thì mình thấy rằng đúng là mình cần phải dành thời gian để đọc cuốn sách này.



Nội dung cuốn sách đơn giản, không quá hàn lâm hay phức tạp. Câu từ gọn ghẽ, ý tứ được trình bày rõ ràng. Đọc cuốn sách khiến mình cũng vỡ vạc được ra nhiều điều.

Bấy lâu cứ tưởng mình đã "sống chậm" rồi, nhưng thực ra hẵng còn hối hả, tất bật lắm. Cần phải thả lỏng mình hơn một chút, thư giãn và dành thời gian chậm rãi để cảm nhận cuộc sống hơn một chút. Nếu không thì mình sẽ bị cái guồng quay bận rộn này cuốn đi và càng ngày càng chìm sâu trong nó mất!

MISSES

1. Sum:37 

Ở trên mình có nói đến tháng này mình dùng sản phẩm dưỡng không hợp da và bị nổi mụn. Và đáng buồn đó là sample sản phẩm Double Essence của Sum:37.

Thực ra da mình dùng đồ dưỡng của Hàn không hợp. Phần đa da mình sẽ có phản ứng đổ dầu, nổi mụn, sần mẩn dưới da thậm chí là mọc mụn phần cằm và gò má. Do đó từ khi mới tập tành skincare, mình hiếm khi dùng đồ dưỡng của Hàn mà hay dùng đồ của các hãng mỹ phẩm Âu Mỹ. Chỉ có trang điểm thì mình thích dùng đồ Hàn vì nó khá hợp với gu trang điểm mỏng nhẹ của dân Châu Á, và tông màu nền cũng như các loại phấn mắt, phấn má phàn đa hợp với tông da người Việt Nam.



Mình khá là thất vọng với trải nghiệm đầu tiên này. Và đã phải dừng lại sau 1 tuần kiên trì dùng sản phẩm dù chỉ là sample. Hiện mình vẫn còn nguyên 2 sản phẩm fullsize và mấy sample nhỏ nữa. Có lẽ sample mình sẽ đem tặng lại bạn nào cần, còn sản phẩm fullsize một là thanh lý, không thì để dành đến mua đông tới khi thời tiết hanh khô để dùng vậy.

2. Con gái bị cận thị

Tháng này cũng có một chuyện làm mình hơi buồn nữa đó là bạn Xốp đã chính thức bị cận thị và phải đeo kính khi ngồi học trên lớp, hoặc khi xem TV, sử dụng các thiết bị điện tử. 

Thật ra trộm vía gia đình mình cũng phát hiện khá sớm. Con đi học ngồi bàn 3 kêu nhìn bảng không rõ là mình đã cho con đi kiểm tra mắt ngay rồi. Mình còn cẩn thận cho con đi đo mắt ở hai nơi: một là ở hiệu kính thuốc, hai là vào tận Bệnh viện Mắt Hà Nội. Và kết quả đều như nhau: con cận hai mắt 0,75 độ.



Bên cạnh việc đo kính và hướng dẫn con sử dụng khi cần thiết, còn lại để cho mắt phải tự điều tiết. Mình cũng nghiên cứu bài tập massage mắt hàng ngày để làm cho con, và ngâm cứu cả phương pháp Ortho K - phương pháp điều trị tật khúc xạ tiên tiến nhất hiện nay. Có lẽ mình sẽ cho con đeo kính trong khoảng 3-6 tháng, kiểm tra định kì 3 tháng/lần xem có xu hướng bị tăng số không, nếu có thì sẽ đi làm Ortho K ngay và luôn. Mình đã hỏi được một số địa chỉ làm uy tín và chi phí cũng khá cao (bình quân 17-22 triệu/1-2 năm chưa kể các phụ kiện thuốc đi kèm). Vì một đôi mắt tươi sáng và không đeo đít chai như mẹ, phải cố gắng cho con gái thôi!!

Tạm thời tháng này mới chỉ có nhiêu đây. Tháng sau có gì mới mẻ, ưng hay không ưng, mình sẽ update với mọi người tiếp nhé!

HUẾ TRAVEL DIARY | NHẬT KÝ CHUYẾN DU LỊCH 4 NGÀY 3 ĐÊM Ở HUẾ



Cuối cùng thì cũng có ngày này, ngày mình ngồi "tĩnh tâm" và chia sẻ cụ thể với mọi người về chuyến du lịch đến Cố đô Huế trong tháng 5/2022.


Đây là chuyến đi bọn mình đã lên lịch từ tháng 4/2021, nhưng vì nhiều lý do mà chủ yếu là do dịch Covid diễn biến phức tạp, buộc phải cancel lần 1 (tháng 5/2021) và cả đoàn 4 người đều bị nhiễm đúng đợt chuẩn bị đi lần thứ 2 (tháng 3/2022)... chính vì vậy sau khi sức khỏe đã phục hồi và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, bọn mình quyết định phải đi luôn, đi ngay chứ không book vé lâu lâu rồi chờ đợi để được vé rẻ nữa.


Để tham khảo cụ thể về hành trình bọn mình đi và các điểm đến, mình có clip đã đăng tải trên Youtube cho mọi người dễ hình dung và tham khảo. Trong bài blog này, mình sẽ review cụ thể hơn những ưu/nhược điểm mình gặp trong chuyến đi Huế lần này và chia sẻ một số kinh nghiệm cho bạn nào có nhu cầu tham khảo trong chuyến đi Huế sắp tới.


Mình có một số lưu ý với mọi người như sau:


1. Bọn mình không phải du lịch trải nghiệm hay du lịch bụi, nên tiêu chí tiết kiệm không đặt quá nặng. Nhưng không có nghĩa là đi toàn ở chỗ sang - xịn - mịn đâu :D.


2. Vì có quá nhiều lần phải cancel chuyến đi do những yếu tố khách quan không mong muốn, nên bọn mình không canh vé rẻ, không book phòng sớm để tránh đến gần ngày lại bị cancel. Đi được là đi, không nói nhiều!


So với nhiều người, có thể chuyến đi Huế này của bọn mình giá thành hơi cao, nhưng bọn mình lại thấy đây là một chi phí hợp lý, có thể chấp nhận được, nằm trong khả năng chi trả, và so với những vùng miền du lịch khác trên cả nước thì khá hợp lý. Giờ thì mình sẽ chia sẻ với mọi người cụ thể lịch trình, lý do có lịch trình này, những điểm được và chưa được trong từng ngày đi ở Huế nhé.


NGÀY 1


Đầu tiên, về thời điểm đi và nơi ở, phương tiện đi lại. Bọn mình check và book vé chuyến bay đi sớm nhất trong ngày (7h15). Hàng ngày VNA có từ 1-2 chuyến bay vào Huế, và cũng không quá đông, không bị cancel hay hủy chuyến. Bọn mình mua vé chuyến bay đi bay về khoảng 1050k/chiều. So với lúc đầu khi mua vé (tháng 4/2021) chỉ khoảng 800k/chiều thì đắt hơn hẳn nhưng cũng đành chịu, vì như mình nói từ đầu là bọn mình không canh vé rẻ được.


Phòng khách sạn bọn mình đặt ở Alba Spa Hotel, địa chỉ 29 Trần Quang Khải. Đây là con phố rất gần khu vực trung tâm. Ăn uống tiện mà mua sắm và di chuyển đến các địa điểm nổi tiếng ở Huế cũng thuận lợi. 

Khách sạn có chỗ đỗ xe ô tô (đây là lý do quyết định đầu tiên để bọn mình hủy phòng và book khi chỉ còn 1 ngày nữa là bay), có spa giá thành cũng hợp lý. Phòng ốc gọn gàng, sạch, một số chỗ như tủ quần áo trông hơi cũ do làm bằng gỗ công nghiệp lâu năm nên đôi chỗ sẽ bị tróc sơn và xỉn màu. Dọn phòng ok, dịch vụ check in/check out nhanh chóng. Giá bọn mình book trên Booking.com là ~900k/đêm

Phòng Standard giá ~900k/đêm ở Alba

Bọn mình mượn được xe để tự lái, xe đưa đón sân bay do bạn của chồng chị đi cùng nhờ. Bọn mình chỉ mất tiền đổ xăng cho xe là 1300k cho 4 ngày 3 đêm di chuyển ở Huế. Hai anh đàn ông thay phiên nhau lái. 


Chuyến bay của bọn mình hạ cánh xuống sân bay Phú Bài sớm hơn dự định (khoảng 8h15, so với dự định ban đầu là 8h25). Sau khi lấy hành lý, đi xe về khách sạn, check out và đi lấy xe ô tô thì khoảng 10h bọn mình bắt đầu hành trình tham quan Huế.


Do hơi đói nên bọn mình vào quán Hạnh - 11 Phó Đức Chính để ăn trước. Lúc đầu bọn mình định qua O Lé ở Kim Long để ăn vì chỗ đó đọc review thấy ngon hơn, nhưng mới đến Huế không thông thạo đường sá, lại không rõ chỗ đó có để ô tô được không nên bọn mình chọn phương án an toàn hơn là ăn ở đây, đi bộ từ khách sạn khoảng 200m là đến. Đồ ăn khá ngon. Bọn mình gọi 1 set đủ các loại bánh với giá 135k/người thấy ăn cũng no mà hợp lý.

Khi đi du lịch, vừa muốn đi nhiều lại muốn tiết kiệm thời gian, thì việc lên một lịch trình nhất quán và sắp xếp để đi các điểm du lịch gần nhau, trên cùng một cung đường sẽ là tiện nhất. Ngày đầu tiên của bọn mình ở Huế sẽ đi đến 4 điểm du lịch trong nội đô là Chùa Huyền Không - Chùa Thiên Mụ - Nhà vườn An Hiên và Cung An Định, buổi chiều tối sẽ đi Phá Tam Giang.


Sở dĩ bọn mình chọn đi các điểm này trong ngày đầu vì Phá Tam Giang đi khá xa nên dành nguyên một buổi chiều và tối, đến đấy ăn tối và ngắm hoàng hôn là chuẩn bài. Còn các điểm chùa chiền, nhà vườn thì cùng nằm trên một bờ Sông Hương, cung An Định thì bé nên đi một tí sẽ hết. Các điểm lăng tẩm, đại nội, những nơi ở xa và tốn thời gian đi lại thì sẽ bố trí ở những ngày sau.


Chùa ở Huế rất đẹp và vắng, không xô bồ. Chùa Huyền Không là địa điểm bọn mình đến đầu tiên ở Huế, lúc đấy khoảng 11h hơn, vắng vẻ và các chư tăng đã đi nghỉ trưa nên cửa vào lễ đóng. Tuy nhiên mình nghĩ phần nhiều chùa là nơi dành để tịnh tu, học tập... nên không có nhiều du khách đến thăm quan. Khuôn viên chùa rộng nhưng những chỗ có thể đi được thì cũng chỉ loanh quanh một tí thôi là hết.

Chùa Thiên Mụ thì quá nổi tiếng rồi, nhưng bọn mình đi tầm trưa nên cũng vắng vẻ. Ở trong Huế mình thấy có một điểm rất hay đấy là khi vào chùa phải cởi giày dép để bên ngoài, chùa cũng không thắp hương nghi ngút khói bên trong mà chỉ để đúng 1 nén nhang thắp, tiền lẻ cũng không rải trên ban mà để vào trong hòm công đức... chính vì vậy nên rất sạch sẽ. À bọn mình có ăn tào phớ ở Chùa Thiên Mụ nhưng hình như ăn không đúng hàng, thấy không ngon lắm vì cô bán cho cái gì vào nó cứ chua chua ngọt ngọt :(.


Nhà vườn An HiênCung An Định là hai địa điểm mới mà mình chưa đến bao giờ trong những lần đến thăm Huế trước đây. Nhà vườn An Hiên đã được tập đoàn Silk Path mua lại và trùng tu, bảo dưỡng nên rất đẹp. Hầu như mọi đồ vật, gia dụng của gia chủ cũ đều còn nguyên. Đến đây có thể cảm nhận được cung cách sống rất chuẩn chỉnh, nề nếp, gia phong của bà Tuần Chi - người chủ cuối cùng của nhà vườn, một người xuất thân gia đình có học thức, từng là hiệu trưởng trường nữ sinh Đồng Khánh.




Trái ngược với nhà vườn An Hiên, cung An Định lại là nỗi thất vọng lớn của bọn mình. Mặc dù khi lên phim ảnh và qua các thước phim, hình ảnh review cung rất đẹp, nhưng thực tế thì bị xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là khu vực bên trong. Theo như bọn mình tìm hiểu, cung An Định sau khi gia đình Cựu hoàng Bảo Đại rời đi, đã có nhiều gia đình vào ở, thậm chí chia năm sẻ bảy để sinh hoạt... vì không có ai gìn giữ trong nhiều năm, nên cung đã xuống cấp rất nghiêm trọng. 


Từ khi Trung tâm bảo tồn di tích Huế thu hồi lại và phục dựng, thì phần bên ngoài cùng và một số chi tiết của tầng 1 đã được cải tạo để trở về với vẻ đẹp nguyên bản. Phần tầng 2 và một số khu vực phía sau thì vẫn chưa phục dựng lại được hết. Nội thất trong cung hầu như không có gì quá giá trị, chưa kể ánh sáng rất tối tăm gây cảm giác nặng nề, u tối. Phần vườn Bạch Trà được quảng cáo là làm ra để quay phim "Gái già lắm chiêu" thì vỡ nát phần gạch, thực sự là không có gì quá đặc sắc như mọi người vẫn ca ngợi. Rất thất vọng và xót xa với một di tích có vị trí và ngoại thất ấn tượng như cung An Định.


Phá Tam Giang là địa điểm bọn mình cũng rất muốn đến để ngắm nhìn khi ở Huế. Từ trung tâm thành phố, lái xe tầm 30 phút là đến nơi, đường khá rộng và đẹp. 


Trước khi đi đến Phá Tam Giang, bọn mình có ghé qua quán bánh mì Trường Tiền O Tho ở đường Trần Cao Vân để mua ăn lót dạ vì trưa ăn mấy loại bánh kia hơi đói :D. Bánh mì ở trong này họ làm bé lắm, nhân cũng nhiều nhưng hơi cay một tẹo (dù đã gọi không cay), và bánh không quá giòn nóng như ngoài Hà Nội mà hơi... ỉu :(

Trước khi đi, bọn mình tham khảo thấy Nhà hàng Cồn Tộc là địa điểm check in ngắm hoàng hôn rất đẹp, nhưng khi đến thì thấy vắng hoe chả có người. Vì vậy bọn mình quyết định lái xe đi lòng vòng ngắm cảnh, và dừng lại tại quán Minh Cúc ở cách Cồn Tộc khoảng 300m với rất đông người dân nói tiếng Huế vào ăn. Đồ ăn phục vụ nhanh, khá ngon. Mình không phải người khoái ăn các loại cá lắm, nên đánh giá chất lượng các loại cá bình thường. Nhưng tầm bọn mình đến thì Phá Tam Giang đang là mùa có cá Nâu, cá Ong nên cũng gọi thử một đĩa để ăn.

Cả bữa ăn với 2 loại cá, 2 bát nghêu ốc to, canh, cháo, cơm và 2 loại rau hết khoảng tầm 900k/4 người. Bọn mình thấy giá cũng hợp lý. 

Đặc biệt, quán Minh Cúc ngồi rất gần với mặt nước ở Phá Tam Giang, phóng tầm mắt ra xa nhìn quang cảnh nước mênh mông, thuyền ghe đơn sơ neo đậu và tiếng nước vồ ì oạp bình yên vào bờ... rất thư giãn mọi người nhé.


Tối cùng ngày bọn mình trở về khách sạn cất đồ rồi đi bộ dạo cầu Trường Tiền và ăn chè Mợ Tôn Đích phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện cổng Công viên Thương Bạc. Món chè bột lọc heo quay ở đây phải ngồi chờ tầm 10 - 15 phút mới có, mỗi cốc được 4 cái bột lọc nhân heo quay vẫn còn âm ấm thả tí đá và nước đường. Ăn cũng... lạ miệng, nhưng để mà nói ngon xuất sắc hoặc ấn tượng mạnh thì mình thấy không đến đâu :D.



NGÀY 2


Ngày thứ hai ở Huế của bọn mình mở đầu với món Bún bò Huế Mệ Kéo ở 20 Bạch Đằng. Quán đông, nhưng xếp hàng trật tự, chờ cũng không quá lâu và mọi người ăn uống cũng rất ý thức không quá ầm ĩ. Ở ngoài Hà Nội bọn mình không mấy khi để ý, vào đây mới nhận ra mọi người trong này ăn uống nhẹ nhàng, yên tĩnh chứ không ầm ầm ĩ ĩ ào ào như người ngoài Bắc, đúng tác phong của cố đô Huế nên thơ, mộng mơ và bình yên. Đồng giá 30k/bát nhưng bát hơi bé, nhóm mình 4 người gọi hẳn 6 bát để hai anh đàn ông ăn cho no đặng tí còn lái xe phục vụ chị em :D


Ngày thứ hai này là ngày bọn mình đi khá nhiều, và chủ yếu là đi bộ. Địa điểm đầu tiên là Chùa Từ Hiếu (hay còn gọi là Tổ đình Từ Hiếu), nơi xuất gia tu tập và cũng là nơi dành những tháng ngày cuối đời trước khi viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.


Chùa đẹp, nằm trong khuôn viên rừng trúc, rừng thông xanh ngắt. Có hồ cá, ao sen, vô cùng nên thơ yên tĩnh. Khi đến lễ Thiền sư tại gần Thất Lắng Nghe, bạn có thể tùy ý xin một ghim cài áo nhỏ màu vàng ghi chữ "đến đi thong dong" - một trong những quan điểm sống mà sinh thời Thiền sư thường giảng.


Điểm trừ là nơi cổng chùa có vài ba người chèo kéo xin tiền, giới thiệu mua nhang mua gói bánh nhỏ để vào lễ trong chùa, kèm theo lời quảng cáo: "ai đến lễ tại đây cũng mua mà con!". Nhưng khi vào tận trong chùa, thì nhà chùa có ghi một dòng chữ rất đơn giản, rõ ràng, ngụ ý: khi đến nơi đây, chỉ cần lễ với một cái tâm trong sáng, nhà chùa không đòi hỏi phải mang hương hoa trà quả lễ lạt to lớn gì để bày tỏ sự cung kính.


Mình hiểu rằng các thầy là những người xuất gia, không muốn vương vấn với những bụi trần và những thị phi nơi cửa chùa, bởi thế mình viết lên đây mong bạn nào nếu có cơ hội đến thăm chùa, thì đừng nên tin những lời quảng cáo của người bán bên ngoài. Hãy cứ lễ lạt bằng cái tâm trong sáng, hoặc mua ủng hộ một gói bánh để cầm ăn đường cũng được. 


Chuyến du lịch ngày thứ hai của bọn mình tiếp tục với Lăng Tự Đức làng hương Thủy Xuân. 2 điểm tham quan này rất gần với Tổ đình Từ Hiếu, vì thế mình thấy nếu sắp xếp đi thì mọi người nên tham khảo để tiết kiệm thời gian và xăng xe :D.





Lăng Tự Đức mỗi lần đến Huế mình đều đến tham quan, đây là một địa chỉ tham quan phổ biến bởi quần thể kiến trúc rất nên thơ và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Tuy nhiên với làng hương Thủy Xuân thì thực ra lại là điểm du lịch mới. 


Gọi là làng hương nhưng thực chất là một con phố Huyền Trân công chúa, độ khoảng 20 nhà bày hương ra bán và du khách dừng lại ở bất kì hàng nào để chụp ảnh, mua sắm. Mình được cô ở hàng dừng lại chụp ảnh cho mượn nón để đội chụp, và cũng tiện mua ủng hộ cô mấy hộp trầm hương nụ xứ Huế.


Điểm trừ có lẽ là lúc tham quan lăng Tự Đức xong ra nghỉ chân uống nước ở ngay cổng lăng. Hàng nước biết khách đã thấm mệt nên mời vào rất đon đả, bọn mình lại ngồi uống quên hỏi giá, cuối cùng đứng lên chém 4 đứa 4 quả dừa 200k! Mọi người lưu ý ở các hàng không niêm yết giá ở Huế nên hỏi kĩ giá trước khi mua, tránh trường hợp bị chặt chém như vậy.


Buổi trưa, bọn mình trở lại trung tâm Huế và ăn cơm tại quán Chạn, số 1 Nguyễn Thái Học. Đây là quán cơm khá nổi tiếng ở Huế, chỉ là các món cơm gia đình đơn giản thôi nhưng khá đông, nên đặt chỗ trước khi đến để tránh chờ đợi. Nhân viên phục vụ cũng nhanh, và đồ ăn khá vừa miệng. 4 người đoàn mình ăn bữa này hết tầm 650k, mà gọi cũng nhiều món đa dạng.


Sau khi nghỉ ngơi một chút, buổi chiều bọn mình đến tham quan Đại nội - Kinh thành Huế. Kể từ lần du lịch 1 mình trong Sài Gòn và sử dụng máy thuyết minh, mình đã rất ấn tượng với hình thức này vì vừa văn minh, lịch sự lại tiện lợi và gọn gàng. 



Với 100k, bạn có thể thuê 1 máy nghe cho cả đoàn nếu đi theo nhóm nhỏ hoặc đi một mình. Ban Quản lý Di tích cũng sẽ cung cấp cho bạn 1 sơ đồ theo 3 tuyến, tùy thuộc vào thời gian cho phép để bạn tham quan được hết Đại nội Huế (tuyến đi cả ngày, tuyến đi nửa ngày hoặc tuyến đi trong 2h-3h đồng hồ). Khi bọn mình đến Đại nội cũng đã là 3h chiều, trời hơi xầm xì một chút nên bọn mình chọn đi theo Tuyến 3. Nếu như không có thời gian thì đi theo Tuyến 3 sẽ là hợp lý nhất, vừa đi được qua những điểm quan trọng trong Hoàng thành, vừa đủ thời gian nghe thuyết minh và chụp ảnh.


Buổi tối, bọn mình ra Tà Vẹt ở 11 Võ Thị Sáu - quán nhậu nổi tiếng ở Huế, mở thâu đêm để ăn tối và xem trận Việt Nam - Indo mở màn cho Sea Games. Quán khá ồn ào, thu hút nhiều bạn trẻ, đồ ăn ở mức trung bình, cả nhóm 4 người và thêm 2 người bạn ở Huế nữa ăn hết tầm 700k. 


Vì ngày thứ hai này đi khá nhiều và rất mỏi chân nên bọn mình quyết định đi massage chân ở Cam On Spa 57 Nguyễn Công Trứ. Giá massage chân ở đây khá vừa vặn (350k/60 phút và 450k/90 phút), rẻ hơn ở Alba Spa (520k/60 phút). Không gian mới và sạch sẽ. Massage chân xong đã 10h đêm, bọn mình thong dong đi bộ về khách sạn, tắt qua Kiệt 42 Nguyễn Công Trứ và gặp một quán bar/pub nhỏ có tên Secret Lounge Hue với thiết kế khá lạ mắt và phá cách, có khá nhiều khách Tây balo vào đây. Ở đây khi nghe nhạc còn có bạn nhân viên ngẫu hững ngồi chơi trống theo nhịp, không gian rất dễ chịu, đúng kiểu tối thứ 6 cuối tuần. Bọn mình vào làm vài ly cocktail, ngồi nói chuyện, rồi trở về khách sạn. Lúc này lại thấy đói bụng (vì cũng hơn 12h rồi) nên lại lái xe ra bánh mì O Tho, mỗi đứa làm ổ bánh mì cho ấm bụng rồi yên tâm về khách sạn lên giường đi ngủ.


Trời tối ngày thứ hai ở Huế mưa phùn lất phất, nhưng không dày và không lâu. Cứ mưa tí lại ngắt, mưa tí lại ngắt. Lúc về đi qua Tà Vẹt thấy nhạc nhẽo vẫn ầm ĩ, các bạn trẻ vẫn ngồi hát ca và nhậu nhẹt. Sau hỏi mới biết con phố này mới được quy hoạch lại để làm phố nhậu đêm, phục vụ nhu cầu giới trẻ và khách du lịch. Ai nói đến Huế buồn thì mời lên Tà Vẹt mỗi tối nhé, bạn sẽ thấy một Huế rất khác đấy!


NGÀY 3


Riêng ngày thứ ba ở Huế này thì đặc biệt hơn một chút vì bọn mình được bao từ a-z bởi một anh bạn người Huế. Mở đầu là đi ăn sáng ở quán Bún bò Huế Kim Đồng 2 tại số 21 Nguyễn Thị Minh Khai. Bún bò ở đây so với chỗ Mệ Kéo ăn hợp vị người miền Bắc hơn, bát cũng to hơn nữa =]] Tiếp đó anh dẫn bọn mình đến quán Vỹ Dạ xưa và gọi set trà cung đình Huế để uống. 


Quán nằm trên một miếng đất của một ngôi nhà cổ, sau được chủ xây thêm một ngồi nhà phía sau sát bờ sông Hương để làm thành quán cà phê, ăn uống và trung tâm tiệc cưới luôn. Set trà cung đình Huế ở đây rất điệu đà với bộ ấm chén men xanh, kèm một vài chiếc bánh ăn và đường phèn. Trà hơi đắng, nhưng có thể tùy chỉnh cho đường phèn vào theo khẩu vị, bánh ăn vừa miệng. 


Sau khi kết thúc bữa sáng và uống trà thư giãn sáng Thứ 7, bọn mình bắt đầu chuyến tham quan đến Lăng Minh Mạng. Lăng ở khá xa trung tâm thành phố, lái xe mất khoảng 25 phút nhưng cung đường khá đẹp, không quá đông. Hôm bọn mình đi may mắn trời có nắng đẹp nên chụp ảnh, quay phim cũng rất ưng ý.




Bọn mình định tranh thủ đi đến Lăng Khải Định nữa nhưng lại có hẹn ra biển Thuận An ăn hải sản rồi nên đành hoãn lại. Đường ra biển Thuận An cũng thuận lợi không kém, chỉ mất tầm 30 phút thôi. Biển sạch, vắng, nước không quá trong xanh và bãi chỗ bọn mình dừng lại ăn trưa thì hơi dốc nên bọn mình cũng không dám bơi, chỉ xuống nhúng chân rồi chụp ảnh quanh đó.


Bọn mình ở biển Thuận An hơi lâu hơn dự định nên khi về đến khách sạn tầm chiều thì cũng đã thấm mệt và muộn, vì thế bọn mình không đi được Chợ Đông Ba và Lăng Khải Định như dự tính. Đây là điều bọn mình tiếc nhất trong chuyến đi này.


Kết thúc ngày cuối cùng ở Huế, bọn mình đi du thuyền dọc sông Hương nghe ca Huế và ăn tối trên thuyền luôn. Đúng ra thì sẽ chỉ nghe ca Huế thôi, nhưng vì được "bao" nên anh bạn người Huế đã thuê nguyên 1 tàu chỉ có đoàn mình nghe ca Huế, vì thế bọn mình cũng nhờ chủ thuyền gọi đồ ăn đem lên thuyền ăn luôn.


Đã lâu không nghe ca Huế trên Sông Hương, ấn tượng của mình hồi bé là đang nghe ca Huế thì có bàn thay thò lên túm chân rồi xin tiền. Nhưng du lịch Huế nói riêng và du lịch Sông Hương nói chung giờ đã phát triển rồi, mấy ngày ở Huế bọn mình không mấy khi gặp người ăn xin, chèo kéo khách quá nhiều.


Ngày thứ 3 ở Huế là ngày mình trải qua nhiều cảm xúc, vui buồn lẫn lộn. Nhưng có lẽ là một ngày đáng nhớ nhất trong chuyến đi này, và trong nhiều chuyến đi khác nữa.


NGÀY 4


Bọn mình có lịch bay về Hà Nội lúc 9h05, vì vậy 7h bọn mình dậy làm thủ tục check out và đi ăn sáng ở quán Bánh canh Nam Phổ Thúy số 16 Phạm Hồng Thái, bên cạnh là Xôi thịt hon. Cảm nhận chung thì mình không hiểu bánh canh Nam Phổ và bún bò Huế có gì khác nhau? Vì mình thấy từ nước dùng đến các nguyên liệu trong bát đều... na ná.


Một bát ở đây cũng có giá 30k - một giá thành hợp lý và khá rẻ. Sau khi ăn sáng xong, bọn mình trả xe và bắt xe ra sân bay Phú Bài là tầm 8h10 - vừa kịp lúc làm thủ tục check in và lên chỗ ngồi chờ. Sân bay Phú Bài khá bé, chuyến bay trong ngày đến cũng không nhiều, chuyến bay về của bọn mình thậm chí còn khá vắng. Hai người ngồi/nằm hai ghế thoải mái luôn ý.


Cảm nhận chung về chuyến đi Huế lần này của mình có thể nói là 90% thành công và mãn nguyện. Bọn mình vẫn chưa đi được nhiều, còn Lăng Khải Định, rừng ngập mặn Rù Chá, Điện Hòn Chén, tha thẩn các quán cà phê rất thơ ở Huế cũng chưa kịp vì không có thời gian. Cũng không có điều kiện lượn chợ Đông Ba ăn đồ ăn vặt và mua quà cáp ở đây, và cũng chưa có dịp đi may một chiếc áo dài ở Huế cấp tốc trong 24h đồng hồ. Mặc dù vậy, ở Huế bọn mình đã được đến những ngôi chùa mang dấu tích thời gian với không gian vô cùng an tĩnh, đã đến được những di tích mang đầy dấu ấn quyền lực của triều Nguyễn một thời nhưng lại nhuốm màu thời gian và sự bi ai nơi cuộc sống hoàng quyền, bọn mình đã được gặp những người Huế rất dễ thương, chân thành và cởi mở, được có khoảng thời gian relax sau chuỗi ngày dài căng thẳng vì công việc, dịch bệnh và hủy/hoãn chuyến đi liên tục.


Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của mình trong năm 2022, và cũng là chuyến đi đầu tiên của mình kể từ sau khi Việt Nam mở cửa trở lại với trạng thái "bình thường mới".

Huế rất đẹp và thơ. Huế rất bình yên và trầm mặc. Hy vọng mình sẽ có dịp được quay lại vùng đất cố đô hiền hòa này trong thời gian sớm nhất. Cũng hy vọng, bài blog dài này sẽ giúp ích cho các bạn đang có nhu cầu đến thăm Cố đô trong một ngày không xa./.

Thư gửi con gái

Con gái thân yêu,


Chớp mắt, ngày 30 tháng 3 đã lại đến được tròn 9 năm. Vậy là con đã được 9 tuổi, bước sang tuổi thứ 10. Và hành trình làm mẹ của mẹ cũng đã được tròn 9 năm, bước sang năm thứ 10.





Thẳng thắn mà nói, khi mẹ mang thai con, mẹ thực sự chưa sẵn sàng để làm mẹ. Mẹ còn quá trẻ, vẫn còn nhiều hoài bão và mơ ước, vẫn muốn "đi chơi", muốn "bay nhảy" hơn là gắn với hai chữ "trách nhiệm"


Ở độ tuổi đấy, nếu là ở quê thì có thể đã 2-3 con rồi. Nhưng mẹ sinh ra và lớn lên ở thành thị, lại được ông bà đầu tư cho ăn học đàng hoàng, vừa mới ra trường đi làm được hơn 1 năm, cuộc sống của "người lớn" mới chỉ bắt đầu thôi và mẹ thì chưa trải nghiệm được nhiều, đã lấy chồng và có con.


Một thời gian dài, mẹ luôn cảm thấy tiếc nuối... 


Mẹ tiếc nuối vì mẹ chấp nhận kết hôn và sinh con khi quá trẻ, khi bạn bè vẫn còn đắm chìm trong những tháng ngày đi du lịch Đông Tây, đi trải nghiệm học hỏi... thì cuộc sống của mẹ dần trở nên nặng nề với con trong bụng, rồi bỉm sữa và những lo nghĩ rất thường tình của phụ nữ khi chuẩn bị làm mẹ.


Kiến thức mang thai và sinh nở của mẹ là con số 0 tròn trĩnh. Và tất cả những gì mẹ có thể học được là từ "kinh nghiệm" của các bà, các cô đi trước. Mẹ mang thai con lại nghén ngủ. Cả ngày chỉ cảm thấy buồn ngủ kinh khủng, đặt lưng xuống là có thể ngủ được, ăn thì lại còn "bon mồm". Thế là mọi người bảo "tốt rồi, cứ ăn ngủ cho hai người, không phải lo gì cả". Và mẹ béo quay béo cút, tăng đến tận 18kg khi mang thai con, thân hình xồ xề và xấu xí kinh khủng khiếp.


Vì không có kiến thức, nên những ngày đầu có con thực sự rất vất vả. Vừa đau vết mổ, con thì khát sữa mà không có sữa về. Mẹ chấp nhận để các bà xông bào day bóp làm đủ thứ với hai bên ngực mẹ đến tím tái, chỉ để ra được sữa, mà nào có được giọt nào. Mẹ chấp nhận để các bà auto pha một bình đầy 30ml cho con uống, rồi sau 1 tuần ra viện con uống 60ml, 1 tháng con uống lên đến 90ml. Và ngoài 2 tháng thì con bị trào ngược, cứ uống vào là phun vì mọi người ép con ăn nhiều quá. Hay chính xác hơn, mẹ ngu dại không có kiến thức nên cứ nghĩ con ăn được nghĩa là con đói, phải cho con ăn thêm, và ngực mẹ thì bé nên chả có sữa nên cứ thế pha sữa công thức cho con. Mẹ cũng chấp nhận việc mỗi ngày ăn 3 bát cháo móng giò để "nhiều sữa", nhưng thực chất sữa đâu không thấy, mẹ thì đã béo lại càng béo hơn và con thì vẫn phải ăn sữa ngoài gần như 100%.


Vì không có kiến thức, nên còn hết bị hăm rồi lại bị tưa lưỡi, bị mũi họng rồi bị rôm sẩy, táo bón. Bé tí mà suốt ngày đi viện. Đã thế mẹ lại chẳng cho con ăn sữa mẹ, cứ nghĩ rằng sữa công thức là tốt lắm rồi! Và thế là con bé bỏng đến với mẹ hoàn hảo xinh đẹp biết bao nhiêu, thì chính bởi sự dốt nát và nhu nhược mà mẹ đã khiến con ốm yếu liên miên...


Cũng vì không có kiến thức, mẹ giữ con trong nhà như giữ vàng giữ ngọc. Tròn 3 tháng 10 ngày con không biết "khí trời"  là cái gì. Con chỉ quanh quẩn trong nhà với mẹ. Mẹ cũng chỉ quanh quẩn trong nhà với con. Mẹ dần đánh mất chính mình. Mẹ không còn hay cười, mẹ hay khóc, mẹ hay giận giữ với chính con vì nghĩ rằng con chính là nguyên nhân khiến mẹ trở nên xấu xí, cáu bẳn và bị lệ thuộc quá nhiều vào mọi người xung quanh như thế này. 


Nuôi con đã hay đau yếu, mẹ lại còn thường xuyên phải nghe những lời dèm pha, chỉ trích của mọi người. Nào là ít sữa, chỉ được ăn sữa ngoài. Nào là nuôi kiểu gì vẫn bé tí còi cọc. Nào là  nuôi kiểu gì suốt ngày đau ốm. Nào là con người ta như thế nọ như thế kia. Ở cái tuổi còn trẻ, mẹ sợ hãi đủ thứ. Đặc biệt, khi những thứ đấy liên quan đến con, mẹ lại càng trở nên hèn nhát đến lạ kì. Mẹ không phản kháng, hoặc phản kháng yếu ớt. Mẹ luôn cảm thấy bủa vây xung quanh là sự tức giận, uất hận, cô đơn, ức chế... tất cả những cảm xúc tiêu cực nhất đè nén trong tâm trí và cơ thể. Nó khiến mẹ trong một thời gian dài ngập lụt trong trầm cảm, trong những tư tưởng đen tối và bi kịch. Nó khiến cho mẹ trở nên mất niềm tin vào con đường mẹ đã chọn, và cảm thấy tiếc nuối với cái giá mà mẹ phải trả để đi trên con đường này.


Nhưng bản thân mỗi sinh linh được ra đời trong cuộc đời này đã là một điều kì diệu. Và con là điều kì diệu đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời của mẹ. 


Mặc dù mẹ ngập chìm trong sự u uất và buồn bã đấy. Con vẫn tự mình chiến đấu với bệnh tật, ốm đau và lớn lên từng ngày. 





Tình yêu của con dành cho mẹ luôn thuần khiến. Nó thuần khiết đến độ nhiều lúc mẹ phải xấu hổ vì đã từng ghét bỏ con. Con luôn biết cách chia sẻ những nỗi buồn với mẹ. Dù chỉ là một cái ôm với vòng tay bé tí xíu, ngón tay nhỏ đưa lên quệt nước mắt khi thấy mẹ khóc, hay đơn giản là chui vào lòng nũng nịu và nói "mẹ ơi, con yêu mẹ" rồi cuộn tròn trong lòng mẹ và yên ổn chìm sâu vào giấc ngủ. 


Con đã vượt qua được những năm tháng bé bỏng sài đẹn ốm đau vào ra bệnh viện liên miên. Và con cũng lớn bổng lên (trộm vía), ra dáng ra dàng từ bao giờ. 4 tuổi, con được làm chị. Và dù hành trình làm chị của con mới được khoảng 5 năm, với rất nhiều lần có hành động đánh mắng, đành hanh, chành chọe, tranh giành... với em. Nhưng mẹ vẫn tin rằng, có con và có thêm cả em là sự lựa chọn đúng đắn của mình.





Con là một trong những điều diệu kì tuyệt vời nhất mà mẹ có được đầu tiên trên cuộc đời. Con dạy cho mẹ sự kiên nhẫn, tính độc lập. Rèn mẹ từ một người nhút nhát và phụ thuộc, trở thành một người tự chủ và có chính kiến của riêng mình.


Cuộc đời mẹ đã mất một phần thanh xuân và tuổi trẻ. Nhưng mẹ không hối tiếc, bởi cuộc đời đã bù đắp cho mẹ hai điều may mắn nhất, đó chính là các con.


Chúc mừng sinh nhật con gái. Bố mẹ và mọi người sẽ luôn giành cho con những điều tốt đẹp nhất. Mong con sẽ luôn lớn lên hạnh phúc, hồn nhiên, được yêu thương và có cả một đời an yên.




Mẹ yêu con <3

10 NĂM RỒI MỚI CÓ MỘT CÁI TẾT THẢNH THƠI!

 Xin chào mọi người!


Tết Nguyên Đán năm nay của mọi người như thế nào? Với mình, thì 10 năm rồi, đến cái Tết năm nay mình mới cảm nhận được sự thư thái, thảnh thơi, không vội vã và cập rập, thậm chí không áp lực và ức chế như 1-2 năm đầu mới về nhà chồng đón Tết. 


Để có một cái Tết vui vẻ, ý nghĩa, đúng thực là ĂN TẾT chứ không phải là TẾT ĂN MÌNH



Mấy hôm trước, mình đọc được bài post này trên blog, viết từ năm 2015 với tiêu đề "Những ngày Tết rất khác..."
Ở thời điểm đó, mình mới lấy chồng được 3 năm, con vẫn còn nhỏ, và vẫn tiếc nuối cái Tết thảnh thơi, vui vẻ, ấm cúng, quen thuộc ở nhà bố mẹ. Nhưng đã 7 năm nữa trôi qua rồi, và đã 10 cái Tết mình xa bố mẹ, đón Tết ở nhà chồng, mình nhận ra rằng: thảnh thơi hay vất vả, áp lực hay không đều là do chính chúng ta tự tay làm nên hết. Ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ với mọi người một số bí quyết thu xếp công việc để đón Tết vui vẻ của mình nhé!


1. Lên lịch dọn dẹp nhà cửa trước 1 tháng. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu. 1 tháng!


Cá nhân mình quan niệm: năm mới, mọi thứ phải gọn gàng, ngăn nắp, chỉn chu... có như vậy thì đón năm mới mới có nhiều điều may mắn, vui vẻ, không bị "dông". Từ nhiều năm, kể cả lúc còn son rỗi ở nhà với bố mẹ, mình đã thích việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết rồi.


Có rất nhiều gia đình chờ đến sau 23 Tháng Chạp - cúng Ông Công, Ông Táo xong mới dọn nhà. Nhưng cách này vô hình chung khiến chúng ta trở nên rất vội vàng, áp lực. Kiểu làm nhanh nhanh chóng chóng để còn làm việc khác (mua bán, sắm sửa) nên không thể tránh khỏi việc dọn ẩu, dọn nhanh không kĩ hoặc dọn nhiều mệt quá đâm cáu kỉnh, áp lực. Hoặc nếu có thuê người đến dọn thì chi phí những ngày này sẽ tăng lên gấp bội, chưa kể người đến dọn sẽ làm rất "úi xùi" để còn chạy ca sang nhà khác làm nhằm tăng thu nhập.


Tính mình thì không thích mời người lạ vào nhà, ngó nghiêng đã thấy khó chịu rồi, nữa là lại để họ dọn dẹp, sục sạo mọi ngóc ngách trong nhà để dọn... tính riêng tư và an toàn mình cảm thấy không ổn. Chưa kể, việc thuê người đến dọn cũng khiến chúng ta phải cắt một quỹ thời gian nhỏ để theo dõi, sát sao... vì thế nhiều năm nay, kể từ khi lấy chồng ra ở riêng, mình đều tự dọn nhà. Lúc con còn nhỏ đến tận bây giờ khi con đã lớn hơn, mình vẫn cố gắng thu xếp lịch dọn nhà trước.


Bản thân mình có ngày sinh nhật là 20/1, nên mình luôn cố gắng xem lịch để thu xếp sao cho dọn dẹp và cân đối việc ăn uống, tiệc tùng, chúc mừng sinh nhật với gia đình thật cân đối.


Mình thấy lên lịch dọn nhà trước khoảng 1 tháng là ổn. Bạn có thời gian đảo qua toàn bộ nhà, xem chỗ nào cần dọn kĩ, chỗ nào cần dọn cẩn thận (thường là những ngóc ngách trên cao, trong sâu... mà cả năm có khi chả ngó ngàng đến), lên list chi tiết các hạng mục cần dọn để tránh bỏ sót. 


Hai năm trở lại đây, mình còn có thói quen dọn nhà đón Tết là sẽ lọc các đồ thừa, cũ không có nhu cầu dùng đến để đem cho/tặng. Vì thế với thời gian dọn 1 tháng trước Tết, mình có thể lọc kĩ đồ, up lên các trang cho/tặng đồ và hẹn người qua lấy đồ được thoải mái thời gian. 




Cách mình áp dụng là mỗi hôm dọn một chút. Ví dụ, sau bữa tối dọn dẹp ăn uống xong (tầm 7h30), mình sẽ vừa cho con học, vừa tranh thủ dọn một hạng mục nào nó trong nhà. Có hôm thì là dọn phòng ngủ, có hôm lau cửa sổ, có hôm thì lau tủ sách, sắp xếp lại tủ quần áo. Vì cuối năm cũng nhiều việc, đi làm về lại con cái cơm nước cũng mệt, nên mỗi hôm mình chỉ dành ra khoảng 1 tiếng đồng hồ để dọn thôi. Chậm nhưng chắc. 


Mình có một lợi thế nữa là ở nhà chung cư, mọi thứ đều ở trên một mặt bằng, nên việc dọn dẹp không mất quá nhiều thời gian. Thêm nữa hai năm gần đây, những đồ cần cho/cần tặng/không dùng đến mình cũng "giải tán" đi rồi, nên việc dọn nhà cũng nhanh lắm, không mấy áp lực. Mình mất khoảng 2 tuần (tầm 14-15 ngày) để dọn sạch sành sanh từ trong ra ngoài, thường sẽ kết thúc vào khoảng 15-20 Tháng Chạp mọi năm. Nếu cần thiết, sau Ông Công Ông Táo, mình sẽ dọn lại nhà một lần nữa, nhưng chỉ cần dọn qua thôi, vì bản thân nhà sau khi dọn đã sạch lắm rồi.


Nếu bạn có ý định sơn sửa lại nhà, tốt nhất nên lên kế hoạch trước tầm 4-5 tháng và bắt tay vào sửa xong khoảng trước Tết 1 tháng nhé. Không là siêu áp lực đấy!


2. Book lịch làm đẹp trước 1,5 đến 2 tháng. Làm tóc thì trước Tết khoảng 2 tuần, móng thì trước Tết khoảng 5-7 ngày thôi nhé. Nếu có nhu cầu mua đồ mặc Tết cho bản thân, gia đình, thì thời điểm này cũng khá ok rồi.


Tết đến là khoảng thời gian các dịch vụ làm đẹp đông khách, để chọn được ngày/giờ đẹp thì mọi người nên book sớm. Tối thiểu là trước 1,5 tháng để tiện thu xếp công việc nhé. Nên chọn những chỗ quen để làm.


Năm nay dịch, salon tóc yêu thích của mình là Lan Hair Salon khá đông, phải chờ lâu, trong khi đó mình lại muốn đến chỗ nào vắng vẻ an toàn tí để còn dẫn bạn Xốp theo, nên mình đã đổi chỗ làm đầu sang salon Nhữ Quốc Hải ở Hàng Mành


Anh Hải cắt và làm xoăn không phải kiểu bay bay, cá tính như Lan nhưng tóc vào phom cũng đẹp lắm. Salon vắng khách, sạch sẽ, nên mình hoàn toàn yên tâm book cho hai mẹ con từ đợt Tết Dương lịch, để yên tâm tầm 22/1 Dương đi làm đầu là sẽ có chỗ và không phải chen chúc. 


Bạn Xốp lần đầu tiên được làm xoăn - sau khi kết thúc kì thi Học kì I với kết quả tốt!

Thường cắt tóc thì có thể cắt trước Tết độ 2 tuần là đẹp, đến Tết tóc sẽ vào phom hơn. Nhưng với làm móng thì nên book lịch làm trước Tết chỉ khoảng 5-7 ngày thôi, có như vậy mới giữ được móng đẹp, không bị dài quá hoặc bị... rơi, rụng, nứt. Năm nay mình làm móng ở Tama Nails ở Mai Anh Tuấn. Chỗ làm móng này có nhiều mẫu xinh xỉu, các bạn phục vụ lễ phép và làm cũng nhẹ nhàng lắm. Tuy nhiên mình chỉ ưu tiên làm dịp Tết để móng bền thôi, còn trong năm thì nếu có làm mình vẫn sẽ qua Lala Nails (cùng chỗ với Nhữ Quốc Hải Hair Salon).


Với các dịch vụ khác như xăm môi, xăm mày v.v.. thì mọi người nên làm trước Tết 2-3 tháng đi nhé. Đừng để làm cận Tết, một là chưa ổn định phải kiêng nhiều thứ (mà Tết của Việt Nam mình hay ăn nhiều đồ nếp không tốt với mấy việc xăm đấy), chưa kể không có thời gian ổn định, rồi nhỡ chẳng may bị dị ứng, bị hỏng... thì còn có thời gian mà chăm sóc với sửa chữa :)


Wishlist năm nay của mình là phun môi đó. Nhưng phải Ra Giêng mình mới bắt đầu tìm hiểu và book chỗ cơ, cứ bình tĩnh :D


Với việc mua sắm đồ diện Tết, thì mọi người cũng nên chịu khó theo dõi và tìm mua khoảng 1-2 tháng trước Tết. Có thể thời điểm đó sale không nhiều nhưng sẽ có nhiều mẫu đẹp, hoặc theo dõi và đi thử xem mẫu nào ưng thì "ghim" lại, đến khi hãng sale cái là múc luôn thì sẽ tiện cả đôi việc: vừa có quần áo mới, mà giá thành lại dễ chịu. Các hãng sẽ sale nhiều và sale đồng loạt vào khoảng 2-3 tuần trước Tết, nhưng nhược điểm là sẽ hết siêu nhanh, nên nếu đã mất công thử và tìm mua thì chọn khoảng 2-3 mẫu ưng ý. Hết món này thì ta có thể xoay sang món khác được.


Năm nay mình rất may mắn, mua được bộ áo dài của Hữu Là La sale 50% lúc đấy còn phải 2 tháng nữa mới tới Tết cơ! Cả bộ áo quần chỉ có 1tr850k, trong khi nếu ngày thường chưa sale thì nhà chị Hữu chả bao giờ bán dưới cái giá 2,5-3tr/bộ áo dài. Đồ của các con mình cũng ngắm nghía và mua trước khoảng 1 tháng, cũng chỉ mua trên Shopee thôi, rẻ lắm, nhưng được cái không vừa không ưng còn kịp đổi trả. Nói chung năm nay 3 mẹ con xúng xính, bố thì tự xử nhé vì mẹ hết tiền rồi =]]


Bố chụp ba mẹ con bên hiên nhà ông bà nội dịp Tết năm nay. Bức ảnh đẹp quá! Mình cứ đem đi khoe mãi thôi :D

Sở dĩ mình rất quan trọng việc làm đẹp, mặc đẹp trước Tết bởi có năm mình bận con nhỏ, nên 24,25 Tết mới cuống cuồng tìm chỗ làm móng, làm tóc mà nào có chỗ nào nhận đâu :( Năm đấy mồng Một Tết bạn Thoáng lăn ra sốt, rồi đến mồng Ba thì vào viện nằm qua mồng Mười mới được ra viện. Cả nhà năm đó coi như mất Tết, và cũng có một năm rất chật vật với con ốm, cô giúp việc thường xuyên nghỉ, mình phải xin nghỉ làm quá phép để chăm con v.v.. Do đó, mình rất tin rằng đầu xuân năm mới nếu như mọi việc không suôn sẻ thì sẽ dễ bị "dông" cả năm, vì vậy mình thường xuyên lên kế hoạch, sắp xếp, chuẩn bị mọi thứ thật tươm tất để đón Tết cảm thấy yên tâm nhất có thể!


3. Lên list đồ ăn cần mua/cần làm và mua sẵn, cấp đông để ăn dần


Không biết các vùng miền khác thắp hương Tết như thế nào, nhưng ở ngoài Bắc thì việc cúng kiếng khá là cầu kì và lắm công phu. Ví dụ như chỉ đơn giản một cái Tết, nhà mình sẽ có:


- Thắp hương cúng ngày 30 Tết (cuối năm): thường nhà mình sẽ làm buổi trưa ngày 30 để chiều được thảnh thơi, và phải làm hai mâm: 1 chay 1 mặn.


- Thắp hương cúng đêm 30 Tết (giao thừa): thường sẽ chỉ có xôi, gà, bánh chưng nhưng phải luộc lên ít nhất 3 con gà cho nhà bố mẹ chồng mình, nhà anh chồng mình và nhà mình. Xôi thì tùy tâm, như mẹ chồng mình thì bà chỉ thắp hương trong nhà với gà và bánh chưng thôi, còn mình thì muốn đầy đủ nên năm nào cũng thăp hương cả trong nhà và ngoài trời.


- Thắp hương cúng sáng Mồng 1 Tết: cũng lại hai mâm 1 chay, 1 mặn.


- Thắp hương hóa vàng (thường là ngày Mồng 3 hoặc Mồng 4 tùy năm): lại 2 mâm 1 chay, 1 mặn. Nhưng cũng có năm mẹ chồng mình chỉ làm 1 mâm mặn thôi =))


Thường đây chỉ là 4 ngày sẽ làm cơm và thắp hương ở nhà bố mẹ chồng mình ở quê (vì Tết mình sẽ về ở nhà bố mẹ chồng), còn với nhà bọn mình đang ở thì chỉ hoa quả và sẽ đơn giản hơn không cần mâm chay hay mâm mặn.


Chưa kể, còn phải ăn ở nhà 3 bữa/ngày, rồi làm cơm mời khách đến ăn. Nhà chồng mình còn có giỗ ông nội chồng vào ngày 26 Tết nữa, nên mọi việc rất nhiều và lượng đồ ăn cần chuẩn bị cũng khá lớn. 


Giò chả, bánh chưng, gà, măng, đồ nấu chay... mẹ chồng mình sẽ tính toán đặt hết ở quê để cho tiện công mang đến. Rau dưa thì ở quê rất nhiều, họ chỉ nghỉ bán cùng lắm chiều 30 và hết ngày mồng 2, nên hầu như sáng 30 mẹ chồng mình đi chợ lùa một loạt về là xong. Vì thế, nhiều năm nay mình đều nhận nhiệm vụ làm nem - là món mất nhiều thời gian để chuân bị, đặc biệt là với gia đình có nhu cầu nem số lượng lớn như nhà chồng mình. Số lượng nem mình cuốn phục vụ Tết hầu như toàn trên 100 cái, trong đó 90% là nem mặn, nem chay mình chỉ làm ít đủ để thắp hương thôi. Rồi cấp đông và bảo quản để mang về cho mẹ dùng. 


Đây mới là 1/2 số nem năm nay mình cuốn. Năm nay mình phải cuốn 2 ngày mới xong, mà hết Tết thì nhà cũng hết nem luôn!

Bố mẹ chồng mình và cả bố mẹ đẻ mình tư tưởng khá thoải mái, ông bà cũng hiểu bọn mình còn đang nuôi con nhỏ nên không hề áp lực chuyện Tết phải biếu nọ biếu kia, đặt nặng áp lực kinh tế lên các con. Với ông bà chỉ cần con cháu về đông đủ, vui vẻ làm cơm là quý rồi, vợ chồng mình vì thế cũng có cuộc sống dễ chịu hơn so với nhiều người khác ở khoản này. 


Tuy nhiên, thoải mái và dễ dàng không có nghĩa là mình được buông xuôi nghĩa vụ. Mình hiểu ông bà không muốn đặt nặng áp lực, nhưng không có nghĩa bọn mình vô tâm không quan tâm đến việc bếp núc, sắm sửa nọ kia đón Tết trong gia đình. Nhiều khi chỉ cần phụ mẹ làm 1-2 món cho Tết, mua ít bánh kẹo hoặc mứt tết đem về bày để tiếp khách, rồi sắm 1-2 loại hoa cắm trong nhà, rủ bố mẹ đi chọn đào quất trưng khi Tết đến... là ông bà đã thấy vui rồi. Không đặt áp lực lên con cái không có nghĩa là con cái không phải làm gì đâu nhé mọi người! Ý thức mới là cái quan trọng nhất. 


Thường mình thích gì thì tự cân đối mua lấy, có thể hỏi thêm ý kiến của mẹ xem bà có cần mua sắm gì thêm không, sau đó thì tự chi tự mua và tự làm. Mọi việc mua sắm đồ ăn uống nên được hoàn thành trươc 24 Tết. Vì như mình đã nói, gia đình mình 26 Tết có cái giỗ và sau đó là nghỉ Tết luôn rồi nên không có thời gian ngắm nghía, lượn lờ mua sắm nữa.


4. Thu xếp lịch Tết Nội - Tết Ngoại thật hợp lý


Những năm trước mới lấy nhau, do chưa có kinh nghiệm, mình chưa biết sắp xếp thời gian và chủ động trong lịch đi chúc Tết của bản thân. Mình cứ nghĩ đơn giản xong xuôi hết nhà Nội rồi sang nhà Ngoại cũng không vội. Nhưng đấy là một quan điểm sai lầm!



Sau vài năm, mình đúc rút là được là câu nói
"Mồng Một tết cha, Mồng Hai tết mẹ, Mồng Ba tết thầy" đều có lý do của nó. Thay vì ở rịt bên nhà chồng đến hết Mồng Ba sau khi hóa vàng mới về nhà mẹ, mình sẽ chủ động thu xếp đi chúc Tết nhà nội trong ngày Mồng Một và sáng Mồng Hai. Đến chiều Mồng Hai và ngày Mồng Ba, mình sẽ sang nhà ngoại chúc Tết rồi lại vòng về nhà bố mẹ chồng để hóa vàng. 


Với cả việc ăn Tất Niên, mình cũng sắp xếp như vậy. Với gia đình nhà chồng, bao giờ cũng là ăn Tất niên vào trưa ngày 30. Vì thế, với nhà bố mẹ đẻ, mình sẽ xin phép để tổ chức sớm hơn 1-2 ngày (có thể là vào 28 hoặc 29 Tết). Như vậy, bọn mình vẫn ăn Tất niên đủ hai bên nội ngoại, không thiếu bên nào, và mọi người đều vui vẻ.


Cứ nhiều năm như vậy sẽ thành quen nếp, vợ chồng mình cứ theo lịch mà làm. Hai năm nay cả hai bạn nhà mình cũng đã lớn rồi, bọn mình lại càng có nhiều thời gian để thong thả đi chúc Tết hơn. Sau ngày Mồng Ba hóa vàng là cũng không còn việc gì, vì thế bọn mình lại quay về tổ ấm riêng dọn dẹp, thu xếp, nghỉ ngơi. Và bắt đầu từ năm ngoái thì có thêm một "nếp" mới đó là Mồng Bốn là ngày cả nhà dành thời gian cho nhau. Đi ăn sáng phố cổ, đi cà phê, nếu không vì dịch thì có lẽ bọn mình còn tranh thủ cho các bạn đi Bờ Hồ đi dạo ăn kem hoặc ra Văn Miếu xin chữ. Nhưng vì dịch vẫn diễn biến phức tạp quá, mà quan trọng là hai bạn bé nhà mình chưa tiêm, nên bọn mình chỉ tìm chỗ vắng vẻ mà ngồi nghỉ ngơi thôi!


10 năm lấy chồng và đón 10 cái Tết, mình có lời khuyên chân thành với các bạn gái rằng: cái thói quen đi chúc Tết, sao cho đủ hai bên nội ngoại thực ra chẳng khó tí nào. Mình cứ làm trong nhiều năm, đầy đủ, sắp xếp lịch sao cho thật hài hòa, vậy là lâu dần sẽ thành "nếp" thôi.


****


Mình biết rằng khi mình viết những dòng này, mình có nhiều điểm thuận lợi hơn mọi người.


Thứ nhất, điều may mắn nhất, đấy là bố mẹ hai bên đều thoải mái, tâm lý. Vì thế những việc như sắp xếp lịch ăn uống, chúc tết như thế nào, thời gian ra sao... bọn mình đều có thể hoàn thiện một cách dễ dàng và được hai bên ông bà ủng hộ.


Thứ hai, bọn mình đều đi làm và ổn định ở một nơi là Hà Nội. Bố mẹ hai bên cũng thế. Kể cả mình cứ hay nói là "về quê chồng", nhưng thật ra quê chồng mình ở Đông Anh - đi từ nội thành ra đến ngoại thành, không phải xa xôi tàu xe khổ cực như nhiều người, giao thông rất thuận lợi... vì thế mà bọn mình tiết kiệm được nhiều thời gian đi lại.


Thứ ba, chúng mình được bố mẹ cho ở riêng. Và chỉ cần được ở riêng, tức là các bạn được quyền quyết định và chủ động trong cuộc sống của mình. Không phụ thuộc vào ai, và cũng không bị ai can thiệp. 


Nhưng để có được một cái Tết vui vẻ, không tất bật lo toan, thì mình cũng phải mất đến 10 năm.


Đêm Giao Thừa thảnh thơi. 10h là mọi việc đã xong xuôi để ngồi cắn hạt dưa chờ đón năm mới rồi.

10 năm để mình thay đổi quan niệm đón Tết của cả hai bên nhà nội ngoại. Đặc biệt là nhà nội. Hồi mình mới về, bố mẹ chồng mình cũng không quá quan tâm đến việc bên nhà ngoại của mình đâu. Nếu như mình không mở mồm ra chủ động thưa gửi, thì ông bà cũng nghiễm nhiên coi việc mình về có khi ở rịt trong quê từ 26,27 Tết đến hết Mồng Ba, Mồng Bốn là-chuyện-bình-thường!


Để bố mẹ trở nên tâm lý, thoải mái như ngày hôm nay. Mình cũng phải cố gắng rất nhiều.


Cố gắng từ những việc nhỏ như cơm nước hàng ngày, chăm sóc gia đình riêng của mình. Đến những việc lớn bên nhà chồng như cúng bái, giỗ chạp... đều tham gia đầy đủ và săm sắm bắt tay vào làm. Rồi cả việc lên lịch, thu xếp sao cho phù hợp nhất mà không mất lòng bên nào, cả việc thưa gửi xin phép ông bà thể hiện sự tôn trọng với bố mẹ và nề nếp của gia đình nhà chồng... từng chút từng chút một mình phải học, phải tìm cách cân đối, mới có thể có được một dịp Tết như năm nay.


Vì thế, điều cuối cùng mình muốn nhắn gửi với mọi người là: cái Tết thảnh thơi, vui vẻ, không phải tự dưng mà có được. Nó phải được hình thành dần dần, tùy theo nề nếp gia phong và thói quen của từng gia đình. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phụ thuộc vào bạn - người phụ nữ, người nội tướng và cái "nóc nhà" :)


Hãy quan sát, theo dõi, học tập và tự bố trí thu vén dần dần. Tìm cách để cho người quan trọng nhất - chồng của bạn - đồng thuận và cảm thấy thoải mái với cách mà bạn bố trí, sắp xếp hợp tình hợp lý. Chẳng có ông đàn ông nào là không vô tâm cả, nhưng vô tâm không có nghĩa là không cảm hóa được. Miễn là chúng ta thu vén sao cho hợp tình hợp lý, tránh xung đột trong gia đình.




Chỉ cần bạn chịu quan sát, chịu học hỏi, và chịu thay đổi - những điều may mắn và năng lượng tích cực sẽ xuất hiện. Chúc cho mọi người phụ nữ Việt Nam đều sẽ tìm được những cái Tết thật vui vẻ, thảnh thơi trong nhiều mùa Tết sắp tới nữa.


Gửi tặng các bạn clip mình quay ngày Mồng Bốn Tết năm nay của mình - ngày "thảnh thơi" và dành thời gian cho gia đình nhỏ <3