Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 20: Ăn dặm truyền thống đúng cách

Lâu lâu không có bài nào trong BAM Series. Mấy hôm nay có time vào diễn đàn WTT và một số các page về nuôi con trong độ tuổi ăn dặm của các mẹ, mình thấy chủ đề chọn cách để cho con ăn dặm vẫn rất "nóng".
Ăn dặm truyền thông? Ăn dặm kiểu Nhật? Ăn dặm kiểu Tây (Baby Lead Weaning)? - Biết lựa chọn cái nào bây giờ?!?

Nếu để ý kĩ thì mọi người có thể thấy: các tài liệu về Ăn dặm kiểu Nhật (ADKN) có nhiều nhất, kế đó là Baby Lead Weaning (BLW), trong khi đó tài liệu về Ăn dặm truyền thống (ADTT) thì lại không có mấy.

Các bà mẹ trẻ hiện tại 10 người thì đến 8,9 người đều chê ADTT: nào là nhồi nhét, nào là xay thức ăn nát bét rồi quấy trộn vào trông như cám lợn, nào là làm cho chức năng nhai của trẻ chậm phát triển, nào là nuông chiều con vì nhồi ăn nên cứ phải cho xem hết TV rồi đến Ipad, nào là không tộn trọng trẻ, nào là đi ăn rong...

Mình thấy những quan niệm như vậy của các mẹ về ADTT rất sai lầm.


Không có một tài liệu hướng dẫn nào nói rằng ADTT thì phải đi rong, phải cho xem TV hay phải nhồi nhét hết cả. Tất cả là tâm lí của những ông bố bà mẹ: muốn con ăn nhiều, ăn nhiều thì chắc bụng, ăn nhiều thì lâu đói, ăn nhiều thì bla bla bla. Hay nói tóm lại, đổ lỗi cho ADTT không tân tiến, không hiện đại, cổ hủ lạc hậu - LÀ VÔ CÙNG SAI LẦM.

Tất nhiên, nếu các mẹ muốn học hỏi cách thức ăn dặm của các nước khác, thì chẳng có gì sai hết cả. Quan trọng là trẻ hấp thụ tốt, ăn uống ngon lành, phát triển đầy đủ - thì không tội gì mà lại không cho ăn dặm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của mình, kể cả ADKN lẫn BLW đều có một điểm chung: không ép trẻ ăn nhiều, và nếu trẻ không muốn ăn thì sẽ cho bé ăn bù bằng sữa. Như vậy, vấn đề đặt ra với các mẹ muốn cho con ADKN và BLW đó là: bé phải chịu ăn sữa (bất kể sữa công thức, hay sữa mẹ).

Đối với các bạn ở trong trường hợp:

1. Bé lười ăn sữa (phải đổ thìa khi ăn - như con nhà mình, và mỗi lần đổ thìa bé cũng không ăn được nhiều)

2. Sữa mẹ ít (khoảng 8 tháng trở ra là mình thấy sữa mẹ của mình đã vơi đi nhiều lắm rồi, bé có bú thì cũng chỉ là "mút mát" cho đỡ thèm ti mẹ hoặc giải khát thôi).

3. Bé còi xương, suy dinh dưỡng, hay nôn trớ...

Thì mình thành thực khuyên là các bạn nên cân nhắc để cho con ADTT. Hoặc, cho con ADTT và kết hợp với ADKN và BLW (tức là thay đổi độ thô nhanh hơn chứ không chậm như ADTT và thi thoảng thì cũng cho bé bốc bả thức ăn tự đút vào mồm - mà theo mình quan sát thì trẻ rất thích).

Mình bắt đầu tập cho bạn Xốp ăn dặm khi bạn được 5m. Vì là con đầu tiên, kinh nghiệm không có nhiều, và cũng là một người trẻ nên mình quyết định áp dụng ADKN. Tuy nhiên chỉ sau 1 tuần, mình thấy phương pháp này không khả thi với bạn Xốp bởi bạn rất lười ăn sữa, trong khi thời gian đầu bạn chỉ ăn một ít để làm quen với thức ăn, sữa vẫn là nguồn thực phẩm chính. Vì vậy, mình quyết định chuyển sang ADTT.

1. Giai đoạn 1: Làm quen với thức ăn (mất khoảng độ 1-2m Tức là từ lúc bạn Xốp 5-7m)

Ở giai đoạn này, không nhất thiết phải cho trẻ ăn thô với thức ăn băm hoặc xay nhuyễn. Giai đoạn 1 của ADKN thức ăn cũng đc ninh chín kĩ sau đó lọc qua rây, tạo thành hỗn hợp sền sệt và đặc.

Nếu cho con ADTT thì trong giai đoạn này bạn nên sắm 2 thứ:

- Bột ăn dặm bán sẵn: có nhiều loại bột bán sẵn cho bạn lựa chọn, như bạn Xốp nhà mình là bột Hipp vị chuối đào - rất thơm và ngậy.


Mình thường luộc thịt lợn lấy nước ngọt, sau đó trộn với bột - hoặc như công thức là pha sữa trộn với bột ra hỗn hợp sền sệt vừa đủ (không nên đặc quá như trong ảnh ngoài bao bì ngay từ đầu, vì ăn như vậy bé dễ "bứ" và nghẹn, cứ từ từ tăng độ đặc lên là đc).

Như bạn Xốp thì vì không thích ăn sữa nên pha bột với sữa bạn ăn không hào hứng lắm, nhưng nếu trộn bột với nước luộc thịt thì bạn lại rất thích ăn (trộm vía). Ở thời gian đầu này nên tập cho bé ăn dần dần, mức độ vừa đủ là khoảng 150 - 200ml/lần ăn (cái này với bé siêu biếng ăn). Sau đó tăng dần lên đến khoảng 300 - 400ml/lần ăn là vừa.

- Rây lọc hoặc máy xay cầm tay: tùy nhu cầu của bạn thích sử dụng cái này. Như mình thì mua máy xay cầm tay của Braun sau đó thì thay sang máy xay của Philips thấy dùng thích hơn.

Nguyên tắc khi sử dụng đó là bạn luộc thịt, rau lên sau đó lọc qua rây hoặc xay với máy xay cầm tay (nhớ là chỉ cần đổ một ít nước luộc vào thôi nhé).

Nếu như cách trên với bột Hipp là cách nấu bột ngọt, thì đây là cách nấu bột mặn.

Khi nấu như thế này thì mình xay bột gạo ra, sau đó cho bột vào với nước dùng là nước luộc thịt, rau (thường thịt mua ở chợ về mình luộc sơ qua một lần cho chắc (sôi cái bắc bếp ra đổ nước đi ngay), dùng đũa khuấy đều lên. Ở bước này, lưu ý là nếu nước càng nóng thì bột càng dễ vón cục do đó nếu cho bột vào lúc nước còn nóng thì phải vừa cho bột vừa khuấy, hoặc để nước ấm vừa thì hẵng cho bột vào.

Khi khuấy bột bạn nên nhớ nguyên tắc: lỏng - đặc - lỏng - đặc. Bột phải sau 2-3 lần lỏng - đặc như vậy thì mới gọi là chín. Đổ bột ra bát không còn bột dính lại nơi thành hay đáy nồi. Cho thêm 1 thìa cà phê dầu ăn, 1/2 thìa cà phê nước mắm. Vậy là bạn đã làm đc một bát bột với đủ 4 nhóm: tinh bột - xơ - đạm - béo theo đúng yêu cầu của Viện Dinh dưỡng.
Máy nhà mình dùng là máy này. Mình khá thích vì ngoài một máy xay cầm tay thì còn 2 máy xay loại to và loại nhỏ để sử dụng trong bếp. Rất tiện lợi.
Có 3 điểm cần lưu ý khi nấu bột mặn cho bé:

- Lượng thức ăn để quấy bột:
  • 200ml nước
  • 10g thịt/ rau, trứng lấy 1/2 lòng đỏ - bỏ lòng trắng không dùng (ăn lòng trắng đầy bụng khó tiêu)
  • 1 thìa cà phê dầu ăn (chỉ cho dầu ăn khi đã bắc bột ra khỏi bếp)
  • 1/2 thìa cà phê nước mắm - nêm nhạt thôi vì bé ăn mặn ngay từ đầu không tốt
Khi bé lớn hơn thì lượng cũng thay đổi, tăng thêm thịt/rau và quấy đặc hơn.

- Nên chú ý khi kết hợp thịt với rau. Ví dụ như mình thì thịt lợn hay cho bé ăn với bí đỏ, cá với rau cải xanh, thịt bò với giá hoặc khoai tây, tôm với rau ngot hoặc rau mồng tơi, thịt gà với su hào. Thời điểm này bé làm quen với thức ăn nên cho bé ăn những thứ "lành dạ". Đừng ham cho bé ăn những món kiểu như cua đồng hay ốc vì dễ bị rối loạn tiêu hóa.

2. Giai đoạn 2: Tăng độ đậm đặc của thức ăn, chuyển sang ăn cháo - Bố mẹ ăn gì con ăn nấy (khoảng 2m, bé từ 7-9m)

Mình duy trì cho bạn Xốp ăn bột đến khi bạn đc 7m (mọc đc 6 cái răng - trộm vía) thì bắt đầu thay đổi cách thức ăn của bạn. Thật ra như mình thấy thì như vậy là hơi chậm so với lượng răng mà bạn Xốp đã có nhưng vì bạn hay bị nôn trớ và thời gian đó bạn bị ốm nên mình mới kéo dài gian đoạn kia ra. Thời gian đầu nên đổi 3 bữa bột/ngày thành 1 bữa cháo - 2 bữa bột/ngày.

Cháo nấu như bình thường, sau đó thì dùng đũa đánh đều để hạt cháo vỡ ra. Đừng nên cho bé ăn cháo nguyên hạt ngay. Ban đầu cháo cũng nên nấu vừa phải, sau đó mới tăng độ đậm đặc lên.

Lượng thực phẩm để nấu một bát cháo:
  • 250ml nước
  • 40g thịt/rau
  • 1 thìa cà phê dầu ăn
  • 1/2 thìa cà phê nước mắm
Bé ở giai đoạn này có thể ăn sam sưa hơn nên một số món như nội dạng như óc, tim lợn bé đã có thể ăn đc. Khi nấu với các món này thì có thể nấu cùng các loại củ như su hào, cà rốt hoặc khoai tây, khoai lang, các loại rau cải.

Đồ ăn không nhất thiết phải xay nhuyễn ra với máy xay cầm tay, có thể băm nhỏ với dao thớt là được rồi.
Giai đoạn này các bé thường hay mọc răng - cực kì quấy và biếng ăn. Do đó các mẹ lưu ý không nên ép bé ăn nếu bé không thích.

Thỉnh thoảng mình bày ra cho bạn Xốp một số món người lớn ăn nhưng được thái thật nhỏ. Bạn có vẻ rất thích thú nhưng nói thật là ăn không đc nhiều lắm :D

3. Giai đoạn 3: Ăn cháo nguyên hạt, làm quen với cơm - Coi bé là một thành viên của gia đình (9-12m)

Nguyên tắc cho bé ăn dặm mà mình rút ra được đó là coi bé như một thành viên trong bữa ăn gia đình. Vào giờ ăn cơm của cả nhà, bạn có thể cho bé ngồi ăn cùng, bạn ăn gì thì gắp cho bé ăn cái đấy nhưng lượng ít hơn và miếng nhỏ hơn. Tất nhiên là bé ăn chả đc bao nhiêu đâu, nhưng rất thích thú với việc lách cách bát đũa, màu sắc của đồ ăn. Bé ở giai đoạn này đã tập cầm thìa đc.

Ngoài 12m hệ tiêu hóa của bé cũng đã hoàn thiện nên việc cho bé ăn một số thực phẩm như cua đồng có thể đc. Mặc dù vậy, mình vẫn thích cho bé ăn cua bể hoặc ghẹ biển, tôm biển vì nhiều chất hơn.

Công thức nấu cháo như ở giai đoạn 2, tăng lượng lên một tẹo tùy nhu cầu ăn của bé. Đặc biệt, ở giai đoạn này bé đã có khoảng từ 6-8 cái răng (như bạn Xốp 12m trộm vía đã có 8 chiếc) nên có thể nhai được cơm. Nên tập cho bé ăn cơm từ bây giờ, trước mắt là ăn khoảng 1-2 thìa cơm bé trộn cùng với thịt băm hoặc dầm với nước canh kiểu canh cá cải, canh thịt khoai v.v.. Mùa hè để thanh mát thì dằm cơm với nước luộc rau cho bé ăn cũng đc.

Khả năng nôn trớ trong lúc ăn ở giai đoạn này cũng giảm đi đáng kể, cháo nên nấu đặc hoặc thậm chí với những bé "bạo nhai", "bạo nuốt" thì cho bé ăn cơm nát cũng đc. Lý tưởng để nấu cơm nát bạn có thể mua gạo của Nhật - bán trong các siêu thị Nhật, dẻo thơm và dễ nấu cơm nát hơn gạo Việt.


4. Giai đoạn 4: Tập cho bé ăn cơm (12m trở lên)

Bé nhà mình mới được 14m. Hiện ngày bé ăn 3 bữa cháo, 3 bữa sữa một ngày, chưa kể các bữa phụ hoa quả dầm hoặc sữa chua, váng sữa. Buổi sáng bé không ăn được nhiều, chỉ bằng 1/2 so với lượng bình thường bé ăn trong các bữa cháo khác - có khi còn ít hơn nhưng mình không ép.

- Trước mỗi bữa cháo  buổi trưa và tối, mình cho bé ăn khoảng 1/3 bát cơm chan canh hoặc trộn thịt băm. Cơm nấu nguyên hạt, dùng thìa nghiền, không cần phải nấu cơm nát. Để bé tự xúc hoặc nhờ mẹ trợ giúp khi cần. Nhiều hôm lười còn cho bé ăn cả cơm nguyên hạt, trộm vía bé vẫn nhai như người lớn.

- Sau khi ăn xong cơm bé sẽ ăn khoảng 1/2 tô cháo (khoảng 300ml cháo) tùy nhu cầu của bé. Bé không ăn, phản đối đến 3 lần hoặc nhè thức ăn ra là dừng, không ăn nữa.

- Mỗi bữa sữa bé ăn đc khoảng 120 - 160ml sữa (như mình đã nói, bé nhà mình cực kì lười ăn sữa). Bữa sữa buổi tối trước khi đi ngủ, mình quấy thêm bột pha sữa Bledine của Pháp, vì mình đang muốn cai sữa cho bé dần dần nên pha bột sữa này vào bữa cuối để bé ăn no, không có nhu cầu ti mẹ trước khi đi ngủ.



Trên đây là một vài chia sẻ của mình với các mẹ. Mình đặt mục tiêu đến khi bé được 2 - 2,5 tuổi có thể ăn được cơm và tự xúc. Hy vọng là con chịu hợp tác với mẹ để 3 tuổi đi học mẫu giáo công mẹ không phải lăn tăn gì.


Các mẹ có cao kiến gì không? Chia sẻ với mình nhé!

Thân