Được tạo bởi Blogger.

BEING A MOM | What to expect when you're expecting

Làm mẹ là một trong những điều tuyệt vời của người phụ nữ. Tuy nhiên làm mẹ cũng đồng thời là một giai đoạn mà chúng ta trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc: vui buồn, hỉ nộ ái ố... Những điều mà chúng ta không thể tưởng tượng có ngày chúng ta sẽ rơi vào trường hợp/tình cảnh đấy, cũng có những khoảnh khắc mà chúng ta muốn nó là mãi mãi bởi quá thiêng liêng và in đậm dấu ấn, cũng có những khi là rơi nước mắt, vì hạnh phúc có mà cũng nhiều khi là đau khổ.

Nói chung, giai đoạn làm mẹ - đặc biệt là làm mẹ lần đầu tiên, khiến cho mọi cô gái đều tự dưng biến thành phụ nữ. Trưởng thành hơn, chững chạc hơn, mạnh mẽ hơn nhưng cũng đa sầu đa cảm hơn.

Vậy làm mẹ cần chuẩn bị những gì? Và khi đã làm mẹ thì phải chuẩn bị những gì?

Sau hơn 2 năm nuôi bạn Xốp, mẹ Méo nghiệm ra rằng nếu có em bé thứ hai thì mẹ Méo sẽ không bao giờ dẫm phải "vết xe đổ" như hồi mới có bạn Xốp nữa. Đây là những điều mẹ Méo nghiệm ra, từ kinh nghiệm thực tiễn, và từ những trường hợp xung quanh đã có dịp quan sát.

1. Thời điểm mang bầu "lý tưởng" nhất: Thụ thai vào cuối Hè đầu Thu, đẻ vào mùa Hè năm sau.

Mặc dù các cụ vẫn có câu "con cái là Lộc Trời cho", nhưng không thể phủ nhận các cặp vợ chồng hiện đại ngày nay đều muốn tính toán để đẻ con sau cho hợp tuổi, hợp năm. Cá nhân mình có bầu bạn Xốp hoàn toàn tự nhiên và... ngẫu nhiên, vì vậy hoàn toàn không có sự chuẩn bị hay sắp đặt gì cả. Nhưng sau này, khi tiếp xúc với nhiều chị bầu khác thì mình mới thấy mình thật may mắn vì mang bầu trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 3 năm sau.

Lý do?

Trong những tháng giữa và cuối thai kì, thời tiết rơi vào mùa Thu - Đông nên rất mát mẻ. Mình mang bầu vào thời điểm này thấy ăn ngon, ngủ ngon chứ hoàn toàn không thấy nóng nực, bực tức vì thời tiết như nhiều mẹ mang bầu vào mùa Hè. Có chị cùng cơ quan mình mang bầu mùa Hè, lại trúng đợt nắng nóng kỉ lục năm nay nên người nổi rôm sẩy rất khổ sở!

Đến khi mình đẻ con là vào tầm tháng 3. Đến tháng 5 trời bắt nắng, và đến tháng 6 thì nắng rất nhiều. Bạn Xốp do đó được tắm nắng thỏa thuê, không bị thiệt thòi như nhiều bạn sinh vào mùa Thu Đông ít nắng và khí hậu khắc nghiệt ít được ra ngoài trời. Cộng thêm với việc khí hậu nóng và khô nên việc giặt giũ chăn chiếu, tã lót rất thuật lợi. Giặt buổi sáng đến trưa, chiều là đã khô cong rồi. Vì vậy mới ngoài 1 tháng mình đã bỏ bỉm ra cho bạn Xốp tập xi. Trộm vía 1 tháng tiết kiệm được khối tiền bỉm cho bố mẹ!

Nhiều mẹ ngại đẻ con mùa Hè thì bị "rực sữa" nên nóng nực. Đừng có lo! Bây giờ đã có điều hòa rồi! :)) Để nhiệt độ phòng 27 độ là mát mẻ cho cả mẹ cả con.

Trẻ sinh vào mùa Hè được ăn mặc thoải mái, "phong phanh" hơn, có nhiều điều kiện tiếp xúc với môi trường bên ngoài hơn, từ đó sức đề kháng cũng tốt hơn.
 2. Có bầu, đừng bao giờ ăn mặc xấu, không trang điểm!

Thật 100% rằng phụ nữ khi có bầu trông đều xấu! Kể cả trên báo chí có nói khi phụ nữ có bầu trông rất đẹp, thậm chí anh chồng thủ thỉ: "anh thấy vợ có bầu trông đẹp mà", thì cũng đừng tin! Mình nói thật: tất cả phụ nữ có bầu trông đều xấu. Dáng vóc bị phù, béo, ộ ệ. Thân hình không còn được nhanh nhẹn mà chậm chạp, nặng nề. Sinh hoạt cũng bất tiện trong ăn uống ngủ nghỉ nên mặt mũi cùng mệt mỏi, phờ phạc.

Hồi xưa mình có bầu bạn Xốp mình mua mấy bộ váy bầu của Mommy mặc, đi giày bệt và chẳng bao giờ trang điểm. Dưỡng da thì chỉ dùng mấy loại cộp mác "organic" với "natural". Dung nhan lúc bấy giờ phải nói là thảm hại!

Nhìn Công nương Kate mang bầu mặt mũi xinh xắn, tươi tỉnh, ăn mặc gọn gàng đẹp đẽ mình bấm bụng "vì cô ấy là Công nương", nhưng mình đã nhầm! Sau này mình đã gặp rất nhiều chị có bầu biết chăm sóc bản thân, và cả những chị có bầu mà "úi xùi" với bản thân mình giống mình hồi xưa. Và mình nghiệm ra rằng, cái quan điểm có bầu không ăn diện - không trang điểm là lỗi thời rồi! 

Có bầu chỉ mặc mấy cái báy cơ bản bán đầy ở các shop mẹ bầu? Xưa rồi diễm ơi! Bầu là phải mặc đẹp, phải thời trang!

- Về trang phục: Dẹp những chiếc váy bèo nhèo vùng bụng và có cái dây thắt nhỏ đằng sau lưng đi, mình thấy mặc như vậy càng làm xấu mẹ bầu hơn! Dạo qua một lượt thời trang bầu bình dân của H&M, ASOS... mình thấy rất nhiều style hay ho: mẹ bầu mặc quần jeans và áo dáng babydoll, khoác ngoài áo cardigan mỏng vậy là tự tin xuống phố; có mẹ mặc áo len mỏng dáng thụng kết hợp cùng quần legging và booties đế bệt trông vừa cá tính trẻ trung mà chẳng gây nguy hiểm gì cho em bé trong bụng; hay như kết hợp style của Công nương Kate: váy dáng babydoll, áo jacket sáng màu, giày kitten heels - lịch sự và nhã nhặn vô cùng.

À, mà nói đến giá cả đồ bầu của mấy hãng bình dân như H&M, ASOS: họ bán nhiều sản phẩm nhưng sale cũng cực nhiều. Mà tính giá mua về đến VN thì chẳng khác nào giá mua sẵn đồ của mấy hãng đồ bầu có sẵn ở trong nước (tầm 500-700k/item). Trong khi mẫu mã và chất lượng hiển nhiên là không thể bằng được. Thậm chí đồ bầu của mấy hãng đây mua về mặc, sau giai đoạn mang bầu có thể đem đến nhà may uy tín bóp nhỏ lại dùng tiếp, chẳng vấn đề gì, lại còn tiết kiệm đỡ phải mua quần áo mới! :))

- Về trang điểm/dưỡng da: Với mẹ bầu, mình khuyên nên dùng mỹ phẩm khoáng, Bare Minerals là một hãng điển hình về mỹ phẩm khoáng an toàn. Sản phẩm thì đủ cả từ kem nền, phấn phủ đến son môi. Mẹ bầu cũng không nên hạn chế chăm sóc da mặt, chỉ cần nhớ những nguyên tắc cơ bản trong dùng mỹ phẩm không chưa chất chống lão hóa, làm trắng hay trị mụn là ok rồi! Mọi người có thể tham khảo thêm ở đây.

Kể cả khi đã đẻ em bé và trong quá trình chăm con nhỏ, đừng bao giờ bỏ bê bản thân mình! 

Mua 3-4 bộ quần áo mặc nhà thoải mái, lịch sự. Lúc nào cũng có áo ngực và miếng thấm sữa để ngực không bị chảy sữa (áo bị thấm sữa mùi sẽ rất hôi) và quan trọng là CHĂM TẮM GỘI

Cái thời kiêng tăm gội trong mấy tháng đầu mới sinh qua rồi các bạn ơi! Hồi xưa các cụ tắm sông tắm ao thì mới sợ gió máy, giờ chúng mình tắm trong nhà kín 4 bức tường thì lo gì nhỉ? Chỉ lưu ý là khi tắm gội không kì, chỉ xoa xoa thôi và sau khi tắm thì lau khô người, mặc quần áo dài, đi tất mỏng, sấy tóc cẩn thận là chẳng sao hết!

3. Cố gắng đọc càng nhiều sách càng tốt, tích lũy càng nhiều kinh nghiệm nuôi con nhỏ theo cách hiện đại càng hay

Hiện nay thị trường sách rất phong phú, cả sách bán lẫn sách điện tử. Chủ đề mang bầu - chăm con - nuôi con nhỏ thì có cả một kho sách ở trong và ngoài nước. Rồi các tài liệu từ các diễn đàn làm mẹ và chăm sóc con nhỏ. 

Thú thật là khi mình có bầu và vì làm ở Cơ quan Nhà nước nên không bị giao việc mấy, có việc thì cũng toàn việc nhẹ nhàng làm trong giờ hành chính thôi. Nhưng mà hồi đấy nghén ngủ, về nhà là cứ lăn quay ra ngủ chả biết trời đất gì (nghén khôn thế không biết). Vì vậy số lượng sách mình đọc không nhiều. Sẽ phải rút kinh nghiệm, vì đến khi đẻ bạn Xốp ra nuôi mới phát hiện ra nhiều sách hay không chịu được mà không chịu đọc trước :(

Thêm đó, chắc cũng nhiều bạn sẽ có suy nghĩ "tham khảo ý kiến bà Nội, bà Ngoại để có kinh nghiệm". Xin thưa với các bạn là, khoảng thời gian mẹ chồng và mẹ đẻ chúng ta chăm một đứa trẻ cách đây đã ngót nghét trên dưới 2 chục năm rồi, có quá nhiều thứ thay đổi. Đừng ỉ lại vào những kinh nghiệm của thế hệ trước và phụ thuộc vào nó. Kinh nghiệm có cái dùng được, có cái không còn thích hợp với giai đoạn hiện tại nữa, cứ chủ động tham khảo và học hỏi là tốt nhất.

4. Cắt tóc trước khi đẻ

Chắc chắn mà có bé thứ hai thì trước khi đẻ mình sẽ đi cắt tóc!

Tóc dài rất bất tiện trong chăm con. Nhiều khi đang ngủ, con khóc đòi bú lại phải lập cập bật dậy búi tóc lại rồi mới cho con bú được. Phụ nữ mới sinh cũng bị thiếu nhiều chất nên rụng tóc rất nhiều, tóc xơ xác và gãy rụng nhiều, để tóc dài lại càng khó chăm sóc vì quỹ thời gian hẹp. Vì vậy tóc ngắn là ly tưởng nhất. Nuôi tóc đủ 6 tháng đến lúc đi làm thì muốn tạo kiểu gì thì tạo kiểu, cứ phải tiện trong chăm sóc con đã :))

5. Nhà có trẻ nhỏ không có nghĩa là phải bừa bãi

Thật vậy! Khi mới đẻ bạn Xốp ra , khoảng 2 tháng đầu nhà cửa lúc nào cũng bừa bãi. Chậu lớn chậu nhỏ, khăn xô vắt từ đầu giường xuống cuối giường, quần áo bị bới tung lên chẳng theo một trật tự nào hết cả.

Đến khi bạn Xốp được 3 tháng trở ra, mình mới nghiệm ra rằng cứ bừa bãi như thế này không được! Vừa không tốt cho con, vừa khiến mẹ cảm thấy tù túng, bực dọc. Thế là mình mua đủ nào giỏ nhựa, khay nhựa... để đựng đồ.

Trước khi sinh bạn Xốp, mình chỉ sắm một cái tủ nhựa 5 tầng của Duy Tân để đồ; sau khi sinh mình mới thấy rằng tủ đấy chỉ dùng để đựng đồ "sơ-cua" hoặc các đồ dùng chưa cần dùng đến thôi.

Nhất thiết phải mua cái làn để ở đầu giường để đựng khăn xô, tã lót, quần áo mặc hằng ngày...
Các dụng cụ vệ sinh mũi hằng ngày của bạn Xốp (gạc rơ lưỡi, bình xịt mũi, nước muối, kem hăm v.v..) mình để vào trong một chiêc giỏ nhựa nhỏ hình chữ nhật, đặt ở đầu giường. Tiện với tay lấy khi có điều kiện.
Mỗi bé cũng cần có một tủ thuốc riêng của mình. Mình mua loại tủ nhựa loại 4 ngăn giống tủ ở giữa. Thuốc mình phân loại theo công năng và để vào từng ngăn tương ứng. Lần lượt từ trên xuống dưới là: thuốc dùng khi sốt (eferagal, oresol, cặp nhiệt độ)/thuốc tiêu hóa (men tiêu hóa, thuốc thụt)/vệ sinh răng miệng (gạc rơ lưỡi và nước muối 0,9% "sơ-cua")/các loại thuốc khác.

6. Đảm bảo 6 tháng đầu con được bú hoàn toàn sữa mẹ

Cái này thì không phải nói nữa đúng không nhỉ? Quá quan trọng luôn. Mình không dám nói là mình nhiều sữa, nhưng cũng cố duy trì cho bạn Xốp bú đến khi 1,5 tuổi. Ở khu nhà mình có chị không cho con bú vì lúc bầu lên nhiều cân quá, để con ăn sữa ngoài và mẹ thì uống nước gì ý để tiêu mỡ và tiêu sữa. Kết quả bạn đấy rất hay bị ốm, mà toàn ốm rất nặng. Vậy nên sữa mẹ dù ít dù nhiều cũng vẫn nên cho con bú.

Mình chỉ hối hận mãi là không chịu tham khảo nhiều tài liệu của Hội Betibuti để có kinh nghiệm tạo ra nhiều sữa cho con. Đến bé thứ hai chắc chắn sẽ đầu tư nghiên cứu nghiêm chỉnh khoản này. Cố hết sức thì thôi.

Bạn nào mà như mình bé đầu sữa về chậm và ít sữa thì bé sau đầu tư mua quả máy hút sữa Medela loại hút hai bên cùng lúc. Mình đã thấy rất nhiều mẹ dùng cái này và kích sữa về cực nhanh!

7. Đừng ám ảnh cân nặng và lấy mấy cô ca sĩ, người mẫu ra so sánh

Mình thấy nhiều mẹ đẻ con xong cứ toàn than trời than đất là lên cân nhiều, rồi cho con bú phải ăn nhiều mãi không "về form". Nói thật nhé, các bạn kêu thế chẳng có tác dụng gì hết cả. Cứ chăm con vui vẻ, thoải mái tinh thần là được. Con khỏe, mẹ vui. Sau 6 tháng đi làm lại cố sắp xếp thời gian đi tập tành ở phòng gym, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ khoa học là sẽ "về form" ngay!

Mình đẻ bạn Xốp phải được 1,5 tuổi mới gọi là sút cân gần về với thời con gái. Nhưng mình chẳng áp dụng chế độ ăn kiêng ăn khem gì cả. Thậm chí sút nhiều cân quá mình còn lo lắng đi tập gym để lấy lại 1-2kg bị mất. Có sức khỏe thì mới chăm con tốt được, đừng vì mấy con số trên bàn cân mà nhịn ăn nhịn uống, khổ cả mẹ cả con!

(Ảnh trái) Sau khi sinh được 1 năm, cân nặng của mình vẫn là 58kg, hầu như không giảm mấy vì vẫn nuôi con bú
(Ảnh phải) Sau khi sinh được 2 năm, cân nặng giảm xuống còn 50kg và HOÀN TOÀN TỰ GIẢM kể từ sau khi cai sữa cho con, không hề áp dụng phương pháp ăn kiêng hay thuốc men, tập luyện gì cả (sau khi giảm mình mới đi tập)

8. Trẻ con ốm, quấy khóc, lười ăn, nhẹ cân hơn các bạn - CHUYỆN BÌNH THƯỜNG!

Nói đến vấn đề con hay quấy đêm, hay bị ốm, lười ăn và nhẹ cân hơn chúng bạn thì mình là một minh chứng sống cho mọi người đây.

Bạn Xốp trong 3 tháng đầu thường xuyên quấy đêm. Mỗi đêm trung bình 2-3 lần mình phải dậy cho bạn bú và dỗ bạn ngủ. Kết quả là đến sáng ra nhiều hôm mệt quá còn không buồn dậy đưa con xuống sân tắm nắng :(

Qua 6 tháng đầu tiên, đến khi ăn dặm thì bạn Xốp nhất quyết không hợp tác. Nhiều lần ăn mất đến cả tiếng đồng hồ. Sữa không chịu ăn bình phải đổ ra thìa đút vào mồm, mà dây bên nọ bên kia tèm lem. Rồi bạn ốm. Ôi thôi cái ốm của bạn thì dai dẳng mấy tháng liền, ra ra vào vào phòng khám bác sĩ rồi nằm bệnh viện như đi chợ. Kết quả là khi hết ốm thì bạn sút cân, mặt trông như con mèo hen, người thì bé tẹo tèo teo. Mà sức cũng không có nên cũng chẳng mặn mà ăn uống, lười vẫn cứ hoàn lười.

Rồi bắt đầu có trò "bị so sánh". Bạn ở tầng trên kém 1 tháng hơn con mình đến 2kg. Bạn tầng dưới cách nhau mấy ngày mà đã biết lò dò đi trong khi con mình bò còn chưa thành thạo. Bạn nhà dưới sân mỗi bữa ăn 1 bát tô cháo, con mình mãi mà chẳng xong 1 bát cháo bé bằng bát nước chấm. 

Rồi thì áp dụng thực đơn "tiêu chuẩn", ăn dặm kiểu Nhật - kiểu Âu - kiểu Tàu - kiểu Ả Rập... Thôi thì đủ cả mà con nhẹ cân vẫn hoàn nhẹ cân, "còi" vẫn hoàn "còi".

Nhưng vấn đề có phải thế không? KHÔNG! Thực tế cân nặng của trẻ ở VN đang bị quan trọng hóa vấn đề quá nhiều so với sự phát triển tri thức và trí tuệ. Bạn còn lăn tăn, bạn còn cảm thấy áp lực vì cân nặng của con thay vì sự phát triển về nhận thức và trí tuệ của con, thì bạn còn mệt mỏi và làm chính con cũng mệt mỏi. 

Nuôi con mỗi người mỗi khác, trẻ nhỏ mỗi đứa một tính, đừng có áp đặt con mình cũng phải như con người ta. Và ngược lại. Bạn nào còn lăn tăn, đọc bài này lấy thêm khí thế nhé! Mình chỉ muốn nói với các bạn như thế này: muốn biết đứa trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, không phụ thuộc vào chiều cao và cân nặng mà còn phụ thuộc vào 7 tiêu chí khác nữa cơ!

9. Khám phá thế giới là QUYỀN của con. Đừng bao bọc con quá!

Một trong những điểm mà mình thấy không nên nghe theo các cụ, đó là "bao bọc" con quá kĩ. Với các bé sinh vào mùa Thu Đông thì có lẽ sự bao bọc là đúng vì thời tiết lúc đấy tương đối khắc nghiệt. Nhưng với các bé sinh vào mùa Xuân Hạ như bạn Xốp  thì việc cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài từ sớm (tắm nắng hàng ngày khoảng 30 phút), thậm chí cho đi du lịch, đi biển, đi đó đây bằng xe máy v.v.. giúp cho các bé thích nghi nhanh hơn với môi trường, ít ốm đau bệnh tật khi thay đổi thời tiết, sức đề kháng vì thế cũng tăng lên.

Thêm nữa, mình cực kì khuyến khích và tạo điều kiện để con có cơ hội giao lưu với các bạn. Bạn lớn bạn nhỏ, bạn đồng trang lứa thì lại càng tốt. Lý do là nhà mình ở chung cư, suốt ngày con quanh quẩn 4 bức tường với người giúp việc, mình rất sợ con bị nhát và nhiều hội chứng khác mà trẻ nhỏ ở chung cư và ở VN hay bị do quá "bao bọc". Vì vậy mình thường xuyên cho con đi chơi, đi gặp gỡ giao lưu với con cái của bạn bè, hoặc đơn giản là xuống sân chơi với các bạn cùng tòa nhà. Sự dạn dĩ và hòa đồng là điều tiên quyết để quyết định việc con dễ hòa nhập với cuộc sống sau này.

10. Cho con một nơi được gọi là "Tổ ấm" và "Gia đình"

Chắc không phải nói nhiều về điều này nữa nhỉ? Gia đình hạnh phúc luôn là điều quan trọng đối với một đứa trẻ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đủ cha mẹ, cuộc sống hòa thuận hạnh phúc giúp trẻ được phát triển toàn diện, đặc biệt về mặt tinh thần. Đống thời không khiến trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm vì cuộc sống của mình.


Mình thấy hiện nay xu hướng "single mom" xuất hiện rất nhiều, nhưng không phải ai trong số đó cũng hiểu hết ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng của làm mẹ đơn thân. Phần nhiều mình thấy chủ yếu là theo trào lưu, hoặc do các cô gái lập gia đình vội vã khi tuổi đời còn quá trẻ khiến cuộc sống hôn nhân thiếu hòa hợp, nhiều mâu thuẫn v.v..

Mình vẫn đang và luôn luôn cố gắng giúp con có một mái ấm gia đình thực sự đủ cả cha cả mẹ.

Chỉ khi bản thân người làm mẹ thấy rằng, vai trò của người cha trong gia đình không hề quan trọng với đứa bé (ví dụ cha rượu chè cờ bạc, quan hệ ngoài luồng lăng nhăng, và đặc biệt là bạo hành), thì tốt nhất nên chấm dứt và sống cuộc sống "single mom" để đảm bảo tâm hồn con trẻ không bị vẩn đục!

Một vài chia sẻ với các mẹ.

Thân,