Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 26: The Early Education - Where to begin?!?

Mình rất lấy làm tiếc vì đã không chịu tìm hiểu sâu về Giáo dục sớm ở trẻ để áp dụng cho bạn Xốp sớm hơn. Hay chính xác hơn thì, khi bạn Xốp được khoảng 1 tháng tuổi, mình đã có nghe qua về phương pháp Glenn Doman nhưng bản thân không chịu dành thời gian đầu tư công sức tìm hiểu và áp dụng cho bạn nên thành ra lại chậm trễ. Mà nói thật thì, trẻ 1 tháng tuổi với nhu cầu ban ngày ăn - ngủ - ị - đái - khóc quấy - nằm chơi... một ngày cũng khiến mình không khỏi mệt mỏi rồi :( Nghĩ lại thấy thật khâm phục các bà mẹ có thể áp dụng "phương pháp 0 tuổi" cho bé từ rất sớm trong khi cơ thể của người mẹ còn chưa hồi phục hẳn :)

Mình nghĩ rằng nhiều bà mẹ đã có con qua giai đoạn 0 tuổi và bắt đầu bước vào tuổi lên 1, lên 2 nếu sau khi đọc được các tài liệu và bài viết về giáo dục sớm ở trẻ thì sẽ cảm thấy rất tiếc nuối vì đã để lỡ một quỹ thời gian cực kì quý báu trong 12 tháng đầu đời để phát triển tiềm năng của trẻ. Mình cũng đã từng có suy nghĩ đấy như các bạn.


Nhưng, việc học hỏi và phát triển tư duy của trẻ có "giai đoạn vàng" là từ 0-3 tuổi, còn từ giai đoạn 3 tuổi trở lên mình nghĩ nên gọi là "giai đoạn kim cương" :)) Bởi lẽ những bé 3 tuổi trở lên thì khả năng bé được bố mẹ cho phép tiếp xúc với những điều mới mẻ, những kĩ năng sống, những môi trường sống khác nhau... để trau dồi kiến thức là nhiều hơn, các bé ở độ tuổi này cũng có sức đề kháng tăng lên đáng kể và nhận thức cũng đã hoàn thiện hơn (nóng/lạnh, lạ/quen)... do đó không có lý do gì những bà mẹ "chậm trễ" và đi sau thời đại như chúng ta lại không bắt tay vào "giáo dục sớm" cho bé với những phương pháp phù hợp với giai đoạn này hết cả. Nói như vậy để các mẹ có thể an tâm rằng: đừng nghĩ rằng bỏ đi 1-2 năm đầu đời của con thì có nghĩa là sẽ chẳng thể áp dụng được điều gì trong "giáo dục sớm", mà hãy chịu khó đọc tài liệu và tìm một phương pháp phù hợp với chính sở thích và tính cách của bé để giúp bé phát triển toàn diện ;)

Với việc giải tỏa được tâm lý và áp lực, mình cảm thấy rất hào hứng bắt tay vào việc dạy bạn Xốp những điều mới mẻ khi bạn bắt đầu tròn 1 tuổi :) 

Như mình đã nói ở bài viết giới thiệu về Giáo dục sớm trong BAM Series số 23, các bạn có thể tham khảo lại tại đây, thì khoảng thời gian trong 1 năm đầu nuôi con nhỏ, mình vẫn có quan niệm rất cổ hủ là "trời sinh voi trời sinh cỏ" - và mọi thứ cứ để trẻ phát triển một cách tự nhiên. Đến khi bạn Xốp được 1 tuổi, mình mới "sực tỉnh" khi nhận thấy khả năng bắt chước và ghi nhớ rất tốt của con. Bạn cũng có thể để ý đến bé nhà bạn và nhận thấy được những "tiềm năng" như thế.

I. CHA MẸ QUAN SÁT VÀ NHẬN THẤY...

1. Khả năng bắt chước 

Đó là việc bé rất thích bắt chước người lớn làm một việc gì đấy giống với bố mẹ, hoặc chỉ cần hướng dẫn một lần là bạn đã biết làm và làm rất tốt.

Như bạn Xốp là thích cất giày dép mỗi khi bố mẹ đi về, thích tập cầm thìa xúc như người lớn, thích được cầm điều khiển tự bật tivi, thích được sai đi làm việc vặt kiểu đưa cái này, cái kia hoặc cất cái gì đấy lên đâu...

Qua những tài liệu về giáo dục ở trẻ nhỏ mà mình đã được đọc, thì đây là một sự phát triển được cho là bình thường ở tất cả mọi trẻ khi chúng đã bắt đầu đến tuổi khám phá, thích thú học hỏi và tìm tòi. Vấn đề ở chỗ là, cha mẹ Việt Nam thường hay có quan niệm rằng "trẻ con bé, không nên để cho trẻ làm, tốn thời gian/nguy hiểm" - ví dụ như cầm một chiếc cốc thủy tinh mang đi cất hộ mẹ, hoặc tự cầm thìa xúc ăn. Thậm chí nếu trẻ hứng thú với những việc làm đó thì cha mẹ lại cho rằng đó là một đứa trẻ nghịch ngợm.

Điều cha mẹ cần làm khi thấy trẻ có biểu hiện như vậy rất đơn giản với 3 bước: hướng dẫn - khuyến khích - giám sát. Hướng dẫn để trẻ biết làm cho đúng, khuyến khích để trẻ làm và khen ngợi khi trẻ làm đúng, giám sát để tránh những sai sót không mong muốn trong quá trình đó và uốn nắn trẻ cho kịp thời.

Trong đó, việc hướng dẫn lại liên quan đến một đặc điểm thứ hai mà trẻ thường biểu hiện đó là khả năng ghi nhớ.

2. Khả năng ghi nhớ

Ở tuổi lên 1, bạn Xốp thể hiện rât rõ khả năng ghi nhớ tốt của mình. Bằng chứng là bạn biết vị trí của đồ đạc trong nhà để ở đâu hoặc vứt bừa bãi ở chỗ nào là sai và mang cất vào chỗ nào mới là đúng. 

Ví dụ hai mẹ con chơi đồ hàng, không tìm thấy một thứ gì đấy mình bèn hỏi vu vơ "ơ cái a đâu rồi em nhỉ?" thì bạn Xốp nhìn ngó một hồi rồi như sực nhớ ra, đứng phắt dậy chạy đi tìm, có khi chạy đi tìm thấy, có khi không tìm thấy nhưng chỉ đúng chỗ mà vật đấy thường xuyên được cất.

II. CHA MẸ TỰ RÈN LUYỆN, LÀM GƯƠNG VÀ "CỨNG RẮN"

Ơn Trời, ngày hôm nay khi ngồi type cái entry này, và rất nhiều ngày trước đó khi phát hiện ra những khả năng "tiềm ẩn" của bạn Xốp, mình không khỏi cám ơn bản thân vì đã áp dụng khá tốt hai cách giáo dục Phương Tây mà mình đã đọc được ở rất nhiều tài liệu khác nhau.

1. Nhà cửa sắp xếp gọn gàng - Mọi vật luôn có chỗ của nó

Nếu mọi người theo dõi blog mình đã lâu thì hẳn biết rằng mình rất thích, rất thích, sắp xếp nhà cửa gọn gàng. Khi bạn Xốp lớn hơn một chút (khoảng 3 tháng trở ra) và bắt đầu biết chơi đồ chơi, bắt đầu được mọi người trong gia đình và bạn bè của bố mẹ mua tặng đồ chơi - thì mình cũng ý thức được một điều đơn giản rằng: mình phải mua sẵn rất nhiều đồ để sắp xếp nhà cửa cho gọn gàng.

Khi bạn Xốp đươc khoảng ngoài 8 tháng, chập chững biết đi và cầm nắm đồ vật đã tốt hơn, mình "rèn" bạn Xốp chơi xong phải tự cất đồ chơi vào đúng vị trí. Thật ra nói là bạn ngăn nắp, gọn gàng thì cũng chẳng phải là đúng đâu, nhiều khi bảo bạn cất 10 món thì khéo bạn chỉ cất được 1-2 món đã là may, còn 8 món còn lại toàn mẹ cất. Nhưng mình nghiệm ra trẻ con rất thích làm việc gì đấy khi có sự khuyến khích, động viên và hướng dẫn của người lớn (khả năng bắt chước) chính vì vậy mình thường xuyên khuyến khích bạn làm, và thường xuyên làm cũng bạn. 

Thường xuyên tự dọn đồ chơi, bạn Xốp sẽ dần phát triển khả năng ghi nhớ vị trí của đồ đạc trong nhà. Hay chính xác hơn thì tự bạn sẽ hiểu rằng ở khu vực nào trong nhà là nơi mà bạn có thể được chơi và có đồ chơi xung quanh. Cách này vừa giúp mẹ thảnh thơi trong việc trông bé, tránh cho bé không chạy vào những khu vực nguy hiểm, vừa giúp bé có tính ngăn nắp gọn gàng - một đức tính rất tốt sẽ theo bé đi suốt cuộc đời.

2. Rèn tính tự lập

Mình là một bà mẹ thuộc thế hệ trẻ, vì vậy cách dạy con của mình có lẽ cũng giống như nhiều bà mẹ trẻ hiện nay: đó là thích rèn con tính tự lập. Tự lập ở đây không phải là rèn theo kiểu phát xít bắt làm mọi thứ, mà trong khả năng có thể mình để cho bé tự làm, tự nghiên cứu và nếu bé không làm được thì sẽ từ tốn chỉ bảo để bé hiểu. 

Có rất nhiều cách để rèn tính tự lập cho con: khuyến khích con giúp bố mẹ việc nhà, trong đó có cả việc sắp xếp gọn gàng ngăn nắp như mình đã nhắc ở trên; khuyến khích con tập cầm thìa xúc ăn; khuyến khích con tự ngồi bô và ra dấu hiệu khi có nhu cầu đi vệ sinh; khuyến khích con tự đứng dậy trước khi ngã... Nói chung là khuyến khích, khuyến khích, và khuyến khích. Trong khả năng của bé chưa thể làm được một việc gì đấy thì giúp đỡ, và nếu bé có thể làm được những chưa làm tốt thì hướng dẫn

Đặc biệt trong việc rèn cho bé tính tự lập cha mẹ phải rất kiên trì và nghiêm khắc một chút. Nếu không muốn nói là "nhẫn tâm" theo quan niệm của ông bà nội ngoại.

Vậy thôi! Nói chung quanh đi quẩn lại là một vòng tròn, mà nhiều khi người làm cha làm mẹ chúng ta vô tình vẫn thường xuyên giáo dục trẻ hằng ngày nhưng lại cho rằng những điều đó là không phải giáo dục. Hoặc, chúng ta bỏ qua việc rèn cho trẻ những thói quen tốt mà tập trung nhồi nhét vào đầu trẻ những kiến thức cao siêu.

Mình thấy, trong giáo dục, có một câu nói rất nổi tiếng mà bản thân người làm cha làm mẹ nên áp dụng trong việc giáo dục con, đó là "Tiên học Lễ, Hậu học Văn" - trước tiên hãy học lễ nghi, phép tắc, rèn tính cách đã - sau đó thì mới chú trọng vào rèn luyện những kiến thức chuyên sâu. Một đứa trẻ không tự giác và tự lập thì cha mẹ sẽ suốt ngày bám đuôi theo con để nhắc con học hành, một đứa trẻ không ngăn nắp gọn gàng thì việc học cũng sẽ chểnh mảng và bừa bãi, một đứa trẻ không được cha mẹ chú trọng uốn nắn và dạy bảo những kĩ năng mà chúng muốn học thì dần dà chúng cũng đâm chán và ỉ lại vào bố mẹ... Cứ như vậy, vòng luẩn quẩn về "giáo dục sớm" mà cha mẹ muốn áp dụng sẽ mãi mà không thành hiện thực và chính lúc này mới là lúc mà chúng ta gọi là "bỏ lỡ giai đoạn vàng".

Lòng vòng một hồi, cuối cùng mình cũng hy vọng đã chuyển tải được nội dung chính của entry này với những bạn đang quan tâm và muốn bắt đầu "giáo dục sớm" cho con cái. 

Bạn phải bắt đầu từ đâu? Và phải bắt đầu như thế nào? Câu trả lời của mình là hãy bắt đầu từ chính cách làm cha làm mẹ trong việc dạy con những bài học kĩ năng đầu tiên. Trẻ được rèn dũa từ sớm những kĩ năng tốt, sẽ có khả năng học tập và tiếp thu tốt. Đó là điều mình tin tưởng. Và đó cũng là điều mà mình nghĩ cac nhà chuyên gia về "giáo dục sớm" cho trẻ muốn chuyển tải.


Entry hôm nay ngắn có vậy thôi ạ! Chủ yếu là tâm sự và đúc rút kinh nghiệm với các mẹ từ chính trải nghiệm bản thân của mình trong việc dạy bạn Xốp mà hiện tại mình thấy hỗ trợ rất tốt trong việc áp dụng các phương pháp "giáo dục sớm".

Thân,