Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 24: The Early Education - Những quyển sách mẹ nên đọc (I)

Từ khi có con, mình đâm thích tìm đọc các quyển sách về nuôi dạy và chăm sóc trẻ nhỏ. Đọc rồi mới thấy, đúng là có nhiều điều phải vỡ vạc và học hỏi trong vai trò người mẹ. Và càng quan trọng hơn khi bạn Xốp là con đầu - tức là tất cả những bài học mẹ đúc rút ra và áp dụng cho bạn giống như một bài "test", và hẳn là mình không muốn bạn Xốp trở thành một "con chuột bạch" với đủ loại hình thức giáo dục trên trời dưới biển và không mang lại kết quả gì.

Trong một thị trường sách giáo dục trẻ nhỏ rộng lớn và có quá nhiều đầu sách như thế này, thật khó để có thể nói đâu là quyến sách tốt nhất, đâu là quyển sách dở nhất, đâu nên là quyển sách gối đầu giường không thể thiếu của những người mẹ. Trong khuôn khổ hạn hẹp của BAM Series, mình sẽ cố gắng review một số những quyển sách mình đã đọc qua và thấy thật sự tâm đắc với những bài học, phương pháp giáo dục mà quyển sách đề cập. Hy vọng sẽ giúp được các bạn trong hành trình làm mẹ và nuôi dạy con cái nên người.

Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản - Akehashi Daiji




Đây là quyển sách đầu tiên mình mua với vai trò làm mẹ đầy bỡ ngỡ. Và là quyển sách "gối đầu giường" của mình cho đến tận bây giờ. Mình đã đọc đi đọc lại ít nhất 3 lần quyển sách này, và chưa bao giờ thấy những kiến thức trong này là hoang phí.

Nếu bạn lần đầu làm mẹ - với nhiều những lo lắng, trăn trở, suy nghĩ làm thế nào để nuôi con thật tốt, làm thế nào để dạy trẻ thành một đứa bé ngoan mà không phải mắng nhiếc roi vọt, làm thế nào để giảm bớt áp lực làm mẹ trên đôi vai mình... Thì đây là một cuôn sách mẹ nên đọc.

Cuốn sách với những hình ảnh rất dễ thương, gần gũi, trong sáng - tập trung vào việc giúp cha mẹ nắm bắt được tâm lý của trẻ nhỏ khi nuôi dạy chúng và giúp cha mẹ giảm bớt những gánh nặng áp lực mà họ tự dặt lên trên vài mình.

Trong cuốn sách này, có ba điểm mà mình thấy rất hữu ích - đúc rút ra sau khi đọc:

Một là, những trẻ có tính cách ngỗ ngược, thường hay tỏ vẻ phản ứng trước những lời dạy bảo của cha mẹ - thật ra lại là những đứa trẻ có tâm hồn dễ bị tổn thương sâu sắc nhất. 

Chẳng cần lấy đâu xa, đúng y như mình hồi còn bé vậy: lên lớp hai mẹ mình có em bé, mỗi khi mình chơi với em bé thường hay trêu chọc em cho em phát khóc đi thì thôi. Thật ra thì mình không ghét bỏ hay muốn trêu tức bố mẹ đâu, chỉ là mỗi khi nhìn thấy em khóc lóc mình lại thấy hay hay (trẻ con mà, có nhiều cái không thể lý giải được tại sao) - nhưng điều đó lại làm cho mẹ mình rất bực bội. Mẹ thường mắng mỏ mình, bênh em bé và kêu mình không được đánh em nữa. Cũng có khi, mẹ tét vào mông mình vài phát. Những lần như vậy mình đều có ấn tượng là "bố mẹ chỉ yêu em bé, không yêu mình" - mình cảm thấy tủi thân, lâu dần mình dần ít khi tiếp xúc, thể hiện tình cảm với bố mẹ hơn, chủ yếu quấn ông bà nội và chơi với các bạn trong xóm. Mà thực ra thì, bố mẹ nào chẳng yêu con cái như nhau, có chăng chỉ là vì em bé còn bé quá nên bố mẹ dành nhiều sự quan tâm cho em hơn thôi. Nhưng với trí óc của một đứa mới 7 tuổi, thì những suy nghĩ "người lớn" như thế chưa thể hình thành được, mà chỉ đơn giản là cảm nhận "yêu-ghét" mà thôi.

May mắn là, ông bà nội mình còn khỏe mạnh và bạn bè trong xóm cũng như bạn học cùng là những người bạn tốt, có lối sống lành mạnh - nếu gặp phải những người bạn xấu sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến mình và cũng khiến cho cuộc sống của mình dễ sa ngã.

Do đó, người làm cha làm mẹ - khi thấy trẻ nhỏ có tính cách hay phản kháng lại lời dạy của người lớn, tỏ vẻ lạnh lùng và xa cách với cha mẹ hoặc bất cần trong nhiều hoạt động của cuộc sống... đừng nên vội quy chụp đó là một đứa trẻ hư. Bởi thẳm sâu trong tâm hồn, đứa trẻ vẫn muốn được cha mẹ yêu thương, nâng niu và bao bọc.

Thứ hai nữa đó là việc không ngừng động viên, khen ngợi trẻ khi trẻ làm đúng và khiển trách trẻ khi trẻ làm sai nhưng theo cách thức nhẹ nhàng và không quá nghiêm khắc. Mình áp dụng vào đúng bạn Xốp cách này và thấy rất hiệu quả. 

Ví dụ như bạn Xốp rất quấn mẹ, mỗi khi thấy mẹ đang nhặt rau, gấp quần áo hay phơi quần áo... bạn đều tò mò đến bên để sờ sẫm và ngắm nghía rồi nghịch ngợm. 

Trong chúng ta, mấy ai có thể gấp quần áo ngăn nắp gọn gàng khi mới 1,5 tuổi? Và với đôi bàn tay bé tí thì mấy ai có thể nhấc quần áo lên phụ mẹ phơi đồ mà không làm rơi 1,2 cái? Tuy vậy, mình vẫn muốn bạn Xốp tập làm và khuyến khích bạn phụ giúp làm việc nhà. Vì thế những lần như vậy mình chỉ nói đơn giản "em làm với mẹ cái này nhé", "em đưa cho mẹ cái kia nhé"... bạn rất háo hức làm, mỗi khi bạn đưa cho mình một món đồ nào đó hoặc bạn gấp được cho mẹ một cái áo (mà hẳn là gấp chả ra sao), mình vẫn nói "ôi em giỏi quá, em làm tốt quá, mẹ cám ơn em..."... đại loại như vậy. Mình thấy mỗi lần nhận lời khen như vậy, bạn cố gắng làm nhiều hơn, háo hức làm hơn, làm tập trung hơn, và mỗi lần làm xong bạn đều mong mẹ khen bạn một câu để có động lực hơn.

Mình cũng dặn mọi người trong nhà, từ cụ đến ông bà, bố, bác giúp việc... mỗi khi nhờ bạn lấy đồ, hoặc bạn nhặt đồ lên đi cất thì khen bạn một câu: "giỏi quá, ngoan quá" Chỉ một câu khen đơn giản, bạn rất thích thú và tích cực làm cho những lần sau. Nếu thói quen này được duy trì tốt, hy vọng sau này lớn lên bạn sẽ tích cực biết phụ giúp mẹ làm việc nhà chứ không lười nhác hay mải chơi :)

Tương tự như vậy, khi bạn lớn, chắc chắn mình sẽ áp dụng cách khiển trách như sau: khen ngợi - nêu lên khuyết điểm - nhắc nhở nhẹ nhàng rút kinh nghiệm lần sau. Thường thì phụ huynh chúng ta hay mắc sai lầm trong việc khiển trách con này nhất, tức là con làm cái gì sai ngay lập tức mắng con và kêu con không được làm như vậy với lời lẽ rất gay gắt. BS Akehashi đã nêu ra phương pháp khiển trách trẻ ở mức độ nhẹ nhàng hơn: nêu lên những ưu điểm của trẻ ở thời gian gần nhất (ví dụ hôm qua con giúp mẹ dọn bát, con ngoan lắm) sau đó mới đề cập đến khuyết điểm của trẻ (nhưng mà lúc nãy con đánh em, như thế là không được đâu, em còn bé mà) và cuối cùng là đúc rút lại lời dạy bảo những vẫn có sự động viên (con làm anh thì vừa phải gương mãu vừa phải thương yêu em nhé). Cũng là một công dạy trẻ điều hay lẽ phải, nhưng so với việc mắng nhiếc và quát mắng trẻ ngay từ đầu, thì những lời dạy bảo từ tốn sẽ khiến tâm hồn trẻ không bị tổn thương mà vẫn ý thức được việc nào là sai và việc nào là đúng.

Thứ ba nữa đó là luôn lắng nghe tâm tư tình cảm của trẻ.

Mình thấy nhiều bà mẹ hiện nay hay thực hiện phương pháp rèn con tự ngủ rất nghiêm khắc, đặt trẻ nằm ở một phòng riêng rồi đóng cửa đi ra và mặc cho trẻ khóc đến 10-15 phút mới vào bế trẻ vỗ về. Rồi lại đặt và lại đi ra. Tiếp tục lặp lại quy trình đó đến khi nào trẻ ngủ thì thôi và mỗi hôm lại kéo dài thời gian để trẻ khóc rồi mới vào vỗ về hơn. Cá nhân mình thì không đồng tình với cách này.

Trẻ còn nhỏ, điều trẻ cần nhất là tình thương của mẹ. Hơi ấm, lời ru du dương của mẹ... là những thứ khiến trẻ cảm thấy bình yên và an tâm. 

Mình nhớ, năm mình học lớp 7 cả nhà đi về quê nội ở Quảng Bình. Giao thông những năm đó chưa thật sự tốt, phương tiện tối ưu và giá thành phù hợp để cả nhà mình di chuyển là tàu hỏa. Nếu bạn chưa biết khái niệm "tàu chợ" là như thế nào thì bạn thật may mắn! Cả dãy tàu hỏa dài chỉ có 2 khoang nằm điều hòa, còn lại là ghế gỗ băng dài, cứng, và đông đúc người ngồi chen chúc chật chội. Gần như đêm đó mình không ngủ được vì tàu đi lại trên đường ray tạo nên âm thanh rất to, không khí xung quanh lại ngột ngạt khó thở, tiếng người xung quanh nói chuyện xì xầm không yên tĩnh. Sau khi cho em mình ngủ và giao lại cho bố, mẹ mình tiến đến gần chỗ mình ngồi và cho mình gối lên đùi để ngủ. Mình ngủ được 1 tiếng trên đùi mẹ, và đó là 1 tiếng cực kì quý giá: mình cảm thấy thực sự yên bình, không còn bị tiếng va đập đường ray xe lửa, tiếng người nói, mùi mồ hôi... làm ảnh hưởng nữa. 1 tiếng mà cảm tưởng như phải đến 4-5 tiếng nằm trên giường ngủ êm ái ở nhà. Chưa bao giờ mình thấy... đùi của mẹ lại quý giá đến thế!

Nói như vậy để mọi người hiểu rằng, việc đặt trẻ ở một nơi không có mẹ, chủ động tách mẹ ra khỏi bé khiến bé cảm thấy rất bất an, lo lắng, dần dần những tiếng khóc - được coi là công cụ duy nhất để bé giao tiếp với mẹ khi còn nhỏ - trở nên vô dụng. Từ đó trong sâu thẳm tâm hồn, trẻ cảm thấy mình không phải là người quan trọng, bị bỏ rơi, bị phớt lờ... dần dà hình thành tâm lý khiến trẻ trở nên lầm lì, ít nói (trong trường hợp trẻ sơ sinh sẽ là ít khóc và ít đòi bế ẵm - mà người lớn nhiều khi lại lầm tưởng như vậy mới là ngoan?!?)

Trong một số quyển sách mình đọc, có 2 quyển là Nuôi dạy con kiểu Nhật mà mình đang review và Chờ đến mẫu giáo thì quá muộn của tác giả Ibuka Maseru, cả hai tác giả đều khẳng định: bế ẵm, cưng nựng và vỗ về trẻ mỗi khi trẻ khóc, đặc biệt là khi bé còn trong giai đoạn sơ sinh, là cực kì quan trọng. Trẻ sẽ cảm thấy được nâng niu, được bố mẹ và người thân coi trọng. Từ việc cảm nhận được rằng mình là người quan trọng, trẻ sẽ cảm thấy tự tin về bản thân mình, sự tự tin vô hình chung giúp trẻ rất nhiều trong cuộc sống sau này cũng như trong các giai đoạn phát triển về cả trí tuệ và thể chất.

Có thể nhiều mẹ đọc đến đây không đồng tình với mình. Nhưng mình chỉ muốn hỏi các mẹ một câu hỏi ngược như thế này: chúng ta vẫn khen ngợi trẻ con Nhật Bản ngoan ngoan, lễ phép, sống gọn gàng ngăn nắp. Thực tế thì, cha mẹ ở Nhật Bản thông qua hai đầu sách mình đọc, đều được khuyến khích bế ẵm và yêu chiều trẻ khi còn bé. Do đó, không có cơ sở nào để nói rằng trẻ hư là do được bế ẵm nhiều. Không bế ẵm và để trẻ khóc một mình, là bạn đang tước đi một đặc quyền được yêu thương của bé.

Cha mẹ trong thời kì hiện đại rất bận rộn với công việc và các mỗi quan hệ xã hội, đến khi trở về nhà lại tất bật dọn dẹp cơm nước... dường như không có thời gian dành cho trẻ. Akehashi cho rằng, nhiều khi người lớn chúng ta phải biết tranh thủ nói chuyện với trẻ mọi nơi mọi lúc, lúc đang dọn nhà, lúc đang rửa bát, lúc ngồi ăn cơm... Lắng nghe trẻ mọi nơi mọi lúc, có thể nghe trẻ lảm nhảm không đầu không cuối nhưng người lớn vẫn ậm ừ "thế à, thế cơ à" với gương mặt biểu cảm, khiến trẻ trở nên hứng thú giao tiếp với bố mẹ. Như vậy, bố mẹ và con cái mới trở nên gần gũi với nhau hơn, bố mẹ mới nắm bắt được tâm lý của trẻ mà dễ dàng uốn nắn và điều chỉnh hơn.

Bạn Xốp đang ở tuổi tập nói. Và nhiều lúc bạn bi ba bi bô những từ chẳng ai hiểu được thành một tràng dài. Mình vẫn hay nói đùa rằng: "thế giới có 360 ngôn ngữ thì con nói ngôn ngữ thứ 361!". Nhưng mỗi lần bạn nói, mình đều gật gù "ừ ừ, sao con, thế cơ à, ừ ừ..." Mỗi lần như vậy, mình thấy bạn chăm nói hơn, chăm ê a với mẹ hơn, khi nào có điều gì cần nói bạn lại trọ trẹ gọi "mẹ ơi, mẹ.... mẹ ơi, mẹ..." - thật là dễ thương!

Vô hình chung, việc lắng nghe và trả lời lại các câu nói không đầu không cuối của bạn Xốp trong giai đoạn này, giúp bạn tập nói nhiều hơn và giúp bạn biết nói nhanh hơn :)

Bên cạnh những bài học rút ra cho bản thân từ cuốn sách, mình còn tìm được sự đồng cảm - an ủi - động viên từ tác giả. Akehashi dành hẳn một chương quan trọng để nói về vai trò của người mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con cái. Người mẹ là người bạn đồng hành, người bảo vệ, người che chở, người bạn... của trẻ. Làm mẹ đã khó, làm mẹ ở một đất nước Á Đông với nhiều truyền thống cổ hủ và nặng nề còn khó hơn.

Con bạn không bụ bẫm bằng con người ta, con bạn không học giỏi bằng con người ta, con bạn không nhanh nhẹn bằng con người ta... tất cả đều là những gánh nặng tâm lý đè nặng lên vai người mẹ. Dù người mẹ có cảm thấy thoải mái đến đâu, thì môi trường xung quanh với ông bà, người cha, những người cha người mẹ khác, hàng xóm láng giềng, họ hàng... cùng những lời nhận xét, bình phẩm, góp ý như xát muối... càng khiến người mẹ trở nên áp lực hơn.

Đọc chương cuối trong cuốn sách của Akedashi, mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Bởi, việc nuôi con và dạy dỗ nó là việc cả đời. Con có thể không bụ bẫm, nhưng không có nghĩa là suốt đời con sẽ chỉ còi cọc. Con có thể không học giỏi, nhưng không có nghĩa là con dốt. Con có thể không nhanh nhẹn, nhưng không có nghĩa là con chậm phát triển. Mỗi đứa trẻ đều là một mầm sống cần được nâng niu và vun xới hằng ngày, việc nuôi dạy con cái không chỉ trong ngày một ngày hai, nó là việc mà cha mẹ phải làm cả đời. Do đó, những hình thức so sánh, chê bai của mọi người xung quanh không nên làm người mẹ trở nên lung lay. Bản thân người mẹ phải là người hiểu tâm lý của con mình nhất: con muốn gì, con cần gì - để từ đó xoay chuyển và giáo dục, dạy dỗ con sao cho hợp lý.

Đặc biệt, cuốn sách rất bổ ích với cả những người bố - vốn là một hình mẫu cộc cằn, cứng rắn và ít biểu lộ tình cảm trong gia đình. Bố không chỉ là người trụ cột của gia đình, mà còn là người đồng hành vững chắc đứng cạnh mẹ trong những tháng ngày nuôi dạy con cái đầy gian truân và vất vả.

Đây là một cuốn sách hay. Câu chữ đơn giản, hình ảnh minh họa đáng yêu, ví dụ trực quan sinh động. Đáng đọc. Nên đọc. Không chỉ cho người làm mẹ, mà cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Chúc cho tất cả phụ nữ đều thành công trong vai trò làm mẹ!