Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 23: The Early Education - Easy or Hard?!?

Vào Google và gõ từ khóa "giáo dục sớm cho trẻ" - bạn sẽ nhận được 1.160.000 kết quả chỉ sau 0,36s. Trong số đó, có không ít các thông tin về lớp học, diễn đàn để cha mẹ trao đổi kinh nghiệm giáo dục sớm cho trẻ. Nhiều phương pháp được nêu ra, nhiều hình thức được áp dụng, nhiều kết quả thực tiễn mà các bậc cha mẹ nêu lên, nhiều những nỗi trăn trở muốn được mọi người hỗ trợ và giải đáp v.v..

Trước đây, mình không quá quan trọng việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Mình - cũng giống như rất nhiều các ông bố bà mẹ Việt Nam truyền thống khác, có tư duy rằng "trời sinh voi trời sinh cỏ", và việc để trẻ nhận thức được thế giới quan xung quanh cũng như tích lũy các kinh nghiệm sống cho bản thân của chúng cứ để thời gian từ từ thấm nhuần, không việc gì phải quá o ép và uốn nắn cũng như nhồi nhét ngay từ đầu, sau này đã có từng cấp học phù hợp với giai đoạn phát triển của con, quan trọng nhất là nuôi bé khỏe mạnh. 

Tuy nhiên, có vẻ như xu hướng đó đang trật với đường ray giáo dục của các bậc phụ huynh hiện đại ngày nay, hay nói chính xác hơn là xu hướng giáo dục kiểu mới hiện nay trên thế giới.

Tất cả bắt đầu bằng việc từ lúc bạn Xốp biết đi, rồi tập nói, tập những kĩ năng cơ bản như buồn đi ị đi đái thì phải biết gọi, muốn ăn gì thì phải nói măm măm, tập uống nước bằng ống hút và cốc... và được mẹ mua cho những quyển sách đầu tiên...Đó là lúc bạn được 12 tháng.

Ban đầu đơn giản, mình chỉ thấy con gái rất hứng thú với những hình ảnh trong trang sách. Sau đó, chỉ sau vài lần chỉ trỏ gọi tên - bạn Xốp đã có thể nhớ rất nhanh hình ảnh và đọc theo mẹ cũng như chỉ đúng đồ vật trong trang sách. Thậm chí có nhiều hình ảnh mình không dám chắc con gái đã biết, nhưng kì thực thì khi hỏi bé lại chỉ rất chính xác. Từ đó mình mới ngộ ra một điều: con gái nói riêng, và trẻ nhỏ nói chung, có khả năng học và nhớ rất tốt, vậy thì tại sao mình lại không tận dụng khoảng thời gian mà bé đang có khả năng tiếp thu cực tốt này để giáo dục, dạy cho bé biết nhiều hơn về thế giới quan xung quanh, giúp bé nhận biết con số, mặt chữ, các bài hát đồng dao... Tất cả đâu có thừa? Nó chính là những hành trang rất cần thiết để bé có thể lớn lên, vận dụng chúng vào trong cuộc sống và việc học tập sau này?!?


Từ những sự trải nghiệm và khám phá đó, mình đã tìm đọc rất nhiều các đầu sách khác nhau, của nhiều chuyên gia, nhà tâm lý, trong đó có không ít là những người cha người mẹ với những trải nghiệm của bản thân viết nên những cuốn sách đầy tâm huyết để truyền thụ cho các bậc cha mẹ ở thế hệ kế cận nhằm hỗ trợ cho họ giáo dục và phát huy hết tiềm năng của trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, có nhiều những sai lầm về việc hiểu đúng việc "giáo dục sớm cho trẻ" hiện nay. 

Ở trong khuôn khổ bài viết ngắn gọn để chia sẻ kinh nghiệm làm mẹ trên blog này, mình chỉ muốn nhấn mạnh với mọi người một điều: giáo dục sớm hoàn toàn không phải là sai, nó chỉ đơn giản là cách để chúng ta "kích thích" tư duy não bộ của trẻ phát triển hết khả năng của nó - cũng giống như việc bạn vun trồng một cái cây từ lúc mới đâm chồi, nếu bạn tưới tắm, chăm bẵm tốt, chắc chắn nó sẽ là một phát triển thành một cây to, tán cây rộng rợp bóng mát. Còn nếu bạn không chèo chống, chăm bón cẩn thận, thì mưa gió bào bùng hoàn toàn có thể quật ngã mầm non đó.

1. Nhiều ông bố bà mẹ có quan điểm rằng "giáo dục sớm ở trẻ" là nhồi nhét cho trẻ những kiến thức mà bé "chưa cần sử dụng đến" và là một sự uốn nắn không cần thiết. 

Theo mình thì điều này hoàn toàn là sai. Bởi, chúng ta định nghĩa thế nào là những kiến thức "chưa cần sử dụng đến"?!? Mọi kiến thức đều cần thiết và thiết thực cho sự phát triển của trẻ. Ví dụ như bạn dạy con nhận biết mặt số và chữ sớm, khi đi học hiển nhiên việc học của trẻ sẽ dễ dàng hơn học số và tiếng Việt hơn chúng bạn, từ đó việc trẻ tiếp nhận kiến thức sẽ trở nên dễ dàng hơn, vận dụng vào các bài làm toán và tập đọc dễ dàng hơn.

Ibuka Masaru, cha đẻ của tập đoàn Sony, trong cuốn sách "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" cho rằng: trẻ nhỏ, đặc biệt trong giai đoạn từ 0-3 tuổi có khả năng ghi nhớ kiến thức theo từng mảng. Do đó, lượng kiến thức trẻ thu thập được trong cùng một khoảng thời gian với người lớn là nhiều hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vì chúng chưa biết nói và chưa thể diễn đạt ý nghĩ rõ ràng thông qua câu nói, nên người lớn nhầm tưởng rằng trẻ nhỏ không biết gì. Thực tế thì, đây được coi là "giai đoạn vàng" để trẻ có thể thu nhận được kiến thức - giống như Ibuka so sánh với một chiếc máy tính: giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn trẻ hình thành những kiến thức cơ bản và hữu ích, giống như chiếc ổ cứng của máy tính. Từ 3 tuổi trở đi, với sự hỗ trợ và uốn nắn của nhà trường và phương pháp giáo dục, mà ở đây được so sánh như phần mềm của máy tính, sẽ kích thích và phát triển nguồn dữ liệu trong ổ cứng, đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phát huy được những kiến thức mà mình đã sẵn có để phục vụ cho việc học tập của mình sau này.

2. Có một quan điểm sai lầm trong cách "giáo dục sớm ở trẻ" đó là phương pháp áp dụng.  

Nhiều bậc cha mẹ quá tin tưởng vào những phương pháp giáo dục sớm được PR rất nhiều rằng sẽ giúp trẻ phát triển trí thông minh tột bậc mà chúng sẵn có. Từ đó họ "ốp" con của mình phải học theo cách nọ cách kia, thậm chí bỏ không ít tiền của cho con đi học ở những lớp giáo dục sớm với mức chi phí không hề rẻ và tin tưởng hoàn toàn tuyệt đối vào các thầy cô giáo ở đó. Cá nhân mình thấy rằng, dù phương pháp có nổi tiếng đến đâu và có những kết quả thực tiễn đã được chứng minh như thế nào thì vẫn cần phải hội tụ đủ hai yếu tố: người mẹ - và tính cách của trẻ.

Cá nhân mình thấy rằng, trong việc nuôi dưỡng và dưỡng dục con cái, vai trò của người mẹ là lớn hơn cả. Quan trọng hơn cả nhà trường, thầy cô giáo, thậm chí là người bố. Bởi, người mẹ, với sự nhạy cảm của phụ nữ, sự mềm mỏng bẩm sinh và khoảng thời gian tiếp xúc với trẻ nhiều hơn hẳn so với bất kì một cá thể nào khác (ngay từ khi thụ thai, đẻ bé ra cho ăn cho ngủ hàng ngày và tiếp sau này nữa) sẽ hiểu tính cách của trẻ, sở thích thói quen, nhận biết được những sự thay đổi của trẻ theo từng giai đoạn phát triển... để từ đó có thể áp dụng những phương pháp giáo dục, cách học tập phù hợp với khả năng của bé. Như trong cuốn sách "Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản", tác giả Akedashi Daiji có nhấn mạnh một chương vô cùng quan trọng về vai trò của người mẹ - người bạn, người đồng hành và là người dẫn đường tận tụy và tin cậy của trẻ nhỏ. Thực tế thì, trong mỗi cá nhân chúng ta, mấy ai khi bị đau hoặc trong tình cảnh nguy hiểm gọi tên ông bà, cô dì chú bác hoặc là bố?!? Gần như người đầu tiên chúng ta nhớ đến là MẸ, và trẻ nhỏ cũng như vậy.

Thứ nữa, đó là tính cách của trẻ. Có những phương pháp giáo dục thích hợp với những em bé cẩn thận, tỉ mẩn, ngoan ngoãn và điềm tĩnh. Nhưng áp dụng những phương pháp đó với các bé hiếu động, tinh nghịch, luôn chân luôn tay (như bạn Xốp) thì hẳn là sẽ thất bại bởi sự tập trung của bé vào những trò chơi đòi hỏi sự tỉ mỉ là vô ích. Giáo dục sớm ở trẻ không chỉ đơn thuần là dung nạp kiến thức vào trong bộ óc của bé từ sớm, mà quan trọng là dung nạp kiến thức đó như thế nào và phải làm theo cách nào.

Nhiều khi, các bậc cha mẹ cứ nhắc đến chữ "giáo dục" là lại nghĩ đến việc con cái mình ngồi vào bàn học, tay cầm quyển sách, tay cầm cái bút và mắt chăm chú đọc đi đọc lại hoặc nói theo người lớn như con vẹt. Không hoàn toàn như vậy, Tony Buzan trong bộ sách "Brain Child - Bộ não tí hon: Cái nôi của thiên tài" có một câu nói khiến mình rất tâm đắc: "là cha mẹ, nếu bạn không ngừng nuôi sức sáng tạo của mình thì con bạn cũng trở nên sáng tạo y như vậy." suy rộng ra rằng, bản thân mỗi người làm cha làm mẹ chúng ta phải hiểu trẻ nhỏ có tính cách như thế nào để tìm được phương pháp học tập phù hợp nhất với bé, giúp bé tiếp thu được những kiến thức cần phải có.

3. Một trong những sai lầm điển hình khi cha mẹ áp dụng phương pháp "giáo dục sớm" cho con trẻ đó là mong muốn con trở thành một Thiên tài. 

Từ tham vọng đó, người cha người mẹ vô tình đặt nặng trách nhiệm của mình và cả trách nhiệm học tập của con trẻ lên một mức độ quá cao. Tự gây áp lực cho bản thân mình, cho con trẻ, đồng thời tạo ra một con đường ngắn nhất dẫn đến sự chán ngán trong học tập và dung nạp kiến thức đối với các bé trong thời gian đầu. Hậu quả, hiển nhiên sẽ kéo theo rất lâu những năm tiếp theo đó.

Quan điểm của mình thì, trẻ nhỏ là những cá thể riêng biệt, mỗi bé đều có xuất phát điểm giống nhau - đó là một tờ giấy trắng - vai trò của người cha người mẹ trong những năm tháng đầu đời chỉ nên đơn giản là người hướng dẫn, dẫn đường để trẻ tự ý vẽ lên những điều bé muốn trong tờ giấy trắng đấy. Đừng nên đặt nặng lên vai trẻ việc bé phải biết cầm bút viết từ 1 đến 10 mới là giỏi, hoặc bé phải đọc thuộc lòng một bài đồng dao dài trên chục dòng mới là tốt. Giáo dục, uốn nắn bé, nhưng hãy để bé phát triển tự nhiên. Giúp bé dung nạp kiến thức nhưng đồng thời hãy nuôi dưỡng niềm say mê học hỏi của bé, có như vậy thì việc học và truyền thụ kiến thức cho bé mới có thể lâu dài và có kết quả.

*****************

Nói rằng "giáo dục sớm" nghe có vẻ cao siêu và quá nhiều lý thuyết phức tạp, nhưng thật ra nó lại rất đơn giản và có nhiều cách để giúp trẻ có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Ở những phần sau, mình sẽ review với các mẹ một số cách mình giáo dục và rèn luyện cho bạn Xốp, cũng như một số tài liệu tham khảo rất hữu ích mà mình đã đọc.


Mình cũng là một người mẹ, cũng như mọi người mẹ khác luôn muốn điều tốt nhất cho con. Nhưng kiến thức mình thu nạp được đều là những kinh nghiệm thực tiễn, có thể không cao siêu, có thể nó chưa có kết quả thực sự, thậm chí có thể nó không đi theo một phương pháp khoa học nổi tiếng nào hết cả. Nhưng nó là tâm huyết, là niềm vui của hai mẹ con, và cũng là những chia sẻ tâm sự rất thật của mình với những người đã, đang và sẽ làm mẹ. Mong được các mẹ ủng hộ trong các entry tới :)

Thân