Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 25: Chăm sóc răng miệng cho bé

Các cụ nhà ta vẫn dạy " răng với tóc là góc con người" - chúng ta hiểu rằng, việc chăm sóc răng miệng, tóc tai là rất quan trọng dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa.

Chăm sóc răng lợi cho trẻ từ khi còn bé cũng vậy. Nhiều người quan niệm rằng trẻ mới đẻ hoặc mọc răng sữa thì chưa cần phải chăm sóc răng miệng quá nhiều, bao giờ mọc răng vĩnh viễn thì mới phải đầu tư chăm sóc. Quan niệm đó rất sai lầm! Bởi chăm sóc răng miệng không chỉ đơn giản là chải răng mà còn giúp cho lợi của bé khỏe, lợi khỏe sau này quá trình mọc răng vĩnh viễn sẽ tốt hơn, răng mọc đều hơn, tránh được tình trạng viêm lợi - một trong những bệnh rất phổ biến của người VN. Do đó, chăm sóc răng miệng cho trẻ cần phải được làm càng sớm càng tốt và trong mỗi giai đoạn lại cần có các dụng cụ chăm sóc chuyên dụng phù hợp với từng giai đoạnp phát triển của trẻ.

Đầu tiên, mẹ phải năm rõ lịch mọc răng sữa của trẻ. Đi kèm với việc mọc răng thường có một số các biểu hiện sau: sốt nhẹ, đi ngoài (hay còn gọi là đi tướt - phân dạng lỏng và đi thành nhiều lần trong ngày, không có màu và mùi gì đặc biệt), biếng ăn, hay quấy khóc, chảy nhiều nước dãi, hay thích đưa tay hoặc bất kì đồ vật nào trong tầm với vào mồm để gặm... Với các bé bú mẹ thì sẽ là... "nghiến" ti mẹ :-SS. 

Lịch mọc răng sữa của trẻ - Nguồn: Webtretho

Những biểu hiện trên là rất bình thường, mẹ không phải quá lo lắng. Mỗi trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau trong giai đoạn mọc răng. Như bạn Xốp nhà mình thì sẽ là biếng ăn, thích nghiến ti mẹ hoặc gặm đồ đạc, nhưng trộm vía chưa bao giờ thấy bạn mọc răng mà bị sốt hay bị đi ngoài hết cả. Tuy nhiên cũng có một số bạn ở cùng tòa nhà chung cư thì bị sốt rất cao, mệt mỏi, đi ngoài nhiều lần... Nhìn chung, trẻ trong giai đoạn mọc răng đều hay mệt mỏi và quấy khóc. Quan trọng nhất là tạo cho bé môi trường nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái, dễ chịu để bé quên mọi mệt mỏi đi.

Bên cạnh đó, theo quan sát của mình thì những bé mọc răng muộn (tầm khoảng 8-9 tháng mới nhú răng) thì thường sẽ sốt và quấy hơn các bạn mọc răng sớm (khoảng 5,6 tháng đã mọc răng). Nguyên nhân là do lợi của các bé càng lớn thì sẽ càng "già", việc nứt lợi đo đó khó khăn hơn, đau hơn và khiến bé mệt mỏi nhiều hơn. 

Mình đã lân la đi hỏi nhiều bà mẹ và thấy rằng có một mẹo dân gian áp dụng rất tốt cho các bé để tránh việc mọc răng quá muộn và hay bị sốt đó là: vào ngày bé được 3 tháng 10 ngày (hết thời gian kiêng cữ theo dân gian) thì mẹ dùng 7 lá hẹ với bé trai và 9 lá hẹ với bé gái, rửa sạch, hấp cách thủy, giã nhỏ rồi lọc qua khăn xô lấy nước thấm một lượt quanh lợi trên lợi dưới của bé. Mình đã làm như vậy và trộm vía việc mọc răng của bạn Xốp rất nhẹ nhàng, thậm chí bạn còn mọc khá sớm so với chúng bạn (4 tháng đã bắt đầu nứt lợi và nhú lên chiếc răng đầu tiên).


Một sai lầm rất lớn mà các mẹ hiện nay thường hay sử dụng mà không biết rằng cực kì có hại cho sự phát triển răng lợi của bé đó là ti giả. Mình đã gặp rất nhiều bé, lên đến 3-4 tuổi vẫn còn ngậm ti giả, và đại đa số các bé này hàm răng rất xấu, răng yếu, xỉn màu. Nhiều tài liệu nước ngoài cũng chứng minh rằng việc sử dụng ti giả có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về răng và khả năng ngôn ngữ của bé sau này (1 trường hợp mình biết bé đến 3 tuổi vẫn dùng ti giả và nói ngọng, răng bị đen do hỏng men răng). Do đó nếu như có thể, các mẹ hãy ngưng dùng ti giả cho bé càng sớm càng tốt! 

Sau đây là kinh nghiệm chăm sóc răng lợi của mình cho bạn Xốp. Hiện bạn được 19,5 tháng và chỉ còn 4 cái răng hàm cuối nữa thôi, độ gần tuần nay bạn đang bị nứt lợi nên hơi khó ăn uống và mệt mỏi. Lộ trình mọc răng của bạn rất tốt và thuận lợi (trộm vía), theo đúng lịch mọc răng chung mà mình đã share với mọi người ở phía trên (thậm chí có phần sớm hơn các bạn đồng trang lứa 1-2 tháng). 

Từ kinh nghiệm bản thân, mình nhận thấy việc chăm sóc răng cho trẻ càng thực hiện sớm và cẩn thận ngày từ đầu, thì việc mọc răng của trẻ càng thuận lợi :)

1. Giai đoạn mới sinh đến khi được 6 tháng: chăm sóc răng bằng nước muối sinh lý + gạc rơ lưỡi

Mình nuôi bạn Xốp kết hợp sữa mẹ và sữa công thức nên việc bạn dễ dàng có tưa lưỡi là bình thường. Ngay từ khi bạn được 1 tuần tuổi, sức khỏe của mẹ đã hồi phục và vết mổ cũng không còn đau nữa (mình sinh mổ) - thì mình đã tập cho bạn theo một thời khóa biểu: đúng 7h thức dậy, đánh răng rửa mặt, lột bỉm vệ sinh cá nhân vùng kín, thay quần áo mới và ăn sáng. Trong đó, việc đánh lợi bằng gạc rơ lưỡi và nước muối sinh lý là bắt buộc ngày nào cũng phải có.  Trong nhà mình lúc nào cũng phải để dư 2-3 bịch nước muối sinh lý và gạc rơ lưỡi để dùng hàng ngày.


2. Giai đoạn từ 6 tháng đến 12 tháng: đánh răng bằng đầu bàn chải silicon

Đầu bàn chải silicon mình mua của hãng Basilic. Cách dùng loại đầu bàn chải này rất đơn giản: dùng ngón tay trỏ lồng vào đầu bàn chải rồi đánh nhẹ nhàng hàm trên, hàm dưới và lưỡi của bé. Có thể dùng với nước muối sinh lý, nếu nước máy nhà bạn sạch và có bộ lọc thì có thể dùng trực tiếp với nước máy cũng được. Đầu bàn chải rất mềm, nhỏ nên có thể dễ dàng luồn sâu vào trong miệng và họng mà không làm bé đau và khó chịu.

Cá nhân mình thì mình dùng trực tiếp dưới vòi nước máy. Bản thận bạn Xốp ngoài 6 tháng mình cũng không lách cách tráng nước sôi bình và núm vú trước khi pha sữa cho bạn nữa, chỉ cần dùng nước máy sạch là được. Lý do mình muốn làm như vậy để tăng cường sức đề kháng cho bạn, để bạn tiếp xúc dần với môi trường "ô nhiễm" và các loại vi khuẩn khác nhau... Việc tráng nước sôi diệt sạch hết vi khuẩn là tốt tuy nhiên cũng làm hạn chế việc cơ thể của các bé tự điều tiết để phù hợp với môi trường sống.


Đồng thời với việc sử dụng đầu bàn chải silicon, mình cũng mua cho bạn Xốp một loại bàn chải silicon nhưng là loại có tay cầm hoàn chỉnh. Điểm khác biệt duy nhất với các loại bàn chải thông thường đó là ở cổ bàn chải có một miếng đệm tránh cho việc bé thọc bàn chải quá sâu vào trong họng gây nguy hiểm.


Loại bàn chải này mình thấy để bé tự cầm và gặm, khám phá thì tiện lợi hơn là để mẹ dùng đánh răng cho bé.

3. Giai đoạn 12 tháng đến 18 tháng hoặc 24 tháng: đánh răng với bàn chải thiết kế như người lớn và kem đánh răng dành riêng cho trẻ nhỏ.

Ở giai đoạn này, các bé đã mọc gần như đủ hết tất cả răng - trong đó có cả răng hàm, thêm đó quá trình ăn dặm đã bắt đầu với cháo đặc hoặc cơm có thêm mắm muối, chính vì vậy việc chăm sóc răng cần phải chuyên sâu hơn.

Nên tập cho trẻ đánh răng 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và vào buổi tối trước khi đi ngủ. Ở giai đoạn này đã có thể dùng bàn chải thiết kế giống như người lớn với đầu bàn chải nhỏ và loại lông mềm mại, thêm vào đó nên tập cho bé đánh răng với kem đánh răng dành riêng cho trẻ. Các loại kem đánh răng này thường có vị ngọt, không cay, có thể nuốt được nên trẻ rất thích!


Thường thì trẻ nhỏ khi đánh răng trong giai đoạn này vẫn cần có bố mẹ thao tác hộ hoặc nếu các bé muốn tự đánh thì nên có người lớn đứng bên cạnh giám sát. Như bạn Xốp mình thấy trộm vía rất thích đánh răng, nhiều khi mẹ quên bạn còn chạy vào nhắc đánh răng cho bạn. Suy cho cùng thì, làm bất cứ việc gì, cũng nên tạo hứng khởi và không khí vui vẻ để tạo điều kiện cho trẻ khám phá, thích thú với những bài học mới. Mỗi khi chải răng cho bé mình thường vừa làm vừa hát, từ khi còn bé dùng gạc rơ lưới mỗi buổi sáng đến bây giờ. 

Có hai bài hát rất phổ biến mà các mẹ có thể tham khảo để hát cho bé nghe mỗi khi chải răng - từ đó bé sẽ nhận thức được: "khi mẹ hát bài đó là đã đến giờ đánh răng":

Dậy đi thôi nào dậy đi thôi

Chim hót vang khi thấy ông mặt trời
Dậy ra sân em tập em chơi
cùng với chim em hát em cười
Mẹ mua cho em bàn chải xinh
như các anh em đánh răng một mình
Mẹ khen em bé mà vệ sinh
thật đáng yêu răng ai trắng tinh

(Thật đáng yêu) 

Kìa cái thằng tý sún tý sún

Nhe cái răng nham nhở chổi cùn
Vì nó lười đánh răng sớm tối
Lại ăn kẹo suốt ngày không thôi

Anh tý ơi hãy nghe chúng tôi
Năng đánh răng cười trông rất tươi
Răng với tóc là góc con người
Răng có đẹp thì cười mới tươi
(Kìa cái thằng Tý sún)


Hy vọng nếu giữ tiếp tục phong độ này thì đến khi 3 tuổi bạn Xốp sẽ có thể tự đánh răng được cho mình và yêu thích việc đánh răng :)


Chúc các mẹ và các bé chăm sóc răng xinh thật vui!

Thân