Được tạo bởi Blogger.

Tổng quan về mỹ phẩm Âu Mỹ và châu Á

Sau bài viết lần trước, tớ có nhận được khá nhiều "gạch đá" từ các bạn vào đọc. Trong đó có 2 điểm nhiều bạn nhắc đến khá nhiều để so sánh:

1. Các bạn bảo rằng tớ thường xuyên dùng đồ mỹ phẩm Âu Mỹ đắt tiền - vì vậy chứng tỏ tớ có mức sống cao hơn các bạn và có đủ khả năng chi trả các sản phẩm đắt tiền đó. Còn đại đa số các bạn gái, đặc biệt là các bạn gái trẻ, không phải ai cũng có điều kiện mua những mỹ phẩm đắt tiền vì vậy họ bắt buộc phải tìm đến những hãng mỹ phẩm rẻ tiền và vừa túi tiền cũng như nhu cầu của họ. Đó là lý do trên thị trường xuất hiện các hãng mỹ phẩm kia.

2. Nhiều bạn nói rằng chưa chắc dùng mỹ phẩm đắt tiền và có thương hiệu đã là tốt. Không có cơ sở nào chứng minh rằng mỹ phẩm có thương hiệu và đắt tiền thì không lừa người tiêu dùng, vẫn cho các sản phẩm độc hại vào trong sản phẩm của họ. Cũng tương tự như vậy, nếu các bạn dùng sản phẩm ít tiền không tên tuổi mà thấy tốt thì không việc gì phải phí tiền vào các sản phẩm có thương hiệu nhưng lại làm các bạn nổi mụn.

*******

Tớ xin phép phải nói với mọi người rằng tớ không phải sinh ra đã có "nhiều tiền" hoặc "có điều kiện" để mua được các sản phẩm mỹ phẩm có giá cao. Tớ cũng từng như các bạn, cùng từng là học sinh - sinh viên, cùng từng một thời ăn bám bố mẹ hoặc kiếm được chút ít tiền tiêu từ công việc part-time cũng như với đồng lương ít ỏi của thời gian đầu đi thử việc. Tớ cũng từng (và đến hiện giờ vẫn đang) dùng những sản phẩm cực kì bình dân, giá thành rẻ để phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của mình. Theo thời gian, công việc ổn định, kinh tế khấm khá, thì tớ mới dám đặt ra cho bản thân những "mục tiêu" cao hơn trong vấn đề làm đẹp.

Ở điểm thứ nhất, các bạn nói rằng mỹ phẩm Âu Mỹ tớ dùng chỉ toàn đồ đắt tiền là SAI.


Hay nói chính xác hơn, chính báo chí đã vô tình "nhồi nhét" vào đầu các bạn rằng cứ mỹ phẩm có thương hiệu là đắt tiền. Cũng dể hiểu thôi. Các bạn thử mở các tạp chỉ kiểu Elle Việt Nam, Barzaar Việt Nam, Thời trang Việt hoặc Duyên dáng Việt Nam... ra mà xem. Dường như các tờ báo chỉ toàn thấy đưa nào Lancome, Shiseido, Chanel, YSL, CDP... với những sản phẩm bao bì thì sang chảnh mà cái giá thì trên trời.

Tớ dám chắc 9/10 bạn sinh viên - học sinh khi mở các tờ báo đó ra đều nhìn và choáng với các mức giá mà họ đề bên cạnh các sản phẩm họ giới thiệu. Và cũng từng lẩm nhẩm trong đầu (giống như tớ): "đồ này bh sale đến 90% thì mình mới mua, không thì thôi, chào thân ái!"

Nhưng thực ra, thị trường mỹ phẩm Âu Mỹ cũng giống như thị trường mỹ phẩm Châu Á, đều rất biết đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng. Bạn nhiều tiền, bạn có thể dùng các nhãn hàng đẳng cấp với giá kiểu hơn 1 triệu một hũ kem mắt bé tí, hoặc gần 2 triệu một hũ kem dưỡng có 30ml. Bạn có thu nhập trung bình, hoặc thấp... thì họ cũng cho ra đời các dòng mỹ phẩm ở mức giá trung bình thấp để phục vụ nhu cầu cho các bạn.

Bạn nên nhớ, bất kì người phụ nữ nào cũng có quyền làm đẹp. Bất kể giàu nghèo, sang hèn... đều có quyền đc làm đẹp. Vì vậy, chẳng có cái cớ gì nói rằng mỹ phẩm chỉ có đồ đắt tiền mà không có đồ rẻ tiền.

Với mỹ phẩm Âu Mỹ có thể liệt kê ra hàng loạt các hãng mỹ phẩm giá cực kì bình dân: ELF, Maybeline, L'oreal, Revlon, Rimmel, NYX...

Với mỹ phẩm châu Á, hẳn các bạn cũng đã nghe thấy những cái tên kiểu Skinfood, The Face Shop, Natural Republic, Etude House, Innisfree...

Thậm chí, đến ông lớn như Shiseido cũng có những dòng sản phẩm giá bình dân - chỉ tiếc rằng đa số bán trong nội địa Nhật và bạn bắt buộc phải mua ở địa chỉ hàng xách tay uy tín hoặc nhờ người nhà xách về.

Tớ xin mạn phép cóp một số link bên beauty blog Việt khác để các bạn đọc và hiểu thêm:

- Đầu tiên là post bên blog bạn Mai loves Beauty để các bạn có thể hiểu tổng quan thể nào là mỹ phẩm cao cấp và thế nào là mỹ phẩm bình dân. Bên cạnh đó là một số các nhãn hàng mà Mai đã liệt kê ra khá đầy đủ. Mọi người click vào đây ạ. 

- Bên blog của hai bạn Loan và Diệp (Love at 1st Shine) cũng có một entry nói về vấn đề này rồi. Hai bạn này từng du học tại Mỹ nên sự am hiểu của các bạn đấy nhiều hơn tớ, mọi người có thể click vào đây để tìm hiểu thêm. 

Có một đặc điểm chung của các nhãn hàng đã có tên tuổi và thương hiệu, trải dài từ Châu Á đến Châu Âu rồi vắt sang bên Châu Mỹ:

1. Luôn luôn trực thuộc một tập đoàn nào đấy vì xuất xứ của các hãng mỹ phẩm đại đa số đều ở nước tư bản.  

Chanel, Lancome, YSL đến Bourjois, L'oreal... đều trực thuộc một tập đoàn mỹ phẩm L'oreal - đây được coi là một trong những tập đoàn mỹ phẩm hưng thịnh nhất. 

Với Châu Á, hẳn đam mê mỹ phẩm thì không thể không nói đến Amore Pacific là "ông trùm" của các nhãn hàng từ tầm thấp như Etude House, Innisfree đến tầm trung Laneige, IOPE, và đương nhiên cả tầm cao cấp như Hera, Sulwhasoo (một hũ kem hãng này có mức giá 6-7 triệu lận =.=).

Việc các nhãn hàng mỹ phẩm trực thuộc một tập đoàn lớn không những giúp cho hãng có sự hậu thuẫn lớn về kinh tế cũng như tiếng tăm mà còn có những rằng buộc nhất định với tập đoàn: anh phải bán được hàng, phải có doanh thu cao, phải nắm bắt đc thị hiếu người tiêu dùng và đương nhiên, không tạo các scandal để ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn. Nếu doanh thu thấp, chất lượng kém, tức khắc nhãn hàng đó sẽ bị loại ra khỏi tập đoàn - thậm chí là xóa sổ.

Điều này vô hình chung tạo nên một lợi thế cho người tiêu dùng chúng ta: luôn đc đáp ứng thị hiếu, luôn có các tiết mục sale hấp dẫn để kích cầu mua sắm, luôn đc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi dùng sản phẩm của họ.

2. Có phòng lab để nghiên cứu và sáng chế sản phẩm an toàn. 

Các hãng mỹ phẩm luôn có một đội ngũ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và kiến thức sâu trong vấn đề hóa học, y học, dược học.... đảm bảo họ hiểu việc kết hợp và liệu lượng của từng chất khi kết hợp với nhau đều đạt một nồng độ nhất định để có thể mang lại hiệu quả làm đẹp nhưng không làm tổn hại đến cơ thể con người về lâu về dài. 


Thậm chí, theo xu hướng hiện đại, rất nhiều hãng mỹ phẩm đã chấp nhận không cho những thành phần có hại vào sản phẩm của mình (kiểu như mineral oil hoặc paraben) để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tất nhiên đồng nghĩa với việc họ phải trả chi phí cao hơn để tạo ra sản phẩm, và giá thành từ đó cũng đội lên. 

Việc kiểm nghiệm là gắt gao và có sự theo dõi của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Sau khi sản phẩm đó đã được hoàn thiện, nhiều hãng mỹ phẩm còn có phòng test trên động vật loại sản phẩm đó. Xu hướng này hiện nay không được ủng hộ lắm, điển hình có nhiều hãng đã ghi dòng chữ "no testing animal" trên bao bì để thể hiện rõ cách làm mang tính nhân văn của họ. Nhưng không test trên động vật thì vẫn có hàng loạt các bài test để có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn cho người sử dụng được các cơ quan có thẩm quyền chức năng cấp phép. 

Việc đc các cơ quan cấp cho nhiều giấy phép chứng nhận sản phẩm tốt và an toàn để đưa vào thị trường là một điều tự hào đối với các hãng mỹ phẩm. Họ thậm chí còn "thể hiện" niềm tự hào đó bằng việc in logo của cơ quan đã được kiểm duyệt lên bao bì sản phẩm. Và tuyệt nhiên, việc xuất hiện giấy tờ làm giả, giấy tờ không rõ nguồn gốc là không có.

Một điểm nữa cũng đến từ các sản phẩm có tên tuổi đó là việc họ công bố đầy đủ thành phần ở mục ingredients list ngoài bao bì. Đây là một cách làm tôn trọng người tiêu dùng và minh bạch trong kinh doanh mà những nhãn hàng không tên tuổi và xuất xứ không rõ ràng không bao giờ có thể làm được.


Một xu hướng nữa hiện nay cũng đã xuất hiện và khá phát triển trong làng mỹ phẩm đó là Dược Mỹ phẩm. 

Về cơ bản thì vẫn là mỹ phẩm, tuy nhiên ngoài tác dụng làm đẹp nó còn có tác dụng chữa bệnh nữa.

Xu hướng này xuất hiện nhiều ở thị trường mỹ phẩm Âu Mỹ và người sáng lập thường là một người có trình độ và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề dược. Có thể kể đến một số những cái tên nổi tiếng như Clinique, Kate Somerville, Peter Thomas Roth, Bioderma, Vichy v.v..

3. Cuối cùng, và quan trọng nhất đó là showroom. 

Bất kì nhãn hàng nào cũng có những của hàng hoặc showroom trong siêu thị, to nhỏ lớn bé đủ cả, để người yêu mỹ phẩm và quan tâm đến sản phẩm của hãng có thể tìm đến và nhận được sự tư vấn cũng như test thử sản phẩm trên da.


Cấu tạo làn da con người vô cùng đặc biệt. 9 người dùng sản phẩm đó bảo là hợp thì vẫn có khả năng bạn không hợp với sản phẩm đó. Nhiệm vụ của các showroom và beauty adviser chính là tư vấn và thực hiện các bước test sản phẩm để đảm bảo khách hàng mua đc sản phẩm ưng ý nhất chứ không phải qua những hình ảnh quảng cáo của các cô người mẫu, diễn viên hào nhoáng.

Có một điểm khiến showroom và beauty adviser ở VN không được chuộng lắm đó là đại đa số họ đều mang tư tưởng rất kiêu ngạo và trên tiền. Ví dụ một nhóm bạn sinh viên học sinh đeo balo vào showroom hỏi sản phẩm thì chắc chắn sẽ không được tiếp đón thịnh tình bằng một nhóm các chị dân văn phòng trang điểm kĩ và sức nước hoa thơm lừng. 

Văn hóa phục vụ ở Việt Nam còn rất kém. Điều này mình nhận thấy ở rất nhiều showroom. Tuy nhiên hiện nay thì có vẻ đã khắc phục được một phần, vẫn còn rất nhỏ, nhưng cũng được gọi là có tiến bộ.

*****
Như vậy, khi tìm hiểu để mua một sản phẩm nào đó bạn nên chú trọng đến những vấn đề sau:

- Sản phẩm đó là sản phẩm thuộc hãng mỹ phẩm có tên tuổi và mua ở những địa chỉ uy tín. Đơn giản, search Google ra trang chủ hoặc thông tin chính thống là yên tâm rồi.

- Giấy tờ phải đàng hoàng và thật - ở đây tớ muốn nói đến là một tờ giấy đc cơ quan có thẩm quyền xác minh đàng hoàng và đúng, chứ không phải là một tờ giấy có thể dễ dàng bỏ tiền ra mua hoặc là hàng giả.

- Thành phần rõ ràng: có những chất gì trong đó, liều lượng như thế nào v.v.. cần phải được làm rõ. Việc làm rõ thành phần sản phẩm không chỉ là sự minh bạch trong kinh doanh mà còn là sự tôn trọng người sử dụng sản phẩm.

- Nếu có thể, hãy tìm đến showroom để được tư vấn và test trực tiếp.

Viết đến đây chỉ mong các bạn đọc, ngẫm nghĩ và hiểu. Bởi những ngày qua đọc comment của các bạn cứ khăng khăng cho rằng tớ sai và cố tình "dìm hàng" trù dập các loại kem trộn, kem tắm trắng v.v.. trong khi họ vẫn làm ăn đàng hoàng, có giấy phép "đàng hoàng" và được nhiều người tin tưởng.

Tớ xin mạn phép nhắc lại với các bạn vụ kem trộn của Helen Thanh Thảo cách đây vài năm. Thời điểm đó kem Helen Thanh Thảo làm mưa làm gió trên các diễn đàn, được nhiều chị em tin tưởng mua về dùng và ca ngợi. Rồi sao? Chỉ sau một thời gian, người nói rằng kem đó kém chất lượng, màu và mùi kem thay đổi quá nhanh không giống với những gì quảng cáo. Nhiều người dùng nói rằng họ bị dị ứng, da mẩn đỏ, sần sùi và phải tìm đến bác sĩ da liễu để điều trị. Báo chí vào cuộc, hàng loạt các bài báo gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các cô gái nhẹ dạ cả tin và ham làm đẹp giá rẻ. Cái may của Helen Thanh Thảo đó là cô không đăng kỉ mở công ty, chỉ là dạng mở shop bán online - do đó về tính pháp lý, Helen Thanh Thảo chỉ bị khách hàng dọa kiện - còn thực chất có kiện đc hay không thì đương nhiên là không. 

Một nhãn hàng đã được đăng ký để mở công ty, tức là nó đã có tính pháp lý rõ ràng - đồng nghĩa với việc có bất kì vấn đề gì liên quan đến việc nhập - xuất, buôn bán, đóng thuế... đều chịu sự giám sát và kiểm tra của cơ quan pháp lý có thẩm quyền. Quyền lợi của người tiêu dùng do đó cũng được đảm bảo hơn. Khi có vấn đề, họ hoàn toàn có thể khởi kiện đến các cơ quan chức năng nếu có đủ chứng cứ trong tay. Nếu có nghi vấn, họ cũng hoàn toàn có thể thông báo để cơ quan chức năng đến điều tra và làm rõ. 

Sắc đẹp và sức khỏe là hai thứ luôn song hành cùng nhau. Có thể hiện tại các bạn dùng các loại kem đó không thấy dị ứng, da đẹp hẳn lên - các bạn tin tưởng rằng kem đó tốt và hài lòng với sự lựa chọn của mình. Nhưng sau một thời gian, bạn sẽ nhận thấy sức khỏe có vấn đề, da dẻ không còn được như trước. Liệu bạn có lấy lại được những gì đã mất? Và để lấy lại những gì đã mất, bạn sẽ còn phải tốn bao nhiêu tiền nữa đây?!?

Mong các bạn hãy là người tiêu dùng sáng suốt.

Thân