Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 19: An toàn từ trong nhà ra ngoài ngõ (II)

PART II: AN TOÀN KHI RA NGOÀI

Hôm trước tớ đã nói sơ qua với mọi người về việc giữ gìn an toàn cho bé khi ở trong nhà, hôm nay tớ sẽ chia sẻ với mọi người một số cách để giữ an toàn cho bé khi đi ra ngoài.

Đi ra ngoài muốn đảm bảo an toàn cho bé, đầu tiên bạn phải xác định bạn di chuyển bằng phương tiện gì? Xe đạp, xe máy, ô-tô, phương tiện công cộng, hay "căng hải"? Việc bạn xác định phương tiện đi lại sẽ giúp bạn quyết định được phải mang những "thiết bị" gì để bảo đảm an toàn cho bé.


1. Túi đựng đồ cho bé

Đầu tiên, và bắt buộc, dù bạn di chuyển bằng phương tiện gì - đó là các đồ dùng cần thiết mang theo cho bé: bỉm, sữa, thức ăn dặm (nếu bé đã ăn dặm), quần áo để thay v.v.. Lý tưởng nhất là bạn mua một bộ túi đựng đồ cho bé, giá hiện tại khá rẻ - như bộ túi mình mua cho bạn Xốp có giá 250k gì đấy gồm 2 túi: 1 túi lớn, 1 túi vừa, 1 ủ bình sữa, 1 túi nhỏ để một số loại đồ cá nhân (cắt móng tay, thuốc... nếu cần) và một tấm trải để thay bỉm cho bé (mà nói thật mình thấy không cần thiết :D)


Mình thấy bộ túi này khá tiện, giá thì lại phải chăng, chất liệu không thấm nước, lòng túi rộng đựng đc nhiều thứ. Có điều phéc-mơ-tua hơi rởm, bé nhà mình dùng từ bv lúc mới sinh về nhà là khóa đã bị hỏng hết rồi, mình lười cũng chẳng muốn đi sửa - lấy hai cái dây túi buộc chặt lại miệng túi thấy cũng ok =]]


Có một điểm mình muốn lưu ý với các mẹ khi cho bé ra ngoài dài ngày: nhớ mang cặp nhiệt độ và thuốc hạ sốt. Kinh nghiệm của mình mấy lần về quê cho thấy, các bé còn nhỏ phải di chuyển một quãng đường dài và thay đổi môi trường dễ dẫn đến tình trạng hơi bị "sốc" và thường mệt, hâm hấp. Do đó việc theo dõi nhiệt độ cơ thể bé và mang theo thuốc hạ sốt để đề phòng trường hợp bé sốt, là tối quan trọng. 


2. Đưa bé đi dạo - hoặc sử dụng phương tiện công cộng



Có hai phương án để bạn lựa chọn: địu bé, hoặc dùng xe đẩy.

Cá nhân mình thì không thích dùng địu cho con. Phần vì hiếm khi mình dùng phương tiện công cộng khi cho bé đi chơi, mà địu là dụng cụ hữu hiệu nhất khi sử dụng trên những phương tiện đấy: nhỏ gọn, không cồng kềnh.
Địu của Farlin mẹ mua cho bạn Xốp mới địu đc vài ba lần đi lại loanh quanh trong nhà :D
Thứ nữa là ở VN khí hậu nóng nực, dù mua loại địu "có vẻ" thoáng mát nhất mình thấy vẫn gây khó chịu và bí bách cho bé. Thêm đó, bé khoảng 9m trở ra là dùng địu thấy khó rồi vì bé bắt đầu hiếu động - không chịu ngồi yên một chỗ, cân nặng bé khi đó cũng là một vấn đề vì nhiều khi địu đi địu lại nhiều quá mẹ cũng... mỏi người lắm :))

Lý tưởng nhất và mình khuyên các mẹ nên chi hầu bao để đầu tư đó là một em xe đẩy. Đây là một sự đầu tư lâu dài, các bé có thể dùng xe đẩy từ khi mới 1 ngày tuổi đến khi 36 tháng là tối đa. Không những thế, với các gia đình mới sinh em bé đầu và có dự định sinh em bé nữa, thì đầu tư một chiếc xe đẩy tốt để dùng lâu dài không có gì là tốn kém cả.

Như của bạn Xốp thì mình mua xe đẩy của Combi dòng Spazio. Em này giá khá đắt, xấp xỉ ~10tr, nhưng một khi đã mua bạn thấy em nó thật sự đáng đồng tiền bát gạo. Trên thị trường có nhiều loại xe đẩy giá thấp hơn và nhiều sự lựa chọn cho bé, nhưng khi mua xe đẩy bạn nên nhớ mua loại chắc chắn để đảm bảo an toàn cho bé.
Thành xe rộng rãi, bé ngồi rất thoải mái. Lưng của xe có thể điều chỉnh độ cao thấp tùy thuộc vào nhu cầu bé đang ẵm ngửa hay đang tập ngồi, đã ngồi vững... Có thể dùng đến khi bé 36m và có thể gấp gọn lại để ở góc nhà khi không dùng đến hoặc khi di chuyển. Rất tiện.

3. Đưa bé đi chơi bằng phương tiện cá nhân: xe đạp, xe máy

Khi sử dụng xe đạp thường bé hay gặp phải một số vấn đề:

- Ghế ngồi xe đạp khiến bé bị đau mông :(

- Chân bé chưa làm chủ đc và chưa hiểu biết nên dễ cho chân vào nan xe đạp, rất nguy hiểm

Để đơn giản hóa thì mẹ nên mua cho bé ghế ngồi xe đạp, đặc biệt chú trọng đến phần chất liệu và phần để chân của bé. Lý tưởng thì phần để chân của bé phải có phần bít không để bé thò chân vào nan hoa.

Với các bé lớn hơn và đã tập đi xe đạp thì mẹ nên sắm cho các bạn ý một bộ bảo hiểm gồm mũ, bảo vệ đầu gối, bảo vệ khuỷu tay... để tránh trường hợp bé tập xe, tay lái chưa vững, loạng choạng dẫn đến ngã và xây xát người.

Khi sử dụng xe máy bé lại gặp phải vấn đề khác: thường tốc độ của xe máy nhanh hơn xe đạp, trong khi yên xe máy và chỗ để chân trên xe máy cách nhau khá xa - bé không thể chống chân xuống để giữ vững chỗ ngồi, lại càng nguy hiểm hơn khi bố mẹ phóng với tốc độ nhanh. Để đảm bảo an toàn, mà đặc biệt là khi đi xe máy thì nguy hiểm nhiều hơn xe đạp, tốt nhất bố mẹ nên cho bé ngồi đằng trước và mua ghế ngồi xe máy cho bé.

Đối với các bé đã lớn hơn, ngồi đã vững hơn thì khi đó mới nên mua địu ngồi xe máy cho bé.

Bạn có thể sợ tốc độ xe máy cao, gió tạt vào mặt bé khiến bé dễ bị mũi họng, bụi v.v.. nếu để bé ngồi đằng trước. Đơn giản chỉ cần lắp một tấm kính chắn gió như thế này, sau này khi không cần thì có thể tháo ra - rất đơn giản mà đảm bảo an toàn cho cả mẹ cả con.


Mình đặc biệt lưu ý một điểm mà nhiều bố mẹ chủ quan đó là không đội mũ bảo hiểm cho con. Ở bên Tây, mình thấy dù sử dụng bằng loại phương tiện gì bố mẹ cũng đeo cho con mũ bảo hiểm, không những thế còn có thiết bị bảo vệ khuỷu tay, đầu gối.


Nhiều mẹ chống chế rằng thời tiết VN khác thời tiết bên Tây, việc đội cho bé mũ bảo hiểm khiến bé nóng nực, nặng nề và khó chịu. Nhất là nhiều mẹ nhầm lẫn việc đi xe đạp đội mũ bảo hiểm xe máy và đi xe máy lại đội mũ bảo hiểm xe đạp. Thật ra mũ bảo hiểm dành cho xe đạp và xe máy hoàn toàn khác nhau.

- Mũ bảo hiểm xe đạp là những loại mũ được thiết kế nhọn ở phần đầu và phần đuôi mũ - thường mũ này chỉ bảo vệ nửa đầu trên chứ không trùm cả phần gáy của người sử dụng. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của mũ bảo hiểm xe đạp đó là các lỗ thông khí phía trên mũ, và thiết kế dạng góc cạnh. Thiết kế này có tác dụng đổi hướng gió, giúp cho gió luồn đc vào các lỗ thông khí và tạo sự thoáng mát cho người đạp xe - thường phải vận động nhiều, đổ mồ hôi.

Chất liệu của mũ bảo hiểm xe đạp rất nhẹ, hầu như không cảm thấy gì khi đội nó lên đầu.

- Mũ bảo hiểm xe máy được thiết kế tỉ mỉ hơn: chất liệu dày, chắc chắn hơn; bên trong có lót để tránh tổn thương khi va đập mạnh. Đặc biệt phần gáy của mũ bảo hiểm xe máy là tối quan trọng vì khi di chuyển với tốc độ cao và gặp phải tai nạn, người điều khiển thường gặp rất nhiều chấn thương về não bộ.

Nhiều loại mũ bảo hiểm như mũ của hãng Protect cũng có thiết kế lỗ thông khí.

Được nghiên cứu và thiết kế để phù hợp với nhu cầu sử dụng, chứ không phải "tự nhiên mà có" vì vậy các mẹ cần cân nhắc khi mua mũ bảo hiểm cho con.

3. Đưa bé đi chơi bằng ô tô

Ở nước ngoài, việc cho trẻ đi xe ô tô là rất phổ biến. Tuy nhiên ở VN, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho bé đi chơi bằng ô tô. Nhiều gia đình mình thấy cho bé đi xe thường phạm 3 sai lầm:

- Cho bé ngồi ghế đằng trước: cái này nguy hiểm nhất. Nếu chẳng may gặp tai nạn, áp lực từ túi khí đủ để làm bé tử vong ngay tức khắc :(

- Không thắt dây an toàn: cái này cũng quan trọng. Nhiều khi mọi người coi thường vấn đề an toàn cho bé và để cho bé tự do leo trèo trong xe khi đang di chuyển. Việc để bé tự do như vậy vô tình làm bố mẹ mất tập trung trong việc điều khiển phương tiện và khiến tai nạn dễ xảy ra. Đồng thời, khi xe phanh gấp bé dễ bị va đập vào thành xe và gây nguy hiểm cho bé.

- Không mua ghế ngồi ô tô cho bé: cái này phổ biến nhất, và cũng đc mọi người không coi trọng nhất. Mọi người cho rằng bé ngồi xe ô tô không nhất thiết phải mua ghế (mà thực ra lý do chính là quá đắt). Trong khi ở phương Tây, nếu cảnh sát giao thông phát hiện bé không ngồi ghế ô tô thì đảm bảo là bố mẹ sẽ bị phạt tiền, thậm chí nếu bị phát hiện quá nhiều còn bị nhà chức trách "để ý" trong kỹ năng làm cha mẹ.



Thực ra đầu tư một chiếc ghế ngồi ô tô nếu không thường xuyên di chuyển bằng phương tiện này đúng là tốn kém. Nhưng với gia đình có điều kiện và di chuyển hàng ngày, thậm chí di chuyển đường xa... thì tốt nhất nên mua. Đây là một sự đầu tư theo mình nghĩ là đúng đắn, bé có thể dùng từ khi còn ẵm ngửa cho đến khi đc 3,4 tuổi và quan trọng nhất là tính mạng của bé luôn được bảo đảm an toàn mọi lúc mọi nơi trên từng cây số.

Hôm nay có một vài chia sẻ với các mẹ như vậy thôi. Chúc các mẹ và các bé luôn an toàn và bình an mỗi khi ra ngoài đường nhé.

Thân