Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 19: An toàn từ trong nhà ra ngoài ngõ (I)

PART I: AN TOÀN TRONG NHÀ

Bé đến tuổi biết bò, biết đi - các mẹ cần đặc biệt lưu ý trong việc đảm bảo an toàn cho bé. Xung quanh nhà có rất nhiều thứ có thể gây nguy hiểm cho bé: nguồn điện, đồ vật nặng dễ vỡ, đồ vật nhọn, nan quạt, nước sôi v.v..

Trước khi đi vào chi tiết trong entry này, mình muốn nhấn mạnh với các mẹ 2 điều:

1. Tất cả các tips hữu dụng mà mình chia sẻ đều rút ra từ kinh nghiệm bản thân đang hoàn thiện dần dần trong quá trình làm mẹ của mình, vì vậy không thể tránh những thiếu sót - mong các mẹ thông cảm.

2. Điều kiện nhà mình là nhà chung cư - do đó có một số khía cạnh mà các bạn ở nhà tầng, nhà mặt đất có nhu cầu tìm hiểu nhưng mình không để cập tới vì mình không tìm hiểu sâu (ví dụ như chặn cầu thang, lưới bọc lan can v.v..), rất xin lỗi mọi người vì sự hạn chế này.


*********

Việc đầu tiên bạn phải làm trước khi mua sắm bất kì thiết bị dụng cụ gì đó là dọn dẹp nhà cửa gọn gàng. Nhà cửa càng gọn gàng, sắp xếp hợp lý, mọi đồ vật đều có chỗ của nó và không vứt vương vãi lung tung, thì bé lại càng đc bảo vệ hơn. Dựa theo kinh nghiệm bản thân mình, có một số lưu ý sau các mẹ nên để tâm khi dọn dẹp và thiết kế lại nhà cửa để đảm bảo an toàn cho bé:

1. ĐIỆN

Lưu ý đầu tiên đó là điện, các vật dụng sử dụng điện và các khu vực có điện ở mọi vị trí trong nhà. Điện đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Nguồn điện sử dụng ở VN là 220V. Với người lớn khi vô tình chạm phải nguồn điện hở có hiệu điện thế 220V sẽ bị giật (không cứ phải 220V mới bị giật, 100V hoặc 110V cũng sẽ bị giật). Đặc biệt, khi bị giật điện cơ thể con người ta bị co các cơ lại, rất khó để rút tay ra khỏi nguồn điện đang truyền vào người, trong khi muốn ngắt nguồn điện đó khỏi chạy vào cơ thể chỉ có duy nhất một cách là rút mạnh tay ra. Dòng điện chạy trong các dây điện còn nguy hiểm hơn, vì nó được nhân lên gấp 3 so với hiệu điện thế ban đầu ở trong ổ điện - đồng thời với đó, việc bị giât bởi dòng điện chạy trong dây điện sẽ nặng hơn, nguy hiểm hơn.

Nói dài dòng như vậy để mọi người hiểu rằng ĐIỆN RẤT NGUY HIỂM VỚI TRẺ NHỎ. Theo thống kế của một tổ chức liên quan đến vấn đề an toàn của trẻ nhỏ tại Mỹ, điện là nguyên nhân hàng đầu gây ra các ca tử vong không mong muốn ở nước này. Khốn nỗi, chúng ta lại không thể sống thiếu điện: các ổ điện, các thiết bị sử dụng đến điện, các loại dây điện... xuất hiện dày đặc xung quanh nhà - ở các vị trí dễ nhận thấy và do đó lại càng kích thích trí tò mò của trẻ.

Vấn đề ở chỗ, các ổ điện lại có lỗ cắm rất "vừa vặn" với các ngón tay bé xinh của bé, và thế là với những nhà không có các thiết bị bảo vệ, các bé tha hồ thò tay vào nghịch ngợm và do đó tai nạn càng dễ xảy ra hơn. Giải pháp đơn giản nhất là bạn mua các bít ổ điện hiện đc bày bán rộng rãi trên thị trường. Từ siêu thị dành cho bé đến siêu thị đại trà, đến cả siêu thị nội thất như UMA cũng có bán. Giá thành cái rẻ, cái đắt. Tuy nhiên ở đây mình lưu ý bạn nên mua loại màu trắng tiệp với màu ổ điện, đừng mua các loại màu sặc sỡ dễ kích thích trí tò mò của bé.


Các loại dây điện không nên để lộn xộn và lộ ra ngoài rõ, đặc biệt tuyệt đối không sử dụng các loại dây điện hở - dây điện đấu nối v.v.. Lý tưởng nhất là gắn chặt dây điện vào chân tường, nếu có thể thì bọc ngoài bằng một lớp dây bảo vệ. Hoặc không bạn có thể mua loại vòng để túm gọn dây điện vào và giấu sau đồ đạc trong nhà để tránh tầm mắt của bé.


Các thiết bị điện nếu không sử dụng phải rút dây cắm điện ra, nếu không sử dụng đến vì đã hết mùa thì nên lau sạch sẽ - bọc gọn lại tránh bụi bám và cất gọn vào một chỗ nhất định. Đảm bảo khu vực đó bé không vào được, hoặc nếu giả sử bé có vào thì có bạn đi cùng để giám sát.

2. BẾP

Hẳn bạn đã từng đọc đc một vài thông tin trên bảo kiểu: mẹ sơ ý đổ nước sôi vào người con, hoặc bé nghịch dại bị bỏng trong bếp v.v..  Bếp rõ ràng là nơi chứa đựng khá nhiều các mối nguy hiểm mà bé có thể gặp phải. Do đó, để đảm bảo an toàn cho bé, tốt nhất là không nên cho bé lại gần khi bạn đang làm bếp.

Trong trường hợp bé chơi ở khu vực bếp, nên chú ý đến các thiết bị có thể bật lửa, xì ga, tỏa nhiệt và đặc biệt là các loại nồi xoong, bát đũa - trong đó đặc biệt lưu ý các loại đồ vật chứa thức ăn, nước nóng bên trong... phải đc đặt lên cao, đặt vào sâu bên trong, tay cầm quay ngang hoặc quay vào bên trong.

Ở nước ngoài - việc bảo vệ bé khỏi khu vực nấu nướng rất quan trọng. Đây là một hình ảnh ví dụ điển hình các thiết bị bảo vệ bếp.
Nếu như nhà bạn rộng rãi, bạn muốn vừa làm bếp vừa có thể để bé chơi đùa ngay bên cạnh mà vẫn có thể quan sát và đảm bảo bé đc an toàn thì có thể mua cũi. Cũi có nhiều loại, loại mà mình mua và sử dụng cho bạn Xốp là loại cũi 3D như trong hình. Giá khoảng 800k/bộ có 4 cánh. Mình đặt ở ngay cạnh khu vực gần bếp, nhưng không quá gần với khu nấu nướng để tránh mỡ bắn ra gây bỏng cho bé. Đặt nhiều đồ chơi kích thích trí tò mò và làm bé xao lãng việc "bám" mẹ. Bé vừa chơi ngoan, an toàn mà mẹ vừa rảnh rang làm việc bếp núc.
Bếp là nơi chưa rất nhiều các loại chai lọ thủy tinh, nhựa đựng gia vị, nước mắm. Vấn đề ở chỗ thường các vị trí xếp các loại gia vị, các loại lọ đựng... được thiết kế ở chỗ dễ với, dễ lấy do đó cũng khá nguy hiểm cho bé. Cách tốt nhất là bạn nên xếp chúng gọn lại một chỗ để dễ quản lý, các loại chai lọ ưu tiên mua loại thiết kế vỏ nhựa, nắp vặn chắc chắn. Không nên tích trữ nhiều loại chai lọ không dùng đến và để ở chỗ bé dễ tìm thấy, đặc biệt là các loại chai lọ thủy tinh.
Bếp đồng thời cũng là nơi chứa rất nhiều các loại thuốc tẩy rửa, hóa chất... do đặc thù của khu vực này thường xuyên dính dầu mỡ, thức ăn rơi vãi v.v.. Phải đảm bảo các chất tẩy rửa phải đc cất vào một góc khuất, "cửa đóng then cài" và không bao giờ vứt lung tung các lọ chất tẩy rửa trong nhà.
Các loại đồ sành sứ, thủy tinh... nếu chẳng may rơi vào tay bé cũng rất nguy hiểm. Nên dành hẳn một ngăn riêng để chứa các loại đồ vật làm bằng các vật liệu dễ vỡ. Như vậy, khi có nhu cầu tìm, bạn sẽ dễ dàng nhớ ra chứ không phải "bới tung lên". Quan trọng hơn, bé đc bảo vệ khỏi chúng. Lý tưởng nhất là xếp lên cao với các loại đồ vật như vậy.

3. NHÀ TẮM - NHÀ VỆ SINH

Các khu vực trữ nước, có nguồn nước xung quanh và dễ vặn mở để có nước cũng là nơi bạn nên đặt biệt lưu ý. Trong đó là tắm, nhà vệ sinh là những nơi bạn nên chú ý đầu tiên. Các bé thường hiếu động và tò mò, thấy nước dễ sà vào nghịch ngợm dẫn đến trượt chân, chết đuối v.v... rất nguy hiểm. Chưa kể, việc nhiều nhà thường xuyên trữ nước nóng trong bình nóng lạnh cũng khiến bé dễ bị bỏng nếu chẳng may táy máy nghịch vòi nước và chuyển sang chế độ nước nóng.

Để đảm bảo an toàn cho bé, trước tiên bạn phải chắc chắn nhà tắm luôn gọn gàng sạch sẽ và hạn chế tối đa để sàn nhà tắm ướt dẫn đến trơn trượt. Ở các nhà mới xây, xu hướng hiện đại là ngăn khu vực tắm lại bằng các tấm kính: vừa đẹp lại tiện dụng trong việc bảo vệ bé. Tuy nhiên nếu nhà bạn không cho phép lắp các tấm kính đấy thì đơn giản có thể mua các loại thảm chống trượt để trong phòng tắm - giá không quá đắt, và an toàn cho bé.

Các loại đồ vật dùng để chứa nước: xô, chậu nên hạn chế trữ nước. Nếu có thể thì cọ rửa sạch sẽ, xếp gọn gàng vào một góc trong nhà tắm. Chậu nên xếp dọc, xô nên xếp úp xuống. Đặc biệt, nếu nhà bạn có các thiết bị trữ nước như chum, vại thì nên đậy kín và nếu có các loại khóa đa năng thì càng tốt - mình sẽ đề cập đến các loại khóa ở ngay phần sau đây.

Nhà tắm cũng đồng thời là nơi để bạn thường xuyên chăm sóc bản thân, sự xuất hiện của các sản phẩm hóa mỹ phẩm trong nhà tắm không có gì là lạ. Có điều, để tránh chúng rơi vào tay bé gây nguy hiểm nếu bé chẳng may nuốt phải, bạn nên đảm bảo chúng đc sắp xếp hợp lý, để ở một độ cao nhất định ngoài tầm với của bé.


Trẻ con hiếu động, chúng rất thích nghịch nước. Để đảm bảo những lần con nghịch nước trong nhà tắm hoặc ở nơi công cộng được an toàn, tuyệt đối nhớ một nguyên tắc: không bao giờ rời mắt khỏi con.


4. CÁC LOẠI CÁNH TỦ, CÁNH CỬA, NGĂN KÉO V.V..

Cửa sổ, cửa ra vào, cửa tủ, ngắn kéo... tất tần tật đều phải có các thiết bị bảo vệ cho bé.

Với các cửa sổ - lý tưởng nhất là có khung sắt - bé vẫn có thể leo trèo nhưng không thể nhoài người ra ngoài, rất nguy hiểm. Nếu không, hãy đảm bảo các loại cửa có khóa chốt chắc chắn và luôn luôn có sự giám sát của bạn khi bé ở gần khu vực này. Đồng thời, bạn nên thiết kế việc kê dọn đồ vật sau cho không để gần cửa sổ, tạo đk cho bé dễ dàng leo trèo.


Với các cửa ra vào bạn có thể mua chặn cửa ở dưới hoặc loại treo ở ngang cửa để tránh cửa bị sập, bé tự đóng mở gây kẹt tay kẹt chân. Quan trọng nhất, tất cả các cửa đều phải có chìa sơ-cua, nên làm một chùm để dự phòng trưởng hợp bé bị nhốt ở trong phòng và khóa bị sập lại.




Với các loại cánh tủ và ngăn kéo thì có hằng hà sa số các loại khóa để bạn có thể mua và sử dụng. Mình xin phép chụp một số loại khóa mà nhà mình đang sử dụng, các loại khóa này mình mua ở UMA - giá đắt hơn các chỗ khác nhưng dùng rất tốt.





4. THUỐC VÀ CÁC LOẠI HÓA MỸ PHẨM, CÁC LOẠI BẪY CÔN TRÙNG



Trong danh sách các đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé, thuốc cũng nằm trong số đó. Không hiếm trường hợp các bé chơi với thuốc nuốt nhầm dẫn đến ngộ độc, hóc, ngạt thở v.v..

Việc cần làm là gom tất cả các loại thuốc và cất vào một khu vực khô ráo, ngoài tầm với của bé. Tốt nhất là mua một tủ thuốc treo tường, thuốc của con và thuốc của bố mẹ phải được phân chia rõ ràng ra hai khu vực khác nhau.


Các loại bẫy côn trùng, bẫy chuột - gián - kiến... nên được giấu đi ở những chỗ thật khuất, thật khó với. Các loại bẫy này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Nếu có thể, nên 1 năm phun thuốc diệt côn trùng 1 lần là tốt nhất để hạn chế việc đặt các loại bẫy xung quanh nhà gây nguy hiểm cho bé.

5. CÁC LOẠI VẬT NHỌN, NHỎ

Bao gồm kim chỉ, dao kéo, các cạnh bàn cạnh ghế cũng được liệt kê vào đây.

Với đồ khâu vá, kim chỉ, dao thớt làm bếp - vẫn giữ nguyên tắc như cũ: cất gọn một chỗ theo quy định, và để ngoài tầm với của trẻ.

Với các loại cạnh bàn, cạnh ghế nên mua những loại mút bọc - các loại mút này rất dễ tìm và có nhiều kiểu: silicon, cao su, nhựa... với giá thành cũng ko chênh lệch nhau là bao nhiêu. Tuy nhiên lưu ý ở đây là tốt nhất bạn nên chọn loại bọc có đồng màu với đồ dùng có cạnh sắc nhọn tránh gây chú ý và tò mò cho bé.


Hạn chế mua cho bé các loại đồ chơi bé kiểu như đồ lắp ráp LEGO chẳng hạn, chờ đến khi bé đủ tuổi và hiểu biết mua cũng ko muộn vì các đồ chơi nhỏ với màu sắc đẹp dễ khiến bé tò mò cầm nắm, chơi, nuốt và dẫn đến nghẹn, ngạt thở v.v..

6. VẬT NUÔI TRONG NHÀ

Mình không khuyến khích việc có vật nuôi trong nhà có em bé. Biết rằng có một người bạn 4 chân trong nhà là rất tuyệt đối với các bé, tuy nhiên lông của thú nuôi và các loại vi khuẩn chúng mang theo dễ dàng khiến bé bị một số loại bệnh như viêm mũi dị ứng chẳng hạn.


Mặc dù vậy, nếu giả như bạn vẫn muốn có vật nuôi trong nhà, bạn cần đảm bảo 4 điều sau:

- Vật nuôi của bạn có một góc riêng trong nhà với đầy đủ đồ dùng cá nhân của chúng. Và các loại đồ dùng cá nhân của vật nuôi phải thường xuyên đc vệ sinh đúng cách.

- Tích cực dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt tránh để bé tiếp xúc với lông và phân của vật nuôi.

- Vật nuôi trong nhà cũng phải thường xuyên được tắm táp. Nếu chúng đc huấn luyện không leo trèo lên đồ vật, không nằm lăn lê lung trung trong nhà, đặc biệt biết tiểu tiêu đúng chỗ là lý tưởng nhất.

- Nếu bé chơi với vật nuôi, hãy chắc chắn bạn đang giám sát bé và có thể can thiệp vào ngay nếu vật nuôi có những biểu hiện khác thường: hung hăng, dữ tợn v.v..

Lý tưởng nhất là bạn luôn luôn phải có sẵn các dụng cụ sơ cứu cơ bản tại nhà: bông băng, thuốc sát trùng, băng urgo... đồng thời tìm hiểu các cách sơ cứu bé sơ đẳng nhất để có thể đề phòng trường hợp khẩn cấp ngoài ý muốn.

Tạm thời tớ mới liệt kê và nhớ ra được nhiêu thứ - thời gian tới nếu có gì mới tớ sẽ update sau. Entry tiếp theo về an toàn cho bé khi ra ngoài hy vọng đc các mẹ ủng hộ.

Có gì thiếu và sai sót các mẹ nhớ góp ý nhé!

Thân