Được tạo bởi Blogger.

TRAVEL 1-0-1 (III) | TIPS TO HAVE BEST BEACH DAY WITH KIDS


* Lưu ý: Những tips này áp dụng cho các mẹ có con nhỏ sức khỏe kém hoặc các bé lần đầy tiên đến với biển - với các bé có sức để kháng tốt hơn, những tips này tương đối... vô dụng :D

Bạn Xốp vốn có cơ địa dễ ốm đau và sức đề kháng kém. 3 tuổi - 3 lần đi biển, lần đầu tiên vào được chưa đến 1 ngày thì đêm đầu tiên bạn lăn ra sốt và mẩn hết người vì phát bệnh chân - tay - miệng lây của anh hàng xóm, lần thứ hai chơi được 1 ngày sang ngày thứ hai thì bạn hâm hấp thế là đi toi 2 ngày còn lại của kì nghỉ, bởi vậy lần du lịch biển thứ 3 này mình vô cùng "rón rén" và "rụt rè".

Bạn Xốp - cũng vì ốm yếu, nên mang tiếng là đi biển đến 3 lần rồi nhưng lần đầu chỉ xuống nhúng chân vào nước, lần thứ hai thì mới ra gọi là "hít thở không khí" của biển, vì vậy mình cũng chẳng hy vọng lắm vào việc lần thứ ba này bạn có thể xuống nước để tắm được. Tuy nhiên mình vẫn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng chờ đợi bạn ra dấu hiệu "muốn đi bơi ở biển" để mình triển khai! :)

Kết quả bạn Xốp đã xuống biển tắm, không chỉ 1 lần mà những hai lần. Và với một đứa trẻ còi cọc hay ốm như bạn Xốp, đi biển và tắm biển bì bõm mà không ốm, không sổ mũi, không sốt... Trộm vía ti tỉ lần là không bị làm sao cả vào ngày hôm sau, thì quả là một KÌ TÍCH! Và mình rất muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm nhỏ mà mình áp dụng cho bạn trong lần đi biển này.

1. Đừng vội cho con xuống tắm biển ngay ngày đầu tiên

Mình có một niềm tin mãnh liệt, rằng các bé yếu thì nên tránh ra gió một cách quá thô bạo, mà nên từ từ. Tức là, sau một vài tiếng đồng hồ di chuyển tàu xe từ nhà đến bến xe/sân bay rồi đến khách sạn, chưa kể trong những tiếng đồng hồ đấy ngủ vật vờ, ăn vật vờ, chờ đợi v.v.. không được thoải mái như ở nhà... thì việc đến nơi nghỉ dưỡng, hay để trẻ nghỉ dưỡng trước khi tham gia vào bất kì hoạt động gì.

Con nên được ngủ một giấc thật ngon, ăn một bữa thật no, uống đủ nước, chơi đùa trong phòng khách sạn hoặc khu vui chơi của trẻ nhỏ... Đại khái những nơi tạo cho bạn và con cảm giác an toàn, không quá nhiều nắng gió, không ồn ào, không quá náo nhiệt, không quá xô bồ... Tất cả để cơ thể con ổn định lại và kịp thích ứng với điều kiện và môi trường sống mới. Nhiều khi không mất đến 1 ngày, có khi chỉ nửa ngày thôi, nhưng tốt nhất là nên hạn chế tha lôi trẻ ngay ngày đầu tiên xuống biển để vùng vẫy.

Trẻ vừa trải qua một chuyến đi dài, cái quan trọng là con cần nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi cho khỏe rồi thì mới có sức mà vui chơi. Không đi đâu mà vội.

2. Giờ xuống tắm biển

Xuống tắm ở biển không nên quá sớm, nhưng cũng không nên quá muộn. Giờ lý tưởng buổi sáng khoảng từ 9h30 - 10h30, buổi chiều khoảng từ 15h - 16h. Tại sao lại như vậy?

Buổi sáng nước biển hãy còn rất lạnh, cần mặt trời lên cao để nước biển ấm hơn một chút mới nên cho trẻ ra tắm. Nên tránh tắm buổi trưa - đặc biệt trong khung giờ từ 11h - 13h, vì đấy là lúc mặt trời lên cao nhất, ánh nắng gay gắt nhất. Buổi chiều, vào khoảng từ 15h - 16h ánh nắng chưa tắt hẳn nhưng đã đỡ chói chang hơn, thủy triều cũng chưa lên cao, sóng cũng đánh chưa mạnh - nên cho tắm thời gian này là hợp lý.

3. Mũ - Kem chống nắng - Phao

Có một thực tế là nhiều khi các mẹ rất chú trọng chăm sóc da dẻ cho bản thân, nhưng nhiều khi lại quên mất việc chăm sóc cho em bé của mình bởi quan niệm: trẻ con bé, cần gì phải cầu kì. Vấn đề ở chỗ, việc bôi kem chống nắng cho trẻ trước khi tham gia bất kì hoạt động nào không chỉ riêng tắm biển đều giúp cho trẻ tránh được sự ảnh hưởng có hại của tia UVA/UVB lên cơ thể. Vì vậy, đừng xem nhẹ việc bôi kem chống nắng cho trẻ. Nên tập cho trẻ thói quen bôi kem chống nắng.

Hiện tại có rất nhiều các hãng kem chống nắng dành cho trẻ nhỏ an toàn và thân thiện với sức khỏe con người. Chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo.


Mũ với phao cũng là những vật dụng cần thiêt cho trẻ khi ra biển bơi. Cầu kì hơn, bạn có thể chuẩn bị bộ đồ chơi xúc cát cho con để con ngồi chơi trên bờ sau khi vùng vẫy dưới biển.

4. Thời gian tắm biển

Không bao giờ nên cho trẻ bì bõm dưới nước quá 30 phút - với các bé có cơ địa yếu và lần đầu tiên xuống biển. Nên tăng dần thời gian để trẻ làm quen với môi trường nước. Lý tưởng nhất chỉ nên ở trong mức 15 - 20 phút dưới nước biển.

Khi cho trẻ xuống biển, nhúng từ từ từng bộ phận vào nước biển để trẻ quen dần với nhiệt độ mới. Đừng một phát nhúng hẳn cả người con xuống, nhiều em bé yếu dễ bị sốc nhiệt vì nước biển bao giờ cũng lạnh hơn nhiệt độ cơ thể.


Khi đã nhúng toàn thân con xuống nước, hạn chế việc nhấc bổng con lên khỏi mặt nước mà nên cho con ngâm người hoàn toàn trong nước, bởi vì khi cơ thể đã quen với nhiệt độ nước mà nhấc hẳn con ra khỏi đó không che chắn, con sẽ rất dễ bị lạnh.

5. Lau khô và thay quần áo khi lên bờ

Nên mang một chiếc khăn tắm loại to để ấp trẻ khi bế trẻ lên bờ. Lau khô người cho con ngay lập tức, không để con tiếp tục mặc đồ bơi ướt mà nên thay một bộ quần áo khác hoặc quấn khăn khô quanh người cho con. Tiếp tục để trẻ xuống bờ biển chơi, nghịch cát khi cơ thể trẻ đã thích ứng và ổn định lại với nhiệt độ trên bờ.


6. Bố mẹ giữ tinh thần bình thản - không nóng vội hoặc quá lo lắng

Thực tế mọi đứa trẻ sinh ra đều không hề sợ nước. Trẻ đã có 9 tháng 10 ngày "bơi" trong bụng mẹ, hệ hô hấp của trẻ và phản xạ của trẻ ngay từ khi sinh ra đầu có thể thích ứng được với môi trường nước. Tuy nhiên có nhiều bé lại khóc thét lên khi ra biển, sợ hãi dúm dó và bắt bố mẹ cho lên bờ bằng được.

3 năm nuôi con nhỏ, mình nghiệm ra một chân lý rằng: tâm lý của bố mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ, và trẻ "đọc vị" được tâm lý của bố mẹ rất giỏi! 

Ví dụ, bố mẹ quá sốt sắng cho con xuống nước mà không cho con làm quen từ từ - tất nhiên trẻ sẽ hoảng sợ - trẻ trong cơn hoảng sợ sẽ khóc rất to, bố mẹ sẽ đi theo hai chiều hướng một là nài ép trẻ ở lại hoặc không thì bối rối trước phản ứng của trẻ - trẻ sẽ lại càng tức tối và hoảng sợ hơn do ý nguyện của trẻ không được thực hiện, và lại càng khóc to.

Hãy để cho trẻ thời gian làm quen với biển. Đơn giản bằng việc dẫn trẻ xuống nước nhảy sóng (sóng nhỏ thôi, đừng có dại mà cho con ra lúc sóng to ầm ầm, trẻ sẽ sợ hãi ngay), hãy cho trẻ thấy rằng việc tắm biển chẳng có gì đáng sợ, rằng những con sóng kia đến chân mình vô cùng êm dịu và nhẹ nhàng chứ không hề gây nguy hiểm,thực sự nó còn rất thú vị và vui vẻ, dần dần khi trẻ đã cảm thấy thoải mái vui vẻ hơn, hãy cho trẻ xuống nước. 

Đừng vứt trẻ vào một cái phao to rồi chắc mẩm rằng trẻ xuống nước sẽ cảm thấy an toàn. Không có gì an toàn với trẻ hơn là vòng tay của bố mẹ. Hay ôm trẻ, vừa nói chuyện vừa cười đùa để trẻ thấy yên tâm.


Trên đây là một số tips của mình khi đi tắm biển với bạn Xốp. Và thực tế khi áp dụng các cách này thì con không bị ốm, trộm vía rất khỏe mạnh và vui vẻ sau khi tắm biển xong.

Hy vọng giúp ích được các bạn.

Thân,


Không có nhận xét nào