Được tạo bởi Blogger.

Preparing for Pregnancy | Golden Time - Giai đoạn Vàng

Chuẩn bị cho việc ra đời một thành viên mới trong gia đình là một sự kiện vô cùng quan trọng. Nếu như với đứa con đầu tiên, phần lớn các cặp vợ chồng đều để "thuận theo tự nhiên" hoặc có càng sớm càng tốt cho ông bà nội ngoại yên lòng. Thì từ đứa con thứ hai trở đi, đối với cá nhân mình - phải là một sự chuẩn bị kĩ càng. Không chỉ về mặt thể chất, mà còn là cả về điều kiện vật chất.

Ngày hôm nay mình xin phép chia sẻ với mọi người một lịch trình lên kế hoạch để có em bé thứ hai của vợ chồng mình (mà chủ yếu là mình :D). 

Tưởng như nó là chuyện riêng tư, nhưng thực ra nghĩ đi nghĩ lại, khi ngồi type những dòng này, mình vẫn thấy rằng đây là một thực tế chúng ta cần phải chuẩn bị để có thể đảm bảo cho con một cuộc sống tốt khi chào đời và cả lâu dài về sau nữa. Đồng thời với đó, là một người mẹ yêu thích việc làm đẹp, việc chuẩn bị sao để có một thai kì khỏe mạnh cũng là một điều khiến mình vô cùng quan tâm.


Xác định khoảng thời gian để có em bé [1 - 2 năm]

Cá nhân mình thấy việc có thêm một thành viên trong gia đình là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng. Vì vậy việc chuẩn bị có thêm một thành viên nữa, mà lại là em bé thứ hai, khiến mình phải lên kế hoạch đến cả năm liền.

Mình đi tìm sự tư vấn từ những người xung quanh với câu hỏi "khoảng cách giữa hai bé bao lâu là vừa đủ", rõ ràng mình không hề muốn việc mình có em bé thứ hai sẽ khiến mình xao nhãng việc chăm sóc em bé thứ nhất. Và lại càng không thể vì em bé thứ nhất mà bỏ bê không chăm sóc cho em bé thứ hai đang lớn lên từng ngày trong bụng. 

Vì vậy, khoảng cách tuổi giữa hai con là vấn đề mình quan tâm hơn cả trong giai đoạn này!

Thứ nhất, nó giúp cơ thể mình có thời gian để phục hồi lại sau lần sinh đẻ đầu tiên và lấy sức để chăm sóc không chỉ 1 mà lần này sẽ là hai bé.

Thứ hai, mình muốn khoảng thời gian đó phải là khoảng thời gian để mình có thể chăm sóc đồng thời cả hai bé - đặc biệt nó không rơi vào một thời điểm nào đó quá quan trọng và nhạy cảm với bé thứ nhất. Ví dụ: chuẩn bị đi học chẳng hạn - khoảng thời gian đó bé sẽ cần mẹ hơn bao giờ hết, hay ốm đau hơn bình thường nữa, trong khi mẹ có khả năng nghén ngẩm mệt mỏi sẽ dễ bỏ bê hoặc cáu kỉnh với bé - rất tội nghiệp. 

Suy đi tính lại, hỏi ý kiến mọi người chán chê. Cuối cùng hai vợ chồng mình dự định khi con gái lớn khoảng 3 - 4 tuổi sẽ sinh em bé tiếp theo.

Một là vì mình đẻ bạn Xốp theo phương pháp đẻ mổ (bạn ở trong bụng mẹ 42 tuần sang tận tuần thứ 43 vẫn chưa có ý định ra nên bác sĩ chỉ định phải mổ) nên khoảng thời gian 3 năm là khoảng thời gian cần và đủ để vết mổ có thể chịu đựng được lần mang thai tiếp theo mà không có biến chứng gì. Đây là kiến thức khoa học mẹ nào sinh mổ cùng cần phải biết, không phải mình bịa đâu nhé!

Hai là ở khoảng thời gian đấy, bạn Xốp đã đi học (2,5 tuổi mình cho bạn đi nhà trẻ) và sức khỏe trộm vía đã đỡ ốm đau hơn rất nhiều (khoảng ngoài 2 tuổi mình đã cảm thấy việc chăm con nhẹ nhàng lắm rồi vì con tự làm được nhiều việc và biết nhiều thứ, có thể giao tiếp và trao đổi ý muốn với bố mẹ được). 

Ba là nếu như có bé thứ hai trong khoảng thời gian này, khi bạn Xốp lên 6 thì em bé thứ hai sẽ lên hai hoặc ba tuổi. Đối với mình việc giáo dục và đi học của con vô cùng quan trọng, vì vậy việc con vào lớp 1 cũng quan trọng không kém. Ở thời điểm bạn Xốp chuẩn bị đi học tiểu học, minh hy vọng em bé thứ hai đã có thể đi nhà trẻ được (mình sẽ cố gắng cho em bé thứ hai đi nhà trẻ sớm hơn cô chị, khoảng 20 tháng nếu mọi sự ổn thỏa), như vậy mẹ sẽ có thời gian để chuẩn bị cho chị lớn vào lớp một cẩn thận hơn. Khoảng cách tuổi như vậy sẽ không rơi vào giai đoạn nhạy cảm của bất kì một bé nào hết cả :)

Xác định sinh con vào khoảng thời gian nào trong năm

Cái này cũng quan trọng không kém. Tất nhiên là có con là vui rồi, không nên quá cầu kì chuyện đấy. Nhưng từ chính kinh nghiệm của cá nhân mình khi nuôi bạn Xốp những buổi đầu tiên khiến mình thích đẻ con vào khoảng tầm tháng 5, tháng 6 trong năm.

Thứ nhất là đẻ tầm đấy trời hết lạnh rồi, bắt đầu chuyển sang hè và cũng không còn bị nồm nữa (Hà Nội mà nồm thì khó chịu cực kì luôn mọi người ạ!). 

Thứ hai là đẻ tầm đấy vì khí hậu ôn hòa nên bé sẽ được tiếp xúc với thời tiết thuận lợi và dễ dàng hơn, tắm nắng chắc chắn sẽ nhiều hơn các bạn sinh vào mùa Thu Đông. 

Và cuối cùng, đẻ tầm đấy tháo bỉm cho con tập xi cực kì thuận tiện - cá nhân mình thấy việc đóng bỉm chỉ tiện vào mùa đông và buổi tối thôi, còn cứ tập xi cho con đỡ bị hăm là tốt nhất :D

1 năm - 6 tháng trước khi chính thức có thai

Đây là thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu tham gia vào một lớp học thể dục hoặc theo đuổi thường xuyên một loại hình thể dục nào đấy. 


Lần đầu tiên mang thai mình không chịu vận động, cơ thể tăng rất nhiều cân (18kg lận). Khi đấy mình tưởng rằng tăng cân như vậy là tốt, nhưng kì thực mình béo lên nhiều mà con đẻ ra cân nặng rất bình thường (3,2kg), chưa kể mình bị phù chân rất sớm - từ tháng thứ 6 đã bị phù rồi và có nguy cơ tiểu đường thai kì cao vì tăng cân nhiều quá!

Sau khi sinh thì lại bị mẹ chồng với mẹ đẻ bắt ăn móng giò nhiều quá, nên khi lên bàn đẻ thì 66kg (thời con gái mình nặng 48kg), đẻ xong cân còn có 54kg mà ở nhà chăm con mấy tháng lên đến 58kg. Bạn Xốp ngoài 18 tháng mình cai sữa, không phải chú trọng ăn uống nữa thì mới gọi là sụt cân đi, không thì cứ béo quay béo cút! :((

Hiện tại cân nặng của mình là 53kg - chưa về được với con số bạn đầu nhưng với chiều cao 153cm của mình thì chỉ số BMI như vậy là bình thường và mình có kế hoạch tập luyện để duy trì cân nặng và sức khỏe.

Chỉ số BMI là một thứ rất quan trọng. Nó sẽ định liệu được bạn có quá béo hoặc quá gầy không. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng phụ nữ trước khi mang thai nên theo dõi chỉ số BMI của mình, nếu quá gầy thì phải tích cực ăn uống luyện tập để tăng cân, nếu quá béo thì phải giảm xuống - việc duy trì chỉ số BMI ở ngưỡng tiêu chuẩn sẽ tốt hơn không chỉ cho cơ thể chúng ta trong quá trình mang thai mà còn hỗ trợ cho việc thụ thai dễ dàng và hệ sinh dục hoạt động ổn định - yếu tốt quyết định để có một em bé khỏe mạnh.

Cộng hưởng với đó, nhiều bà mẹ hiện đại ngày nay đã rất thức thời khi hiểu được rằng: bầu không có nghĩa là ngừng vận động và tập thể dục. Tuy nhiên nhiều người không hiểu rằng việc để cơ thể vận động phải cần một thời gian để thích ứng (tối thiểu là 6 tháng). Ví dụ bạn là một người lười vận động hoặc không bao giờ chịu vận động, biết có thai rồi mới đi tập nọ tập kia thì nguy cơ động thai và sảy là hoàn toàn có thể xảy ra vì cơ thể bạn không thể thích ứng với việc vận động mạnh.

Trong khi việc tập luyện các bộ môn thể thao lại rất tốt cho mẹ bầu trong việc duy trì sức khỏe trước trong và sau thai kì, tránh các biến chứng (ví dụ như tăng cân quá nhiều dẫn đến tiểu đương thai kì chẳng hạn), giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn (chả thế mà các mẹ hồi xưa chưa có khái niệm fitness nhưng cứ có bầu là tích cực đi bộ để dễ đẻ)... vì vậy việc luyện tập thể thao rất được khuyến khích.

Do đó, việc lên kế hoạch tập thể dục tối thiểu 6 tháng trước khi có thai là vô cùng quan trọng.

Trước khi có thai, có thể bạn tập các bộ môn gym, nhưng trong 3 tháng đầu chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng vừa sức, bơi và tập yoga. Từ những tháng sau đấy tùy theo điều kiện sức khỏe và sự tư vấn của bác sĩ, huấn luyện viên... bạn có thể có chế độ tập luyện riêng.

Đi cùng với việc luyện tập thể thao, cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống khoa học và điều độ. Nếu bạn uống cà phê, hút thuốc hoặc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, nên dừng lại ngay trong thời gian này.

Ngoài ra, đây là giới hạn cuối cùng để chuẩn bị về vấn đề tài chính. Nên bắt đầu trong khoảng thời gian này, hoặc thậm chí sớm hơn, kể từ khi xác định sẽ có con.

6 tháng - 3 tháng trước khi chính thức có thai

Khoảng thời gian này mình chú trọng đến 2 vấn đề: Một là lên lịch tiêm phòng trước thai kì cho bản thân. Và hai là uống thuốc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. 


bốn mũi tiêm mẹ cần phải nhớ để chích ngừa trước khi mang thai:

- Cúm (tiêm 1 tháng trước khi mang thai)

- Rubella (tiêm mũi MMR phòng 3 bệnh: Sởi - Quai bị - Rubella, tiêm 3 tháng trước khi mang thai)

- Thủy đậu (tiêm 5 tháng trước khi mang thai - cái này không nhiều tài liệu nói, mình đến nơi tiêm chủng bác sĩ mới tư vấn nên các bạn nên lưu ý)

- Viêm gan B (tiêm 1 tháng trước khi mang thai)

Việc uống thuốc bổ sung dưỡng chất trong thời gian này sẽ giúp chung ta hạn chế được việc cơ thể suy giảm sức sau khi hạ sinh và cũng giảm khả năng bị ốm nghén khi mang bầu.

Đây cũng là khoảng thời gian nên theo dõi chu kì kinh nguyệt để dễ dàng tính ngày dễ thụ thai. Để thuận tiện, chúng ta có thể down một vài app về cho điện thoại và theo dõi chu kì kinh nguyệt hằng tháng. Mình sử dụng song song hai app là Lady Timer Clue để theo dõi song song (một app tiếng Việt và một app tiếng Anh). Nếu như chu kì kinh không đều hoặc bạn có hiện tượng gì không tốt, nên đi kiểm tra sức khỏe sinh sản. Đặc biệt nên có biện pháp phòng và điều trị nếu bị bệnh phụ khoa.

1 tháng trước khi chính thức có thai

Bắt đầu nên tìm đọc về các loại sách mang thai/nuôi con nhỏ. Mình đã có bài viết về các quyển sách hay cho các mẹ trong mục Mommy's Books, mọi người có thể tham khảo để đọc thêm.


Tìm hiểu kĩ về các sản phẩm dưỡng da bạn đang dùng và thành phần cần tránh trong các sản phẩm khi mang thai. Thay đổi và tìm kiếm sản phẩm phù hợp trong khoảng thời gian này là vừa đủ để làn da kịp thích ứng và cơ thể cảm thấy thoải mái khi dùng. Mình rất chú trọng đến việc dưỡng da an toàn khi mang thai, mặc dù nhiều tài liệu có nói 90% các sản phẩm dưỡng da trên thị trường đều có thể dùng được khi mang thai, chắc do tâm lý "ăn chắc mặc bền" và tính cẩn thận hơi bị thái quá :)


Cuối cùng, chúc các mẹ có dễ dàng thụ thai và có giai đoạn 9 tháng 10 ngày bình an, chào đón những thiên thần nhỏ đến với gia đình :)

Thân,


2 nhận xét

Unknown nói...

bạn ơi, viết tiếp seri các sản phẩm dùng khi mang thai đi. mình cũng đang chuẩn bị nhưng ko biết đọc thành phần mỹ phẩm nên khó quá T___T. Nếu có bài viết về sản phẩm cụ thể cho mẹ bầu thì tốt quá

Midorichan nói...

bài viết hay và kỹ lắm ,cảm ơn Mrs Meo