Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 27: Chăm sóc trẻ đã từng bị viêm phế quản/viêm phổi

Bệnh viêm phế quản/viêm phổi là bệnh cực kì phổ biến ở Việt Nam. Khí hậu ở đất nước chúng ta không trong lành, ô nhiễm, thời tiết thay đổi liên tục khi thì nóng lúc thì lạnh thỉnh thoảng lại ẩm ướt... rất phù hợp để nhiều bệnh truyền nhiễm và các bệnh về tai mũi họng được dịp "hoành hành". Trẻ em với sức đề kháng yếu, chưa hoàn thiện khả năng tự bảo vệ sức khỏe của bản thân trước những tác động của sự thay đổi về môi trường là nhân tố dễ bị viêm phế quản/viêm phổi. Đặc biệt, trẻ một khi đã từng bị viêm phế quản/viêm phổi rất dễ tái đi tái lại nhiều lần, nếu để lâu không chữa trị kịp thời hoặc bị nhiều lần lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn rất dễ khiến bệnh trở nên mãn tính.

Để tìm hiểu về bệnh viêm phế quản là gì, và khi trẻ bị viêm phế quản có những triệu chứng gì và bệnh diễn biến ra sao trong cơ thể, các mẹ có thể vào đây để đọc tham khảo.

Bạn Xốp đã từng bị viêm phế quản, không chỉ 1 mà là 2 lần! Cả hai lần mình đều phải đưa con vào viện để truyền nước, tiêm kháng sinh, thậm chí lần thứ hai bạn còn không chịu ăn uống khiến các bác sĩ phải kê cho bạn truyền đạm 1 lần/ngày. Đặc điểm diễn biến của bệnh phải nói là cực kì nhanh: chỉ sổ mũi độ 2-3 hôm, sau đó sẽ ho thêm độ 1-2 hôm nữa kèm theo hâm hấp sốt và tiếp đó cơn sốt cao sẽ kéo đến cực nhanh, liên tục, nhiều khi uống thuốc hạ sốt chưa đủ bốn tiếng đã lại sốt cao tiếp, mê man li bì không biết gì, không chịu ăn uống và cực kì quấy khóc. Và đặc biệt, vì bị căn bệnh đó rồi nên bạn Xốp rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ cần trời trở lạnh - nóng thất thường là bạn rất dễ bị ốm, nhẹ thì sổ mũi hắt hơi, nặng thì sốt và ho có đờm.

Là mẹ, đầu tiên mình phải thừa nhận một cách công bằng rằng: mình đã không thực sự chăm chút kĩ lưỡng cho bạn Xốp, để bạn tái phát đến hai lần viêm phế quản chỉ trong gần 1 năm. Bạn bị như vậy, hoàn toàn là do lỗi của mình. Không những vậy, khi bạn bị ốm, với tình hình sức khỏe như vậy bắt buộc phải vào viện truyền kháng sinh - càng khiến cho sức khỏe của bạn lệ thuộc vào loại thuốc "thần kì" nhưng cũng là con dao hai lưỡi này. Để con bị ốm, phải vào viện, và phụ thuộc vào kháng sinh - người làm mẹ như mình không khỏi thấy day dứt, ăn năn và thực sự muốn làm một điều gì đấy để vực bạn dậy.

Mình đã áp dụng phương pháp chăm sóc đặc biệt cho bạn, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa như hiện này ở Hà Nội, được khoảng gần nửa năm nay. Trộm vía, những lần thời tiết thay đổi, bạn có sổ mũi - có hắt hơi, nhưng chỉ độ 2-3 ngày áp dụng là bạn lại đỡ hẳn. Bản thân mình cũng nhận thấy, sức đề kháng của bạn có cải thiện, trước những đợt giao mùa bạn không còn quá "nhạy cảm" như trước nữa. Hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người một chút ít kinh nghiệm ít ỏi của mình, mong được các mẹ có nhiều kinh nghiệm hơn chỉ giáo! :)

Đặc điểm đầu tiên của trẻ từng bị viêm phế quản/viêm phổi đó là hệ hô hấp của trẻ rất yếu và nhạy cảm, một sự thay đổi nhỏ trong thời tiết cũng khiến bệnh cũ của các bé tái phát. Rất buồn nhưng phải thừa nhận với các mẹ một điều rằng, với các bé đã từng bị viêm phế quản/viêm phổi thì điều hòa là người bạn thân thiết trong giấc ngủ.

Lý tưởng nhất là sắm một chiếc điều hòa hai chiều để phục vụ bé trong lúc ngủ. Điều hòa giúp nhiệt độ trong phòng ổn định, bé sẽ ngủ ngon hơn. Với mùa hè thì nhiệt độ phòng trẻ khoảng 28 độ C, với mùa đông thì khoảng 26 độ C. Ở mức nhiệt này, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái, không quá nóng cũng không quá lạnh. Những lúc bé đi ngủ trong phòng điều hòa, nhất thiết vẫn phải cho trẻ mặc quần áo dài, chất liệu cotton 100% mỏng nhẹ, thoáng mát để trẻ ngon giấc hơn. 

Một khi đã dùng điều hòa, thì một thiết bị hỗ trợ không thể thiếu đấy là máy tạo hơi ẩm. Máy tạo hơi ẩm giúp cho không khí trong phòng luôn có độ ẩm nhất định, giúp bé không bị khô mũi, khô họng. Nhiều nhà cầu kì hơn còn sắm thêm cả nhiệt kế đo độ ẩm và nhiệt độ trong phòng để chắc chắn phòng có nhiệt độ và độ ẩm cần thiết. Độ ẩm lý tưởng trong phòng dành cho bé là 65%.


Với những gia đình không có điều kiện mua điều hòa thì phải rất chú trọng đến việc theo dõi giấc ngủ của bé. Một đặc điểm phổ biến của các bé bị viêm phế quản/viêm phổi là ra rất nhiều mồ hôi trộm lúc ngủ. Cha mẹ phải thường xuyên lau mồ hôi cho con, tránh trường hợp để bé bị ra mồ hôi quá nhiều và nhiễm lạnh dẫn đến ho, sổ mũi rồi sau đó lại tái phát bệnh cũ. Người bạn đồng hành với trẻ trong giấc ngủ không thể thiếu là khăn xô và giấy ăn mềm. Ở nhà mình không có điều hòa hai chiều, chỉ có điều hòa một chiều nên vào mùa đông và những lúc giao mùa như thế này lúc nào ở đầu giường mình cũng để sẵn một chiếc rỗ nhỏ hình vuông, ở trên trong là một túi giấy ăn mềm và khăn xô giặt sạch gấp sẵn. Lúc nào bạn Xốp đi ngủ mình cũng luồn một khăn xô vào lưng bạn để thấm mồ hôi, một khăn xô khác lót dưới đầu bạn và một khăn xô dùng để lau ngoài. Nếu trời trở lạnh, phía trước ngực bạn mình sẽ luồn thêm một khăn xô nữa. Như vậy vừa đảm bảo ấm, mà nếu bạn có ra mồ hôi thì khăn xô cũng thấm được, bạn sẽ không bị lạnh.

Thường một đêm khăn xô ngực và lưng mình thay khoảng 2 lần, khăn lót đầu thay 1 lần, còn khăn dùng để lau ngoài thì khoảng 2-3 lần. Trời lạnh hơn thì lượng khăn xô mình dùng cũng ít đi. Cũng có khi mình thay khăn lau ngoài bằng khăn giấy để tiện dùng xong vứt đi luôn. Tốt nhất nên lựa chọn khăn xô bản to, khoảng 2-3 lớp là vừa đủ. Thường xuyên giặt sạch sẽ, ngâm nước xả để mềm khăn và phơi khô dưới ánh nắng hoặc không khí khô ráo.


Hệ hô hấp của bé yếu vì sức đề kháng chưa hoàn thiện, hệ hô hấp của trẻ đã từng bị viêm phế quản/viêm phổi lại càng yếu hơn nên việc vệ sinh và có những biện pháp "phòng hơn chống" là vô cùng cần thiết. Mình tập cho bạn Xốp một thói quen: ngày vệ sinh 2 lần bằng nước muối sinh lý (sáng/tối) và uống 1 thìa mật ong chanh đào vào buổi sáng hòa cùng nước ấm.

Bác sĩ Nhi thường khuyên mẹ rửa mũi cho trẻ khi bị sổ mũi bằng cách đặt trẻ nằm nghiêng, xịt nước muỗi vào một bên và hút ra ở bên còn lại. Tuy nhiên việc rửa mũi này cá nhân mình thấy chỉ nên áp dụng với các bạn bị viêm mũi nặng, mũi nhiều dịch nhầy và có đờm còn trong điều kiện con bạn khỏe mạnh thì chỉ cần làm rất đơn giản là nhỏ nước muỗi vào mũi cho trẻ và để nước muối đó chảy xuống họng. Đây là cách vệ sinh rất hữu hiệu cho mũi và họng của trẻ, không chỉ phòng bệnh mũi họng mà còn phòng bệnh cảm cúm theo mùa nữa!

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại nước muối sinh lý nhưng mình chỉ tin dùng lọ nước muỗi có hình như bên dưới vì vỏ mềm nên dễ bóp nước muối ra và đầu vát tròn tránh đc việc xây xát niêm mạc mũi của bé. Ngoài ra bạn cũng có thể trữ sẵn trong nhà 1-2 lọ xịt muối biển Sterima (loại màu xanh dương nhạt cho trẻ từ 0-3 tuổi) để rửa mũi cho bé khi cần kíp.


Mật ong chanh đào là một phương thuốc cực kì hữu hiệu để phòng ho, cảm cúm không chỉ cho trẻ nhỏ mà cho tất cả các thành viên trong gia đình. Khoảng tầm tháng 10 là đến mùa chanh đào, bạn hoàn toàn có thể ra chợ tìm mua và về nhà làm theo nhiều công thức hướng dẫn trên mạng. Ví dụ như công thức này. Mình khuyến khích các mẹ tự mua chanh đào và làm ở nhà, hạn chế chanh đào handmade mua sẵn hoặc chanh đào đóng gói bán ở siêu thị, vì cái này thực ra làm dễ lắm ý!

Một lưu ý nhỏ là mật ong chanh đào chỉ nên dùng cho bé trên 1 tuổi, dưới 1 tuổi trẻ không nên dùng mật ong vì có nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng mật ong không tốt cho dạ dày của trẻ nhỏ các mẹ nhé!


Cá nhân mình thấy các bé rất thích vị của mật ong chanh đào vì nó vừa ngọt ngọt, chua chua, rất lạ miệng. Mẹ nào sợ bé "khé" cổ khi uống có thể pha với một ít nước ấm là ok. Buổi sáng chưa ăn gì uống một chút mật ong chanh đào cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nữa đấy ạ!

Một sản phẩm khác có giá thành rất rẻ mà cực kì hữu dụng mà mẹ nào cũng nên sắm ở trong tủ thuốc cho trẻ đó là dầu tràm.


Dầu tràm có tác dụng như thế nào thì có lẽ mẹ Méo không phải giới thiệu nữa. Nhưng đúng là qua thực tế sử dụng mẹ Méo thấy đây thực sự là một sản phẩm không thể không có. Mùa đông nếu sợ bé ngủ mà lạnh ngực, lạnh chân - các mẹ chỉ cần lấy một ít dầu tràm xoa lên ngực và lòng bàn chân của trẻ. Đặc biệt với những bạn bị nghẹt mũi mà dùng phương pháp này rất tốt, không những giúp các bé ấm ngực và gan bàn chân, không bị lạnh mà còn giúp mũi bé được thông tự nhiên khi ngửi thấy hương dầu tràm, lại không làm cay mắt bé.

Lúc tiết trời giao mùa, mẹ cũng có thể hòa một chút dầu tràm vào chậu nước ấm để tắm cho bé. Vừa là một hình thức đề phòng cảm cúm hữu hiệu mà còn giúp cho cơ thể trẻ được giữ ấm sau khi tắm xong. Tất nhiên là đừng quên tráng lại người cho bé nhé. Tắm với dầu tràm cũng giúp cho trẻ không bị muỗi và côn trùng đốt nữa đấy ạ!

Trẻ bị viêm phế quản/viêm phổi khi ra ngoài tiết trời lạnh thường xuyên phải giữ ấm người trong đó đầu - mũi - miệng - cổ - ngực - gan bàn chân - gáy là những nơi cần đặc biệt chú ý. Mũ ấm, áo len, yếm, tất và khẩu trang, khăn bông bay là những thứ mẹ không thể quên khi cho bé ra ngoài khi trời lạnh. Cẩn thận có thể bôi ít dầu tràm lên ngực và gan bàn chân trước khi ra ngoài nữa.


Trước đây, mình cũng có entry giới thiệu với các mẹ cách chăm sóc và giữ ấm cho bé khi đông về, các mẹ cũng có thể đọc tham khảo thêm ở đây nhé.

Một sản phẩm nữa nếu như có điều kiện các mẹ cũng nên đầu tư - đặc biệt là với những bạn thường xuyên bị ho đờm nặng tiếng, đờm nằm sâu trong cổ họng và đã bị tái đi tái lại nhiều lần: máy xông họng.


Lần đầu tiên bạn Xốp bị viêm phế quản phải vào viện, sau khi nằm viện vài ngày bạn được cho về nhưng hàng ngày vẫn phải vào viện để xông họng. Được khoảng hai hôm thì mình được một cô y tá trong viện Nhi gợi ý mua máy xông họng cho bé tại nhà. Máy mình mua là của Omron, loại giá rẻ nhất - khoảng 900k. Máy khá nhỏ gọn với hai ống xông họng loại nhỏ và loại vừa dành cho bé, túi đi kèm, nói chung rất tiện lợi để mang đi mang lại và cũng dễ dàng để cất trong ngăn tủ. Máy chạy bằng điện, tiếng hơi to một tẹo nên nếu mẹ nào muốn xông họng cho bé tại nhà thì nên đợi lúc bé ngủ, ôm bé trong lòng rồi xông thì bé sẽ đỡ giật mình hơn. Bạn hàng xóm bên cạnh nhà bạn Xốp cũng dùng của Omron nhưng là loại "xuỵn" hơn, trông to và cồng kềnh hơn.



Lưu ý là khi sử dụng loại máy này bắt buộc phải có đơn của bác sĩ kê liều lượng thuốc pha để xông họng cho trẻ. Không được tự ý mua rồi xông. Và khi xông thì nên xông sau/trước khi ăn tầm 2h đồng hồ để tránh tình trạng nôn trớ. Thật ra việc có máy này ở nhà cũng không phải là bắt buộc, nhưng so với việc đi đi lại lại vào viện để xông họng mà mỗi lần xông cũng tốn vài trăm nghìn thì thà tiết kiệm có máy xông tại gia như thế này sẽ tiện hơn. Mình lưu ý lại lần nữa là nên sắm với điều kiện bé hay bị ho có đờm và bị nhiều lần nhé. Với các bé thi thoảng hãn hữu mới bị thì mẹ nên cân nhắc.

Làm mẹ, để con bị ốm, là cái sai của chúng ta. Nhưng để con bị ốm lần nữa mà không có biện pháp phòng bị gì thì còn là một sai lầm lớn nữa. Chăm sóc một đứa trẻ khỏe mạnh cũng đã vất vả, chăm sóc những em bé hay ốm đau lại càng vất vả hơn. Hy vọng entry này giúp ích cho các mẹ trong việc chăm sóc các bé đã từng bị viêm phế quản/viêm phổi. Mong các mẹ vững chí, bền tâm và chịu đựng sức ép giỏi - vì khi con ốm con đau, trong nhà tự dưng xuất hiện nhiều "chỉ đạo viên" trên trời rơi xuống, mệt mỏi lắm!


Thân,

P/S: trong bài có sử dụng nhiều ảnh từ blog WP cũ của mình, vội quá không edit ảnh, mọi người thông cảm nhé! :)