Được tạo bởi Blogger.

BAM SERIES #32 | SỐT VI-RÚT CÓ ĐÁNG NGẠI KHÔNG?!?

Bạn Xốp vừa mới trải qua một đời sốt vi-rút. Thấy bảo hiện nay đang có "dịch" sốt vi-rút, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa từ nóng ẩm sang hanh thu. 

Trước đây, các mẹ có quan niệm "sốt" là do trong cơ thể đang bị viêm nhiễm ở một bộ phận nào đấy. Và vì viêm nhiễm nên tất lẽ dĩ ngẫu sẽ đưa con đi khám bác sĩ để kê thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, sốt vi-rút thì hoàn toàn không cần kháng sinh! Cơ thể con sẽ tự đào thải vi-rút chỉ trong khoảng 5-7 ngày. Vấn đề các mẹ cần lưu ý hơn cả ở đây đấy là chăm sóc trẻ như thế nào trong những ngày bé bị ốm sốt để tránh bội nhiễm dẫn đến những bệnh viêm nhiễm nghiêm trọng hơn (và một khi đã bị bội nhiễm thì dùng kháng sinh là điều đương nhiên).

Sau gần 1 tuần chăm bạn Xốp bị sốt vi-rút (trộm vía) đã lại người và trở lại đi học đều như bình thường, không dùng một giọt kháng sinh nào (bạn nào theo dõi blog và Instagram của mình lâu thì có thể đã biết việc bạn Xốp hồi nhỏ rất hay bị ốm và sai lầm lớn nhất của mẹ là quá tin tưởng bác sĩ cho con uống kháng sinh quá sớm, do vậy gần như trong 2 năm đầu bạn Xốp rất bị "lệ thuộc" vào kháng sinh!) Ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm ít ỏi của mình.

1. Quan sát sự thay đổi nhiệt độ cũng như hiện tượng của bệnh

Cơ thể mỗi bạn nhỏ có sự khác biệt, không bạn nào giống bạn nào. Ví dụ như bạn Xốp, từ nhỏ chỉ cần nhiệt độ không ở mức bình thường (khoảng từ 37,2 độ trở lên) là mẹ biết rằng cơ thể bạn đang có vấn đề. Tuy thuộc vào độ nặng - nhẹ của bệnh mà nhiệt độ cơ thể bạn sẽ thay đổi.

Lúc còn bé, có lần bạn Xốp bị viêm phế quản. Bạn sốt rất cao, toàn 38,5 độ trở lên - hạ sốt đến khoảng 38,3 độ thì lại sốt lại, cơn sốt diễn biến nhanh chỉ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi uống hạ sốt. Chưa kể, khi sốt bạn mê man, li bì, không ăn không bú, chỉ nằm im thin thít ngủ hoặc cùng lắm thì quấy khóc. Với những tình trạng sốt như vậy, việc cho trẻ vào bệnh viện để nhận được sự theo dõi của bác sĩ và truyền nước là bắt buộc.

Tuy nhiên, càng lớn thì việc ốm sốt của bạn Xốp trộm vía nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Khi bạn sốt đến ngưỡng 38,5 độ và cơ thể bắt đầu khó chịu, bạn mới quấy khóc mè nheo. Còn lại, nếu nhiệt độ chỉ hâm hấp, bạn vẫn chơi như bình thường, có chăng thì lười ăn hơn một chút.

Chính bởi đặc điểm cơ thể cứ hơi hâm hấp một chút là mẹ biết bạn đang "có vấn đề", trong khi đó biểu hiện bệnh của bạn không hề rõ ràng (không ho, chỉ hơi ngạt mũi, không bị đi ngoài), bạn lại có "tiền sử" bị viêm tai giữa chỉ sốt chứ không có biểu hiện gì đặc biệt, vì vậy mẹ đưa bạn đến bác sĩ quen để kiểm tra tổng thể.

Trẻ nhỏ phát triển bình thường, không có bệnh hiểm nghèo hoặc nan y, thường gặp hai vấn đề chính dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe: một là hệ tiêu hóa, hai là hệ tai-mui-họng và/hoặc hệ hô hấp. Biết địa chỉ khám của những bác sĩ uy tín về lĩnh vực này, thì bạn có thể yên tâm đưa con đến khám và chắc chắn 50-60% con sẽ khỏi bệnh khi trở về (bác sĩ hiểu rõ bệnh và không cho thuốc linh tinh!)

Vì đặc điểm của bạn Xốp là hệ Tai - Mũi - Họng (TMH) kém (do đã từng bị viêm phế quản, viêm tai giữa và VA thường hay bị sưng khi thay đổi thời tiết) nên mình chú trọng đến việc tìm bác sĩ chuyên khoa TMH hơn. 

Trước đây mình có khám bác sĩ X. ở bệnh viện Nhi có địa chỉ phòng khám ngay gần nhà và khá đông. Tuy nhiên, bác sĩ khám tương đối qua quít, và đặc biệt là rất thích cho thuốc kháng sinh! Mình không tin tưởng lắm nên tìm kiếm một vị bác sĩ mới.

Cô bạn mình giới thiệu BS Nguyễn Hoàng Huy, Bệnh viện TMH TW, PK ở 210 Hoàng Ngân khám rất tốt nên mình đã đưa con đến khám và thấy rất ổn. PK sạch sẽ, không quá đông, bác sĩ khám kĩ, dặn dò kĩ và đặc biệt là không cho thuốc kháng sinh tùy tiện.

Trước đây nếu đến khám ở chỗ bác X., nếu bị ghi là VA thì chắc chắn bạn Xốp sẽ bị kê 3 loại thuốc: kháng sinh - kháng viêm - thuốc bổ kèm theo một chai xịt rửa mũi. Nhưng từ khi đi khám BS Huy, bác chỉ kê cho con mình đúng siro ho (nếu có ho) và thuốc kháng viêm, đồng thời ghi rõ là về rửa mũi ngày bao nhiêu lần (không lạm dụng rửa nhiều nhé). Trộm vía bạn Xốp từ hồi khám BS Huy mình thấy sức khỏe tăng lên rõ rệt, đặc biệt là không phụ thuộc vào kháng sinh như trước nữa.

Bạn nào nhà không ở trên mạn Cầu Giấy, Tây Hồ mà ở mạn Thanh Xuân, Đống Đa... có thể tìm đến khám BS. Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trường Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhé. Mình không biết địa chỉ PK của bác, chỉ biết ở mạn Thanh Xuân thôi, bạn nào có nhu cầu nhắn hỏi chị Mây bên blog Mamaholic nhé, chị ý giới thiệu cho mình biết BS này nhưng nhà mình ở xa quá đi lại không tiện.

2. Hạ sốt đúng cách

Quy luật của sốt vi-rút là sốt liên tục trong vài ngày, các cơn sốt đến dồn dập sau đó từ từ hạ dần và hết. Trong 3 ngày đầu tiên, bạn Xốp sốt liên tục 38,5-39 độ, cứ 4-5 tiếng lại sốt một lần.

Việc đầu tiên để giúp con hạ sốt đấy là mặc cho con quần áo thoáng mát, thoải mái bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi. Đặt con nằm nghỉ hoặc chơi trong phòng thoáng khí chứ không phải phòng bí đóng kín. Nếu như con sốt cao liên tục và có hiện tượng mệt mỏi, có thể hỗ trợ việc hạ sốt bằng chườm ấm trán - hốc nách - bẹn - gan bàn chân. Đặc biệt, cho con uống nhiều nước để bù điện giải (Ozerol/ở độ tuổi bạn Xốp là 200ml/ngày, nước cam - chanh -quýt)


Để hạ sốt cho con bằng thuốc có hai cách: thuốc uống và thuốc đút hậu môn. Mình không thích dùng thuốc đút hậu môn, nên chỉ dùng thuốc uống cho bạn Xốp từ bé đến giờ. Trước bạn hay uống Efferagal tuy nhiên khá khó uống, sau mình chuyển sang cho con uống Sotstop thì thấy dễ uống và có hiệu quả hơn. Sotstop có cách sử dụng là lấy cân nặng của con chia cho 2 thì sẽ ra lượng ml thuốc cần uống trong một lần hạ sốt, và phải sau 4-6 tiếng mới cho con uống lần tiếp theo để cơ thể có đủ thời gian "đào thải" thuốc ra ngoài, tránh tình trạng nhiễm độc gan rất nguy hiểm.

Nếu như con vẫn sốt cao và có hiện tượng mệt mỏi, li bì, mất nước quá nhiều... Có thể cho con đến bệnh viện để truyền nước hỗ trợ hạ sốt.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này nên chú ý chăm sóc trẻ. Để ý đến các hiện tượng ho, sổ mũi... để có cách khắc phục. Không nên để các tình trạng trên quá nặng dẫn đến bội nhiễm và sẽ chuyển biến theo hướng xấu hơn,

3. Chế độ ăn uống nhẹ, chia làm nhiều bữa, bổ dưỡng và dễ tiêu hóa

Khi bị sốt, gì thì gì các bé thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn. Do ảnh hưởng của sốt vi-rút, họng của con có thể hơi sưng đỏ dẫn đến việc ăn uống khó khăn hơn và dễ nôn chớ.

Để giảm thiểu tình trạng nôn chớ, biếng ăn ở trẻ. Có thể nấu cháo bổ dưỡng cho con, chia làm nhiều bữa trong ngày, ăn cháo kết hợp với uống sữa.

Sau khi con hết ốm sốt, có thể nhờ bác sĩ kê cho một đợt thuốc bổ giúp hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, kích thích ăn ngon. Vì dù gì trẻ bị sốt vài ngày người sẽ "tọp" đi khá nhanh và phải mất thời gian mới lấy lại được "phong độ" như cũ.

4. KHÔNG DÙNG KHÁNG SINH!

Sốt vi-rút không cần dùng kháng sinh. Đây là một điểm các bố mẹ cần lưu ý. Chỉ dùng kháng sinh trong trường hợp trẻ đã sốt lâu ngày và không được chăm sóc cẩn thận dẫn đến bội nhiễm bị bệnh nặng hơn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai v.v..

Tuy nhiên, do đặc điểm của sốt vi-rút, sau khi hết sốt trẻ vẫn sẽ sổ mũi/hắt hơi hoặc ho hắng trong nhiều ngày. Bố mẹ chỉ cần cho trẻ uống thuốc bổ, xịt rửa mũi đúng cách và cho uống siro ho là được.

Hiện mình vẫn tiếp tục cho bạn Xốp uống thuốc bổ kèm theo siro ho Prospan của Đức.


Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ của mình trong việc chăm sóc trẻ nhỏ khi bị sốt vi-rút. Hy vọng giúp ích được cho các mẹ.

Thân,