Được tạo bởi Blogger.

BAM SERIES #31 | LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ VIÊM DA DỊ ỨNG/VIÊM DA CƠ ĐỊA?

BAM Series dừng lại ở số 30 nhường chỗ cho những tâm sự của mẹ Méo về quá trình "đi bộ đội" của bạn Xốp. Nay việc đi học đã ổn ổn hơn rồi nên mẹ Méo lại tiếp tục với BAM Series - chia sẻ về cách chăm sóc, nuôi dạy con cái chẳng-giống-ai của mẹ Méo :D


Từ nhỏ đến giờ, trộm vía bạn Xốp là một đứa "mát da, mát thịt", tức là mặt mũi da dẻ ít khi bị lên mụn nhọt rôm sẩy các kiểu... Nhưng không hiểu vì sao trong tháng 8 vừa rồi, mặt - chân tay- người ngợm con bắt đầu nổi mẩn. Ban đầu chỉ là một chút ít ở tay, sau đó là ở mồm, rồi lan sang đùi, lưng, gáy. Vết lan ửng đỏ, mẩn lên nếu gãi nhiều, khiến con rất khó chịu và ngứa ngáy.

Sau gần 1 tháng "chinh chiến" với căn bệnh này, đến nay trộm vía bạn Xốp đã đỡ tương đối nhiều, mình xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm chăm con trong giai đoạn bị viêm da dị ứng/viêm da cơ địa này.

1. Khám bác sĩ da liễu

Các bệnh ngoài da nhìn thì tưởng không có vấn đề gì quan trọng, nhưng lại rất cần chú trọng vì nó ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Ngoài ra, do điều kiện môi trường hiện nay không được trong lành, các con đi học tiếp xúc với đồ vật ở lớp và các bạn... nên bệnh rất dễ lây lan/tái phát nhiều lần.

Điều quan trọng nhất khi con bị bệnh đấy là phải xác định nguyên nhân tại sao. Thường thì sẽ có hai nguyên nhân là nguyên nhân từ bên trong cơ thể con và nguyên nhân từ bên ngoài tác động vào.

- Nguyên nhân bên trong: có thể là con ăn đồ nóng, chiên xào dầu mỡ nhiều quá hoặc cơ địa con dị ứng với một món ăn nào đó (hải sản chẳng hạn). Đi kèm với triệu chứng nổi mề đay do nóng trong thì con còn bị nhiệt miệng, táo bón... Mẹ cần kiểm soát lại chế độ ăn uống, check lại thực đơn con từng ăn, nguồn gốc thực phẩm, cách chế biến... để tìm ra nguyên nhân.

- Nguyên nhân bên ngoài: do môi trường tác động vào ví dụ như dị ứng với khói bụi, dị ứng với một loại mỹ phẩm nào đấy, dị ứng với một đồ vật hoặc một chất liệu nào đấy trên đồ chơi. Lâu ngày không tắm hoặc chăn ga gối đệm lâu không thay, giường chiếu nhiều bụi bẩn không được làm sạch kĩ... cũng có thể là những nguyên nhân khiến con bị bệnh.

Sau khi đã sàng lọc xong những nguyên nhân cả bên trong cả bên ngoài thì mới có thể xác định nên đi khám bác sĩ nào. Nếu là nguyên nhân bên trong thì phải đi bác sĩ nội tiết, còn nếu là nguyên nhân bên ngoài thì bác sĩ da liễu là lựa chọn.

Bạn Xốp sau khi có hiện tượng xuất hiện khoảng 1 tuần theo dõi tại nhà, kiểm soát chế độ ăn và cách tiêu hóa thức ăn... Thì cuối cùng mẹ xác định là bạn bị dị ứng do nguyên nhân bên ngoài. Trong đó chủ yếu có thể là do bạn nghịch đồ mỹ phẩm của mẹ (=.=) hoặc bạn dị ứng với sữa tắm mới có khá nhiều xà phòng.

2. Vệ sinh sạch sẽ giường chiếu, nhà cửa, đồ chơi của con

Cứ độ 1 tháng/lần là phải vệ sinh đồ chơi của con. Cọ rửa sạch sẽ, phơi phóng ra nắng để khô ráo. Tránh cho con chơi những đồ chơi ẩm mốc, lâu ngày không được vệ sinh hoặc vệ sinh xong nhưng không phơi nắng cho khô.


Chăn ga gối đệm nên thay từ 1 - 2 tuần/lần. Đặc biệt, không chỉ chú trọng thay chăn ga gối đệm mà còn thường xuyên lau chùi, cọ rửa gầm giường vốn nhiều bụi bẩn - địa chỉ lý tưởng để các con vi trùng làm tổ ở đây.


Quần áo của con nên được giặt giũ sạch sẽ, với các bạn cơ địa nhạy cảm tránh dùng xà phòng người lớn mà nên dùng xà phòng giặt dành cho trẻ em. Đồ giặt xong phơi phóng nắng ráo cho khô và cất gọn gàng vào trong ngăn tủ.

3. Thuôc bôi và thuốc uống

Trong tủ thuốc ở nhà dành cho bạn Xốp, bao giờ mình cũng trữ một lọ Claritin dạng siro. Đây là loại thuốc trị dị ứng, nổi mề đay khá nổi tiếng và phổ thông, nhưng chỉ dành cho các bạn 2 tuổi trở lên. Thuốc siro này có tác dụng trong 24h sau khi uống, giúp làm giảm thiểu triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn trên cơ thể. Vị của siro rất dễ uống và thơm, các bạn nhỏ hầu như ai cũng thích.


Một lưu ý khi dùng thuốc này là không lạm dụng uống thuốc quá 7 ngày, dễ gây ra hiện tượng khô môi - khô lưỡi ở trẻ.

Khi bị nổi mẩn, nổi mề đay, nhiều bạn bé gãi nhiều gây nên hiện tượng da bị xây sát, nhiều á sừng, lớp da bị tổn thưởng trở nên xù xì, sần lên và dầy hơn. Vì vậy việc dưỡng ẩm cho da là tương đối quan trọng. Giúp da trẻ giữ được độ ẩm cũng như giảm thiểu việc da bị nứt nẻ, ngứa ngáy.

Một điểm đáng lưu ý khác khi chọn sản phẩm bôi dưỡng ẩm cho trẻ trong giai đoạn ngứa ngáy, nổi nhiêu mề đay như vậy là nên tìm các loại kem dưỡng có chứa Calamine. Calamine là hỗn hợp của Oxia Kẽm (ZnO) 0,5% Oxid Sắt (Fe2O3) dùng để chống ngứa nhẹ tại chỗ trong các trường hợp nổi mề đay, phát ban. Trong các sản phẩm của Johnson n' Johnson, Aveeno... cho trẻ nhỏ thương chứa chất này. Tuy nhiên do tình trạng ngứa của bạn Xốp và nổi khá nhiều nên bác sĩ kê cho mình bôi một tuýp Uriage Pruriced Creme có chứa đến 8% Calamine giúp da con nhanh chóng dịu đi hơn. Với bạn nào chưa biết thì đây là một hãng Dược Mỹ phẩm của Pháp do các bác sĩ da liễu thành lập và phát triển nên rất lành tính với da. Hiện tại ở Việt Nam mình biết có Fleur De Sel ở Tràng Tiền là nhập và bán các sản phẩm của hãng.



Trong trường hợp trẻ ngứa nhiều và bôi kem dưỡng có chứa Clamine vẫn không giảm ngứa, đặc biệt là trong nhưng ngày đầu khi các nốt ban, mẩn nổi lên nhiều và gần như ở trên toàn thân... chúng ta phải bôi thêm thuốc có chứa Kẽm cho da bé. Ngoài loại kem trên, bác sĩ cũng kê cho mình một tuýp Phenergan Promethazine 2% - có tác dụng làm dịu gia, giảm ngứa ngáy tức thì nhưng không nên quá lạm dụng.

* Mình phải lưu ý với mọi người là những danh mục thuốc mình đưa ra trong bài dựa trên kinh nghiệm khi mình dùng cho con và dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ, vì vậy mọi người chỉ nên xem như là tham khảo thôi nhé, không phải bé nào cũng có bệnh giống bé nào và hiện tượng dị ứng da ở các bé đều giống nhau đâu ạ.

Cuối cùng, sau khi hết liệu trình chăm sóc, bác sĩ cũng khuyên mình nên cho con uống một liều để mát gan, giải độc giúp cơ thể bé cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu và thải những chất độc không có trong cơ thể ra. Loại thuốc được bác sĩ khuyên dùng là Tiêu độc PV, loại tuýp dùng để uống cho bé.


Sản phẩm được sản xuất và đóng gói tại Việt Nam, dựa trên công thức Thuốc Nam gia truyền từ thảo dược nên rất an toàn cho trẻ nhỏ, không hề chứa một chút kháng sinh nào. Các mẹ có con hay bị rôm sẩy, nổi mề đay nếu thấy cần 1 năm cho uống 1 liều trước mùa hè nóng nực cũng rất ok.

4. Những chú ý trong việc chăm sóc trẻ

- Không được tắm bằng các loại sữa tắm có chứa nhiều xà phòng/xút. Nên tích cực tắm cho các bé bằng các loại nước lá ví dụ nước lá sài đất, nước mướp đắng, nước chanh pha loãng. Thi thoảng nên tắm một lần nước trà xanh cũng rất tốt nhưng không nên quá lạm dụng.

Nếu như các mẹ vẫn muốn tắm cho con bằng sữa tắm thì có thể tìm mua sữa tắm Penaten của Đức hoặc Mustela của Pháp, giá thành rẻ hơn thì có Lactacyd - đây là những loại sữa tắm lành tính, không chứa xà phòng.




- Không tắm bằng nước nóng, chỉ tắm bằng nước mát hoặc nước hơi ấm một chút thôi. Tắm bằng nước nóng hoặc ấm già khiến da trẻ dễ bị khô,gây ngứa ngáy.

- Tăng cường dưỡng ẩm, dặc biệt là vào mùa đông. Trước khi sử dụng một sản phẩm nào mới trên da trẻ, phải test thử trên một vùng da nhất định và theo dõi trong vòng 24h, nếu không có phản ứng hẵng bôi toàn thân và vẫn tiếp tục theo dõi đến hết 5-7 ngày xem có phản ứng gì không.

- Ăn, uống nhiều các sản phẩm có chứa Vitamin C

- Trao đổi với giáo viên ở lớp về tình trạng của con và cân nhắc việc cho con tham gia vào một số hoạt động đòi hỏi phải nhúng toàn bộ tay chân vào một chất lạ (ví dụ như ở lớp bạn Xốp hay được vẽ tranh bằng tay). Quan điểm của mình là vẫn cho con tham gia các trò chơi ở lớp nhưng cần trao đổi để giáo viên lưu ý nếu con có hiện tượng lạ và theo dõi con sát sao hơn.

Trên đây là một số kinh nghiệm mình có được qua lần chăm sóc bạn Xốp gần một tháng qua với bệnh viêm da dị ứng. Bạn nào có kinh nghiệm gì hay thì nhớ chia sẻ nhé.

Thân,