Được tạo bởi Blogger.

RED MY LIPS | TATCHA SILK LIPSTICK #KYOTO RED

Mình bắt đầu bài post này bằng một lời cảm ơn một lời xin lỗi.

Đầu tiên là lời cảm ơn đến bạn HachikoBob.

Biết bạn Bob từ hồi bạn còn viết bài bên blogspot này, nhưng chỉ thật sự giao lưu và trò chuyện với nhau từ lúc bạn chuyển blog sang Wordpress. Lúc đầu, cũng chẳng nhớ nói với nhau những chuyện gì nữa, chắc kiểu "bà tám" về các chủ đề làm đẹp :)) Hai đứa bằng tuổi, lấy chồng thời gian cũng gần gần nhau, đẻ con cũng same same nhau nên cũng có nhiều chuyện để "tâm tình". Lần mình cảm thấy cuộc sống suy sụp vô cùng, vì quá nhiều áp lực dồn nén cùng một lúc, quyết định phải rời xa blog và chuyện viết lách một thời gian... Bạn Bob, dù lúc đấy ở bên Trời Tây, vẫn nhắn tin hỏi han động viên, và nói rằng có gì cần tâm sự để giải tỏa stress thì cứ nói nhé! Tình bạn chỉ thông qua mấy post làm đẹp, mấy bức ảnh hào nhoáng vì đã qua photoshop, những niềm vui thú rất "phù phiếm" của lũ đàn bà con gái, cuối cùng đã giúp mình có được một người bạn như thế đấy! :)

Thỏi son mình review trong bài này được bạn Bob tặng cũng nhân dịp buồn buồn đòi bỏ blog đấy. Chắc kiểu thấy mình tâm sự "số đen" nên bạn tặng thỏi son đỏ để cuộc đời nó chuyển vận "số đỏ" hơn chăng =]] Dù sao thì vẫn chưa cám ơn bạn một cách tử tế, nên nhân dịp này cũng muốn gửi lời cám ơn chân thành đến bạn Bob. Mong bạn mau chóng hoàn thành nghĩa vụ bỉm sữa tập 2 để cho ra đời các bài review dài với hình ảnh chau chuốt đẹp đẽ nhé! ;;)

Lời thứ hai, là lời xin lỗi muốn gửi đến bạn Maddi Pham nói riêng và các bạn bên Mylup nói chung.

Sự tình là từ cách đây hơn 1 tháng, bạn Maddi đã gửi cho mình email mời tham dự chiến dịch "Red My Lips" (Bạn nào like Facebook Page của mình từ năm ngoái có thể đã biết đến chiến dịch và cuộc thi mà mình tổ chức cho chiến dịch đấy).

RML là một chiến dịch ý nghĩa, đặc biệt với cá nhân mình - là một người phụ nữ đã có gia đình, hiểu được những vất vả của việc phụ nữ phải cân bằng giữa công việc xã hội và trách nhiệm làm vợ, làm mẹ; hiểu được cái mà người ta gọi là "sự bình đẳng" hầu như không hề có trong mối quan hệ vợ - chồng theo truyền thống của người Việt ta; và cũng từng bức xúc khi nhìn thấy những người phụ nữ, kể cả ở ngoài đời hay trên những trang báo, bị người đàn ông bạo hành, lạm dụng và khinh rẻ...). Năm nay kì thực mình đã rất háo hức muốn tham gia, và cũng đã email lại cho Maddi xác nhận sẽ tham gia, chỉ có điều băn khoăn không biết nên làm gì cho khác với năm trước để thu hút bạn đọc... Thế rồi Tháng 4 - tháng của chiến dịch RML trôi qua đến "vèo" một cái, và mình thì vẫn chưa làm gì! 

Bí đề tài và chủ đề để tham dự chiến dịch nó chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn hơn là toàn bộ thời gian trong tháng 4 vừa rồi mình quá bận rộn với những kế hoạch cá nhân và những chuyện bề bộn của cuộc sống riêng. Gần như, mỗi ngày trôi qua, khi về đến nhà và xong xuôi mọi việc, mình chỉ biết đánh "phịch" một phát cả cái thân hình nặng nề 50kg lên giường rồi ngủ tít đến sáng! Vì vậy, mặc dù Maddi chẳng trách cứ gì đâu, nhưng lòng cứ thấy áy náy phải nói xin lỗi với các bạn, vì điều đã hứa làm mà vì lý do cá nhân lại bỏ quên mất :(

Thế rồi trong một ngày cuối tuần hiếm hoi không bị các deadlines và những vấn đề riêng tư đè nặng lên đầu, mình chợt nảy ra một ý tưởng viết về một thỏi son đỏ có ý nghĩa đặc biệt với mình - và cũng tranh thủ, nói lên quan điểm của mình với những nội dung liên quan đến RML. Hy vọng, là một sự kết hợp không quá "gượng gạo" và vẫn vừa đủ để các bạn có thể hiểu thêm về RML, về son đỏ, và về Tatcha Kyoto Red.


Để nói về Tatcha, về một hãng mỹ phẩm lấy ý tưởng từ nền tảng làm đẹp của các Geisha Nhật Bản - có lẽ mình không nên nói quá nhiều, và quá sâu. Điều mà mình cảm nhận được đầu tiên khi cầm hộp đó là sự chỉn chu và tỉ mỉ. 

Mình không có nhiều cơ hội được tiếp cận với những nền công nghiệp làm đẹp tiên tiến trên thế giới, hoặc những nền văn hóa đã dạng mang bản sắc riêng... Chủ yếu là qua những trang sách, hình ảnh, bài viết... Vì vậy, khi nhắc đến Nhật Bản, hiển nhiên những thứ mà mình mường tượng ra đó là sự chỉn chu - sự tỉ mỉ - sự nhẫn nại - và sự nghiêm túc. Mặc dù nếu nói rằng Tatcha đã "thể hiện" được những điều có thể nói là tinh túy của người Nhật - văn hóa Nhật, xem chừng có vẻ hơi quá! Nhưng đúng thực là trong một chừng mực nào đó, Tatcha đã "cố gắng" để có thể làm được điều đấy.


Vỏ hộp được in màu xanh tím với những nét in như đường vân gỗ. Mở ra bên trong hộp, sẽ có một sợi dây nhỏ được gắn chặt với phần hộp đựng son, bạn chỉ việc kéo nhè nhẹ ra là thỏi son màu đen huyền bí sẽ hiện ra trước mắt. Nhìn giống như đang cầm một tác phẩm sách hoặc một hộp mỹ nghệ của người Nhật với sự tỉ mỉ được "thêm thắt" vô cùng khéo léo và tài tình.


Các Geisha của Nhật Bản thường được biết đến với hình ảnh mặc bộ kimono truyền thống, bước những bước nhỏ - nhanh và duyên dáng trên những con đường cổ kính nơi cố đô. Khuôn mặt họ được đánh một loại phấn đặc biệt, khiến làn da trở nên trắng muốt, đôi lông mày và mắt được tô vẽ tỉ mỉ - và hẳn nhiên, màu son đặc trưng của Geisha là màu son đỏ.

Thật ra, màu son đỏ trong văn hóa quần chúng nhiều nước đều mang những ý nghĩa khác nhau. Có giai đoạn, son đỏ chỉ dành cho những cô gái hành nghề mại dâm - vì có nhiều nền văn hóa cho rằng màu son này quá gợi dục và hư hỏng. Cũng có giai đoạn, màu son đỏ lại trở thành trào lưu, thể hiện sự mạnh mẽ và nữ quyền của người phụ nữ. Ở một số nước khác, màu son đỏ lại quan niệm chỉ được dùng cho giới quý tộc - thượng lưu giàu có, còn những cô gái có xuất thân thấp hèn và thậm chí làm gái bán hoa thì không bao giờ trang điểm mà chỉ để mặt mộc. Giai đoạn những năm 60-70 của thế kỉ trước, son đỏ lên ngôi và trở thành trào lưu mới của chị em phụ nữ trong việc làm đẹp, được "lăng-xê" bởi rất nhiều những người đẹp nổi tiếng (trong đó có thể kể đến Marilyn Monroe) mà sau này người ta mới phân tích rằng sở dĩ son đỏ thời đấy "hot" như vậy vì tô son đỏ thì lên ảnh đen - trắng trông mới "nét" ...

Cá nhân với các Geisha của Nhật, nếu không tìm hiểu kĩ, rất nhiều người cũng có thể lầm lẫn rằng họ cũng là gái bán hoa - và màu son đỏ họ đánh mang tính chất truyền thống, cũng chỉ là cách để khơi gợi cánh đàn ông mà thôi.Thật ra, Geisha là một nét văn hóa rất riêng của người Nhật. Nó gần như vượt qua cả những nhục dục và những ham muốn thường ngày của con người. 

Văn hoá Bushido (hay còn gọi là văn hóa "Võ sĩ đạo") đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha.

Bushido là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ – một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (các Samurai) phải tuân theo, bao gồm: ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp... Trong giai đoạn phát triển có thể nói là "hoàng kim" của các Samurai, họ được coi là một tầng lớp quý tộc rất có tiếng nói ở Nhật. Các Samurai sống rất có văn hoá, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ, chứ không phải hình thức phục vụ tình dục. Nhu cầu giải trí cao nhã ấy dẫn tới sự ra đời của Geisha.


Geisha khởi nguồn là những người giải trí chuyên nghiệp, họ sử dụng kỹ năng nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, trong đó có âm nhạc, múa và kể chuyện để phục vụ khách hàng. Cũng theo truyền thống mà xuất phát đểm là từ nền văn hóa Bushido nghiêm khắc, các Geisha không quan hệ tình dục với khách hàng.

Nếu để làm gái điếm, đơn giản người phụ nữ chỉ cho đi cái mà họ vốn đã có để đổi lấy tiền bạc. Để làm một Geisha là cả một quá trình khổ luyện từ nhỏ và trải qua nhiều lớp học, cấp bậc đi cùng với việc lĩnh hội những thể loại nghệ thuật truyền thống của xứ sở Mặt Trời mọc. Nguyên tắc truyền thống còn quy định ngặt nghèo rằng, nếu Geisha muốn kết hôn và sinh con, họ phải từ bỏ nghề nghiệp của mình. Vì vậy, nếu để nói Geisha ngang hàng với gái bán hoa, là một sự xúc phạm và báng bổ công việc cũng như giá trị của họ. Cũng tương tự  như vậy, một Geisha không biết trân quý bản thân mà dễ buông thả để chiều lòng khách cũng khiến cho nét văn hóa này bị nhuốm màu ô nhục.

Việc tô son đỏ của các Geisha cũng vô cùng thú vị. 

Phải nói qua về chất son dùng cho việc vẽ màu môi của Geisha. Đa phần họ sử dụng son chiết xuất từ hoa rum (một loài hoa có nhiều cánh nhỏ màu vàng, được coi là biểu tượng vùng Yamagata, trong tiếng nhật gọi là "benibata", tiếng Anh là "safflower"). Sau khi thu hoạch, người ta nghiền nát rồi phơi trong 2-3 ngày cho hoa lên men và chuyển sang màu đỏ thẫm. Tỷ lệ màu đỏ chiết xuất từ mỗi bông hoa rum là rất nhỏ, nên giá thành son khá cao. Khi trang điểm, các cô cho son vào một chiếc chén sứ, hòa cùng một chút nước rồi dùng cọ nhỏ tô lên môi. 

Khi mới bắt đầu học nghề, các cô Maiko chỉ tô một chút son đỏ giữa môi dưới, bởi trong truyền thống, người Nhật cho rằng đôi môi nhỏ là biểu hiện của sự nhục dục và quyến rũ. Sau năm đầu tiên, Maiko bắt đầu tô tới môi trên. Khi đã thành Geisha họ tô môi nhiều hơn nhưng vẫn giữ hình dáng nhỏ hơn môi thật. Phải rất lâu sau đó họ mới tô kín đôi môi. Vì thế, nhìn vào đôi môi người ta có thể đọc được tuổi nghề, kinh nghiệm, độ trưởng thành của mỗi cô.


Dựa trên những đặc điểm thú vị của các Geisha và màu son đỏ vô cùng quyến rũ mà vẫn ẩn chứa nhiều ẩn ý... Tatcha đã tạo nên sản phẩm son đỏ với cái tên gợi nhớ đến cố đô Kyoto - nơi vẫn còn lưu giữ văn hóa Geisha đang ngày một lụi tàn ở Nhật. Thỏi son có cái tên Silk Lipstick Kyoto Red. Với màu son này, Tatcha tự hào rằng: mọi phụ nữ, mọi màu da và mọi lứa tuổi đều có thể sử dụng được!

Thỏi son có thể nói là tương đối nặng, đây có thể nói là thỏi son nặng nhất mà mình từng sở hữu! Tỉ mỉ trong bao bì từ logo hãng ở phần thân đến phần nắp cũng được khắc một cách sắc sảo. Đầu thỏi son cũng được "tạo hình" với những đường nét góc cạnh giúp việc thoa son trở nên dễ dàng hơn. Đáng tiếc là khi mình chụp thỏi son này thì đã qua nhiều lần dùng nên đầu thỏi son đã bị "mòn" đi những nét góc cạnh đấy mất rồi! :(

Màu đỏ của thỏi son nếu như chỉ nhìn qua sẽ thấy khá rực, nhưng kì lạ thay khi đánh lên cá nhân mình cảm thấy đúng là trông màu da của mình sáng sủa và mặt mũi trông cũng rạng ngời hơn.


Son có độ dưỡng vừa đủ, khá bền màu, không bị kiểu son quá matte mà cũng không bị quá nhũ vì nhiều dưỡng. Nói chung ở mức độ vừa phải. Khi mới đánh lên môi, mình thấy nó có màu đỏ sáng. Sau khi ăn uống xong thì son sẽ nhạt đi thiên về tông hơi đỏ cam một tẹo. Nhưng nhìn chung, màu vẫn khá bền trên môi.


Mặc dù khá là ưu tú và đặc biệt, cộng hưởng với một màu đỏ vô cùng đẹp và hợp với mọi tông da, cá nhân mình lại thấy có đôi chút tiêng tiếc với thỏi son này của Tatcha.

Thứ nhất, Tatcha không phải là hãng chuyên về trang điểm - vì vậy, son của hãng cũng được bán với số lượng khá ít. Vào khoảng thời gian mình viết bài này, trên Sephora không hề bán một thỏi son nào của Tatcha (và hãng cũng chỉ cho ra đời 2 thỏi son với 2 màu khác nhau mà thôi), trang chủ của hãng thì cũng báo hết hàng thỏi son này.

Thứ hai, mặc dù nói là lấy cảm hứng từ các Geisha Nhật Bản và màu son này cũng là màu son mang tính biểu tượng của các Geisha, nhưng trong thành phần của son không hề có "benibata" - điều này khiến cho những người thích tìm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa (như mình) cảm thấy có đôi phần hơi... nuối tiếc. Một thỏi son mang tính biểu trưng, khơi gợi sự tưởng nhớ đến một nét văn hóa đẹp của người Nhật - lại không bao gồm những thứ mang tính "truyền thống""đặc trưng" ở trong đấy, không phải là một thiếu sót lớn sao?!?

Cuối cùng, giá thành của bạn son này khá đắt. 65$ chưa kể thuế. Và thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. Nếu với những bạn gái thực sự yêu mến Tatcha thì mới có thể chờ đợi để sở hữu một thỏi son như vậy. Còn với những bạn gái chỉ đơn giản là cần một thỏi son đỏ, thì trên thị trường có hằng hà sa số các loại son đỏ của những hãng khác với giá thành dễ chịu và dễ tìm mua hơn nhiều.

Vậy thì Kyoto Red và Red My Lips liên quan gì đến nhau?!?

Mình nghĩ thực sự là chẳng liên quan mấy đâu :)) Tuy nhiên trong cái đầu bé tí mà hay thích mơ mộng tưởng tượng của mình, thì hình ảnh một Geisha xinh đẹp, quyến rũ, uyển chuyển trong bộ váy kimono truyền thống cầu kì, khuôn mặt được tô vẽ tỉ mỉ và đôi môi đỏ nhỏ xinh quyến rũ lại là một hình ảnh vừa khơi gợi và thể hiện chút gì đấy rất nữ quyền.

Này nhé, rõ ràng văn hóa Nhật cho rằng môi đỏ - mà lại còn nhỏ nhắn - là rất gợi dục và quyến rũ. Nhưng một Geisha chân chính, nhiều năm trong nghề, với đôi môi đỏ được tô vẽ tỉ mỉ, chỉ dừng lại ở việc phục vụ ca múa đàn hát cho khách hàng. Còn lại, những thứ mang tính chất nhục dục, những nỗi ham muốn rất đỗi phàm tục của con người, một Geisha chân chính không làm thế, và bản thân cả người thưởng thức văn hóa Geisha theo cách trân trọng giá trị nghệ thuật cũng không hề muốn làm thế.

Các Geisha giống như những cô búp bê đẹp, chỉ có thể ngắm nhìn từ phía xa, chứ không nên chạm vào. Cảm giác của mình về các Geisha giống như một viên ngọc sáng, được mài dũa nhiều năm tháng, lĩnh hội những gì là tinh túy nhất của nghệ thuật, gìn giữ và bảo tồn nó một cách nghiêm túc.

Những người con gái tự tỏa ra thứ ánh sáng của riêng mình, mang những giá trị vô cùng trân quý cho xã hội, lại khiến con người ta cảm thấy trân trọng mà gìn giữ, không bao giờ có những ý nghĩ dung tục phàm trần... Không phải, những con người đó rất đáng để chúng mình học tập sao?!?

Này nhé, các bạn đã bao giờ xem clip của Đệ Nhất Phu nhân Nhà Trắng - Michelle Obama khi nói chuyện với các nữ sinh chưa? "Nếu như bằng tầm tuổi các con mà cô chỉ quan tâm đến việc ai thích mình, ai nghĩ mình xinh xắn, thì giờ này cô đã không thể lấy Tổng thổng của nước Mỹ được rồi!". Câu nói mang tính bông đùa đấy, hóa ra lại chính là sự thật.


Thuở đi học, hiển nhiên chúng mình luôn cảm thấy ngưỡng mộ các bạn gái xinh đẹp, ăn mặc hợp thời trang, đầu tóc chải chuốt và được các bạn nam sinh theo đuổi. Nhìn lại bản thân những cô gái bình thường như chúng mình xem: ngực thì như Panasonic, mắt thì đeo kính cận dày cộp, quần áo thì chỉ đơn giản bộ đồng phục ở trường khi lên lớp hoặc quần jeans áo phông khi đi học thêm thôi, ngày ngày giờ giờ bận bịu với bài tập - lớp học thêm chứ không được các bạn hot boy lái xe máy đắt tiền qua đón sau mỗi giờ học.

Hồi mình còn học cấp 3, ở trường Phan Đình Phùng ý, cứ mỗi buổi sáng Thứ Tư hay Thứ Năm chỉ có 3 tiết rồi được tan sớm, cổng trường bao giờ cũng đông nghịt xe máy nào SH, LX, @... đến đón các bạn nữ xinh đẹp. Sau đấy cùng nhau lên Megastar (bây giờ là CGV - hồi đấy ở Hà Nội lên Megastar là VIP lắm rồi!) xem phim, ăn bắp rang bơ, ra ngoài ban công tầng 6 của Vincom chụp ảnh check-in về post lên 360 độ blog :))

Những tháng ngày đấy thấy bản thân thật ngưỡng mộ các bạn nữ như vậy. Nhưng kì thực, xuất phát điểm của chúng ta là như nhau các bạn ạ. Ngoại hình của chúng ta là thừa hưởng từ cha mẹ, là sự đúc kết từ tình thương yêu và những gì cha mẹ chúng ta trân quý nhất. Vì vậy, cân bằng giữa  việc học - và việc chơi, luôn là một bài toán khó không phải ai cũng dễ dàng làm được. Việc học tốt là mong muốn của cha mẹ, việc chơi tốt là mong muốn của chúng ta - những con người đang ở trong  độ tuổi còn trẻ trung và nhiệt huyết. Nhưng, nếu muốn cân bằng một cách tốt nhất, thì kinh nghiệm từ bản thân mình đấy là: "hãy sống đúng với lứa tuổi của mình".

Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường cấp 3, mình đã thấy không ít trường hợp các bạn nữ quan hệ sớm, thậm chí, có bạn gái lên lớp 12 phải nghỉ học vì có bầu. Không ít các bạn nữ yêu, yêu hết mình, rồi cuối cùng lại chia tay, việc học sa sút, rồi lại lao đầu vào yêu, và lại sai lầm. Chúng ta có thiếu phương tiện và kiến thức để tìm hiểu không? Nếu nói ở vùng quê nghèo, hẻo lánh... thì có thể chấp nhận được lý do thiếu thốn - nhưng giữa một thành phố lớn chẳng thiếu một thứ gì, mà những sai lầm vẫn nối tiếp sai lầm, và có những bạn nữ vẫn sống quá buông thả để rồi tự mình làm hại cuộc đời mình?

Ngày này chúng ta kêu gọi "bình đẳng giới" cho phái nữ rất nhiều. Nhưng không thiếu những người phụ nữ không nhận thấy giá trị thật sự của bản thân để trân quý, thì nói gì đến việc đòi hỏi một quyền lợi cho phái nữ của chúng ta?

Không phải cứ bôi son đỏ là bạn đã có thể đòi được bình đẳng và sự nữ quyền. Không phải cứ thích son đỏ và nghĩ rằng "màu đỏ là màu quyền lực" mà tất cả mọi người sẽ trân trọng và yêu quý những gì chúng ta có. Cái quan trọng trong cả chiến dịch này, và tất cả những chiến dịch đòi quyền bình đẳng cho một nửa thế giới, theo mình vẫn là để nâng cao nhận thức của chính phái nữ chúng ta - đó là trân trọng bản thân.

Bản thân mỗi con người khi sinh ra đã là đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên những cái có sẵn đấy, thì chúng ta dễ hòa lẫn vào đám đông quá. Kiến thức, sự tự tin, tính cách, kinh nghiệm sống... những thứ chúng ta cóp nhặt cho bản thân trong hành trình trưởng thành chính là những "trang sức" quý giá để chúng ta nâng tầm giá trị và khiến chúng ta trở thành một cá thể "độc nhất" ở trên thế giới này.

Một khi chúng ta trân trọng bản thân, chúng ta biết nâng niu những giá trị mà chúng ta có và tự tìm cách mài dũa nó để tỏa sáng. Thì cuộc đời chúng ta cũng sẽ gặp được những con người biết trân trọng chính chúng ta.

Sống đúng tuổi - Tự mài dũa - Trân trọng giá trị của mình. Những thứ đơn giản đấy sẽ khiến phụ nữ đẹp hơn trong mắt mọi người, đẹp hơn trong mắt đàn ông. Và hiển nhiên, khi cái đẹp vượt qua cả những thứ tầm thường là son phấn, nước hoa, quần áo hàng hiệu... thì hạnh phúc là một điều không quá khó để kiếm tìm!

Vì vậy, đừng chỉ chăm chăm thoa một cây son đỏ hợp với đôi môi mình. Hãy làm thế nào để bản thân chúng ta tự thưởng được cho chúng ta hàng nghìn cây son đỏ các thể loại mà chẳng cần nhờ một anh đàn ông hay mạnh thường quân nào.

Cuộc đời, như thế mới đáng sống!

Thân,



P/S: 

1. Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu từ các báo Đẹp.vn, Elle Việt Nam và Wikipedia.

2. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả. Không có ý đả kích hay chấm biếm bất cứ ai. Mong nhận được những phản hồi tích cực và có văn hóa từ bạn đọc. Trân trọng cám ơn :)

1 nhận xét

Nặc danh nói...

Đọc nhẹ nhàng dễ chịu, thông tin bổ ích, không bị lên gân dạy dỗ. Lâu rồi, em mới vào lại blog chị Méo đọc hehe Rất vui chị đã viết blog lại ạ :P