Được tạo bởi Blogger.

BAM Series 28: The Early Education - Những phương pháp giáo dục "siêu dễ" để giúp con phát triển trí tuệ

Có một điều nhiều bậc cha mẹ cảm thấy hoang mang khi tìm hiểu về "giáo dục sớm" ở trẻ, đó là không biết bắt đầu từ đâu & không biết nên áp dụng phương pháp nào?!? Glenn Doman, Montessori, Shichida Makoto v.v.. có đến hàng trăm phương pháp "giáo dục sớm" hiện nay được giới thiệu, và phương pháp nào nghe cũng hấp dẫn cả. Quan trọng là, chúng ta chỉ có một (hoặc hai) đứa con, và chúng ta không thể khuân hết tất cả các phương pháp giáo dục sớm để áp dụng vào một hoặc hai tài sản quý giá nhất mà chúng ta có một cách vô tội vạ!

Cá nhân mình, sau một thời gian tìm hiểu, áp dụng, quan sát từ bạn Xốp... mình nhận ra rằng thực ra giáo dục sớm dù ở phương pháp nào cũng đều muốn tập trung vào một vài cách thức chính mà nhiều khi các ông bố bà mẹ hay bỏ qua. Những phương pháp này đã được tác giả Ibuka Masaru nhắc đến trong cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" của ông.


Mặc dù, cuốn sách được ra đời đã lâu và tái bản nhiều lần, nhưng những kiến thức cơ bản nhất về giáo dục sớm cho trẻ trong cuốn sách không hề lỗi thời. Trái lại nó khá phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay, khi mà trẻ em dần quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử và mạng xã hội, các trò chơi mang tính tàn sát đẫm máu, các căn hộ chung cư khép kín ít giao tiếp với hàng xóm và xã hội bên ngoài...

1. Lặp đi lặp lại

Đây là một cách cực kì hữu hiệu giúp trẻ phát triển khả năng ghi nhớ cực tốt của não bộ. Có bạn nào nghe nhạc của bé Xuân Mai không? Các bài hát như "con cò bé bé", "cả nhà thương nhau", "cháu yêu bà lắm"... được đăng tải trên Youtube của bé Xuân Mai thường dài từ 1-2 phút. Trong khi đó lời bài hát chỉ quá lắm độ 30-60s là cùng! Bài hát được lặp đi lặp lại, thành nhiều lần, câu từ đơn giản - dễ hiểu. Chẳng biết vô tình hay cố ý, ê-kíp của bé Xuân Mai đã áp dụng một phương thức cực kì đơn giản trong giáo dục sớm đó là "lặp đi lặp lại".

Lời bài hát và giai điệu được nhắc lại nhiều lần, bạn cho bé nghe nhiều lần trong nhiều ngày giai điệu đó. Tất nhiên bé sẽ thành thuộc. Vấn đề ở chỗ, với bộ não được hoạt động hết công suất cả ở bán cầu não phải và bán cầu não trái, khả năng ghi nhớ của bé là cực nhanh.

Từ ngoài 1 tuổi, mình đã bắt đầu cho bạn Xốp nghe nhạc Xuân Mai. Nhưng trước đó, vì cũng là một người yêu thích ca hát - và hồi xưa khi còn bé nhà có nhiều em nên mình cũng thuộc kha khá bài hát thiếu nhi, nên mình thường xuyên hát cho bạn Xốp nghe từ trong bụng mẹ đến lúc lọt lòng - cũng có thể nói là mình đã áp dụng những cách đơn giản và dễ làm nhất trong "Thai giáo": thường xuyên nói chuyện, hát cho con nghe từ trong bụng mẹ để bé quen với giọng nói của mẹ.

Trong khoản thời gian từ lúc bạn 1,5 tuổi là lúc mình tăng cường cho bạn nghe nhạc thiếu nhi nhiều hơn (do bắt đầu lĩnh hội về "giáo dục sớm", phải nói là bạn thuộc (trộm vía) cực nhanh! Số lượng bài hát bạn nhớ tăng dần lên theo từng tuần, rồi từng ngày. Đến nay, khi đã sắp tròn 2 tuổi, bạn Xốp đã thuộc được gần hai chục lời bài hát thiếu nhi, đọc được một số bài đồng dao dài tầm chục câu, đọc được thơ khoảng 3-4 câu ngắn.

Bí quyết của mình là gì?

Thứ nhất, mình thường xuyên hát và múa cùng với bạn mỗi ngày, thường là vào lúc hai mẹ con chơi với nhau buổi tối và trước khi đi ngủ. Mỗi ngày ôn đi ôn lại, hát đi hát lại, bạn Xốp dần dần nhớ hết các câu hát. Lúc đầu bạn không nhớ được toàn bộ lời, chỉ nhớ được từ đầu và từ cuối, câu nhớ câu không. Nhưng dần dần bạn sẽ nhớ hết cả câu, nhớ toàn bộ bài. Sau khi đã thuộc bài cũ, chuyển sang bài mới, thậm chí có thể đan xen bài cũ bài mới cũng không vấn đề gì hết cả. 

Thứ hai, mình dựa vào sở thích cũng như cá tính của con để tìm phương pháp học thích hợp. Mình nghiệm ra bạn Xốp rất hào hứng với bộ môn hát múa (chắc là con gái), nhiều khi ngồi chơi bạn cũng lẩm nhẩm hát ê a một bài hát nào đấy. Ngoài ra bạn cũng rất thích sự khích lệ khi hát múa, nên mình tận dụng điểm này để kích thích bạn phát triển khả năng của mình hơn. Thêm vào đó, bạn khá là nghịch ngợm - ít khi ngồi yên một chỗ, vì vậy kiểu học một mẹ một con ngồi cùng nhau ôm sách học là vô ích hoặc không hiệu quả với bạn. Mình áp dụng các trò chơi. Ví dụ như để học thuộc một bài đồng dao "dung dăng dung dẻ", mình rủ bạn Xốp ra hành lang rồi cùng chơi và tạo sự hứng khởi cho bạn với những động tác đứng lên ngồi xuống, vươn tay chân, chạy nhảy... vừa học, vừa vui, vừa rèn luyện sức khỏe.

Thứ ba, mình cố gắng để kiến thức và thực tế song hành cũng một lúc với bạn. Trước đây, khi mới áp dụng phương pháp lặp đi lặp lại, mình thường mua sách có hình vẽ rồi chỉ và đọc cho bạn Xốp nhớ. Nhưng như ở điều thứ hai mình nói, bạn Xốp rất hiếu động nên cách này chỉ áp dụng được độ 1-2 tuần là bạn sẽ chán. Thay vì đó, mình vừa cho bạn học - vừa hỏi bạn tác dụng của đồ vật - vừa giả bộ động tác làm. Ví dụ: có hình cái lược, mẹ sẽ hỏi "cái lược đâu nhỉ?", bạn chưa biết sẽ chỉ lung tung, mình sẽ cầm tay bạn chỉ vào cái lược và bảo: "cái lược đây này", bạn sẽ nói theo "cái lược", sau đó mẹ lại hỏi tiếp: "cái lược dùng để làm gì nhỉ?" - vừa nói vừa làm động tác chải đầu và bảo "cái lược - chải đầu" (hoặc lấy cái lược ra để hai mẹ con cùng chải). Bạn Xốp sẽ nhớ rất nhanh. Được độ 2-3 lần, khi hỏi "cái lược đâu, cái lược để làm gì", là bạn Xốp có thể chỉ đúng cái lược hoặc không nhưng ngay lập tức để tay lên đầu làm động tác chải tóc! Áp dụng thêm đến lần thứ 5 chắc chắn sẽ chỉ đúng cái lược.

2. Để con tự làm việc mà con thích

Một trong những điều mình cực kì không thích trong cách giáo dục con cái của người Châu Á đó là quá bao bọc và luôn sẵn sàng làm hộ con cái bất cứ khi nào, bất kể con có làm được hay không.

Mình thấy nhiều khi trẻ con phải tự khám phá một điều gì đó thì chúng mới nhớ lâu và nhập tâm được, trong khi đó người lớn vô tình lại tự cho mình cái quyền làm hộ con cái - chẳng khác gì tước đi của con một cơ hội để học hỏi và nâng cao kiến thức.

Trẻ nhỏ trông thì có vẻ bé bỏng, cần che chở, nhưng thật ra chúng cũng có cá tinh riêng và rất muốn thể hiện bản thân mình.Ở độ tuổi lên 2, với những việc nhỏ như cầm đồ vật - tìm đồ vật - hỏi mượn người lớn đồ vật là hoàn toàn trong tầm tay của mình. Vì vậy mình khuyến khích bạn Xốp tự tìm đồ vật, tự quan sát, tự phán đoán xem đâu là đồ vật đấy.


Thậm chí, những việc mà có thể mọi người cho là nghịch ngợm như cầm chổi quẹt quẹt vài nhát quanh nhà, chạy theo đưa mẹ quần áo khi phơi đồ, xếp đồ vào trong giỏ đồ chơi... mình cũng khuyến khích bạn Xốp làm. Thường, khi bạn làm tốt - mình sẽ khen ngợi, khi bạn làm chưa tốt - mình sẽ động viên và giúp đỡ. Điều này rất khác với việc mắng trẻ khi trẻ hư.

Với một số những hành động không đúng mực như cấu véo người lớn, hét (khi chơi nhiều khi bạn "hăng" quá nên cũng hét độ 1-2 tiếng)... sẽ có biện pháp nghiêm khắc để bạn Xốp không dám làm vậy lần sau. Nhưng, ví dụ như cũng là một việc bạn làm không được tốt, giả dụ bạn tự cầm cốc nước uống và đổ hết ra người, thì thay vì mắng mỏ mình sẽ đưa bạn đi thay quần áo và giúp bạn cầm cốc uống nước đúng cách, vừa làm vừa động viên và khen bạn giỏi nếu uống nước không đổ giọt nào.

3. Khen ngợi khi cần thiết để tăng chỉ số "tự tin"

Trong một số đầu sách mình đọc được về nuôi dạy trẻ, có một lỗi cực kì to mà ông bố bà mẹ nào cũng hay mắc phải đó là bệnh so sánh "con nhà người ta". Câu này hẳn mọi người đã quá quen :)) Mình cũng đã từng rơi vào trường hợp cảm thấy "tự ti" như vậy nên rất hiểu.

Nhiều khi sức của mình chỉ đến như vậy, nhưng bố mẹ lại muốn mình phải cố hơn - cố nữa - cố hết sức, sau đó so sánh kiểu "bằng tuổi mày hồi xưa bố/mẹ đã..." hoặc "cái A nhà cô B chú C nó cũng bằng tuổi mày mà nó..." Nghe nhiều, nhiều khi nó ngấm vào người và khiến chúng ta rơi vào hai trạng thái: một là bất cần, và hai là tự ti.

Việc khiến trẻ tăng chỉ số "tự tin" là một điều vô cùng quan trọng. Chúng ta cần phải hiểu rằng, một đứa trẻ tự tin khác với một đứa trẻ hiếu thắng. Đứa trẻ tự tin là gì cũng cảm thấy hào hứng, sẵn sàng mở rộng kiến thức và không ngại ngần giao lưu với xã hội bên ngoài; còn đứa trẻ hiếu thắng lại cứng nhắc trong mọi cách làm và không chịu lắng nghe, chia sẻ từ những người hiểu biết. Cả hai tính cách này tưởng khác nhau nhưng lại giống nhau ở một số điểm, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ phải giáo dục và dạy dỗ trẻ làm sao để bé trở thành người tự tin chứ không hiếu thắng.

Một trong những cách đơn giản nhất đó là khen ngợi khi trẻ làm đúng, phê bình đúng mực và hướng dẫn lại khi trẻ làm sai, nếu trẻ cứng đầu không chịu làm theo cách đã được hướng dẫn (thể hiện sự hiếu thắng) hay để cho trẻ tự làm sau đó sai chỗ nào thì chỉ ra chỗ đấy và góp ý để trẻ giúp kinh nghiệm.

Không biết mọi người thế nào, chứ mình thấy hầu như đứa trẻ nào cũng có sự tự tin/hiếu thắng có sẵn ở bên trong, đó là khi chúng rất muốn "thể hiện"bản thân trước mặt bố mẹ và mọi người trong gia đình. Quan trọng là bố mẹ hãy phát triển khía cạnh tự tin của trẻ và tiết chế - thậm chí triệt tiêu phần hiếu thắng trong đó.

4. Hình ảnh là yếu tố quyết định

Ở tuổi của bạn Xốp, những cuốn sách có quá nhiều chữ và từ ngữ phức tạp là quá sức với các bạn. Khi đi mua sách cho con, mình chú trọng đến những quyển sách có câu từ đơn giản, quan trọng nhất là hinh ảnh phong phú - nhiều màu sắc - và kết cấu hình ảnh càng đơn giản càng dễ hiểu thì càng tốt.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại sách để dạy trẻ nhỏ biết phân biệt chữ cái, con vật, đồ đạc trong nhà... mà mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn cho các bạn. Tuy nhiên mình nghĩ các mẹ nên lưu ý đến nội dung trong cuốn sách và quan trọng nhất là Nhà Xuất Bản. Từ kinh nghiệm thực tiễn của người làm trong nghề và những bài báo được phản ánh gần đây, mình nghiệm ra rằng nên chú trọng đến nơi quyển sách được xuất bản và nội dung cuốn sách muốn chuyển tải là gì trước khi mua về cho các bạn đọc và xem.



5. Môi trường gia đình là điều tối quan trọng

Có một lần, mình và chồng mình lớn tiếng nói nhau. Như các cụ vẫn nói, bát đũa còn xô huống chi là vợ chồng. Vốn tính thoải mái của vợ chồng trẻ, chúng mình nói qua nói lại rất căng thẳng, sau đó chồng mình lấy tay gạt mình sang một bên và bỏ sang phòng khác. Điều làm mình hối hận nhất là con gái đã chứng kiến toàn bộ buổi cãi vã của bố mẹ. Tối hôm đó bạn Xốp trước khi ngủ có vẻ gì đấy rất lo lắng, bất an, và thi thoảng hơi giật mình khóc.

Từ lần đấy, bạn Xốp trở nên rất nhạy cảm mỗi khi bố mẹ ở cạnh nhau. Bố chỉ cần đặt nhẹ tay lên vai mẹ, hoặc mẹ chỉ cần ngồi đấm lưng cho bố, là bạn lao đến khóc và đòi bố "bỏ ra, bỏ mẹ ra!". Phải mất một thời gian khá lâu (chắc tầm 2 tháng, sau đấy bố bạn Xốp đi thường trú nên vắng nhà thường xuyên và bạn cũng ý thức được bố vắng nhà nên mỗi khi bố về rất quấn), bạn Xốp mới cảm thấy thoải mái mỗi khi bố mẹ ngồi hoặc nằm cạnh nhau.


Trẻ con giống như tờ giấy trắng, người lớn muốn viết gì lên đấy, vẽ gì lên đấy cũng được. Dù chỉ là một dấu chấm nhỏ, nó cũng hằn sâu trong tâm trí chúng vô cùng đậm. Chính vì vậy, dù có áp dụng phương pháp nào đi chăng nữa, người làm cha làm mẹ cũng phải nhớ một điều tối quan trọng: tạo một không khí gia đình đầm ấm cho trẻ nhỏ. Gia đình hạnh phúc, ngập tràn tiếng cười, không khí vui vẻ... sẽ khiến cho trẻ có được cảm giác an tâm, vui sướng, từ đó mới có thể thoải mái tiếp thu những kiến thức mà cha mẹ muốn truyền thụ.

Hy vọng một vài chia sẻ này giúp ích cho các bạn!

Thân,