Khoảng thời gian hơn 1 tháng trước khi mình hạ sinh bạn Thoáng, có một sự việc rất đau lòng đã xảy ra ở ngay Hà Tây, Hà Nội. Một bà mẹ đã tự tay dìm chết con trai mới hơn 1 tháng tuổi, nguyên nhân được nhà điều tra đưa ra là: bà mẹ bị trầm cảm sau khi sinh.
Ngay lập tức, mình nhớ rất rõ
thời điểm đó, có rất nhiều người: từ các celebs nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên,
đến các bà mẹ hot mom trên mạng, rồi cả những người bạn của mình nữa… đều lên
tiếng chia sẻ những trải nghiệm có được sau khi sinh con. Và đều khẳng định họ
đã từng bị “trầm cảm sau sinh”.
Cái cụm từ đấy nó ám ảnh đến nỗi,
sau khi mình sinh bạn Thoáng xong, trong khoảng 1 tháng đầu tiên, khi nhìn thấy
bạn Xốp, mình thường hay khóc vì thương
con còn bé mà đã phải san sẻ tình yêu của mẹ với em và nhận phần thiệt về mình.
Nhiều lần tâm sự với chồng rồi khóc, thậm chí vừa ngồi ăn cơm vừa khóc, chồng
mình lo cuống hết cả lên vì sợ mình bị “trầm
cảm sau sinh”.
Với bạn Thoáng, may mắn bạn là
một em bé ngoan, ăn ngủ đúng giờ giấc. Mình làm mẹ lần thứ hai cũng có nhiều
kinh nghiệm “xương máu” hơn, nên chỉ mất khoảng một thời gian ngắn để làm quen
lại với lịch sinh hoạt chưa phân biệt sáng tối của con, và dần dần mọi thứ khá
ổn. Vì vậy, với bạn Thoáng, mình may mắn
không trải qua những thứ kinh khủng như “trầm cảm sau sinh”. Nhưng với bạn Xốp thì lại khác.
Mình sinh bạn Xốp khi còn rất
trẻ, mới 24 tuổi thôi. Vợ chồng mình đã yêu nhau được gần hơn 3 năm, bắt đầu từ
mùa hè năm thứ hai lên năm thứ ba đại học, và ra trường làm việc được hơn 1 năm
thì cưới. Cưới nhau về mình có bầu bạn Xốp luôn, vì thế, giai đoạn gọi là “trăng
mật” hay “vợ chồng son”, mình chẳng có tí trải nghiệm gì cả. Nghĩ lại bây giờ
vẫn cứ thấy tiếc :D
Công việc của hai vợ chồng lúc
bấy giờ có thể nói là tạm ổn định. Nhưng chồng mình do tính chất công việc nên
phải đi nhiều, thời gian dành cho gia đình rất ít. Hơn nữa, vì là hai vợ chồng
bằng tuổi, nên đàn ông bằng tuổi bao giờ họ cũng ít khi suy nghĩ thấu đáo và
già dặn bằng phụ nữ, nên không thể tránh được có những lúc chồng mình hơi vô
tâm và xao nhãng với vợ đang bụng mang dạ chửa.
Bằng tuổi đấy, bạn bè mình một là
nếu đã cưới thì cưới rất sớm, khoảng 18-20 đã lấy chồng rồi có con, nên đến tầm
24 tuổi con đã 2-3 tuổi, lớn rồi. Còn phần đa còn lại là chưa lấy chồng. Khoảng thời gian gần đến lúc chuyển dạ,
những tháng cuối của lần mang thai đầu tiên, và những tháng đầu tiên ở nhà chăm
con, nhìn thấy các bạn up ảnh đi chơi, đi du lịch, đi ăn uống, đi cà phê…
nó khiến mình tủi thân vô cùng. Vì thay vì được vui chơi như thế, mình
lại đâm đầu vảo bỉm sữa, cứt đái.
Rồi cũng vì nuôi con lần đầu tiên, hoàn toàn không có kinh nghiệm, kiến
thức đọc được thì vô cùng mông lung và khó hiểu, nên không thể tránh khỏi việc
mình bị hoang mang, hoặc bị áp dụng một cách máy móc và công thức quá. Bạn
Xốp thì thể trạng khi sinh tương đối bình thường, nhưng phần nhiều do cách chăm
của mình quá giữ gìn con, không cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài sớm,
nên con rất nhạy cảm với thời tiết. Cứ nắng mưa thất thường là con đổ bệnh, mà
đã ốm thì chắc do là con gái nên lại hay nhèo nhẽo, rồi quấy khóc, sốt cao.
Nuôi lần đầu thấy con sốt cao, khóc quấy thì lo sợ, xồng xộc bế nhau vào viện.
Có khi bác sĩ bảo về, lại lếch thếch lôi nhau về, nhưng cũng có không ít lần
bác sĩ bảo nhập viện hoặc mình xin được nằm lại trong viện để theo dõi. Vì về
nhà mà lại đùng đùng sốt rồi mê man thì mình chẳng biết phải làm thế nào.
Bạn Xốp cũng vô cùng khảnh ăn
uống. Bạn ăn ít vô cùng. Đến giờ ăn vẫn ít. Ép thêm một tí là bạn khóc, khóc
rồi lại ho, ho rồi lại nôn, mà nôn thì nôn ra bằng hết. Vì khảnh ăn, lại hay ốm
đau, nên bạn Xốp trông rất bé. Người làm mẹ, nhìn thấy con không được khỏe mạnh
cao lớn lại hay ốm đau bệnh tật, ăn uống thì khó khăn… hiển nhiên mình cũng rất
đau lòng, lúc nào cũng canh cánh mong muốn giúp con khỏe mạnh hơn. Chẳng cần
con đạt cân nặng chuẩn hay chiều cao chuẩn, mình chỉ đơn giản muốn con được
khỏe mạnh, chỉ cần con khỏe mạnh thế là đủ vui cho mình rồi.
Mẹ nào mà nuôi con hay ốm yếu, ăn
kém, và bị các bà các cô gọi là “còi cọc” thì hẳn sẽ hiểu cái áp lực của việc
làm mẹ nó như thế nào. Ai nói rằng “nuôi con không phải là cuộc chiến”?
Nuôi con thực sự là một cuộc chiến với rất nhiều những thế lực bên ngoài: ông
bà nội ngoại, cô dì chú bác, thậm chí cả những người không quen biết không thân
thích như các cô các bác hàng xóm… ai cũng có thể buông ra câu nhận xét về con
của bạn: “trông còi quá”, “trông bé quá”,
“bao nhiêu tuổi rồi mà bé thế”, “từng đấy tuổi mà có bấy nhiêu kg thôi à”.
Rồi những ánh mắt trách móc nhìn các bạn, thậm chí coi thường các bạn, chỉ bởi
vì con nhà bạn “không trộm vía như con
nhà người ta”, những lời xì xầm bàn tán sau lưng kiểu “mẹ ăn hết phần của con hay sao mà mẹ béo con còi thế”, rồi “chả hiểu nuôi con cái kiểu gì để con nó còi
thế”.
Nghe có đau lòng không cơ chứ? Rõ ràng là con mình dứt ruột đẻ ra,
nuôi nấng chăm bẵm nó, nhưng nó chỉ cần không vừa mắt như nhiều đứa trẻ bụ bẫm
khác, thế là bị quy chụp mẹ ẩu, mẹ đoảng, mẹ không biết chăm con, mẹ vụng….
Cũng không ít lần, trong những lần mệt mỏi trở về nhà, cũng có thể là một buổi tối quá nhiều áp lực vì chuyện con cái, đôi khi là cả những lúc đang chăm con ốm... mình tìm cách để giải tỏa những bức bối một cách tạm thời: có thể là đơn giản đi vào cầu thang máy không có người, bấm một tầng bất kì, tranh thủ không có ai đi vào cùng và lướt quá nhiều tầng không có người gọi thang, mình gào lên như một cách để "đẩy" những ức chế trong người ra; Cũng có thể là có đôi lần, mình gửi con cho bà hoặc chồng trông, xuống nhà lấy xe lái đi dạo vòng quanh đâu đó trong chừng khoảng 15 phút; Cũng có khi, mình vào nhà vệ sinh, bật nước để chảy róc rách, lấn át đi tiếng khóc nức nở vì quá mệt mỏi và ức chế.
*****
Nếu như mọi người hỏi rằng làm cách nào mà mình vượt qua được khoảng thời gian tưởng chừng như bế tắc đấy? Mình chỉ đơn giản nói với mọi người hai điều: thời gian và câu thần chú "rồi mọi việc sẽ qua".
Mình bắt đầu đi làm lại sau 6 tháng nghỉ thai sản. Trong ngày, mình được phép rời xa con và ra ngoài lao vào vòng quay công việc trong khoảng 6 tiếng đồng hồ. Và đó là 6 giờ đồng hồ quý giá với mình. Mình để sự bận rộn công việc quấn đi, để không nhớ đến những áp lực mệt mỏi đấy nữa. Mình tiếp xúc với nhiều người hơn, thay vì chỉ có con và những thành viên trong gia đình, để cảm thấy cơ thể được giao tiếp và được năng động.
Tiếp đó, thời gian là thứ thực sự quý báu. Mỗi nửa năm trôi qua, bạn Xốp lớn hơn một chút, mình lại thấy con đỡ ốm đau đi nhiều. Con dần dần biết bò, biết đi, biết chạy, biết nói, biết học hỏi những thứ xung quanh... và mình dồn toàn bộ tâm trí và sức lực vào việc dạy con học, dạy con chơi. Bạn xốp chưa được 2 tuổi nhưng thuộc rất nhiều bài hát, đọc và nhận biết được bảng chữ cái Tiếng Việt, biết vâng ạ dạ thưa lễ phép... và mình coi đó là thành công để bám vào tia hy vọng rằng, mọi việc sẽ dần khá lên.
Và đúng là nó khá lên thật!
Đến tận thời điểm này, khi mình ngồi viết những dòng này, đứa con còn đỏ hỏn bé bỏng chỉ nặng 3,1kg của mình ngày nào - nguyên nhân của rất nhiều những ức chế và uất ức mà mình phải đón nhận ở những năm tháng 24,25 tuổi - cái giai đoạn chuyển giao quan trọng trong quãng đời con người từ 20s lên 30s - đã được 5 tuổi 9 tháng. Ốm đau giờ đây không còn là mối quan tâm hằng đầu nữa, trái gió trở trời con có thể chỉ sổ mũi hắt hơi húng hăng ho đơn thuần, uống vài viên thuốc bổ siro ho thường là sẽ đỡ. Nó trái ngược hẳn với nhiều đêm thức trắng trong viện, những tuần dài đằng đẵng hai mẹ con bế nhau đi dọc hành lang bệnh viện tràn một màu xanh lạnh lẽo và mùi thuốc sát trùng, nó cũng không còn những tiếc gào thét khóc lóc đến xé lòng khi bị bác sĩ chọc ven luồn kim tiêm nữa.
Bởi "mọi thứ đều sẽ qua thôi". Nên bạn đừng bao giờ tự tạo áp lực cho bản thân mình. Cái áp lực vô hình mà bản thân chúng ta và chính gia đình chúng ta mong muốn chúng ta trở thành một bà mẹ mẫu mực, sẽ dần dìm chết con người chúng ta.
Hay cứ thoải mái lên. Cười nhiều hơn. Khóc khi có thể khóc. Chia sẻ khi có thể chia sẻ. Và bình tĩnh hít thở thật sâu và tiếp tục.
Rồi mọi thứ cũng sẽ qua. Bạn không cần phải quá cố gắng.
Thân,
4 nhận xét
rất đồng cảm với bài viết này của chị <3
Cám ơn em @Mart Tran :)
E vừa mới sinh em bé đc hai tháng! Đọc bài viết này của chị thật thấy giống mình quá ! Có lẽ tâm trạng ức chế, nhiều lúc chán chường, mệt mỏi của em như chị nói, xuất phát từ việc không thể chia sẻ với ai! Chồng bằng tuổi, ba mẹ già yếu, bạn bè thì cũng chỉ động viên được dăm ba câu! Và cũng đúng là thời gian sẽ trôi qua... em bé ra tháng dần dần ổn định, mình có thể làm chủ sinh hoạt của con, quen hơn với việc thức đêm, quen hơn với việc thời gian không còn chỉ của riêng mình nữa mà dành hầu như toàn bộ cho con ! Con đã là món quà rất với giá rồi ! Đúng là dù đọc sách rất nhiều, xem rất nhiều blog nói về chuyện nuôi con nhưng bản thân thực sự trải nghiệm mới thấy đó là một cuộc chiến, mà cuộc chiến lớn nhất là kiên định với nguyên tắc nuôi con của mình, không bị dao động bởi những người xung quanh! Tin rằng mình luôn muốn mang điều tốt đẹp nhất cho con, hiểu con nhất rồi! Cảm ơn chị thật nhiều !
@Beemabu: xin lỗi em blog lỗi quá giờ mới đọc được comment của em, chúc em luôn vui và tìm được động lực trong suốt hành trình làm mẹ đầy gian khổ nhưng cũng không thiếu những niềm vui nhé, mỉm cười và bình tĩnh vượt qua em ạ, bà mẹ nào cũng sẽ phải trải qua một thời gian "đau khổ" như thế :)
Đăng nhận xét