Được tạo bởi Blogger.

5 TIPS TO ORGANIZED WITH KIDS | SỐNG NGĂN NẮP KHI NHÀ CÓ CON NHỎ

Cách đây hơn 2 tuần mình có post một bài viết chia sẻ về một số mẹo để sắp xếp, thu gọn tủ quần áo gọn gàng, ngăn nắp. Bài viết được khá nhiều bạn quan tâm và share lại, link ở đây cho bạn nào có nhu cầu đọc lại nhé!

Sau khi bài viết được đăng lên (kèm theo một vài stories trên Insta @mrs.meo của mình chia sẻ với mọi người về lý do vì sao mình thích sống sạch sẽ, ngăn nắp mặc dù là bà mẹ bỉm sữa và có con nhỏ...) mình nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ cũng như một số thắc mắc của các mẹ gửi qua direct hoặc inbox, hỏi rằng mình có bí quyết gì để sắp xếp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ khi có trẻ nhỏ không?


Thực ra bí quyết thì có, nhưng nó không hề khó tí nào. Trái lại cực kì dễ làm. Vì thế ngày hôm nay mình sẽ chia sẻ với mọi người một số những "mẹo" nhỏ của mình trong việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp mặc dù có đến hai tên "giặc con" trong nhà nhé!

1. Tìm một cách sắp xếp để trẻ có thể NHÌN-THẤY-MỌI-THỨ-CHÚNG-CÓ

Cách này nghe thì có vẻ dễ, nhưng thực ra lại khá phức tạp. Vì mỗi gia đình lại có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Có những nhà có điều kiện rộng rãi, đồ đạc của trẻ nhiều và có thể mua sắm thoải mái... thì việc tìm một hệ thống sắp xếp phù hợp có thể dễ (nếu thích) nhưng có khi cũng không cần thiết (nếu cảm thấy chẳng cần).

Một trong những lý do khiến cho nhà có con nhỏ hay bừa bãi là các ông bố bà mẹ bị nhiễm tính "mua sắm quá nhiều". Không chỉ vấn đề quần áo, giày dép mà cả thuốc men, đồ chơi, xe cộ... cũng được mua sắm vô tội vạ nếu có điều kiện vì cho rằng nó hay, con thích v.v..

Trước đây trong khoảng 1 năm đầu tiên khi nuôi bạn Xốp, mình cũng bị sa đà quá nhiều vào việc mua sắm đồ cho con vì nghĩ rằng như thế là hay. Càng về sau mình càng thấy rằng, thực ra nó không hề hay một chút nào vì: thứ nhất, trẻ sẽ dần hình thành tính cách ỷ lại nếu như chúng ta tập cho chúng thói quen cái gì cũng có sẵn, cái gì cũng đáp ứng sẵn; thứ hai, nếu như chúng ta không tạo điều kiện một cách quá dễ dãi thì trẻ sẽ không quen với việc đòi hỏi mỗi khi thấy một món đồ mới mà chúng thích và nằng nặc đòi mua.

Để có thể tìm ra được cách sắp xếp giúp trẻ nhìn thấy mọi thứ mà chúng có, cách tốt nhất là hãy dọn dẹp một khu vực nhất định (ví dụ: sách vở của trẻ, quần áo của trẻ, đồ chơi của trẻ...), lọc ra những món đồ đã cũ/hỏng hoặc trẻ không chơi nữa để vứt đi hoặc đem cho tùy theo điều kiện món đồ đấy, chỉ giữ lại những gì trẻ thực sự cần thiết và sử dụng nhiều/thường xuyên sau đó mới có thể tìm được một cách sắp xếp phù hợp nhất.


Hình trên là tủ quần áo của bạn Xốp. Rất nhiều người cảm thấy "ngưỡng mộ" và trầm trồ hỏi mình cách sắp xếp tủ của bạn ý. Mình chỉ đơn giản làm cách "chọn lọc" những món đồ bạn cần/có nhu cầu sử dụng, số còn lại đem đi cho... và tiếp đó sử dụng các loại hộp vải trong seri SKUBB của IKEA để sắp xếp tủ quần áo của bạn.

Quan trọng nhất vẫn là cách sắp xếp để cả mình và bạn Xốp đều có thể nhìn được toàn bộ tổng thể những bộ quần áo mà bạn có, từ đấy việc mua sắm cũng sẽ hợp lý và trách vô tội vạ hơn.

Tủ quần áo của bạn Thoáng cũng được sắp xếp tương tự như thế, và cũng sử dụng hộp vải SKUBB của IKEA

2. Tìm địa điểm cất đồ để trẻ DỄ-DÀNG-TỰ-LẤY-ĐỒ-VÀ-CẤT-ĐI

Một trong những cách mình thấy tốt nhất là để trẻ cùng tham gia vào việc dọn dẹp, sắp xếp. Muốn như vậy, khi lựa chọn nơi cất đồ của trẻ bạn nên tìm những nơi đúng tầm với và phù hợp với chiều cao của bé.


Nơi cất đồ của trẻ phù hợp với chiều cao của  bé sẽ giúp bé dễ dàng lấy được món đồ bé muốn tìm mà không cần phải có sự hỗ trợ của mẹ, nhưng đồng thời quan trọng hơn là bé sẽ dễ tự cất món đồ đấy đi khi không còn có nhu cầu sử dụng nữa. Kết hợp cũng với cách sắp xếp để trẻ nhìn thấy được mọi thứ chúng có, sẽ bổ trợ rất nhiều cho việc dạy trẻ ngăn nắp, sạch sẽ và giữ gìn mọi thứ gọn gàng đúng vị trí.

Một ví dụ để mọi người dễ hình dung là tủ sách của hai bạn Xốp & Thoáng. Ban đầu mình định đặt góc sách này trong phòng riêng của bạn Xốp, nhưng xét theo nhu cầu của các con, mình thấy rằng nên chuyển ra phía ngoài phòng sinh hoạt chung sẽ phù hợp hơn vì đây là nơi các con dành phần lớn thời gian.

Mỗi một loại sách mình phân loại và cho vào từng hộp riêng. Loại hộp mình dùng là các hộp đựng tài liệu A4 rất phổ biến, các bạn có thể tìm mua ở IKEA, UMA, thậm chí siêu thị đồng giá DAISO cũng có rất nhiều loại và mẫu khác nhau.

Mình rất thích đọc sách và khuyến khích các con đọc sách. Nhưng mình còn sợ hơn việc mua quá nhiều sách, không sắp xếp gọn gàng, sách nào cũng mua, mua vô tội vạ... cuối cùng số lượng quá nhiều không thể kiểm soát nổi. Vì vậy, việc phân loại sách theo từng nhóm giúp con dễ dàng tìm ra đầu sách con thích để đọc, và cũng giúp con dễ cất đi sau khi đọc xong vì tủ sách được để ở tầm thấp, phù hợp với chiều cao của con.

3. Chỉ mua khi THỰC-SỰ-CẦN-THIẾT

Hồi xưa nuôi bạn Xốp mình mua sắm vô tội vạ lắm, cứ thấy món gì hay món gì đẹp là automatic rút ví mua liền. Kết quả bạn Xốp có rất nhiều đồ chơi, rất nhiều sách báo, quần áo giày dép thì ôi thôi không đếm xuể... nhưng kì thực lại chả mấy khi dùng đến, phí phạm vô cùng mà lại tốn diện tích không đáng có.

Đến khi nuôi bạn Thoáng, mình rút kinh nghiệm khi nào con thực sự cần một món gì đó thì mới xuống tay cân nhắc mua. Trước khi mua một món nào cho con, mình luôn kiểm lại một lần nữa xem con có thừa món nào, thiếu món nào hay không còn nhu cầu sử dụng món nào nữa không. Phần vì bạn Thoáng là con thứ nên nhiều sách truyện, đồ chơi, thậm chí là quần áo đều được "thừa hưởng" từ cô chị, nên bố mẹ cũng tiết kiệm được kha khá khoản mua sắm. Nhưng thi thoảng cũng vẫn nuông chiều mua cho con một món gì đấy có tính nam nhi để con không phải suốt ngày sống với màu hồng và đồ chơi búp bê của con gái =]]

4. Công thức ONE-IN-ONE-OUT


Vẫn dựa trên việc mua sắm khi thực sự cần thiết, mỗi khi mình cảm thấy con có nhu cầu mua một món đồ gì đó, mình sẽ đem đi tặng/cho hoặc vứt đi một món đồ của con. Có thể là một món con không dùng đến nữa nhưng vẫn tốt để cho lại anh chị em họ hàng hoặc con bạn bè, đồng nghiệp. Cũng có thể là một món đã cũ và không thể "trưng dụng" được nữa thì chỗ cuối cùng vẫn là sọt rác thôi.

Việc kiểm soát số lượng các món đồ con sở hữu giúp mình kiểm soát được chi tiêu và sự ngăn nắp, sạch sẽ trong nhà.

5. Dạy con TỰ-CẤT-ĐỒ-CỦA-MÌNH-SAU-MỖI-LẦN-SỬ-DỤNG

Cái này phải cho xuống cuối cùng, mặc dù nếu như nói đến giữ gìn nhà cửa sạch sẽ thì ai cũng nghĩ đến đầu tiên là việc phải dạy trẻ sống ngăn nắp.

Nhưng sống ngăn nắp thực sự không dễ mọi người ạ. Đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các con chưa thể hệ thống được đầy đủ tuần từ các bước và cũng không thể có cái nhìn chi tiết tỉ mỉ cái nào đang ở đâu. Ví dụ: bảo con cất đồ chơi, con sẽ nghĩ đến chỗ cất đồ chơi (là một cái giỏ chẳng hạn) nhưng sẽ không bao giờ biết đồ chơi nên phân loại gấu bông đi với gấu bông, ô tô đi với ô tô; bảo con cất quần áo, con sẽ nghĩ đến việc cất vào tủ quần áo, và sự thật các con đặt ngay ngắn vào trong tủ quần áo đã là quá giỏi... Nhưng việc sở hữu nhiều món đồ, nhiều loại đồ... trong khi không phân loại từng nhóm nhỏ, phân định rạch ròi chỗ nào để cái A chỗ nào để cái B... thì không sớm thì muộn, việc con tự dọn dẹp lâu dần sẽ thành bày một đống hỗn tạp vào trong một góc nhà.


Chính bởi vì thế, quan điểm của mình là muốn con tự giác cất đồ và sống ngăn nắp, trước hết bố mẹ phải là người làm gương, tiếp đó hãy tạo ra một hệ thống lưu trữ để con có thể nắm bắt được một cách dễ dàng và tiến hành nó một cách trơn tru.

Như những ví dụ ở trên mình có chia sẻ: con có nơi để cất quần áo, và trong tủ quần áo con biết chỗ nào cất cái gì, như vậy khi con mở tủ ra con sẽ nhớ "à, cái áo thì để vào đây, cái quần thì để vào đây" và thế là woala, con đã cất đúng chỗ và tủ vẫn ngăn nắp. Hoặc như khi con đọc sách, con lôi cuốn nào ra, thậm chí con có thể lôi cả một khay sách ra để đọc, sau khi đọc xong con chỉ cần đơn giản xếp vào khay và cất lại chỗ cũ, không chồng chéo, không chèn ép, không vứt vạ vật trên tủ sách...

You want freedom? You must have system!

Bạn muốn tự do rảnh tay trong việc để nhà cửa gọn gàng? Tự bạn phải tìm ra một cách sắp xếp phù hợp để mọi thành viên làm được theo dễ dàng.

Trên đây là một số tip nho nhỏ mình muốn chia sẻ với mọi người. Chúc các bạn thành công!

Thân,

Không có nhận xét nào