Được tạo bởi Blogger.

5 THINGS YOU SHOULD KNOW AS A SECOND-TIME MOM | NHỮNG ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT ĐỂ LÀM MẸ LẦN THỨ HAI

19.6.2017 - 19.6.2018

Vậy là bạn Thoáng đã tròn 1 tuổi. Thành người có tuổi, người lớn rồi!


Một năm kể từ ngày chính thức được gặp con, và gần 2 năm kể từ ngày mình biết được sự hiện hữu của con trên cuộc đời này, mình cảm thấy mình thực sự may mắn, hạnh phúc khi ở độ tuổi 30 - trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa có người vẫn chật vật với công việc, có người vẫn chưa ổn định cuộc sống gia đình, thì mình đã có trong tay hai gia tài bé nhỏ nhưng vô vàn trân quý: là Thoáng và Xốp.

Mình vẫn nhớ như in ngày này cách đây 1 năm mọi thứ diễn ra như thế nào, như thể mới là ngày hôm qua con vẫn đang cuộn tròn nằm trong bụng mẹ, vậy mà ngày hôm nay con đã là chàng trai 1 tuổi. Biết yêu ghét, cười thích chí với những gì con thấy thú vị, lạ lẫm ngó nghiêng khi thấy thứ gì đấy mới mẻ, khóc khi con thấy buồn hoặc không hài lòng thứ gì đấy, bập bẹ nói những từ ngọng nghịu đầu tiên, và đôi chân cùng đôi tay bé xinh đang tập để đi men những bước đi đầu tiên trong cuộc đời...

Nhân dịp con tròn 1 tuổi, và mình cũng đã may mắn được làm mẹ lần thứ hai được 1 năm, mình muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm để các bạn sắp hoặc đang có dự định có thêm thành viên mới (đặc biệt là có thêm một em bé nữa) cảm thấy vững tin hơn vào quyết định mình đã lựa chọn nhé!

1. Hãy có kế hoạch cụ thể về việc sinh thêm con

Mình không biết mọi người có ai giống mình không, nhưng việc mang thai hai bạn Xốp & Thoáng của mình khác nhau hoàn toàn.

Với bạn Xốp, mình để mọi thứ hoàn toàn tự nhiên, không hề tính toán hay có "kế hoạch" gì cả. Không biết có phải bởi vì không có kế hoạch chuẩn bị có con từ trước, cộng thêm với việc không có kinh nghiệm... mà hành trình nuôi bạn Xốp trong 2 năm đầu thực sự rất cực! Bạn thường xuyên ốm, có những trận ốm kéo dài đến cả tháng, vợ chồng con cái nhiều lần đang đêm muộn phải vội vàng tay xách nách mang dắt díu nhau vào bệnh viện. Những dãy hành lang dài ngoằng, lạnh toát ở bệnh viện, tiếng máy kêu tít tít và tiếng quấy khóc vì sợ hãi những mũi tiêm... từng là nỗi ám ảnh một thời gian dài của mình trong những năm đầu nuôi bạn Xốp.

Bởi vì nuôi bạn Xốp quá vất vả, chính vì vậy vợ chồng mình thống nhất không có em bé nữa ít nhất đến khi bạn Xốp ngoài 3 tuổi. Các cụ hay nói khoảng thời gian từ khi mới sinh đến khi 3 tuổi là lúc "sài đẹn" - hay ốm đau và rất vất vả về mọi khoản với các bậc cha mẹ. Vì thế, mình muốn dành toàn bộ thời gian và công sức trong giai đoạn này để chăm sóc cho bạn Xốp một cách tốt nhất. Mình không nghĩ rằng mình có thể làm mẹ tốt nếu như trong giai đoạn 3 năm đầu đó có thêm em bé nữa. Mình cũng rất sợ cảnh đàn con đẻ liền liền nheo nhóc. Gần như bị ám ảnh, bởi cô chị đầu ốm yếu quá khiến mình phát sợ!

Khi bạn Xốp khoảng 2,5 tuổi trở ra, trộm vía bạn đã dần dần đỡ ốm đau hơn, đã lớn và cũng biết, hiểu chuyện hơn. Lúc bấy giờ vợ chồng mình mới suy nghĩ về việc có thêm một thành viên nữa.


Bên cạnh việc chuẩn bị về thể lực, chế độ ăn uống, tiêm phòng, thu thập kiến thức... Việc có kế hoạch sinh cụ thể khiến cho mình chủ động hơn rất nhiều về mọi mặt (như vợ chồng mình là xác định sinh con trong năm 2017 nên từ nửa quý IV năm 2016 đã bắt đầu tiến hành quá trình "tạo em bé" và trước đó đến cả năm là việc chuẩn bị những bước cần thiết (ăn uống, uống thuốc bổ cho mẹ chuẩn bị mang thai, đi tiêm phòng v.v..).

Điều quan trọng nữa đấy là hai vợ chồng có thời gian để chuẩn bị không những về tâm lý, thể lực mà quan trọng là kinh tế - một điểm mà bọn mình đã đúc rút ra rất nhiều bài học kể từ khi có bạn Xốp đến nay.

2. Sữa công thức không phải là "thuốc độc"!

Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đồng thời, các tổ chức y tế thế giới cũng khuyên các mẹ nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ tối thiểu 6 tháng đầu đời.

Mình thấy hiếm có đất nước nào mà chế độ nghỉ thai sản lại tuyệt vời như ở Việt Nam - những 6 tháng! 6 tháng mẹ không phải lo nghĩ gì về công việc, deadlines, các mối quan hệ cơ quan phức tạp, vất vả đi đi về về, chỉ đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi và tẩm bổ để có sữa cho con bú. Sau 6 tháng trở lại với công việc, rất hiếm mẹ có thể duy trì được nguồn sữa đầy đủ theo nhu cầu của con. Và cũng không phải mẹ nào cũng có điều kiện được lựa chọn việc ở nhà ôm con và cho bú.

Một trong những điều mình thấy vô lý nhất là việc đem lên bàn cân so sánh mẹ cho con uống sữa gì để đánh giá được người mẹ đó có yêu con hay không. Mẹ nào mà chẳng yêu con??? Chỉ có những bà mẹ vô nhân tính đẻ con ra còn nguyên dây rốn vứt ở bãi rác hoặc vườn cây, thì mới đáng lên án. Còn những bà mẹ vất vả tìm đủ mọi loại sữa công thức để con uống hợp, không phải vì họ không cho con bú mẹ, mà có thể là họ không có đủ khả năng cung cấp sữa mẹ theo nhu cầu của con. Thật độc ác và vô cảm khi nói rằng mẹ cho con ăn sữa công thức là không yêu con! 

Bạn Thoáng ăn sữa mẹ hoàn toàn đến khi 6 tháng. Hiện bạn Thoáng đã được 1 tuổi, bên cạnh việc bú mẹ, mình vẫn dặm thêm ngày 2 bữa sữa ngoài cho bạn. Mình thấy đó không phải là điều gì sai trái, mà chỉ đơn giản là đáp ứng nhu cầu ăn uống của con và phù hợp với điều kiện của mình - một bà mẹ phải đi làm hành chính 8 tiếng một ngày. Mình yêu con hay không mình biết, người ngoài không là gì để đánh giá mình hết cả!

3. Trẻ cần đảm bảo đủ 4 yếu tố: ăn no, ngủ kĩ, tắm mát & được yêu thương

Các bạn có thừa nhận với mình việc nuôi trẻ nhiều khi rất đơn giản không? Trẻ không yêu cầu nhà cao cửa rộng, chúng cũng không đòi hỏi có nhiều đồ chơi hay, cũng chẳng vòi vĩnh việc mua quần áo mới. Đơn giản chỉ cung cấp đủ những nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Và quan trọng nhất là được yêu thương.


Trẻ thích làm nũng, trẻ thích khóc nhè để thu hút sự chú ý của bố mẹ và báo hiệu "con có điều không ổn, hãy giúp con". Một khi đã đáp ứng đủ những nhu cầu đó (bao gồm có nhu cầu đòi bế bồng, cưng nựng...) trẻ sẽ lại như một chú cún con ngoan hiền, nằm im hưởng thụ và thậm chí còn nở nụ cười với bạn :)

Vậy nên, sau khi chăm sóc 2 bạn với đủ cả hỉ nộ ái ố, mình nghiệm ra rằng việc chăm trẻ nhiều khi tưởng phức tạp - nhưng sự phức tạp đó là do người lớn tự đặt ra thôi. Còn con trẻ, chúng cực kì đơn thuần và dễ bảo. Quan trọng nhất là cần có sự quan tâm & yêu thương <3

4. Cơ thể của mình là một thực thể tuyệt vời, hãy trân trọng nó

Mình xin phép chưa viết gì vội mà mời mọi người nhìn vào 3 tấm hình sau. Lần lượt là 3 tháng, 6 tháng và 1 năm sau khi sinh bạn Thoáng.
Hình bụng mình 3 tháng sau khi sinh bạn Thoáng

6 tháng sau khi sinh bạn Thoáng và bắt đầu đi làm lại

1 năm kể từ khi sinh bạn Thoáng

Nếu như các bạn hỏi mình có hài lòng với cơ thể mình không, có cảm thấy xấy hổ với các bụng hơi chảy xệ và nhão nhão chứ không được săn chắc như các cô gái chưa chồng con, có cảm thấy buồn vì những vết rạn sẽ theo mình vĩnh viễn trên người vì sinh nở không... Mình xin trả lời là KHÔNG!

Mình thực sự cảm thấy tự hào với những gì mình đã làm được. Khi em bé xuất hiện trong cơ thể, mọi cơ quan đều tập trung để đảm bảo một môi trường sống tốt nhất cho em: da bụng căng ra tưởng như vô giới hạn, cột sống chống đỡ một cách mạnh mẽ, lục phủ ngũ tạng tự động tìm cách trao đổi chất để truyền cho em bé những dinh dưỡng quý giá nhất. Rồi sau 9 tháng 10 ngày, sau cơn đau vượt cạn, cơ thể lại dần dần một cách từ tốn và kiên nhẫn trở lại như ban đầu, kèm theo những "minh chứng" in dấu về một sự hy sinh vô cùng vĩ đại để cho ra đời những thiên thần nhỏ.

Sao phải cảm thấy xấu hổ? Sao phải cảm thấy ngại ngùng? Chúng ta đã làm được một điều quá phi thường và đáng trân trọng. Vì thế cũng ta lại càng phải trân trọng lấy chính bản thân chúng ta chứ? Mình tin rằng một bà mẹ tự tin, lạc quan sẽ sinh ra và nuôi dưỡng những em bé tự tin và lạc quan. Và những người làm mẹ là những người thực sự vĩ đại!

Cũng có nhiều bạn sợ rằng cơ thể "xập xệ" sau khi sinh sẽ khiến cho người chồng màu chóng chán. Này những bạn nữ nào có những người chồng có suy nghĩ như thế ơi, hay xem lại xem họ có đủ xứng đáng với mẹ con bạn hay không. Một người đàn ông tốt, tử tế, hiểu chuyện là người hiểu vì ai, vì cái gì mà người phụ nữ của mình lại trở nên "xập xệ" như thế! Chê bai những người phụ nữ đã hy sinh cả máu và nước mắt để cho con bạn chào đời, loại đàn ông như thế chỉ nên dùng một chữ thôi: HÈN. Còn hầu như, mình đều thấy, các đấng ông chồng đều rất trân trọng và nể phục vợ mình vì sự vĩ đại và kì diệu mà họ đã làm được.

5. Con cái chúng ta bình thường một cách phi thường!

Như nhiều bà mẹ Việt Nam khác, mình cũng từng rất lo lắng với vấn đề cân nặng và chiều cao của bạn Xốp, thường xuyên bị chi phối bởi những lời bình phẩm về ngoại hình còi cọc của con, và chịu không ít áp lực để rồi sau đấy là bất lực vì không thể làm gì để thay đổi điều đó.

Nhưng nó có đáng không?!? Bạn Xốp giờ đã hơn 5 tuổi, con phát triển bình thường như bao bạn cùng trang lứa khác: con biết đọc, biết viết, biết tô màu, biết vẽ tranh... ngoài giờ học con thích đi học múa, con thích hát, con thích nhảy theo điệu nhạc, và con còn hào hứng đi học Toán nữa. Con cũng có đam mê được đi học bơi, được đi gặp gỡ các bạn cùng khu chung cư để giao lưu, học hỏi... Con giống như tất cả những bạn đồng trang lứa, không có lấy một thiếu sót nhỏ. Và con đang tận hưởng một tuổi thơ mình tin là trọn vẹn bên gia đình, người thân.

Con bình thường một cách phi thường, chẳng có lý gì mình phải thay đổi nó. Mỗi em bé đều là một cá thể riêng biệt, việc lấy một quy chuẩn về cân nặng, chiều cao để so sánh em bé nào hơn em bé nào là điều vô cùng phi lý. Người lớn còn người gầy người béo, người cao người thấp... tại sao lại bắt tất cả trẻ con phải như nhau?!?


Đấy là một sự vô lý và một áp lực vô hình đẩy lên vai người mẹ. Một khi bạn đã hiểu được và áp dụng được câu nói trên vào cuộc sống, thì bạn yên tâm đi, việc nuôi con nhỏ trở nên nhẹ nhàng và vui vẻ vô cùng.

Trên đây là những đúc kết nho nhỏ mà mình nghiệm ra và cảm thấy thực sự rất đúng sau khi đã làm mẹ của hai em bé. Hy vọng các bạn, trên hành trình đã/đang/sắp làm mẹ lần đầu, lần thứ hai và có thể là lần thứ ba, thứ tư và nhiều lần khác nữa... hãy vững tin vào bản năng của mình. Làm mẹ là một thiên chức tuyệt vời của người phụ nữ, là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời, và là một dấu mốc vô cùng quan trọng khiến cho cuộc sống của chúng ta trở nên hoàn thiện hơn.

Thân,

Không có nhận xét nào