Được tạo bởi Blogger.

HEART TO HEART #2 | Những bài học cuộc đời đã dạy tôi trước ngưỡng cửa tuổi 30...

20/1/2018 là ngày sinh nhật mình tròn 29 tuổi bước sang tuổi 30.


30 tuổi... Nếu nói tuổi tác chỉ là một con số thì rất đúng. Bởi mình chưa bao giờ nghĩ mình đã 30 tuổi, vì tâm hồn lúc nào cũng trẻ trung và vui vẻ như đang ở độ tuổi 20 vậy! Nhưng đúng là, ở những năm tháng tuổi thanh xuân của tuổi 20, mình không bao giờ nghĩ khi đến 30 tuổi mình sẽ như thế nào, cuộc sống sẽ ra sao, có chồng và bao nhiêu đứa con rồi, trai hay gái, ở nhà biệt thự hay chung cư, công việc sẽ là gì... Rất rất nhiều thứ đã diễn ra kể từ khi mình kết thúc sự nghiệp học hành ở năm 22 tuổi và bắt đầu bước chân thực sự vào thế giới "của người lớn" - thế giới có đôi phần hỗn độn với các mối quan hệ xã hội chồng chéo, với nỗi lo cơm áo gạo tiền, với những va vấp và cả những bỡ ngỡ của tuổi trẻ khi thực sự bước chân ra với ĐỜI.

Giờ đây có thời gian ngồi nghĩ lại, mình mới nhận ra rằng, 29 năm cuộc đời trong đấy đặc biệt kể từ khi mình 20 tuổi cho đến nay, cuộc đời đã dạy cho mình rất rất nhiều bài học thấm thía. Có những bài học mình may mắn được người khác bảo ban, chỉ dạy, hướng dẫn. Nhưng cũng có những bài học mình học được sau những va vấp, những cú ngã, những vết thương... đau, rất đau, và mãi sau này không không thể lành được.


1. "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất. Tất cả những cái khác, có hay không, không quan trọng!"


Câu nói nổi tiếng của ông trùm Phan Quân trong "Người phán xử" này hẳn ai cũng nhớ và thuộc lòng. Nhưng không phải tự dưng nó lại gây bão và khiến mọi người bắt chước theo nhiều như thế. Bởi vì đơn giản là nó ĐÚNG, QUÁ ĐÚNG!

Thời trẻ, ai chẳng có những lúc không hài lòng bởi bố mẹ quá nghiêm khắc hoặc không hiểu con cái, thường xuyên "ép" con cái phải học cái nọ, làm cái kia. Ví dụ như hồi xưa bà nội mình cực kì khó tính trong việc dạy mình việc bếp núc, làm đâu là phải gọn đấy, mỗi việc được chia ra thành từng giai đoạn, làm hết giai đoạn này sang giai đoạn khác là phải theo thứ tự không được xáo trộn hết cả lên, ôi sao mà mình thấy phức tạp. Hoặc như bố mẹ mình, ngoài việc học văn hóa còn bắt mình phải đi học thêm Tiếng Anh, phụ đạo thêm một bộ môn âm nhạc với đạo cụ nào đấy, rồi bắt mình khi ra ngoài đi chơi phải ăn mặc như thế nào cho lịch sự, rất chi là mệt mỏi. Rồi khi mình có người yêu cũng khiến bố mẹ mình "đứng ngồi không yên", thường xuyên hỏi han rồi khuyên nhủ thậm chí là răn đe trong chuyện yêu đương và chọn bạn bè, thực sự nhiều lúc mình thấy bố mẹ quá khắt khe và quy tắc!

Nhưng các bạn ạ, các cụ có câu "có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ". Khi đã là người làm cha làm mẹ rồi các bạn mới hiểu rằng: bố mẹ có thể đánh mình rất đau, có thể mắng mình rất thậm tệ, nhưng trong tim bố mẹ lúc ấy như ngàn vạn vết dao đang cứa vào. Đau lắm, xót lắm, nhưng không mắng không đánh không nghiêm khắc dạy bảo thì con cái sẽ không thể nên người, sẽ không hiểu đâu là tốt đâu là xấu, sẽ dễ dàng lầm đường lạc lối và như vậy thì không chỉ bố mẹ khổ, mà quan trọng hơn cả là chính chúng ta tự làm khổ chúng ta.

Từ hồi có con nhỏ, rồi chăm con mỗi khi con ốm con đau, thức gần như trắng đêm. Rồi những lúc con hư mình phải đe nẹt thậm chí là dùng roi đánh, mỗi lần giơ roi lên để đánh con mình đau lắm, mình xót lắm. Mình nuôi con 9 tháng 10 ngày trong bụng, đẻ con ra đỏ hon non nớt, chăm bẵm mãi mới lớn lên được, giờ con hư thì mình phải dạy, nhưng dạy bằng roi bằng vọt là thứ cuối cùng mình muốn dùng, không phải đơn giản bởi đó là hình phạt nghiêm khắc nhất, mà bởi vì khi dùng đến hình phạt đấy rồi, nhìn thấy con khóc mà mình cũng muốn khóc theo. Muốn khóc, mà trong lòng vẫn phải cứng rắn, vẫn phải nghiêm khắc để con hiểu là con đã sai, con phải sửa - đó là một việc làm cực kì cực kì khó khăn. Và lúc đấy, mình mới hiểu hồi xưa bố mẹ mình dạy mình nuôi nấng mình vất vả và cực khổ như thế nào, có khi còn vất vả hơn cả mình bây giờ vậy!

Những bạn làm con gái, đi lấy chồng, nuôi con nhỏ, sẽ lại càng hiểu và thương bố mẹ nhiều hơn. Chúng ta cứ nói nhiều đến chuyện báo hiếu, mua món này món kia cho bố mẹ, làm cái này cái kia cho bố mẹ, trong khi thực sự các bạn biết không: các bạn sống tốt, các bạn hạnh phúc với lựa chọn của mình, đó mới là món quà báo hiếu quý giá nhất mà bố mẹ các bạn mong muốn. Cũng giống như các bạn bây giờ, làm cha làm mẹ, nhìn con nhỏ và muốn cho con một cuộc sống êm ấm nhất, sau này con lớn đủ lông đủ cánh bay đi vẫn muốn con có một cuộc sống êm ấm như khi sống với bố mẹ. Chân lý cơ bản đấy nhiều khi chúng ta không hiểu, hoặc cố tình không hiểu. 

Vòng đi vòng lại, bão tố sẽ dừng sau cánh cửa nhà, và chắc chắn nó sẽ không bao giờ bước chân được qua cánh cửa nhà bố mẹ. Mệt mỏi, buồn chán, ưu tư... tất cả sẽ trở thành bình yên hết trong vòng tay bố mẹ. Vì vậy, gia đình là thứ vô cùng quan trọng. Hãy trân trọng gia đình, đặt gia đình lên hàng đầu, là thứ đầu tiên nên nhớ đến trong mọi việc chúng ta làm, để sống có trách nhiệm hơn.

2. Kết hôn chỉ đơn giản là kết hôn thôi, còn LẬP GIA ĐÌNH là cả một quá trình

Mình kết hôn và có con từ rất sớm, ở những năm 23-24 tuổi.

Mình bước chân về nhà chồng trong tâm trạng vô cùng hoang mang: cơm không biết nấu, chợ không biết đi mua như thế nào, kinh tế chưa thực sự vững, công việc ở cơ quan mới chỉ gọi là bước đầu tạm ổn, và thậm chí từng thành viên trong gia đình chồng tính cách thực sự ra sao mình cũng chỉ biết mang máng lờ mờ.

Bọn mình kết hôn vào một ngày tháng 9/2012 giữa tiết trời Hà Nội sang thu đẹp rực rỡ. Đẹp như những mơ ước của chính bản thân mình về cuộc hôn nhân này vậy. Để rồi trong 5 năm đầu, không ít lần mình cảm thấy thất vọng, không ít lần mình cảm thấy không thể bước tiếp, và cũng không ít lần mình cảm thấy áp lực và stress từ nhiều phía dồn lại.


Người ta nói "hôn nhân là mồ chôn tình ái" - câu nói đấy không hoàn toàn đúng, nhưng cũng chẳng sai. Khi yêu nhau, mọi thứ thực sự rất đẹp, chỉ có hai người. Nhưng khi kết hôn, cuộc sống của hai người như thế nào, mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau ra sao... ảnh hưởng rất nhiều đến các thành viên khác trong gia đình, một đại gia đình lớn. 

May mắn, hai vợ chồng mình trong 5 năm đấy đã dần học được cách tôn trọng nhau, nhường nhịn nhau, và cùng nhau cố gắng để xây dựng một gia đình yên ấm cho các con - giống như bố mẹ hai bên đã từng làm được và vẫn đang làm được. 

Có rất nhiều bài học trong hôn nhân mà mình rút ra trong 5 năm đầu, nhưng quan trọng nhất mình thấy rằng, nếu từ cả hai phía không học được cách tôn trọng đối phương và có sự nhường nhịn, chia sẻ, thấu hiểu TỪ CẢ HAI PHÍA thì cuộc hôn nhân sẽ vô cùng gian truân và trắc trở.

Tình yêu sau khi kết hôn vẫn tồn tại, nhưng nó chuyển biến thành một thứ lớn hơn nhiều tình yêu đôi lứa, đó là tình phụ tử - tình mẫu tử, tình nghĩa phu thê, đó là ao ước về một mái ấm hạnh phúc rộn rã tiếng cười và ngập tràn niềm vui. Có những lúc có thể chúng ta buồn, có những lúc có thể chúng ta cảm thấy chán chường và muốn dừng lại, nhưng thứ tình cảm thiêng liêng còn lớn hơn cả tình yêu đôi lứa trai gái, hơn cả những ham muốn thường tình của  con người, cùng với những cố gắng của cả hai vợ chồng, sẽ là động lực to lớn để chúng ta bước tiếp và cùng nhau gây dựng một gia đình.

3. Công sở là nơi dành cho CÔNG VIỆC - đừng bộc lộ tâm tư, tình cảm và suy nghĩ quá nhiều

Có nhiều bạn bước chân ra đời rất sớm, từ những năm 18,20. Mình thì lại khác. Bản tính mình khá dè dặt với người ngoài, lại may mắn được sinh ra trong một gia đình yên ấm, bố mẹ và mọi thành viên khác trong gia đình dành cho mình và em gái rất nhiều sự ưu ái để có thể toàn tâm toàn ý với việc học hành. Vì thế, gánh nặng kiếm tiền - tiêu tiền, trong suốt 22 năm (kể cả khi đã lên Đại học) chưa bao giờ là thứ khiến mình phải suy nghĩ.

Thời thanh niên sôi nổi và son rỗi, mình cũng làm một số việc part-time, chủ yếu là viết bài cho các báo, tạp chí. Nhưng vì gánh nặng tiền nong chưa bao giờ là thứ khiến mình phải bận tâm, nên việc viết bài cũng chỉ như một thú vui, thích thì làm, không thích thì thôi. Số tiền ít ỏi đấy mình cũng chỉ ki cóp đủ cho 1-2 chuyến du lịch "bụi" với bạn bè mỗi khi kết thúc một kì học. Hoặc có khi trong túi chỉ có độ vài trăm nghìn, cả lũ rủ nhau trèo lên xe máy đi chơi quanh ngoại thành trong ngày hoặc trong một buổi chiều, thế thôi. Bố mẹ mình đều là giáo viên, và quan điểm cũ kĩ đến độ cho rằng những việc như chạy bàn ở nhà hàng, quán cà phê... là không xứng đáng với trình độ và số tiền mà bố mẹ mình bỏ ra cho việc học hành của mình.

Mình nghĩ rằng việc không phải chú tâm kiếm tiền, và được bao bọc quá kĩ nó là một điều may mắn, nhưng cũng là một điều bất lợi. Bởi vì khi bắt đầu tốt nghiệp Đại học, đi tìm việc làm và đi làm, mình đã trải qua một thời gian rất shock!

Mình shock bởi chuyện đi làm không chỉ đơn giản là bạn đến cơ quan làm việc đúng giờ, làm hoàn thành chỉ tiêu công việc được giao, rồi hết giờ thì cắp cặp đi về. Mà "công việc" ở đây còn là chuyện gây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp, với cấp trên, mà nếu không khéo thì người thiệt thòi sẽ là bản thân mình. 

Mình shock bởi vì trong cái thế giới của "người lớn" đấy, nhiều khi ngoài mặt thì tay bắt mặt mừng, nhưng sau lưng thì chỉ trỏ, xỉa xói, nói xấu, hạ bệ nhau thôi thì đủ cả.

Mình còn shock hơn bởi vì con người có những khi ti tiện đến độ những thâm thù từ đời cha chú vẫn còn giữ trong bụng, chờ đến đời con đời cháu thì mới bung ra và tìm cách hãm hại.

Những ngày đầu đi làm, mình cô độc vô cùng. Cảm thấy làm bất cứ một cái gì, nói bất cứ một câu gì, hành xử hay làm bất cứ một hành động nào... cũng bị người khác ngấm ngầm theo dõi, bình luận. 

Mình còn nhớ như in trong tuần đầu tiên đi làm mình đã phải chạy vội ra khỏi cơ quan giữa trưa, gọi điện thoại cho người yêu (và giờ là chồng) khóc nức nở vì bị người ta xử ép, bắt nạt, mà mình thì không biết phải làm thế nào cho phải?!?

Mình cũng còn nhớ, cái cảm giác khi cả mình và người yêu đều đi làm, đều bận rộn với những chỉ tiêu - kế hoạch ở cơ quan, bận rộn với việc khẳng định bản thân... để rồi một thời gian nhãng nhau ra, không gặp nhau mấy, mà cũng chả mấy khi gọi điện thoại cho nhau được, cũng có lúc đã nói lời chia tay thật sự trong độ vài tuần chỉ bởi vì hai đứa chưa thể cân bằng được giữa cuộc sống riêng tư và những tham vọng của tuổi trẻ muốn khẳng định mình.

...

Thế giới của công sở vô cùng phức tạp. Không ai có thể cầm tay chỉ việc để hướng dẫn cho bạn phải làm như thế nào, phải tạo dựng mối quan hệ ra sao, phải lấy lòng ai và đứng về phe ai... Mối quan hệ đồng nghiệp cũng là một mối quan hệ cần phải cẩn trọng, đừng bao giờ quá tin tưởng ai nơi chốn công sở. Xét cho cùng ở nơi đấy, không có ai là ruột thịt với bạn, không có ai thực sự hiểu bạn bằng chính bạn và gia đình, bạn bè của bạn. Vì thế đừng quá tin tưởng, đừng quá dễ dãi, luôn cân nhắc trước mỗi câu nói khi phát ngôn ra, thực sự nghiêm túc làm việc và cố gắng đạt được kết quả tốt nhất (kể cả nếu có đạt được kết quả tốt nhất sẽ không được ghi nhận gì, vẫn phải làm). Tốt nhất đừng bao giờ bộc lộ tâm tư tình cảm quá nhiều ở nơi đấy, những thứ tâm tư tình cảm đấy chỉ nên dành cho gia đình, bạn bè - những người hiểu và thực sự tin tưởng bạn. Còn công sở, quan trọng nhất vẫn là kết quả công việc.

4. "Ta là một, là riêng, là DUY NHẤT!"

Bài học nằm lòng này mình đã đúc rút ra được trong mấy năm nuôi bạn Xốp và luôn đau đáu nỗi niềm "tại sao con nhà mình không được như con nhà người ta" vô cùng phổ biến của các mẹ Việt.

Phải nói là hành trình nuôi bạn Xốp của mình tương đối vất vả, ra vào bệnh viện như đi chợ và stress vô cùng. Nói chung là để nói về trầm cảm sau khi sinh có lẽ mình phải dành một bài viết riêng để chia sẻ với mọi người. Nhưng trên tất cả, sau những lần con ốm con đau, sau những lần áp dụng đủ mọi phương pháp - công thức mà mình đọc được mà vẫn... công cốc, mình dần nhận ra rằng: bạn Xốp là như thế, và học cách tôn trọng cơ thể cũng như những thứ thuộc về con, chẳng còn buồn nhìn con người để so với con mình nữa! :)

Thôi thì mình không nói lại nhiều vấn đề này nữa nhé, bởi đã nói quá nhiều trên các post Facebook rồi. Nó là một trong những "giác ngộ" giúp mình nhẹ gánh và thoải mái hơn trong việc chăm sóc con nhỏ, và cũng khiến việc làm mẹ trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn đấy! :)


Suy rộng ra từ việc nuôi dạy con nhỏ, mình cũng nhận ra rằng, mỗi người chúng ta là một cá thể riêng duy nhất trên thế giới này... vì thế, học cách tôn trọng bản thân, trân trọng bản thân, yêu lấy bản thân cũng là một cách để chúng ta tuyên bố với thế giới: "hãy học cách TÔN TRỌNG VÀ TRÂN TRỌNG TÔI!".

*****



Thật ra nếu để tổng hợp được tất cả những bài học mà cuộc đời đã dạy cho mình và chia sẻ với các bạn, thì nó sẽ rất nhiều. Một bài viết đơn giản không thể nói hết được. Trên đây là những điều mà mình thấy tâm đắc nhất, mình cảm nhận rằng từ khi "giác ngộ" ra những điều này thì cuộc sống trở nên dễ thở và hạnh phúc hơn, nhìn cuộc đời cũng theo con mắt tích cực hơn.

Có thể những điều này các bạn đã biết, có thể những điều này các bạn chưa biết, nhưng dù đã biết hay chưa biết cũng không quan trọng bằng các bạn hiểu thực sự nó và áp dụng một cách triệt để vào cuộc sống. Bởi đơn giản nói bao giờ chẳng dễ hơn làm.

30 tuổi... một cuộc đời mới lại mở ra trước mắt mình. Không còn là tuổi 20 tràn trề sự sôi nổi và thậm chí là sốc nổi của tuổi trẻ, không còn những tháng ngày vui chơi vô lo vô nghĩ và sống có đôi phần ích kỉ nữa. 30 tuổi, 1 gia đình, 1 chồng 2 con, 1 công việc mình cảm thấy yêu thích vì có thời gian dành cho gia đình, một tổ ấm nhỏ đang cần mình ngày ngày chăm lo vun xới, một cuộc sống không thể nào "viên mãn" thực sự nhưng mình cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với nó.

Cám ơn cuộc đời đã cho mình 29 năm thực sự tuyệt vời. Và từ năm thứ 30 trở đi, tự tay mình sẽ biến những thứ tuyệt vời đó trở nên tuyệt vời hơn! :)

Thân,


Không có nhận xét nào