Được tạo bởi Blogger.

Những ngày Tết rất khác...

Còn nhớ những ngày son rỗi, ấy là những ngày còn sống cùng bố mẹ. 

Tết vào những năm cấp 3 là những chiều 27 cả nhà quây quần cùng gói bánh chưng. Lúc đấy bà nội còn khỏe và con có sức. Tối 27 gói bánh thì bà đã dành thời gian từ ngày 25,26 để giã đỗ rồi viên thành những viên tròn - định lượng vừa đủ cho một chiếc bánh; mua những tàu lá to - đẹp - tươi nhất để ngồi rửa, lau sạch, tách cuống.; thịt được chọn loại tươi ngon nhất ngoài chợ, nấu kĩ, chín vừa đủ, nêm nếm đậm đà. Đến tối ngày gói bánh chưng, con cháu chỉ cần ngồi lại, phân chia nguyên liệu và thao tác theo từng bước của bà. Trông mình vụng về như vậy, mà cũng đã từng gói được thành hình cái bánh chưng, và cũng gọi là "biết gói bánh chưng"!

Sau này khi lấy chồng, mỗi lần gần đến Tết bố chồng lại kể chuyện hồi xưa lúc ông nội còn sống cả nhà cũng quây quần chiều cuối năm gói bánh chưng như thế nào, rồi quay sang hỏi: "Nhà Nga ở trên Hà Nội đã lâu chắc không tự gói bánh chưng đâu nhỉ?", thì mình vẫn có thể tự hào khoe rằng "có chứ ạ!" và nói rành rọt từng bước từng bước một của việc gói bánh chưng như thế nào. Xem chừng bố chồng có vẻ hài lòng lắm. Và mình thì thầm cám ơn bà nội đã dày công sức để "đào tạo" mình trong mấy năm trời với công cuộc gói bánh đấy.

Vào Đại học, thời gian nghỉ Tết được nhiều và dài hơn, thế nên bắt đầu nghỉ Tết là nghĩ ngay đến một việc quan trọng: dọn nhà!

4 năm mình học Đại học là 4 năm mẹ không bao giờ phải lo lắng Tết này nhà cửa vẫn còn bẩn thỉu, bừa bộn. Từ ngoài Rằm tháng Chạp là mình túc tắc dọn, dọn từ tầng thượng xuống tầng 1, lau từng cánh cửa, hút từng ngóc ngách bám bụi trong nhà, lật tung từng cái sập giường lên để dọn. Bao giờ kết thúc công cuộc, cũng là tay xách nách mang cả đống rác rưởi, bụi bặm, đồ ve chai sắt vụn, giấy báo ra ngoài đầu ngõ. Một là bán cho các cô đồng nát, hai là vứt vào xe rác cho gọn nhà.

Những ngày Tết thường bắt đầu vào những ngày 28,29 Tết khi bố đã "lượn" vài vòng chợ hoa để mua được cành đào ưng ý, mẹ đã xếp hàng từ sớm để mua những khay mứt, bánh tại những cửa hàng ngon nhất Hà Nội, và nồi bánh chưng sau đúng 12 tiếng đun trên bếp than rực lửa (thực ra nói là nồi cho nó "oai", chứ nó là cái thùng gạo từ thời "cổ lai hy" ông bà nội mình vẫn giữ lại đến tận giờ này) cũng đã chín đủ, ép nước và treo lủng lẳng trên tay vịn cầu thang cho khô ráo :)


Nhà bố mẹ đẻ mình còn có may mắn là ở gần chợ hoa Quảng Bá. Thế nên những tối 29, mấy mẹ con vẫn có thể đủng đỉnh đi bộ ra chợ hoa để lựa những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất, thơm nhất về cắm quanh nhà.

Tết với gia đình mình luôn luôn phải có cành đào - thường công cuộc này sẽ do bố mình đảm nhận :D, một cây quất sai trĩu quả - may mắn mẹ mình có người bạn thân từ hồi tiểu học gia đình làm nghề trồng quất - vậy là năm nào cũng được cô để dành cho một chậu quất đẹp, sai quả và nhiều lộc lá, chơi thỏa thích đến qua Rằm Tháng Giêng cô lại cho người đến xin lại chậu và gốc để mang về trồng tiếp cho năm sau. Với hoa thì quả thật là một câu chuyện dài với đủ mọi màu sắc sặc sợ: một chậu đỗ quyên nở rộ bên hiên nhà, một lọ hoa violet tím đặt điệu đà trên bàn ăn, và không thể thiếu được hoa lay ơn đỏ rực đậm không khí Tết. Những năm gần đây, những cành hoa thược dược cũng bắt đầu được bày bán phổ biến chứ không còn lẻ tẻ như trước nữa. Thược dược đủ màu sắc, rực rỡ và cắm cũng rất đơn giản, mẹ mình bảo hồi xưa Tết trong những gia đình từ trung lưu đến bần hàn ở Hà Nội đều có một bình thược dược như vậy - rẻ, đẹp, và rất rực rỡ!


Quên mất, không biết nhà mọi người có món gì "truyền thống" không, nhưng nhà mình có món mắm rươi chưng ngon tuyệt cú! 

Đặc sản này là của Hưng Yên, nhưng đến giờ thì đã mai một dần chẳng còn mấy nhà biết làm nữa. Bà nội mình là con gái Hưng Yên chính gốc, chị em trong nhà chịu khó làm và gìn giữ những truyền thống này lắm. Thật may mắn vì đến tận giờ giữ Thủ đô, mình vẫn còn được thưởng thức món ăn truyền thống rất đặc biệt này.

Rươi mua bây giờ rất khó, bà nội và cô ruột của mình phải cất công đi tìm đến hàng rươi quen nhiều năm bán trong chợ nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Cầu Gỗ. Rươi phải đặt trước cả tháng, và cũng phải chờ từng đấy thời gian để có thể lấy hàng đặt. Thường người bán đã làm sạch, xay sẵn ra và đựng trong lọ lavie nhỏ. Khi mang về, nhà mình đổ rươi ra, chưng cùng với trứng gà, sau đó khi gần chín thì giã nhỏ lạc đã rang khô để trộn cùng. Bà nội mình sẽ là người làm công đoạn cuối cùng: định hình cho đĩa rươi, trông giống như món chè kho vậy, rồi để nguội và dùng bọc thực phẩm bọc lại, cất trong tủ lạnh ăn dần.

Nếu chỉ cần chuẩn bị đến đấy thì có lẽ đây đã là món ăn đơn giản. Quan trọng hơn cả là những "gia vị" khi ăn kèm với món mắm rươi chưng đấy! Gia vị nghe rất lạ: ngoài những loại rau quen thuộc như xà lách, rau thơm, rau cần thì còn có tỏi khô, vỏ quýt, hành muối hoặc hành khô, gừng, thịt lợn ba chỉ luộc thái mỏng. Khi ăn dùng rau cuốn cùng các loại "gia vị" đó vào sẽ được một thức ăn thanh thanh, cay cay, rất dễ chịu - đặc biệt là trong dịp Tết có quá nhiều món ăn dầu mỡ thì món mắm rươi chưng này thực sự là một món giúp ngon miệng và đỡ ngấy hơn!


Vài năm gần đây, mẹ mình còn "học hỏi" thêm được món thịt bắp bò ngâm dấm từ cô em chồng trong họ khéo léo và đảm đang. Cứ tối 24,25 Tết là mấy chị em lại tụ tập ở nhà một người rồi cùng nhau làm nên mấy mẻ bắp bò ngâm dấm. Cảm giác mới ấm cúng và háo hức làm sao!

Tuy nhiên, có lẽ khoảng thời gian đáng nhớ nhất phải là đêm giao thừa.

Giao thừa... hai chữ thật đặc biệt!

Mình không có thói quen ra ngoài đường đi chơi cùng bạn bè vào đêm Giao thừa. Với mình, đây là khoảnh khắc cần sự tĩnh lặng, suy ngẫm về những gì đã qua và hoạch định ra những gì sắp tới trong năm mới. Trong không khí rộn ràng với tiếng pháo nổ bùm bụp, tiếng hò reo và vỗ tay của mọi người, tiếng chúc tụng và tiếng cười nói rộn ràng, mình tin rằng ở đâu đó - trong mỗi gia đình - vẫn có những người lặng lẽ đón giao thừa theo một cách chung: thắp hương đêm Giao thừa.


Cũng chẳng phải cố bàn cao sang gì, chỉ đơn giản với mâm ngũ quả, đĩa gà luộc, đĩa xôi, một ít vàng mã, một ít rượu. Và không thể thiếu: muối và gạo!

Nhưng cái cảm giác cùng bà nội chắp tay thắp hương cũng thần linh thổ địa vào đêm Giao thừa, nó vẫn khiến cho mình có cảm giác rất khác: ấm áp hơn, gần gũi hơn, tĩnh tâm hơn, nhẹ nhàng hơn... sẵn sàng chào đón một năm mới với nhiều niềm vui và may mắn.

Mồng 1 rồi Mồng 2 Tết, trọn vẹn những ngày này là dành cho gia đình. Xúng xính quần áo đẹp đi chúc Tết họ hàng bên Nội, bên Ngoại. Mùng 3, Mùng 4 thông thường cả nhà sẽ lên đường về quê ngoại ở Vân Đồn, Quảng Ninh để du xuân kết hợp đi lễ chùa chiền. Đến tận Mồng 5, Mồng 6 mới là khoảng thời gian dành cho bạn bè: gặp gỡ cà phê, đi chơi bát phố, dùng tiền mừng tuổi để shopping :D


Đó là những ngày Tết khi mình còn son rỗi.

3 năm lấy chồng, 3 cái Tết đã qua đi. Một cách rất khác.

Tết đầu tiên chửa kễnh bụng, Tết thứ hai vừa chăm con nhỏ vừa cùng mẹ chồng lăn lộn trong bếp, đến cái Tết năm nay: con đã lớn hơn và đã biết nhiều hơn một chút, thì cũng có thể rảnh rang lo việc bếp núc với mẹ chồng hơn.


30, Mồng 1 cắm mặt vào cơm nước dọn dẹp. Mồng 2 đi ăn hóa vàng nhà bác Trưởng rồi lại về nấu nướng ở nhà. Mồng 3 làm 3 mâm cỗ cho bố chồng mời bạn bè khách khứa về chơi. Mồng 4 sửa soạn dọn dẹp để lên Hà Nội (mà đấy là còn may mắn quê chồng chỉ ở ngay Đông Anh, chẳng xa xôi gì, năm nay lại còn đi lại dễ dàng vì đã có cầu Nhật Tân và Đông Trù!). Và thế thôi, Tết đã hết. Còn 1 ngày nghỉ nữa để dọn dẹp lại nhà cửa một lượt, chuẩn bị thức ăn cho tuần sau, thu xếp công việc trước khi cô giúp việc lên, và chuẩn bị quần áo để Mồng 6 đi làm.

9 ngày nghỉ Tết, chẳng ngày nào được ngơi nghỉ. Thôi thì từ việc mua sắm đồ lễ cho đến việc dọn dẹp nhà cửa, chăm chút con cái... tất cả một tay mình lo. Nhiều hôm mệt rũ người, đầu bù tóc rối (năm nay lại còn rối hơn vì làm xoăn :D), chỉ kịp xong việc tắm táp qua loa là nằm vật ra giường ngủ đến sáng. Da mặt chỉ kịp rửa sạch đã là may, đừng nói đến việc ngồi trước gương mà ngắm mà vuốt.

Hậu quả ra Tết hiển nhiên là mặt trông kinh dị vô cùng, công hưởng với ngày "đèn đỏ" đang đến gần nên trông lại càng kinh dị :(

Ấy thế mà, vẫn phải tươi, vần phải vui, vẫn phải đủ háo hức để chào đón một năm mới!

Nhiều khi, lúc mình còn trẻ và chưa vướng bận gia đình, mình nghĩ rằng Tết thật nhẹ nhàng và đơn giản. Nhưng rồi, khi đã có gia đình, có con cái, khi đã về nhà chồng làm dâu, mới thấy Tết thật ra chẳng đơn giản chút nào. Mệt mỏi lắm, nhiều điều trăn trở và tủi thân lắm.


Nhưng vẫn phải cười, vẫn phải vui vẻ, bởi vì theo truyền thống nhiều năm liền khi còn ở nhà bố mẹ: cứ sáng Mồng 1 xuống ăn sáng, ông Nội lại lì xì cho mỗi đứa và căn dặn: "Hôm nay là Mồng 1, là ngày đầu năm mới - ngày này phải luôn tươi tỉnh, vui vẻ có như vậy cả năm mới may mắn và gặp nhiều thuận lợi. Các cháu nhớ chưa?"

Đã là những ngày Tết rất khác...