Được tạo bởi Blogger.

KINDERGARTEN ADVENTURE | NHẬT KÝ NHỮNG NGÀY ĐẦU ĐI HỌC MẪU GIÁO CỦA BẠN THOÁNG

Chào mọi người,

Lâu lắm rồi mới lại ngồi viết lại chuyên mục nhật ký đi học mẫu giáo của con. Nhưng lần này không phải là với bạn Xốp mà là với bạn Thoáng. Vâng đúng thế, bạn Thoáng nhà mình đã bắt đầu đi học mẫu giáo rồi các bạn ạ!


Thực ra mình đã hoàn thiện thủ tục nhập học và các công việc lặt vặt khác cho con từ giữa tháng 6/2019, tuy nhiên vì muốn con ở nhà thêm một thời gian nữa cho cứng cáp và cũng để bồi dưỡng thêm tăng cường sức đề kháng và tâm lý của con, nên đến 15/8 vừa rồi con mới chính thức đi học.

Mấy hôm chuẩn bị để bạn Thoáng đi học, mình có đọc lại các bài viết nhật ký đi học của bạn Xốp cách đây 4 năm, mới thấy hồi đấy lần đầu làm mẹ nhiều bỡ ngỡ, sợ sệt, cũng không kém phần lo lắng, bất an... khi lần đầu tiên để con rời xa tổ ấm, tiếp xúc với môi trường mới. Có những quan điểm, nguyên tắc... mình tự đặt ra lúc đấy thực sự rất cứng nhắc, khiến cho mình rơi vào trạng thái thường xuyên căng thẳng, gần như là tự tạo áp lực cho bản thân vậy.

Với bạn Thoáng, vì đã có kinh nghiệm với bạn Xốp rồi nên mình thấy thoải mái về tâm lý hơn. Thêm nữa, kinh tế của gia đình mình bây giờ đã vững vàng hơn, công việc đã ổn định hơn, nên hai vợ chồng cũng thoải mái hơn trong việc chọn trường cho con đi học.

Mình vẫn quyết định cho bạn Thoáng theo học Vinschool, nhưng là chi nhánh gần nhà hơn so với bạn Xốp - thuận tiện cho bố mẹ đưa đón cũng như nhờ vả bà nội bà ngoại những hôm nhỡ nhàng. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị thì mình không có gì để phàn nàn. Mình cũng xác định trong độ tuổi từ 18 tháng đến 3 tuổi, trẻ đi học sẽ ốm vặt nhiều, khóc quấy nhiều... nên mình đặt tiêu chí sạch sẽ khang trang của cơ sở vật chất và chất lượng dinh dưỡng trong giai đoạn này lên hàng đầu.

Đặc biệt, khi còn khoảng 2 tuần nữa bạn Thoáng chuẩn bị đi học thì xảy ra vụ việc đáng tiếc ở trường Gateway, nên công tác giám sát - an ninh cũng được tăng lên đáng kể.

Không hiểu là do con thứ hai, đã có kinh nghiệm rồi. Hoặc là do trong cách nuối dạy bạn Thoáng của mình khác với bạn Xốp hồi xưa, không o bế và "ủ" kĩ quá mà để con được tự do phát triển. Hoặc cũng do bạn Thoáng là con trai nên bạo dạn, mạnh mẽ hơn cô chị ở tầm tuổi này vẫn còn mít ướt và nhõng nhẽo... mà trộm vía bạn đi học khá ngoan.

Mất khoảng 2 ngày đầu bạn quấy khóc nhiều nhất, sang ngày thứ 3 đi học thì vẫn khóc nhưng chỉ một lúc rồi lại vui đùa như bình thường. Và đến ngày thứ 4 và thứ 5 đi học thì đúng là con hoàn toàn vui vẻ hòa nhập với các bạn, chào hỏi với cô giáo, thậm chí còn sà vào vòng tay khi cô đưa tay ra đón. Tất nhiên là buổi sáng khi đến trường thì vẫn nhõng nhẽo đòi mẹ bế, và khi rời vòng tay mẹ thì vẫn có cảm giác hơi buồn và lo lắng trong ánh mắt của bạn... nhưng về cơ bản là mình thấy bạn hòa nhập với việc đi học nhanh hơn bạn Xốp rất nhiều.

Hình ảnh ngày thứ hai đi học. Vì lý do an toàn, mình sẽ che mặt cô giáo và các bạn học cùng lớp với con. Trông mặt con có đáng ghét không, đúng kiểu buồn chán lắm rồi đấy :D
Dựa trên kinh nghiệm xương máu của việc đi học với hai bạn Xốp - Thoáng, mình đúc rút ra một số gạch đầu dòng sau:

- Khi chọn trường, tiêu chí giáo dục và chăm sóc các con của bạn như thế nào? 

Với gia đình mình đó là một ngôi trường nơi mình có thể yên tâm gửi con, nơi vệ sinh sạch sẽ, cơ sở vật chất tốt, dinh dưỡng ổn. Mình không đặt nặng giáo trình hoặc số lượng giờ ngoại ngữ trên lớp, vì nếu thích mình hoàn toàn có thể đầu tư cho con đi học những lớp ngoại khóa - sẽ tăng tính mạnh dạn và chủ động hơn (nếu mọi người thấy cần, mình có thể sẽ viết một bài chia sẻ về vấn đề đăng ký học ngoại khóa cho con). Nếu có thì tốt, không có cũng không quá quan trọng.

Mình quan trọng yếu tố vệ sinh, cơ sở vật chất hàng đầu vì trước đây với bạn Xốp mình đã từng bị những thứ như giáo trình, hoạt động ngoại khóa... làm mờ mắt. Cuối cùng chọn một trường có học phí trung bình nhưng học cụ, cơ sở không tốt. Các con không có nhiều đồ chơi, hầu như sau khi ăn xong hoặc trong giờ học chỉ ngồi bó gối ngắm cô cho các bạn ăn hoặc dạy các bạn còn lại trong lớp. Trong khi đó, trẻ lớn lên và phát triển bằng cảm xúc và xúc giác. Vì vậy những lời quảng cáo về giáo trình, tôn chỉ mục đích... của nhà trường... nên gắn liền với cơ sở vật chất và điều kiện thực tế mà trường có.

- Địa điểm

Càng gần nhà càng tốt. Tiêu chí này luôn hỗ trợ rất nhiều trong khoản đưa đón, đặc biệt vào giờ tan tầm tắc đường hoặc khi thời tiết xấu. Việc chọn ngôi trường cùng hệ thống nhưng gần đến hơn 1/2 quãng đường so với cô chị khi đi học mẫu giáo đã tiết kiệm rất tốt thời gian đưa đón của hai vợ chồng mình.

- Học phí

Lựa chọn trường càng đắt chưa chắc đã là tốt nhất. Ví dụ điển hình là vụ trường Gateway. Mình không muốn nói nhiều về vấn đề này. Học phí là thứ mình cân nhắc cuối cùng khi chọn trường, phần vì kinh tế giờ đã vững hơn, phần vì đã có kinh nghiệm sau khi có 1 đứa con trải qua bậc học mầm non, phần vì mình không còn bị những lời quảng cáo "phù phiếm" của nhà trường che mắt nữa :)

- Thời điểm thích hợp cho con đi học

18-24 tháng nếu như con có sức khỏe tốt, ít ốm đau, ăn uống và lịch sinh hoạt ổn. Với các bạn không được điều kiện thể lực tốt như thế, khoảng ngoài 2,5-3 tuổi là ổn.

Đừng nghe mọi người hô hào cho trẻ đi học càng sớm chúng sẽ càng biết nhiều. Với trẻ thể lực kém, hay ốm đau, cho con đi học sớm là một cách "hành hạ" rất tốt mọi thành viên trong gia đình, vì con sẽ ốm đau liên tục và vô cùng mệt mỏi. Quá trình này sẽ kéo dài đến vài tháng, bạn phải chuẩn bị vững tâm lý hẵng cho con đi học với tình trạng như vậy.

Thời gian thích hợp cho con đi học là khoảng tầm tháng 8-9 hàng năm (ở Hà Nội) vì khí hậu thời gian này khá tốt: mát mẻ, không còn quá nắng nóng gay gắt, không sợ bị gió mùa hoặc nồm ẩm.

- Chuẩn bị gì cho trẻ trước khi đi học

Thể lực: tiêm phòng đủ, có thể bổ sung một đợt thuốc tăng sức đề kháng nếu thấy cần thiết.

Nếp sinh hoạt: bé nên ăn ngủ như người lớn với 3 bữa chính, 2-3 bữa phụ trong ngày, ngủ 1 nap buổi trưa, nếu biết bập bẹ tập nói rồi thì lại càng tốt.

Tâm lý: mình thấy chuẩn bị tâm lý cho bố mẹ ông bà trước khi con đi học thì quan trọng hơn là tâm lý bọn trẻ. Trừ những bạn quá nhạy cảm, thường xuyên được nuông chiều và nhõng nhẽo, thì bố mẹ nên lưu tâm. Còn lại phần đa trẻ đều ngạc nhiên - phấn khích - lo sợ - chấp nhận và thoải mái dần với việc đi học.

- Những ngày đầu đưa con đi học

Mình thực hiện 04 nguyên tắc: 

1. Nói với con là sẽ đưa con đi học, không nói đưa đi đâu chơi để lừa phỉnh con.

2. Đến nơi vui vẻ trao con cho cô giáo, và không quên tạm biệt rồi dặn dò học ngoan chiều mẹ đón. 

3. Không nấn ná lại để nhìn ngó con khiến con mất tập trung và càng được thể nhõng nhẽo đòi hỏi.

4. Những ngày đầu có thể đến đón sớm, sớm nhất lớp thì lại càng tốt để trẻ thấy yên tâm bố mẹ vẫn giữ lời hứa. Sau đó đều đặn đến đón đúng giờ quy định. Không nên đến đón trẻ quá muộn.

Vậy thôi. Rất đơn giản và cực kì thoải mái ý. Không giống như hồi mới đưa bạn Xốp đi học, mình chuẩn bị rất kĩ, rồi còn làm 3 bài viết (nay đã gộp lại làm 1) dài dằng dặc chia sẻ về việc chuẩn bị cho con đi học như thế nào... giờ đọc lại thấy có cái đúng, có cái cứng nhắc, nhưng mà thực sự là hồi đấy mình quan trọng hóa nhiều thứ quá (vì mới có 1 con) nên vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn cho bản thân, khiến bản thân mình rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài.

Mà trong nuôi trẻ nhỏ, tâm lý của bố mẹ vô cùng quan trọng. Mình căng thẳng thì con cũng không thoải mái, mọi sự việc xảy ra có khi chỉ ở mức 1 nhưng toàn bị làm quá lên đến mức 5 =]]

Hy vọng các bố mẹ rút kinh nghiệm đừng như mình ngày đấy mà hãy như mình bây giờ. Để cuộc sống nhẹ gánh, và con cái cũng cảm thấy thoải mái hơn :D

Thân,


Không có nhận xét nào