Được tạo bởi Blogger.

Preparing for Pregnancy | Những ngày đầu tiên có bé

Những ngày đầu tiên có con, cảm giác thật ngỡ ngàng, vụng về, lúng túng. Và còn vụng về, lúng túng và lo lắng hơn khi chẳng hiểu tại sao động tí con lại khóc toáng cả lên. Hầu như những ngày đầu, mẹ và những thành viên trong gia đình "phụ trách" trông bé cùng với mẹ sẽ cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi... Tuy nhiên nếu đã có kinh nghiệm "chinh chiến" bạn sẽ thấy thực ra những ngày đầu tiên đó còn vui sướng và nhàn nhã gấp vạn lần những tháng năm tiếp theo đó :)



1. Bé cứ 3 - 4 tiếng lại khóc một lần

Trẻ mới sinh cứ 3 tiếng lại khóc một lần chỉ vì những nguyên nhân sau:

- Bé ị

- Bé tè ướt tã

- Bé đói

Ngoài 3 nguyên nhân đấy ra thì chẳng còn có một nguyên nhân nào khác :D. Tuy nhiên, nếu cứ độ 1-2 tiếng bé lại quấy khóc tức là bé có gì đó khó chịu trong người, cần phải theo dõi. Có thể là bé quá nóng, có thể là bé quá lạnh, có thể là tã dán lệch nên bé tè ướt ra người, có thể là bé ăn chưa no v.v.. Mọi nguyên nhân đều có thể xảy ra.

2. Môi trường - nhiệt độ ổn định khiến bé dễ ngủ hơn và ngoan hơn

Lý tưởng nhất cho trẻ nhũ nhi mới sinh đó là được đặt trong một không gian thông thoáng, nhiệt độ ổn định (27-28 độ C), mặc quần áo không quá chật hoặc không quá dày hoặc không quá mỏng: chỉ cần áo quần dài tay, che thóp (không cần đội mũ khi ngủ vì bé sẽ ra mồ hôi do nóng), bao tay chân và gối chặn là được rồi. Tuyệt đối không bọc bé quá dày hoặc dùng khăn ủ cuốn bé quá chặt. Bạn Xốp những ngày đầu bị cuốn chặt, khó chịu uốn cong người đến đỏ cả mặt để giơ được hai cái tay ra, đến là khôi hài =]]

Tư thế ngủ "tự do muôn năm" của các bé trong những tháng đầu đời =]]

Máy điều hòa hai chiều, máy tạo hơi ẩm và cũi là những thứ nếu có thể nên sắm ngay từ đầu. Đây là những món đồ đắt nhưng có thời gian sử dụng lâu dài.

Đặt bé trong cũi - rèn cho bé ngay từ những ngày đầu: khi nào khóc thì mới có người đến bế, không khóc nữa ngủ lại thì đặt bé xuống nằm. Nếu bé mới ăn xong, nên vỗ cho bé ợ hơi (khoảng 15 phút sau ăn) rồi đặt xuống, bên dưới lót một chiếc khăn xô kê hơi cao hơn đệm một tẹo đế đề phòng trường hợp bé bị trào ngược.

3. Mẹ không bao giờ thiếu sữa, quan trọng là mẹ không biết cho bú mà thôi

Cái này là sai lầm rất lớn của nhiều mẹ và nhiều người lớn tuổi trong gia đình. Mình cũng đã phạm phải sai lầm này trong những ngày đầu tiên có bạn Xốp. 

Cụ thể thì mỗi khi bạn khóc, các bà các dì các cô lại bảo "vạch ti ra cho nó bú", bạn mút mút được độ 5-7 phút, mọi người lại bảo "sữa chưa về rồi, con cứ mút mà chẳng ra cái gì, thôi bỏ ra pha sữa công thức cho nó". Và thế là cái vòng luẩn quẩn: không có sữa, con ăn sữa ngoài, mẹ thì bị tắc tia sữa đau ngực và bị các bà các dì các cô đè ra nắn ngực đến tím cả lên mà vẫn chẳng được giọt nào!

Cơ thể mẹ sẽ tiết sữa ngay khi hạ sinh bé xong. Không mẹ nào là không có sữa cho bé bú, kể cả mẹ ngực to lẫn mẹ ngực lép đều có thể có sữa. Một số nguyên tắc cơ bản mẹ cần phải nhớ:

- Để chu trình tiết sữa được diễn ra sớm hơn, nên để hai mẹ con được tiếp xúc với nhau và cho bé bú càng sớm càng tốt. Phương pháp "da tiếp da" hay còn gọi là "skin to skin" đã được áp dụng tại nhiều bệnh viện tuyến Trung Ương hiện nay để tăng cường khả năng mẹ sớm có sữa cho bé bú. Đối với các bé sinh mổ, thường mẹ phải nằm trong phòng hậu phẫu khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, có thể trao đổi với bác sĩ để được áp dụng phương pháp "skin to skin" ngay tại phòng hậu phẫu, hoặc dặn dò bác sĩ không cho bé bú bình cho đến khi được gặp lại mẹ.

- 72 giờ đầu sau sinh là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để bé có thể nhận được những giọt sữa non đầu tiên - mẹ nên lưu ý điều này

- Cho bé bú đều hai bên, mỗi bên 15-20 phút. 

- Cho bé bú theo nhu cầu, cứ đói thì bú, chán bú lăn ra ngủ thì thôi. Trẻ trong những ngày đầu chỉ cần 1-2 giọt sữa mẹ chứ không cần một bình đầy sữa công thức 30ml!


- Sau khi cho bé bú đều hai bên, sử dụng máy hút sữa để kích sữa về và hút sữa thừa ra, dành chỗ cho nguồn sữa mới về

4. Phân su là gì?!?

Phân su là lớp phần đầu tiên của trẻ - hiện tượng báo hiệu hệ tiêu hóa của bé bắt đầu hoạt động. Phân su sẽ xuất hiện trong 48 giờ sau khi sinh và khoảng 1-1,5 ngày là bé hết phân su để đi phân bình thường (mà dân gian hay gọi là phân "hoa cà hoa cải").

Phân su rất dinh kiểu như keo hoặc... kẹo kéo, bánh dày ý :D, màu đen (có bé thì màu xanh), ra thành khuôn dài và rất khó vệ sinh, rửa mãi mà nó vẫn cứ nhờn nhờn. Đây là lớp phân để bé thải ra những thứ bé vô tình nuốt phải trong bụng mẹ như nước ối, chất nhầy... Hết lớp phân này bé sẽ đi phân như bình thường.

Có nên mua giấy lót phân su không? - Câu trả lời là không! Đại đa số các bé bây giờ đều dùng tã dán và bỉm nên giấy lót phân su là phần thừa thãi không nên mua cho bé.

5. Hiện tượng tiết dịch nhầy ở bé nữ và hiện tượng hẹp bao quy đầu ở bé nam

Cái này rất nhiều mẹ cảm thấy bỡ ngỡ - bản thân mình cũng thấy bỡ ngõ trong những ngày đầu tiên.

Đối với bạn Xốp là con gái, trong khoảng 2 ngày đầu tiên bạn sẽ tiết ra một chất nhầy màu trong, hơi đục đục, không mùi và rất nhớt. Đây là hiện tượng bình thường, chứng tỏ bộ phận sinh dục nữ của bạn phát triển tốt. Chỉ cần vệ sinh sạch sẽ và thấm khô là được. Không có gì quá lo lắng.

Đối với các bé trai, khi mới sinh thì mình không biết, nhưng khi vệ sinh bộ phận sinh dục bé trai, các mẹ nên cầm bao quy đầu của con và ấn nhẹ xuống để các tạp chất bên trong trôi ra. Làm hằng ngày sau khi vệ sinh cho bé, tránh được việc bé bị hẹp bao quy đầu - một hiện tượng rất phổ biến ở bé trai và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.

Mình đã từng đến thăm một cậu em họ mới được 1 tuần tuổi, bà cô ruột mình - một người đầy kinh nghiệm vì có đến hai cậu con trai - đã hướng dẫn chị mình vệ sinh bằng cách ấn nhẹ bao quy đầu của cháu xuống (cái này các cô đến tắm bé không hề làm nhé) và rất nhiều những chất trắng trắng tiết ra chỉ sau khi làm cực kì nhẹ và em bé không hề khóc. Chị mình và mẹ của chị cực kì bất ngờ luôn (vì nhà toàn con gái - cả mình cũng thế).

Trên đây là một số kinh nghiệm để các mẹ "dắt túi" chinh chiến trong 1-2 tuần đầu tiên có bé. Con cái là món quà của tạo hóa, và mỗi bé lại là một cá thể với sự phát triển và tính cách rất riêng. Mong rằng các mẹ sẽ tìm được niềm vui trong giai đoạn làm mẹ lắm cam go và cũng nhiều thách thức trước mắt! :)

Thân,


Không có nhận xét nào