Nhiều mẹ e ngại trong việc tắm cho con, vì thấy con còn bé quá, xương
mềm và tay chân còn yếu nên không biết phải đỡ con tắm như thế nào cho
đúng, tắm trong bao lâu để con không bị cảm lạnh, nước bao nhiêu độ để
không nóng quá mà cũng không lạnh quá v.v..
Nếu gia đình có điều
kiện, trong khoảng 1-2 tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn, bạn nên thuê
người tắm bé đến tận nhà để đảm bảo bé được chăm sóc tốt nhất. Nếu
không? Mẹ vẫn có thể tắm cho con bình thường nhưng phải chú ý vệ sinh
phần cuống rốn của bé một cách nhẹ nhàng với bông y tế và cồn chuyên
dụng- đặc biệt là khi cuống rốn rụng để tránh nhiễm trùng. Làm nhẹ
nhàng, xoay tư trong ra ngoài, theo chiều kim đồng hồ khu vực rốn của
bé. Tuyệt đối không được tự ý đụng chạm để giựt cuống rốn của bé ra,
hoặc vệ sinh rốn cho bé quá mạnh tay. Sau khi làm xong, đeo cho bé băng
rốn để rốn bé được giữ ấm và bảo vệ một cách tốt nhất.
Sau khi bé rụng rốn, mẹ có thể tự tắm cho bé nhưng có một số lưu ý như sau:
* Chuẩn bị:
1. Đồ dùng để tắm cho bé:
-
Chậu tắm: Cần 3 chậu tắm. Một chậu nước to để tắm bé, một chậu nhỡ để
tráng người bé (nếu bé tắm bằng xà phòng, nếu bé tắm bằng nước lá thì
không cần), một chậu nhỏ để rửa mặt. Ngoài ra có thể thêm một chậu đựng
quần áo bẩn cho bé cũng được.
-
Khăn tắm: một khăn lót có mũ chụp ở một góc khăn, một khăn xô lớn hình
vuông đủ để quấn người bé sau khi tắm xong và ba khăn xô nhỏ (một khăn
để gội đầu, một khăn lau khô đầu ngay sau khi gội để chuẩn bị tắm - hai
khăn này sau đó dùng để tắm luôn, một khăn dùng để lau lại đầu sau khi
đã tắm xong hoàn toàn), 1 khăn rửa mặt.
- Xà phòng tắm bé hoặc nước lá đun sôi để nguội pha cùng với nước đạt nhiệt độ thích hợp
- Quần áo mặc cho bé sau khi tắm, bao tay chân, mũ thóp, yếm...
- Bông ngoáy tai
2.
Nước tắm cho bé phải ở nhiệt độ 40 độ C, không nên dùng nước lạnh quá
và lại càng không nên dùng nước nóng quá do da bé còn non. Tốt nhất là
sử dụng nhiệt kế chuyên dụng dùng để đo nhiệt độ nước.
3. Phòng tắm cho bé phải là phòng kín gió, kể cả vào mùa hè.
* Tắm đúng cách cho bé
Bước 1: Gội đầu
-
Đặt bé nằm trên đùi, hai chân được kẹp chặt vào hai bên sườn mẹ, một
tay mẹ đỡ cổ bé, một tay mẹ từ từ nhúng khăn xô xuống nước để gội đầu
cho bé.
- Tay đỡ cổ bé của mẹ đồng thời sử dụng hai ngón tay để kẹp chặt tai bé lại tránh cho nước vào tai bé.
-
Gội nhanh, chủ yếu là xoa nhẹ đầu bé theo chiều kim đồng hồ. Chú ý phần
đằng sau tai và đằng sau gáy là nơi mồ hôi hay tích tụ nên phải vệ sinh
kĩ không bé sẽ ngứa ngáy.
- Lau khô đầu ngay cho bé bằng một khăn xô nhỏ rồi mới tiếp tục tắm.
Bước 2: Tắm
Nhiều
mẹ có quan niệm sai lầm rằng tắm đến đâu thì mới lột đồ ra đến đấy.
Cách làm này không những mất thời gian mà còn khiến cho bé dễ bị lạnh vì
bị mở ra đắp vào chăn quấn nhiều lần - khiến thân nhiệt không ổn định.
Cách tốt nhất là cởi nhanh quần áo của bé ra rồi ngâm người bé vào chậu
nước.
Thời gian bé ngâm mình trong chậu nước không nên nhiều hơn 10 phút. Khoảng 5-6 phút là đạt yêu cầu.
Nhẹ
nhàng xoay người bé, dùng cánh tay và bàn tay thuận đỡ lấy cổ và phần
lưng của bé, xuôi theo một góc tầm 45 độ. Để tránh cho bé bị lạnh khi
tắm, thấm ướt một chiếc khăn xô sau đó đắp lên bụng bé rồi hẵng kì cọ
những khu vực khác. Chú ý đến những nơi như cổ, cằm, bẹn, nách, lưng...
là những nơi bé dễ ra mồ hôi, ngứa ngáy, khó chịu và có thể xuất hiện
ghét.
Sau khi tắm xong lập tức ủ bé vào khăn xô lớn, sau đó mang ra
giường và ủ tiếp bé vào khăn ủ. Từ từ dùng tay mẹ lau người cho bé. Lau
đến đâu mặc quần áo đến đấy. Lau khô các khu vực dễ bị hăm: cổ, nách,
cẳng tay cẳng chân, bẹn, các kẽ ngón tay ngón chân.
* Lưu ý: Sau
khi bé tắm xong, nên cho bé bú ngay và giữ cơ thế bé trong trạng thái
ổn định từ 15-20p sau đó mới từ từ mở các cửa sổ, cửa ra vào cho thông
thoáng phòng.
**********
Đừng
coi việc tắm cho bé là một nghĩa vụ hay một cực hình bởi các bé đều rất
thích nước. Hay tạo sự vui vẻ, ấm áp và tăng tình cảm mẹ con trong lúc
tắm bằng cách hát cho bé nghe, kể chuyện cho bé - nhiều bé khi mới thả
xuống nước thường sợ hãi khóc, nhưng khi nghe thấy tiếng mẹ bên cạnh sẽ
cảm thấy an tâm hơn và chịu nằm yên để mẹ dễ bề "thao tác".
Với
các bé sinh vào mùa hè, nên tạo điều kiện tắm cho bé thường xuyên - tắm
nhiều trẻ cũng sẽ "phỉnh" hơn đấy. Với các bé sinh vào mùa đông, cách
một ngày tắm một lần là hợp lý. Nên chú ý tắm thường xuyên cho bé trong
tháng đầu để sạch các gây trên người.
Khoảng thời gian tắm theo
mùa và theo độ tuổi của trẻ cũng nên có sự thay đổi. Ví dụ như em bé nhà
mình thì trong tháng tắm sáng tầm 10h-11h, đến khi lớn hơn và thời tiết
bước vào hè thì chuyển dần xuống 3-4h chiều (tắm sớm trẻ lại ra nhiều
mồ hôi nên khi ngủ bé không ngon giấc), hiện tại khi bé được 6 tháng và
mẹ bắt đầu đi làm thì đổi giờ tắm sớm lên tầm 1h trưa - tắm xong ăn rồi
đi ngủ một giấc là vừa.
Bé mặc dù còn nhỏ, nhưng cũng giống như
người lớn, và càng lớn thì trẻ càng biết nhận thức rõ ràng hơn về thời
gian. Do đó, để dễ dàng chăm sóc bé hơn, hãy quy định một thời gian biểu
thích hợp với sự phát triển trong từng giai đoạn của bé, trong đó có cả
thời gian tắm cho bé. Lâu dần bé sẽ quen, cứ đến cữ giờ đó là chờ đợi
được mẹ cho đi tắm đấy :)
Chúc các mẹ và các con có khoảng thời gian tắm vui vẻ và ý nghĩa
Thân