Được tạo bởi Blogger.

NHỮNG QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRẺ KHÔNG BAO GIỜ "LỖI THỜI"

Xin chào mọi người!


Tuần mới vui vẻ. Mới sáng đầu tuần đến cơ quan phát hiện ra 3/4 người của đơn vị mình có lịch đi công tác/họp... chỉ còn mỗi mình ở nhà "canh miếu" và chưa bị dồn deadlines, nên là mình lại lên blog viết bài. Tranh thủ lúc rảnh rang, đầu óc minh mẫn, người ngợm thơm tho do ngồi điều hòa mát, tránh xa cái khói bụi oi nóng ngoài kia, bụng thì no căng vì đã có một bữa sáng ngon lành, và đang nhâm nhi cốc nước ép mát lạnh mang từ nhà đi.... tóm lại rất là chill, rất là có cảm hứng, và hứng thú viết một cái gì đó để blog không mốc meo :)




Hôm trước mình mới chia sẻ với mọi người về chuyện học hành của hai bạn nhà mình và một số dự định mùa hè cho các bạn. Có một bạn follower đã gợi ý mình chia sẻ một số địa chỉ học cũng như nơi bán học cụ uy tín theo từng độ tuổi. Thực ra ngồi nghĩ lại, mười năm làm mẹ kinh nghiệm thì cũng có nhiều nhưng con lớn thì mình sẽ dồn mối quan tâm sang các tư liệu phù hợp với độ tuổi của con, nên "kinh nghiệm" nó cũng rơi rụng và quên đi ít nhiều. 


Tuy nhiên, mình sẽ tóm gọn lại một số tư tưởng và phương pháp nói chung trong việc dạy con mà mình thấy ai cũng có thể áp dụng, độ tuổi nào cũng có thể bắt đầu, tương đối đơn giản


1. Khuyến khích trẻ đọc sách


Bạn nào follow mình lâu trên blog và các nền tảng mạng xã hội khác có lẽ không còn quá xa lạ với việc mình thích mua sách cho con và khuyến khích con đọc sách như thế nào. Đặc biệt khi các bạn bắt đầu bước vào độ tuổi thiếu niên, khi có nhiều những "cám dỗ" hấp dẫn hơn những trang sách như Tivi, Truyền hình, Máy tính, Điện tử, Internet...thì việc đọc sách đối với con lại càng nên được khuyến khích.


Mình tìm được một số bức ảnh còn lưu giữ lại trên máy về "góc sách" của hai bạn Xốp Thoáng. Từ ngày mới chỉ có 1 mình bạn Xốp, sau đó có cả em Thoáng và số đầu sách ngày một tăng dần. Giờ sách của hai bạn đã chất đầy ba ngăn trên kệ chứ không còn như ở ảnh cuối nữa :)


Góc sách đầu tiên khi bạn Xốp mới vài tuổi
Lớn hơn một tí, sách nhiều hơn một tí, mẹ phải chuyển vị trí và thêm kệ/giá
Ảnh này là khi đã có em Thoáng, số lượng sách lại tăng lên, còn phải chuyển ra bên ngoài phòng lớn để có giá sách lớn hơn.
Ảnh chụp khoảng thời gian trước Covid. Giờ số lượng sách phải nhiều hơn gấp đôi ở trong ảnh rồi, và kín 3 ngăn luôn!


Đọc sách, theo cá nhân mình là một hoạt động TĨNH nhưng nó cũng là một hoạt động ĐỘNG. TĨNH ở đây là trạng thái khi chúng ta ngồi đọc sách, phải chăm chú, phải dành nhiều thời gian, phải tập trung và chuyên tâm vào trang sách ta đọc. ĐỘNG ở đây là sự hoạt động của mắt, và đặc biệt là sự hoạt động củ não bộ để dung nạp kiến thức trong sách vào.


Một trong những ưu điểm của việc đọc sách mà mình nhận thấy được ở các con đấy là các con biết nói sớm, và vốn từ vựng phát triển rất tốt. Mình tin việc phát triển vốn từ vựng tốt của các con phần vì gia đình chịu khó giao tiếp, nói chuyện với các con từ khi còn nhỏ. Phần vì việc chăm đọc sách đã khiến tư duy và bộ não của các con phát triển về mặt ngôn ngữ. 


Ở độ tuổi bé, các loại sách như sách vải, sách dán, sách gập mở giúp kích thích thị giác và xúc giác của các con... thì đến độ tuổi lớn hơn, sách chữ là thứ bố mẹ nên lựa chọn đầu tư tìm mua cho con để các con phát triển về ngôn ngữ cả văn nói lẫn văn viết. Bạn nào quan tâm có thể lên lại Facebook Page có album về sách và chia sẻ một số đầu sách hay, quan điểm chọn sách của mình cho con ở đây.


2. Gần gũi với thiên nhiên và tìm hiểu về thế giới xung quanh bằng thực tiễn


Thực tế chứng minh rằng những đứa trẻ lớn lên ở thành thị và đặc biệt trong điêu kiện biến đổi khí hậu, ô nhiễm nặng và nhiều tệ nạn như hiện nay, việc để các con "tự khám phá thiên nhiên" là điều vô cùng khó. Nếu chỉ đơn giản là chăm cái cây, con mèo, chú cún... trong khuôn viên gia đình thì thực sự không có gì quá thú vị và hấp dẫn. Trẻ con mau chán, nếu không muốn nói là cực nhanh chán. Chúng có thể hào hứng với một cái gì mới, nhưng sẽ nhanh chóng bị cuốn đi bởi những thú vui mới hơn, sự hấp dẫn của những cái mới hơn ngay giây phút đầu tiên đập vào mắt.


Từ khi con còn bé, thường những chuyến du lịch của gia đình mình phần nhiều là đi nghỉ dưỡng. Mình hay lựa chọn những địa điểm vắng người, ít di chuyển, nếu mà chỉ tham gia các hoạt động thể chất - vui chơi - khám phá trong khuôn viên khu nghỉ dưỡng thì lại càng tốt. Vốn dĩ thời gian di chuyển từ nơi mình ở, đến sân bay, rồi lại từ sân bay về khách sạn đã là một chặng đường dài, hà cớ gì cứ phải tha lôi nhau đi hết chỗ nọ chỗ kia xếp hàng chen chúc để cho con có cái gọi là trải nghiệm?!?


Tương tự như vậy, nếu như muốn con có trải nghiệm, mình cũng ưa thích những chỗ mua vé để giới hạn số lượng người vào, và khuôn viên mở rộng gần gũi với thiên nhiên, để các con có điều kiện trốn ra khói nơi ô nhiễm khói bụi, bốn bức tường với chiếc máy điều hòa cùng TV và máy tính, điện thoại... để đôi mắt của các con được nghỉ ngơi và thực sự được phóng tầm mắt nhìn ngắm những thức mới mẻ, cảm nhận bằng chính thức xúc cảm trong thâm tâm các con.


Các con càng lớn, mình càng có xu hướng muốn các con hướng về nguồn cội. Những chuyến du lịch đến các danh lam thắng cảnh, về quê, thăm di tích lịch sử, bảo tàng... những nơi không quá ồn ào, đông đúc, cần sự tĩnh lặng và nhiều thời gian để trải nghiệm... là những điều mà mình đang hướng tới trong độ tuổi này.

Nhiều người chưa đánh giá đúng vị trí của Kid's Club tại các khu nghỉ dưỡng. Trẻ tới đây không phải để được trông hộ, bố mẹ rảnh rang đi làm việc khác. Trẻ tới để chơi và ở trong một môi trường an toàn, có nhiều hoạt động thú vị (tất nhiên cũng tùy khu).

Chưa có điều kiện đi chơi xa thì có thể đi quanh thành phố để tham quan các Viện Bảo tàng. Đặc biệt các bảo tàng tìm hiểu về lịch sử, địa lý nước nhà là ưu tiên số một của mẹ con mình. Ở Hà Nội có một số Bảo tàng lớn có rất nhiều hiện vật hay bạn nên cùng con đến tìm hiểu: Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long...

Những chuyến du lịch đến nhiều vùng non nước, tham gia vào nhiều trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử là những hoạt động thú vị và cực kì hấp dẫn với trẻ mà nhiều bố mẹ xem nhẹ.

Bạn Xốp trong hành trình khám phá địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị dịp Tết Nguyên đán này. Con nhớ như in trải nghiệm khó quên này và rất khâm phục ý chí chiến đấu của con người thời Kháng chiến.

Dạy trẻ yêu động vật nên dạy bằng thực tiễn. Ví dụ như cho đi cà phê Mèo. Mình cần tìm cà phê Mèo sạch sẽ và ít khách. Bạn nào biết địa chỉ nào giới thiệu nhé, cà phê Mèo ở đâu cũng đông mình sợ quá! :(


3. Tham gia các lớp ngoại khóa cả về nghệ thuật, ngoại ngữ lẫn thể thao


Mình luôn khuyến khích các con tham gia các lớp ngoại khóa từ sớm. Tầm 4-5 tuổi là có thể tham gia các lớp ngoại khóa phù hợp với độ tuổi của mình rồi.


Các con hoàn toàn có quyền lựa chọn môn học ngoại khóa mà con thích. Như bạn Xốp trước đây đã từng học múa ballet, học vẽ, và giờ thì trung thành với học đàn piano. Bạn Thoáng cũng tham gia học võ, học vẽ và học bóng rổ.


Lựa chọn lớp học ngoại khóa theo mình nên xét trên tính cách và mong muốn của con, hơn là mong muốn và kì vọng của bố mẹ. Ví dụ như bạn Xốp là con gái, con thích những thứ nữ tính, vẽ tranh tô màu múa đàn... thì mình lựa những môn phù hợp với sở thích theo từng độ tuổi. Bạn Thoáng con trai thì nghịch ngợm và năng động hơn, mình lựa chọn các bộ môn thể thao thiên về hoạt động là chủ yếu để con được giải tỏa những nguồn năng lượng trong người.


Cả hai bạn nhà mình sẽ học những môn ngoại khóa riêng biệt phù hợp với cá tính và sở thích, nhưng các con luôn học thêm ngoại ngữ và bơi lội (vào mùa hè). Mình tin rằng việc bồi dưỡng một ngôn ngữ thứ hai không thể tự nhiên mà có, mà nó cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản ngay từ đầu. Kế đó, việc học bơi cũng là một trải nghiệm cần có để tự bảo vệ bản thân trong những tình huống nguy hiểm liên quan đến sông nước. Cả hai môn học ngoại khóa này, mình thấy 100 bạn nhỏ thì 101 bạn đều thích tham gia, vì thế cũng không có tí gượng ép nào với các con cả.


Điều quan trọng hơn cả khi các con tham gia các lớp học ngoại khóa bên cạnh việc học được kiến thức mới, trang bị kĩ năng cho bản thân... thì còn có thể gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới cùng trang lứa. Và từ đấy sẽ giúp các con trở nên dạn dĩ, mạnh mẽ, tự tin và độc lập hơn



4. Những công dân nhí hạnh phúc


Nuôi hai bạn nhỏ, đến giờ này một bạn đã tròn 10 tuổi bước sang tuổi 11, một bạn sắp tròn 6 tuổi, mình mới nhận thấy rằng nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục trẻ vẫn chính là  sự quan tâm của cha mẹ


Cha mẹ là người đưa đường chỉ lối, hướng dẫn các con những bước chập chứng đầu tiên để hòa nhập vào với cuộc sống xô bồ, bát nháo ngoài kia. Chính cha mẹ - bằng những kinh nghiệm và trải nghiệm của bản thân, sẽ uốn nắn - chia sẻ - lắng nghe và hướng dẫn trẻ từng bước một để chúng hoàn thiện mình. 


Sự quan tâm đến tính cách, sở thích và những thói quen của trẻ hằng ngày, sẽ giúp cha mẹ định vị và đưa ra được phương án giáo dục, cách thức giáo dục phù hợp. Bởi như rất nhiều bài viết mình đã nói: mỗi đứa trẻ đều là một cá thể riêng biệt, vì thế không sách vở hay chuyên gia nào có thể đọc vị hết được để đưa ra phương án tối ưu nhất cho toàn bộ trẻ. Mọi kiến thức giáo dục cha mẹ đọc và tìm hiểu đều chỉ là tham khảo, có bé dễ tính thì có thể áp dụng hoàn toàn lý thuyết, có bé khó tính hoặc khó chiều thì cha mẹ sẽ phải vất vả tìm phương án phù hợp hơn. Mà thường, các bé trái tính trái nết thì sẽ nhiều hơn bé dễ tính dễ chiều =]]


Sự đồng hành và quan tâm của cha mẹ là yếu tố đầu tiên và tiên quyết để trẻ có sự tự tin và những bước đi đầu tiên vững chãi. Sự đồng hành đó tiếp tục trong những chặng đường phát triển tiếp theo của trẻ đến khi chúng thật sự trưởng thành. 


Mình thích quan điểm: cha mẹ là bạn của con. Quan điểm này càng đúng khi trẻ lớn và bắt đầu bước vào độ tuổi thiếu niên, dậy thì với những thay đổi tâm sinh lý và tính cách trở nên gàn dở, ương bướng... lúc này, việc "làm cha mẹ" thực sự không còn quan trọng bằng "làm bạn với con". Bởi chỉ có đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của trẻ, cách nhìn nhận cuộc sống của trẻ và nhân sinh quan trọng độ tuổi của trẻ, chúng ta mới có thể nắm bắt được tâm lý, gỡ giải được những nút thắt và từng bước tiếp tục ủng hộ, cổ vũ và nắm tay con đi tiếp trong chặng đường trưởng thành.


Làm cha mẹ vô cùng khó. Mỗi một lần sinh ra một em bé, chúng ta lại làm cha mẹ lại từ đầu, lại bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh. Không có một đáp án hay một chuyên gia nào có thể cầm tay chỉ việc cho ta nên làm như thế nào trong việc giáo dục trẻ, chỉ bằng lắng nghe, học hỏi và đồng hành, theo thời gian trái ngọt chắc chắn sẽ gặt hái được.


"1 năm trồng cây, trăm năm trông người" - câu nói này thực sự luôn đúng. Hy vọng một vài chia sẻ nhỏ trong quan điểm giáo dục của mình ở post này sẽ giúp ích cho các bạn đang mông lung trong hành trình làm cha mẹ của mình. 


:)

Không có nhận xét nào