Được tạo bởi Blogger.

9 YEARS OF MARRIAGE | 9 NĂM HÔN NHÂN VÀ 9 BÀI HỌC MÌNH ĐÚC RÚT ĐƯỢC TỪ CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG

Xin chào mọi người,

26/9 này sẽ là kỉ niệm 9 năm kết hôn của hai vợ chồng mình. Sau 9 năm, chuẩn bị bước qua cột mốc 5 năm lần thứ hai, có với nhau 2 mặt con và cũng có thể nói là đã trải qua khá nhiều cung bậc cảm xúc lên xuống trong cuộc sống vợ chồng, mình muốn chia sẻ với mọi người những bài học "xương máu" mà mình đã đúc rút ra trong 9 năm qua. 

Đây là những bài học mang tính "cá nhân" nhiều hơn, vì trải nghiệm hôn nhân của mỗi cặp đôi là hoàn toàn khác nhau, nhưng mình hy vọng những chia sẻ này vẫn sẽ giúp được các bạn trong hành trình chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân, hoặc đang ở trong cuộc sống hôn nhân những ngày đầu tiên và vượt qua nó một cách an toàn nhất :)

1. 5 năm đầu tiên, cãi nhau nhiều nhất. Nhưng mà nó cũng bình thường thôi!

Thường mọi người hay bảo sau khi lấy nhau vợ chồng trẻ sẽ có giai đoạn "trăng mật" trong hôn nhân. Khi đó mới về sống chung một nhà mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm, tràn đầy sự thăng hoa của tình yêu và sự háo hức của đôi bên (hoặc có thể đã sống thử trước, nhưng "sống thử" và "sống thật" trong hôn nhân, cảm giác rất khác nhau đấy nhé!)

Tuy nhiên, giai đoạn "trăng mật" này không nên kéo dài, và thực sự thì nó cũng sẽ chẳng kéo dài lâu. Sớm thôi, những vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ trong cuộc sống vợ chồng sẽ ập đến với cả hai và chúng ta buộc phải đối mặt với nó, nhiều hoặc ít.

Có thể là những mâu thuẫn nho nhỏ không quá quan trọng như thói quen sinh hoạt của cả hai không hợp nhau, thói quen ăn uống cơm nước hằng ngày khác nhau... đến những mâu thuẫn lớn hơn như mẫu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, nhà nội nhà ngoại, mâu thuẫn trong kinh tế chi tiêu trong gia đình... Mâu thuẫn lớn nhất và dai dẳng,  thậm chí là căng thẳng nhất chính là cách nuôi con và sự can thiệp của các thành viên khác trong gia đình về việc nuôi con. 

Ảnh cũ từ blog Wordpress của mình, cũng lâu lắm rồi. Mở blog được 1 năm thì lấy chồng :)

Cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong 5 năm đầu cuộc hôn nhân. Nhưng mình thấy nó không phải là điều quan trọng nhất. 

Cãi vã mà có thể giải quyết vấn đề, để cả hai có thể giải tỏa tâm lý, cảm xúc và xích lại gần nhau hơn, từ đó tìm cách để dung hòa giữa tích cách, thói quen, sở thích, mối quan hệ xã hội của cả hai... để từ đó tìm được tiếng nói chung là một điều vô cùng quan trọng.

Mình nghĩ rằng trong khi cãi vã, tranh luận, có 2 điều thực sự tối kị với hai vợ chồng:

Một, là không đập phá đồ đạc và lao vào giải quyết bằng nắm đấm, vũ lực. 

Hai, là không lôi người thứ ba vào trong cuộc cãi vã. Đây là vấn đề của cả hai, do cách sống hoặc quan điểm của cả hai chưa hiểu nhau, hợp nhau. "Tiên trách kỉ, hậu trách nhân", chẳng có lỗi của bên thứ 3 nào quan trọng hơn lỗi của chính hai người trong cuộc. Kể cả có yếu tố bên ngoài tác động vào, thì giải quyết việc của hai người trước đã, rồi hẵng nghĩ đến bên thứ 3.

Các bạn nên hiểu rằng, cãi vã và tranh luận thực chất cũng là một cách giao tiếp trong hôn nhân. Trong hôn nhân, việc thường xuyên giao tiếp, trao đổi, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với đối phương là điều vô cùng quan trọng. Vì nó sẽ giúp mình nói được những điều mình muốn nói, và lắng nghe những điều mà đối phương muốn mình lắng nghe. Chỉ bằng giao tiếp và lắng nghe một cách chân thành, mọi vấn đề mới được giải quyết dần dần.

2. Nên có kinh tế riêng và quỹ riêng của mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều "Soái ca" xuất hiện. Cao lãnh, ôn nhu với người phụ nữ mình yêu, thành đạt trong công việc và quan trọng nhất là luôn bao bọc người phụ nữ bằng việc đập cả xập tiền vào rồi bảo rằng đừng làm gì cả, hãy để anh nuôi.

DỪNG HÌNH! TỈNH LẠI ĐI CÁC BẠN EIII!

Đấy chỉ là việc có trong truyện tranh, tiểu thuyết ngôn tình và những giấc mơ bong bóng màu hồng của thiếu nữ thôi!

Thật nguy hiểm khi văn hóa đọc và xem hiện nay lại truyền nhiễm vào đầu nữ giới những mơ ước rằng không phải làm gì có người nuôi, sống cuộc sống sung túc vô lo vô nghĩ. Từ đó đào tạo ra rất nhiều "em gái mưa", "con giáp thứ 13" hoặc "sugar baby". 

Người phụ nữ đẹp nhất là khi họ không phụ thuộc vào ai cả. 



Đừng nghe những lời đường mật kiểu "nghỉ ở nhà đi, đi làm vất vả quá anh thương", hoặc "việc gì phải đi làm, cứ ở nhà anh nuôi". Không không không và không nhé! Hãy có một sự nghiệp của riêng mình, một cuộc sống bên ngoài gia đình với các mối quan hệ xã hội của riêng mình. Dù bạn kiếm được ít tiền hơn chồng, dù vị trí xã hội của bạn không cao bằng anh ấy, nhưng bản thân bạn sẽ luôn tự hào vì mình có một cuộc sống riêng, có ngân sách riêng (để chi tiêu cho những sở thích của bản thân), có thu nhập riêng để không bao giờ phải nghe câu "ăn bám" từ mồm của người khác. 

Một khi tự bản thân mình đặt mình vào vị trí bị phụ thuộc trong hôn nhân, tức là bạn đã chấp nhận mình bị đứng thấp hơn một bậc trong đời sống vợ chồng. Mà đời sống vợ chồng không có sự bình đẳng, thì rất khó để có thể cảm thấy thoải mái và chung sống hạnh phúc.

3. Hãy có con khi thực sự sẵn sàng.

Hiện mình có đã có hai bạn. Tuy nhiên, hoàn cảnh mình có hai bạn lại hoàn toàn khác nhau. 

Bạn lớn ra đời khi mình chưa thực sự sẵn sàng làm mẹ. Có thể nói con đúng nghĩa là món quà bất ngờ trời ban, nhưng nó nằm ngoài dự tính của cả hai vợ chồng. Mà nói thẳng ra, là khi cả hai vợ chồng, đặc biệt là mình, chưa thực sự sẵn sàng. 

Bọn mình còn quá trẻ, mới bắt đầu bước vào cuộc sống hôn nhân với nhiều điều bỡ ngỡ. Chính bởi thế, trong 4 năm đầu đời nuôi bạn lớn, mình bị áp lực vô cùng, thậm chí trong 2 năm đầu còn rơi vào tình trạng bị trầm cảm sau sinh. Luôn ở trong tình trạng căng thẳng, ức chế, mệt mỏi và có cái nhìn thù hằn, bực dọc với mọi thứ trong cuộc sống.

Vấn đề nuôi con đầu của bọn mình không chỉ là về tâm lý, mà nó còn cả về kinh tế nữa. Bài toán kinh tế trong nuôi và chăm sóc con nhỏ luôn là một thứ áp lực nặng hơn rất nhiều những áp lực khác mà bạn phải đón nhận. Vì không có kinh nghiệm, lại quá trẻ, tâm lý chưa thực sự vững vàng, nên hành trình nuôi bạn Xốp của mình khốn đốn vô cùng. Nếu như không có sự giúp đỡ của bố mẹ đôi bên, có lẽ vợ chồng mình không thể toàn tâm toàn ý nuôi lớn và tạo cho con điều kiện phát triển tốt nhất trong những năm đầu đời. Thẳng thắn là như vậy!

Vì thế, việc có con khi bạn đã thực sự sẵn sàng về cả thể lực, tâm lý, tài chính là điều vô cùng vô cùng quan trọng!



4. Kế hoạch hóa gia đình là trách nhiệm của hai vợ chồng, nhưng người được quyền quyết định cao nhất là vợ!

Dựa trên kinh nghiệm "xương máu" trong nuôi bạn lớn, khi có bạn thứ hai, bản thân hai vợ chồng mình và đặc biệt là mình luôn ở trong thể chủ động. Chủ động thời điểm có con, chủ động thời điểm phù hợp về điều kiện sức khỏe, kinh tế, tâm lý để thoải mái giao hợp và sẵn sàng đón nhận thành viên mới. Mình thậm chí còn cẩn thận cân nhắc, nên thụ thai vào tháng nào để đẻ con tầm lúc trời mùa hè ấm áp, tiện bề chăm sóc hơn v.v..

Đến khi có bạn thứ hai, và cảm thấy mĩ mãn vì đủ nếp tẻ, mình tiếp tục thẳng thắn chia sẻ với chồng quan điểm "chỉ nên có hai con".

Bản thân chồng mình thực sự không thích dừng lại ở hai con đâu. Anh ý muốn có thêm một em bé nữa. Nhưng chồng mình tôn trọng ý kiến của mình, vì mình là người mang nặng đẻ đau, mình là người tổn hại nhiều về thể xác và tinh thần khi sinh nở nhất, chưa kể con nuôi nấng, chăm bẵm nhiều năm sau đấy nữa. Vì vậy, cả hai vợ chồng thống nhất việc kế hoạch hóa gia đình và phòng tránh thai. Mình chủ động cho chồng biết chu kỳ, những ngày an toàn và không an toàn, anh tôn trọng ý kiến của mình và không bao giờ đi quá giới hạn để lỡ dở nếu như mình không đồng ý.

Mình nghĩ việc quan hệ vợ chồng và có con là việc hoàn toàn bình thường, chúng ta nên thẳng thắn trao đổi và sử dụng các biện pháp hợp lý để phòng tránh thai. Tránh việc có con ngoài ý muốn, khi cả hai, đặc biệt là người vợ/người mẹ cảm thấy không thoải mái. Thời buổi nào rồi mà còn phải e dè ngại ngùng những chuyện như vậy? Chưa kể, sex là một phương thức chữa lành mối quan hệ vợ chồng rất nhanh nữa, nên thẳng thắn và mạnh dạn trao đổi các bạn nhé! :)



5. Đừng nói câu "ly hôn đi" quá dễ dàng

Điều 5 này nên đi sát với điều 1 bên trên, để nhớ và thuộc nằm lòng. Mà mình viết đến số 5 mới nhớ ra nên thôi mình vẫn để là số 5 nhé :)

Trong những giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc sống vợ chồng, trong những tháng ngày mà quan hệ vợ chồng đi vào bế tắc, những cuộc cãi và triền miên và áp lực đè nặng lên tâm lý đôi bên, hẳn cả hai sẽ không ít lần cảm thấy chán chường và muốn ly hôn. 

Câu nói "ly hôn đi" nói ra thì dễ, nhưng thực hiện nó được không lại là một vấn đề khác. Kể cả khi có thực hiện được, thì liệu bạn đã suy nghĩ kĩ chưa hay nó chỉ là một hành động bồng bột lúc nóng giận?

Quan hệ vợ chồng nó không chỉ bằng một tờ giấy chứng nhận của pháp luật, thích thì kí không thích thì bỏ. Nó còn đi kèm với những trách nhiệm, nghĩa vụ với con cái, gia đình đôi bên và bản thân hai vợ chồng nữa. Vì thế, mình không nghĩ rằng chỉ cần nói "ly hôn đi" là có thể kết thúc tất cả một cách nhanh gọn và chóng vánh. Nhưng câu nói "ly hôn đi" lại có độ sát thương rất cao đối với đối phương, và thậm chí trong lúc nóng giận không kiểm soát, câu nói này còn có thể giết chết một cuộc hôn nhân đáng ra vẫn có thể cứu vãn được.

Vì vậy, hãy cân nhắc thật cẩn trọng với câu nói này. Đừng tùy tiện nói ra hoặc nói ra khi chưa suy nghĩ chín chắn. Nếu không, bạn sẽ bị rơi vào 2 trường hợp: một, là nói ra nhưng không làm được - và khiến cho đối phương cảm thấy coi thường bạn, hai là làm được nhưng sau đó sẽ cảm thấy hối hận vì không suy nghĩ kĩ.

Cách nào thì nó cũng là sai cả. Nên hãy cân nhắc thật kĩ.

6. Hãy sống với gia đình nhà chồng để bố mẹ ta cảm thấy yên tâm.

Chúng ta thường nhớ đến bố mẹ và tìm về ngôi nhà xưa khi cảm thấy hoang mang, mệt mỏi hoặc quá áp lực với cuộc sống. Chắc không hiếm các bạn gái khi lấy chồng sẽ có những lúc cảm thấy tủi thân, cô đơn hoặc cảm thấy bí bách đến độ phải xách quần áo về nhà bố mẹ đẻ ở mấy hôm.

Trong suốt quãng đường 9 năm bên nhau, số lần mình bỏ về nhà bố mẹ đẻ chỉ đúng 1 lần.

Một phần bởi cá tính của mình là người không thích phụ thuộc hoặc bị phụ thuộc vào người khác. Mình cũng nhận thấy mình là người có lòng tự trọng cao, đôi lúc thậm chí cứng ngắc, không muốn bộc lộ cảm xúc một cách trực diện để người khác nhìn thấy được tâm tư của mình. Bản thân mình là con đầu trong nhà, vì thế sự tự lập và độc lập lại càng được rèn luyện từ nhỏ, khi bố mẹ còn bận rộn với công việc và em gái. 

Chính bởi vì thế, khi mình đi lấy chồng, mình càng không muốn để bố mẹ phải suy nghĩ hay buồn phiền nhiều thêm. Lần duy nhất mình bỏ về nhà bố mẹ, cũng chỉ diễn ra trong đúng 1 đêm, đến hôm sau mình lại tự động về. Mình không khóc, mình cũng không kể lể gì nhiều với bố mẹ, nhưng mình hiểu cảm nhận của bố mẹ khi nhìn thấy mình về, và bố mẹ dường như cũng hiểu vì sao mình lại về nhà ngủ, dù họ không hỏi han gì mình cả.

Từ lần đấy, mình hiểu rằng mình không nên lấy lý do giận chồng, dỗi chồng, rồi bỏ về nhà bố mẹ ở nữa. Vì ánh mắt bố mẹ nhìn mình, muốn hỏi, muốn quan tâm nhưng lại sợ mình buồn, khiến mình không chịu nổi. 



Cũng từ lần về nhà bố mẹ ngủ đấy, mình suy nghĩ rất nhiều. Mình nhận ra rằng hành động bỏ về nhà bố mẹ, khiến cho không chỉ bố mẹ mình không yên tâm, mà còn khiến cho họ phải suy nghĩ về mình. Dù gì mình cũng lớn rồi, cũng là người đã có gia đình, phải chịu trách nhiệm trước các hành động, phải cân nhắc đúng sai thiệt hơn, cẩn thận xem xét hậu quả sẽ như thế nào, không thể bồng bột thích thì làm không thích thì không làm nữa. Bố mẹ đã cả đời vất vả vì ta rồi, giờ đến tuổi xế chiều phải được nghỉ ngơi, thanh thản, không vướng bận, vì vậy đừng làm bất cứ thứ gì khiến bố mẹ cảm thấy không vui, phải suy nghĩ, phải buồn. 

Do đó, mình học cách sống và làm quen với nhịp sống của gia đình chồng. Cũng may, lối sống của gia đình chồng mình không khác gia đình mình là bao, vì vậy mình thích ứng khá nhanh. Có chăng chỉ là những lần vợ chồng giận dỗi, cãi vã vì những việc vụn vặt trong cuộc sống của hai vợ chồng thôi. Còn những mối quan hệ với các thành viên trong gia đình chồng, mình cố gắng dung hòa nhất có thể, nếu không cảm thấy hài lòng, mình tâm sự với chồng, giải tỏa với chồng. Vậy thôi.

Mình cảm thấy rằng, sống yên ổn trong gia đình nhà chồng, khiến bố mẹ đẻ không phải lo nghĩ về mình nữa, cũng là một cách báo hiếu, để bố mẹ cảm thấy yên tâm.

7. Cuộc sống vô cùng bận rộn, nhưng đừng quên hôn và ôm mỗi ngày.

Người Phương Đông mình nhìn chung hay ngần ngại trong việc thể hiện cảm xúc (mình cũng là một người như vậy). Nhưng trái ngược với việc không thể hiện cảm xúc với người lạ, người ngoài hoặc các bậc tiền bối lớn tuổi trong gia đình, mình lại khá thoải mái trong việc thể hiện cảm xúc với chồng.

Bọn mình lấy nhau đã được gần 9 năm, chuẩn bị bước sang năm thứ 10. Hàng ngày trước khi đi làm, hai vợ chồng đều thơm môi nhau, mỗi buổi chiều hoặc tối khi đi ngủ, bọn mình đều tranh thủ dành cho nhau những cái ôm và tâm sự chuyện trong ngày. Thậm chí, mình nói thật, mình là người vẫn giữ thói quen, 3 hôm 7 bữa mình lại làm nũng chồng.

Mình nghĩ rằng, trong mọi mối quan hệ, không chỉ quan hệ vợ chồng, việc giao tiếp là vô cùng quan trọng. Nhưng trong quan hệ vợ chồng, việc tiếp xúc thân thể hằng ngày cũng càng quan trọng hơn.

Rõ ràng, vợ chồng là những người gần gũi với nhau nhất, đầu gối tay ấp hằng ngày, vì thế, việc thể hiện cảm xúc và tiếp xúc thân mật với nhau hằng ngày là tối quan trọng. Cái này đã được khoa học chứng minh, chứ không phải là nói suông. Chỉ cần một cái năm tay nhẹ, một cái ôm, một cái thơm phớt hoặc hôn sâu, bộ não sẽ tiết ra tín hiệu để cơ thể tiết ra chất gọi là Oxytocin - nhân tố quan trọng giúp con người cảm thấy hạnh phúc, hưng phấn trong đời sống tình cảm.

Vợ hoặc chồng còn được gọi là "bạn đời", ngay cả với người bạn sẽ đi cùng bạn từ bây giờ đến cuối đời, mà bạn còn ngần ngại thể hiện tình cảm, thì ra xã hội sẽ còn lạnh lùng như thế nào. Vì vậy, đừng ngại ngần mà ôm hôn nhau hằng ngày nhé! Thậm chí, bố mẹ có thể ôm hôn tình cảm trước mặt con (miễn là không quá trớn), chúng ta cũng đã từng là con trẻ, hãy nhớ cảm giác hạnh phúc như thế nào khi các bạn chứng kiến bố mẹ mình ôm hôn, vui đùa thoải mái với nhau? :)

8. Bận đến mấy cũng hãy nhớ rửa mặt - dưỡng da - bôi kem chống nắng hoặc tắm qua và thay bộ quần áo sạch mỗi ngày.

Mình thuộc dạng sạch sẽ, lại thích làm đẹp, chăm chút da dẻ, cơ thể hằng ngày. Mình nghĩ đây là việc mà bất kì người phụ nữ nào cũng có thể làm được, chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày thôi cũng được! Một cơ thể sạch sẽ, thơm tho, được chăm sóc cẩn thận sẽ giúp chúng ta có một giấc ngủ ngon, một tinh thần phấn chấn.

Mình hiểu rằng trong cuộc sống hằng ngày, không phải ai cũng có điều kiện để dành thời gian cho bản thân. Nhưng bạn cứ thử nghĩ xem, nếu bản thân chúng ta mà không chăm sóc chính mình, vậy thì người khác sẽ đối xử với chúng ta như thế nào. 

Không nhất thiết phải quần là áo lượt, trang sức hoặc mỹ phẩm đắt tiền. Với mình, chăm sóc bản thân chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ, thay một bộ quần áo đã được giặt sạch phơi khô, bôi những sản phẩm vừa túi tiền lên người và giản tiện tùy theo điều kiện hoàn cảnh của bản thân. Miễn sao mình cảm thấy bản thân tươm tất, không xuề xòa, không úi xùi. Mình chăm sóc bản thân, trước hết là để cho mình trước đã, chứ không cần phải vì ai hay vì cái gì hết cả.
 


9. Đừng nhìn cuộc sống hôn nhân của người khác "khoe" trên mạng xã hội để so sánh với cuộc sống hôn nhân của mình.

Nếu các bạn đã theo dõi mình lâu và để ý sẽ thấy, trong hầu hết các clip trên Youtube, các bài viết trên blog hoặc các bức ảnh trên Insta... rất ít khi mình chia sẻ về đời sống tình cảm vợ chồng

Mình nghĩ rằng, đấy là một vấn đề mang tính cá nhân. Mà đã là cá nhân thì nên giữ lại cho riêng mình mình biết, không phải hô hào, khoe mẽ hay trưng ra để thiên hạ thấy làm gì cả. Càng không nên kể lể hoặc khoe khoang những thứ mang tính cá nhân đấy để kiếm tiền, kinh doanh dựa trên nó.

Trong gần 10 năm viết blog, có lẽ đây là post duy nhất từ trước đến nay mình chia sẻ nhiều về chuyện vợ chồng, và nhắc nhiều về chồng mình đến thế. Đây có lẽ cũng là lần duy nhất và cuối cùng thôi :))

Cuộc sống của chúng ta hiện giờ phụ thuộc vào công nghệ và mạng internet quá nhiều. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhất, riêng tư nhất, khi đưa lên mạng cũng sẽ bị săm soi, phán xét và nhận được ý kiến trái chiều. Và ngược lại, chúng ta khi sử dụng mạng xã hội, cũng tự cho mình cái quyền được bình phẩm, đánh giá về cuộc sống của người khác, được tự do chia sẻ những điều chúng ta muốn chia sẻ, và giấu đi những điều chúng ta không muốn ai biết đến. 

Thế giới trên mạng do đó, thú vị và nhiều kiến thức mới lạ, nhưng cũng không kém phần cạm bẫy và nhiều những sự giả tạo. Đặc biệt, khi nói đến hôn nhân, hạnh phúc gia đình, chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy những thứ hạnh phúc mà bạn bè/người thân/thậm chí là người lạ chia sẻ lên và cảm thấy ngưỡng mộ, tấm tắc hoặc bình phẩm, chê bai. Nhưng vấn đề ở chỗ, cái chúng ta nhìn thấy chỉ là tảng băng nổi, còn phần chìm của tảng băng là bao nhiêu thì chúng ta lại không thể nhìn thấy được.

Thế mới có những câu chuyện kiểu: khi yêu thì thắm thiết biết bao nhiêu, đến khi chia tay thì lôi nhau ra "bóc phốt", đăng đàn tố nọ tố kia.... lúc đấy mọi người mới vỡ lẽ "ồ, hóa ra mọi thứ từ trước đến này đều là ảo, là ảo hết thôi!"

Do đó, trong cuộc sống hôn nhân của chính mình, bản thân bạn là người phải nắm quyền chủ động. Bạn phải hiểu trong mối quan hệ hai vợ chồng, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu, đâu là thứ cần sửa chữa, đâu là thứ cần vun trồng... đừng nhìn vào những gì người khác chia sẻ, để lấy đó làm kim chỉ nam ép mình và người bạn đời phải như thế, hoặc so sánh để thấy mình còn thiếu hụt gì so với người khác trong đời sống tình cảm.

Bạn sống vì bạn, trong cuộc hôn nhân của bạn và chồng/vợ bạn. Đây vốn dĩ là mỗi quan hệ chỉ có 2 người. Vậy thì chỉ cần 2 người biết, 2 người hay, 2 người cùng nhau giải quyết và vun đắp. Không cần phải tìm kiếm sự ủng hộ, bình phẩm, cũng không cần phải khoe khoang hay so sánh với bất kì ai hết cả.

*****

Để kết thúc một bài viết dài dài dài dài mà rất lâu rồi mình mới có nhã hứng viết trên blog, mình chỉ muốn nói với các bạn một điều đơn giản như sau:

9 năm sống bên nhau của bọn mình không thể nói là quá dài, nhưng cũng không thể nói là ngắn. Mình cũng không dám nói rằng trong suốt 9 năm đấy, chỉ toàn có hạnh phúc màu hồng. Như các cụ nói, bát đũa còn có lúc xô, nữa là quan hệ giữa người với người với nhau, lại là người đầu gối tay ấp gần gũi hằng ngày.  Nhưng mình cũng không thể phủ nhận những điều tích cực mà cuộc sống hôn nhân mang lại cho mình: giúp cho mình tự tin hơn, chủ động hơn, trưởng thành và có trách nhiệm hơn. 

Càng lớn, càng sống với nhau nhiều, mình càng nhận ra Tiếng Việt thật ra cực kì phong phú và nhiều tầng lớp ý nghĩa. Ví dụ, ngoài tiếng gọi "vợ/chồng", "bà xã/ông xã", chúng ta còn có thể gọi họ là "bạn đời"

Đó không phải là người bạn xuất hiện ngay ngày đầu tiên khi chúng ta đến thế giới này, nhưng đó là người sẽ cùng chúng ta đi đến cuối cuộc đời (nếu thành công :D). Hạnh phúc là thứ vô cùng khó nắm bắt, có thể hôm nay chúng ta hạnh phúc bên nhau, nhưng cũng có thể sang ngày mai chúng ta vì một điều gì đấy mà phải chia tay. 

Vì vậy, còn sống bên nhau ngày nào, xin hãy trân trọng nhau ngày đấy... Một khi chúng ta biết trân trọng, vun đắp nó hằng ngày, và phải từ hai phía, thì hạnh phúc mặc dầu khó nắm bắt đến mấy cũng có thể nằm gọn gàng và bình yên trong đôi bàn tay chúng ta.

Chúc các bạn hạnh phúc, và luôn được sống từng ngày từng ngày trọn vẹn bên người bạn đời của mình.

Thân,



1 nhận xét

Unknown nói...

Cám ơn chị đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu,khi mà em đang trong ngưỡng 5 năm đầu hôn nhân,vợ chồng em cãi nhau rất nhiều,có viết đơn,có về nhà mẹ đẻ rất nhiều.Sau những lần như thế,dù còn yêu nhưng tâm lý luôn khiến 2 vợ chồng khó gần hơn.Rồi ông bà 2 bên lại can thiệp.Đến bây giờ,dù đã biết cách dung hoà nhau hơn và cũng luôn dành tặng cho đối phương cử chỉ thân mật,nhưng ko hiểu sao em lại chẳng còn thiết tha sinh em bé thứ 2.Em luôn thấy lo sợ 1 ngày,vợ chồng rạn nứt,2 đứa con sẽ khổ hơn 1 đứa.Và áp lực đẻ con trai trong khi đấy em chỉ muốn đẻ 2 con.
Sau khi đọc bài của chị,em nhận ra là do em chưa sẵn sàng mà thôi.Ko phải năm sau,có thể là nhiều năm hơn nữa,khi mọi thứ đơn giản hoá hơn em sẽ sinh con thứ 2.
Yêu chị 🥰