Được tạo bởi Blogger.

UPDATE APARTMENT TOUR // MY KITCHEN ORGANIZATION | Cách sắp xếp căn bếp gia đình

 Xin chào mọi người!

Trong một bài viết đầu năm 2017, mình đã chia sẻ với mọi người quá trình tu sửa, cải tạo và hoàn thiện căn hộ trong mơ của hai vợ chồng mình. Đây là một kế hoạch dài hơi mà cả hai vợ chồng muốn thực hiện từ khi mới cưới đến nay. Và may mắn là bọn mình đã có thể hoàn thiện đúng theo kế hoạch trước khi chào đón thành viên thứ 4 của gia đình! :)

Một trong những hạng mục quan trọng và cần tập trung sửa chữa cũng như phải chi một số tiền chiếm gần nửa chi phí tu sửa căn hộ trong lần này, chính là khu vực bếp.

Căn bếp trước đây có nhiều nhược điểm: thiếu ánh sáng, bí - không thoát mùi, hệ thống hút mùi - bếp gas đã cũ và lỗi thời và không có tác dụng hỗ trợ trong việc làm thông thoáng khu bếp mà thậm chí còn khiến khu bếp trở nên nguy hiểm (dùng bếp gas bây giờ rất dễ xảy ra cháy nổ, mất an toàn); hệ thống giá kệ có màu gỗ tối - thiết kế và bố trí không hợp lý; màu của gạch ốp tường cũng như bàn đá mặt bếp đều là màu tối, không tiện cho việc chùi rửa và làm căn bếp đã tối nay lại càng tối hơn... 

Với những nhược điểm hình thành sau một quá trình sử dụng, và nhu cầu sử dụng của gia đình mình đòi hỏi cần có một căn bếp với hệ kệ tủ nhiều hơn và thông minh hơn, tận dụng được hầu hết không gian sẵn có để có thể cất trữ đồ đạc, cũng như yếu tố an toàn và thẩm mĩ phải đặt lên hàng đầu... chính vì vậy hai vợ chồng đã thảo luận với bên thiết kế và đưa ra một số phương án. Cuối cùng phương án được chọn là thiết kế căn bếp như hiện tại.

Căn bếp trên bản thiết kế nhìn từ hướng phòng khách/sinh hoạt chung
Hiện trạng căn bếp trước khi sửa
Hiện trạng căn bếp thực tế sau khi sửa (hình chụp Tết Đinh Dậu 2017)
Ngày hôm nay, sau khoảng hơn 2 tháng đưa căn bếp vào sử dụng, trải qua một vài lần sắp xếp lại và bố trí sao cho hợp lý... mình rất muốn chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm trong việc sắp xếp, phân khu chức năng trong căn bếp sao cho thật gọn gàng, hợp lý, khoa học. Đây là những kinh nghiệm mình tích lũy được sau khi trải qua việc sử dụng 2 căn bếp của chính mình trong vòng gần 5 năm nay (căn bếp trước khi sửa và sau khi sửa) cũng như những kiến thức mà mình đã thu thập được ở trên mạng để có thể hoàn thiện hơn căn bếp của chính bản thân mình. 

I. Hãy vứt đi những gì cần vứt!

Lời khuyên đầu tiên của mình trước khi các bạn bắt tay vào sắp xếp căn bếp trong mơ là hãy vứt đi những gì cần vứt và nên vứt. Đừng nên tiếc!

Có những chiếc nồi chẳng bao giờ dùng đến, số lượng thớt hoặc dao quá nhiều so với nhu cầu sử dụng khi nấu nướng, hoặc thậm chí bát ăn đã quá cũ và ngả màu.... tất cả những món đồ không cần thiết, nên vứt hoặc cho/đem tặng.


Vì lý do nhà mình thay từ bếp gas sang bếp từ nên mình cực kì vui vẻ đem cho hết các loại nồi inox. Đồng thời, bộ bát đĩa hoa được "sang nhượng" từ mẹ chồng với lạch cạch hết hoa xanh rồi hoa đỏ mình cũng đem về quê cho bà con họ hàng hết để mua một bộ bát đĩa mới của Minh Long màu trắng không hoa hoét tiểu tiết gì hết. Với mình, mâm cơm đẹp là mâm cơm có bát đĩa đồng bộ màu!

Nhìn mâm cơm ngon miệng hơn biết bao nhiêu!!!

II. Phân khu chức năng trong căn bếp

Đầu tiên, các bạn phải xác định, trong bếp có 3 khu vực rất quan trọng: tủ lạnh - chậu rửa - bếp nấu ăn.

Để hiểu rõ thêm về cách phân chia các chức năng trong bếp, mình sẽ giới thiệu cho mọi người một số clip rất hữu ích của IKEA để mỗi người có thể tự định hình xem căn bếp của bản thân nên bố trí sao cho thật hợp lý:




Sau đây là cách mình định hình và xác định khu vực bếp của gia đình mình để phân chia nơi lưu trữ:


1. Khu vực gần tủ lạnh

Tủ lạnh là nơi để cất, lưu trữ đồ ăn tươi dùng trong ngày hoặc trong tuần, đồng thời cũng là nơi lưu trữ đồ ăn thừa trong ngày. Vị trí của tủ lạnh trong căn bếp của gia đình mình, theo thiết kế của chủ đầu tư, không thể di chuyển đi đâu khác mà chỉ có thể ở vị trí 1 như trong hình. 

Vị trí của tủ lạnh nên gần một số nơi để:

- Các loại hộp nhựa/thủy tinh hoặc túi bọc/đựng thực phẩm giúp dễ dàng hơn trong việc cất gọn và lưu trữ đồ sau khi đi chợ hoặc sau mỗi bữa ăn.

- Gần bồn rửa và khu vực vệ sinh để có thể cất đồ ăn hoặc làm vệ sinh đồ ăn sau đó cho luôn vào trong tủ lạnh

Màng bọc thực phẩm, túi đựng thực phẩm sạch... được mình để ở cánh cửa tủ gần với tủ lạnh nhất (trong hình, tủ lạnh ở phía bên trái của ngăn tủ mình chụp) và cánh tủ này cũng ở ngay trên khu vực chậu rửa.
2. Khu vực chậu rửa

Đây là nơi để vệ sinh thức ăn, vệ sinh dụng cụ ăn uống và làm bếp, vệ sinh đồ nấu nướng và vệ sinh khu vực bếp sau mỗi một ngày sử dụng. Vì vậy yêu cầu đầu tiên là phải để các vật dụng vệ sinh ngay gần chậu rửa để có thể dễ dàng lấy và cất gọn đi

Khu vực này cũng là nơi ẩm ướt nhất trong bếp (vì có nước) nên để tránh tình trạng nước rò rỉ hoặc nước bắn vào đồ gỗ, mình lót miếng lót bếp mua của IKEA ở tủ phía dưới bồn rửa.

Các loại bát đĩa, nồi niêu xoong chảo dùng trong ngày, sau khi vệ sinh xong mình không bao giờ cất vào tủ luôn mà luôn để ráo nước rồi mới lau khô cất đi vào buổi sáng hôm sau. Vì các tủ đều làm bằng gỗ và khá kín, vì vậy việc lau đồ khô rồi mới cất đi sẽ giúp giữ tuổi thọ của tủ lâu hơn và tránh mùi ẩm mốc bên trong tủ.

Khu vực chậu rửa với ngăn dưới để dụng cụ vệ sinh nhà bếp và bàn ăn, giá rổ để rửa rau. Phía trên bàn bếp là nơi để giá úp bát đĩa nồi xoong sau khi rửa xong. Hai giá tủ phía trên có cánh lật là nơi mình cất bát đĩa, cốc chén và cánh cửa tủ nhỏ ngay bên cạnh lò vi sóng là nơi mình để thĩa đũa dao thớt dùng trong ngày.
3. Khu vực bếp nấu

Khu vực bếp nấu là trung tâm của căn bếp. Khi nấu nướng mình thích những đồ dùng phải ở ngay gần bên tay.

Bên cạnh cánh cửa tủ nhỏ phía bên trái của lò vi sóng là nơi để dao thớt dùng nấu ăn hằng ngày, cánh cửa tủ phía bên phải mình cũng tận dụng luôn làm nơi cất thớt, chày kích cỡ to và quan trọng nhất là gia vị mắm muối. Khu vực để nồi niêu, xoong chảo cũng ngay gần khu vực bếp để mình tiện với lấy. Phía dưới lò vi sóng có một ngăn kéo nhỏ, đây là nơi mình để các dụng cụ làm bếp ít khi dùng đến nhưng khi cần là có thể lấy được ngay như nạo gọt hoa quả, bào, mở chai, rây lọc v.v..

Căn bếp được chụp vào tầm tháng 1/2017. Như mọi người có thể thấy, ở trên bàn bếp gần khu vực nấu nướng có một giá nhỏ đựng gia vị. Mình chưa thực sự ưng ý với cách sắp xếp này vì nó khiến bàn bếp trông vẫn rất bừa bãi.
Mình đã tìm được giá 3 tầng có bánh xe chiếm diện tích không nhiều trong tủ bếp và rất tiện trong việc để gia vị, mắm muối để "nhét" các loại gia vị khi nấu ăn vào và khiến bàn bếp trở nên rộng rãi hơn!
Ngăn để nồi niêu, xoong chảo vuông góc ngay gần với khu bếp và ngay sát cánh tủ đựng gia vị. Thay vì để nắp và nồi chung với nhau, mình để nồi lên giá xoay vòng, nắp nồi thì mình sử dụng một giá úp vung của IKEA để xếp riêng. Cách này giúp mình đỡ phải lục tìm nồi và nắp và gây tiếng ồn khó chịu khi nấu ăn!
Ngăn phía dưới lò vi sóng là nơi mình để các dụng cụ ít khi dùng đến khi nấu ăn. Để tiện cho việc phân loại, sắp xếp, mình sử dụng khay chia ngăn kéo cũng của IKEA!
Các khu vực khác

Ở trong hình phía trên về sơ đồ căn bếp, mình có đánh số 4 và 5. Đây thực ra là sự sắp xếp dựa trên ý kiến cá nhân của mình cũng như sự thuận tiện của căn bếp mới mang lại cho mình.

Với diện tích các hệ kệ tủ được nhân lên đáng kể, mình dành riêng hai cánh tủ ngoài cùng ở đảo bếp để cất và lưu trữ đồ khô gồm các loại bột làm bánh, các loại gia vị sơ-cua, sữa của con (loại không cần để tủ lạnh) vì khu vực này cũng vừa ngay tầm với của bạn Xốp. 


Một mẹo nhỏ mình học được của rất nhiều các chị organizer-guru trên Youtube đấy là đừng bao giờ giữ lại bao bì của các sản phẩm khô mà nên cất chúng vào các thùng nhựa có nắp đậy kín. Ở đây mình dùng bộ hộp nhựa của IKEA và Lock&Lock để cất các loại gia vị đã xé bao bì, mở nắp ví dụ như các loại bột làm bánh, các loại gia vị chế biến các món ăn đặc biệt v.v..

Cách mình làm  rất đơn giản: trút hết vào từng hộp riêng, viết tên và dán nhãn lên trên hộp nhựa, cắt hạn sử dụng ở bao bì của các loại và dán đồng thời lên hộp tương ứng. Nếu cần, các bạn có thể cắt và dán cả HDSD lên hộp cũng được. Nhờ thế mà mình cất được rất nhiều đồ trong hai ngăn kéo ra kéo vào mà trông vẫn ngăn nắp gọn gàng.



Một mẹo nhỏ nữa của mình trong sắp xếp nhà cửa là các bạn nên có một cái junk-drawer (tạm dịch là ngăn kéo đựng đồ linh tinh) ngay trong căn bếp hoặc ở ngay gần khu vực bếp.


Ngăn kéo này mình đựng đủ thể loại thập cẩm tạp phí lù: kéo cắt, kìm, tuốc-nơ-vít, dao rạch, pin, bút nhớ, băng dính, giấy nhớ, bật lửa v.v.. và sử dụng các loại phân chia ngăn kéo để trông ngăn được gọn gàng, sạch sẽ. Những đồ vật nhỏ này tưởng chừng chẳng quan trọng, nhưng lại là những món đồ nhiều khi không biết cất ở đâu và cất ở vị trí nào để ai trong nhà cũng biết đến và lôi ra dùng khi có nhu cầu. "Junk-drawer" là một trong khái niệm mình đã học được sau khi tự tìm hiểu và thất rất hữu ích!

Clip dưới đây mình quay lại để mọi người có thể dễ dàng hình dung ra cách mình sắp xếp căn bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình và diện tích sẵn có ra sao. Hy vọng giúp ích được cho mọi người!


Độ này mình đang trong giai đoạn #nestinginstinct (tạm gọi là giai đoạn "chuẩn bị lót ổ") nên rất thích đi lòng vòng trong nhà cất cái nọ, xếp cái kia. Cảm giác sau khi đã sắp xếp xong ưng ý thấy vui và an tâm lắm cơ!!!

Sắp tới mình sẽ cố làm thêm clip chia sẻ cách mình sắp xếp phòng cho bạn Xốp (4 tuổi) và sắp xếp đồ cho bạn Kua (sắp sinh), mọi người nếu ai quan tâm nhớ đón xem nhé!

Thân,


Không có nhận xét nào